TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm C

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. (Ga 14, 23-29)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 6 PHỤC SINH

Thứ ba - 20/05/2025 14:22 |   36
“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,5-11)

27/05/2025
Thứ ba tuần 6 phục sinh
Thánh Augustinô, giám mục Cantuariô

t3 t6 PS

Ga 16,5-11


niềm vui của thánh thần
Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.
(Ga 16,5-11)

Suy niệm: Đức Giê-su báo cho các môn đệ về sự ra đi của mình khiến các ông buồn phiền. Nỗi buồn của các ông quá lớn vì các ông không thể biết Thầy đi đâu và ngay cả bây giờ các ông có muốn đi theo Ngài cũng không được (x. Ga 13,36). Thế nhưng việc Chúa ra đi lại là điều cần thiết và lợi ích lớn lao cho các ông vì có như thế “Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ” sẽ được sai đến; và lúc đó nỗi buồn của các ông sẽ trở thành niềm vui mà “không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Mời Bạn: Thánh Thần chính là Thần Khí Thiên Chúa luôn tràn đầy nơi Chúa Ki-tô (x. Lc 4,1.14.18). Như thế, người môn đệ sẽ vui mừng vì có Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn, vì cũng được chính Đức Ki-tô ở với mình “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính vì thế, đã có biết bao nhiêu Ki-tô hữu dù có bị bắt bớ, sỉ nhục, giết hại vì rao giảng Đức Ki-tô vẫn không sợ hãi nhưng luôn vui mừng, can đảm và trung thành làm chứng cho Đấng đã chịu đóng đinh đã chết và phục sinh. Chính các tông đồ luôn “được đầy Chúa Thánh Thần” mà các ngài đã lãnh nhận trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 4,8tt), chứng thực cho ta điều đó: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Bạn đã cảm nghiệm niệm vui của Chúa Thánh Thần và sẵn sàng làm chứng cho Đức Ki-tô chứ?

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng, khi vừa thức dậy, bạn kết nối ngay với Chúa bằng lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ở với con hôm nay.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lửa yêu mến trong lòng con và ban cho con niềm vui của Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 6 phục sinh

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy hân hoan và vui mừng, hãy tôn vinh Thiên Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng của chúng ta đã thống trị – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con được tươi trẻ lại và chan chứa niềm vui, vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 16, 22-34

“Anh hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại.

Ðến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: “Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây”. Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?” Hai ngài đáp: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ”.

Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

Alleluia: Ga 14, 26

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều; và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 16, 5b-11

Nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Ðấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Kitô đã phải chịu khổ hình và từ cõi chết sống lại, và như vậy Người được vinh quang – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA THÁNH THẦN SẼ ĐẾN (Ga 16, 5b-11)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đang lúc buồn sầu, rồi nghĩ đến giây phút Thầy trò chia ly, lại nghe nói đến những sự bách hại  mai ngày, các Tông đồ thêm chán nản. Đức Giê-su thương hại, nhìn các ông và hứa sẽ sai Thánh Thần đến ủng hộ các ông. Vì Đức Giê-su về trời là điều kiện phải có để Thánh Thần đến. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su loan báo về việc Chúa Thánh Thần đến ở với các Tông đồ để an ủi, soi sáng và ban thần lực cho các ông.

2. Về phương diện tự nhiên, “đi là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu). Cuộc ra đi nào ít nhiều cũng thế cả, buồn cho người ở cũng như người đi. Nhưng nếu sự ra đi ấy có ích và nhất là cần thiết thì Đức Giê-su khuyên chúng ta chấp nhận sự ra đi đó. Đàng khác, có sống thì phải có chết, có đoàn tụ có ngày cũng chia ly, đó là qui luật của cuộc sống, chính  Đức Giê-su cũng nếm cảm và kinh qua qui luật đó. Nhưng Chúa chết là để sống lại, ra đi là để đoàn tụ: “Thầy về cùng Cha, “Để Thầy ở đâu các con sẽ ở đó với Thầy”.

Hơn nữa, Ngài còn nói với các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con, vì nếu Thầy không ra đi thì Đấng Bảo Trợ không đến với các con”, Đấng Bảo Trợ Chúa nói đây là Chúa Thành Thần. Chúa Thánh Thần đến soi sáng, trợ giúp và thúc đẩy các Tông đồ minh chứng về Đức Giê-su và tiếp tục sứ mạng của Ngài.

3. Động từ “ra đi” trong bản văn Tin Mừng được nhắc đến nhiều lần, nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau. Trước hết, “ra đi” là đi về cùng Chúa Cha; thứ đến, “ra đi” là không còn ở với các môn đệ một cách thể lý nữa. Có “ra đi” thì có trở về. Thầy Giê-su, sau cuộc Khổ nạn và Phục sinh, sẽ đến với các môn đệ nhưng đó là sự hiện diện mới mẻ, thiêng liêng hơn và cũng thân mật hơn, thâm sâu hơn. Thầy sẽ gửi Thánh Thần đến dạy dỗ các môn đệ, cho các ông biết rằng từ nay Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến, ngự trị nơi tâm hồn con người. Thánh Thần cũng sẽ đến làm chứng về Thầy Giê-su, soi sáng cho các môn đệ hiểu được những lời Thầy mình dạy ngày nào. Rốt cùng, đặt thế gian trước sự lựa chọn hoặc tin vào Đức Giêsu để được cứu rỗi, hoặc cứng lòng ở lì trong tội lỗi (5 phút Lời Chúa).

4. Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm:

– Chúa Thánh Thần đến sẽ làm chứng về Đức Giê-su là Đấng công chính, và như vậy Người cũng chứng thực về tội lỗi của những người từ chối và giết Đức Giê-su.

– Chúa Thánh Thần cũng dùng những dấu lạ để làm chứng về sự công chính của Đức Giê-su: là Đấng đã tử nạn, phục sinh và lên trời.

– Chúa Thánh Thần cũng làm chứng cho sự thật là ma quỉ và tay sai sẽ bị xét xử và luận phạt, vì Thập giá của Đức Giê-su là nguồn ơn cứu độ.

5. Một nguyên tắc triết lý rất cơ bản là “Errare humanum est”, nghĩa là  đã là người thì thế nào cũng có sai lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai lầm ấy.

Trong bài hát về Chúa Thánh Thần, có câu: “Thánh Thần khấn xin Ngài đến, hồn con đang mong chờ Ngài… Ngài ơi, xin Ngài mau đến chiếu sáng tối tăm u mê sai lầm, Ngài ơi xin Ngài mau đến hiển linh Ngài ơi”. Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng  thì mới thấy rõ và đúng những sai lầm của mình.

6. Ngày nay, qua tiếng nói Lương tâm và nơi các dấu chỉ, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và thúc dục mỗi người biết làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, vì còn mang nặng tính tự kiêu, ích kỷ và bảo thủ, nên nhiều khi chúng ta đã bỏ qua tiếng nói của Lương tâm, không đón nhận Chúa Thánh Thần vì lý do sợ Chân lý, sợ Sự thật. Như thế, đôi khi vẫn cứ đi sai đường trệch lối mà không biết, nhưng cũng không thiếu những lúc ta cố tình không chịu biến đổi, dẫu biết điều đó là không đúng, là sai.

Vì thế, việc hồi tâm là điều cần thiết. Bởi lẽ, trong thinh lặng nội tâm, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết được đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu nên tránh.

7. Truyện: Con hiểu làm sao được.

Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú được trông thấy những cảnh vật chúng quanh sao mà đẹp thế. Chú liền nói với mẹ: “Sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp quá”. Bà mẹ bật khóc nói: “Con ạ, mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được”!

Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa (Góp nhặt).

 

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Việc tôn kính thánh Augustin de Cantorbéry chỉ được đưa vào lịch Giáo triều Rôma năm 1882, sau khi tái thành lập hàng Giáo Phẩm Công giáo tại nước Anh (1850). Nhưng tên ngài đã có trong kinh cầu các thánh, sau tên của Grégoire Cả mà ngài cùng chia sẻ tước hiệu vị Tông Đồ của nước Anh.

Người ta không biết gì về cuộc đời của Augustin trước 596, năm người được làm bề trên Đan viện thánh Anđrê ở Coelius, Rôma. Năm 597 Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả phái ngài sang rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Anglo-Saxon tại Anh, dẫn đầu một nhóm khoảng bốn mươi đan sĩ. Dân tộc này gốc Đức, vẫn còn bán khai và ngoại đạo, đã chiếm lĩnh vùng Đông nam hòn đảo Anh quốc, đuổi người Celte đang sinh sống tại đó sang phía tây (xứ Galles, Cornouailles) hay sang vùng Armorique (Bretagne).

Sau khi được thụ phong giám mục, Augustin lập tòa tại Cantorbéry, trong vương quốc Kent, và được vua Ethelbert tiếp đón nồng hậu. Sau khi cưới Berthe là một thiếu nữ theo Kitô giáo và là con gái của Caribert, vua Paris, vua Ethelbert liền gia nhập Kitô giáo, xin được rửa tội cùng lúc với rất đông quần thần của mình.

Từ Cantorbéry, giám mục Augustin hoạt động rộng khắp nước và tổ chức Giáo hội tại nước Anh. Được sự tư vấn và đồng tình của Đức Giáo Hoàng Grégoire, thánh nhân thiết lập các tòa giám mục tại Luân đôn, York, Rochester. Thật thế, sau khi nhóm đan sĩ thứ hai từ Rôma đến, năm 601, ngài nhận dây Pallium cùng tước hiệu Tổng giám mục tiên khởi của nước Anh. Như thế, Cantorbéry trở nên tòa Tổng giám mục. Tuy nhiên, các giáo sĩ Breton ở miền Tây quá buồn phiền vì bị người Saxon xua đuổi khỏi quê hương của mình, nên đã không hợp tác với thánh nhân.

Thánh Augustin qua đời năm 604 hoặc 605. Thi hài của ngài được mai táng tại Cantorbéry, trong thánh đường hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Thánh đường này ngày nay mang tên thánh Augustin.

Thông điệp và tính thời sự

a. Ước mơ lớn lao của Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả là được thấy dân tộc Anglo bán khai và ngoại đạo, được biến đổi thành các “thiên sứ” tức là Kitô hữu, nay đã thành hiện thực nhờ ánh sáng Tin Mừng soi chiếu “trên các dân tộc Anh quốc qua lời giảng dạy của thánh Augustin de Cantorbéry” và các đồng bạn của ngài (lời nguyện).

Mặc dầu không tỏ ra nơi mình một cá tính mạnh mẽ, Augustin de Cantorbéry trung tín hoàn thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và mục tử trong sự hợp tác chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng Grégoire. Giáo Hoàng hằng gửi thư để động viên ngài. Người viết: “Nhờ ơn Thiên Chúa toàn năng tác động và nhờ công lao vất vả của hiền huynh, dân Anh đã được ánh sáng đức tin chiếu soi, sau khi đã xua đổi bóng tối lạc lầm…” Đức Giáo Hoàng còn khuyên ngài nên khiêm tốn: “Hiền huynh phải vui mừng vì những phép lạ bên ngoài lôi cuốn tâm hồn người Anh đến ân sủng bên trong; nhưng hiền huynh phải sợ rằng giữa những phép lạ xảy ra, tâm hồn yếu đuối lấy làm tự phụ mà nâng mình lên.”

b. Trong ngày lễ của thánh Augustin, chúng ta cầu xin “cho những kết quả do công khó của người làm ra, tồn tại mãi trong Hội thánh và sinh hoa trái dồi dào” (lời nguyện).

Quả thật, Cantorbéry cũng gợi lại sự rạn nứt xảy ra ở thế kỷ XVI giữa Giáo hội Anh quốc và Hội thánh. Không quên đi chặng đường đã qua trên con đường đại kết, chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Chúa “thương ban cho mọi người thuộc mọi đất nước và mọi ngôn ngữ một ngày kia được đoàn tụ quanh bàn tiệc thánh trên Nước Trời” (Kinh Tạ Ơn trong Thánh lễ xin ơn Hòa Giải, số 2).

Enzo Lodi

ĐẤNG BẢO TRỢ SẼ ĐẾN
(THỨ BA TUẦN 6 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 6 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta được tươi trẻ lại,chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, xin Chúa cho chúng ta hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban,nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi thực thi thánh ý Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích thư thứ nhất của thánh Gioan nói về: Thực hiện thánh ý Thiên Chúa, biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu và thi hành những điều Người muốn thì tồn tại mãi mãi. Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. Kẻ nào yêu thế gian, thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha.

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi hiệp nhất nên một trong Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Syrilô Alêxanria nói: Đức Kitô là mối dây hợp nhất… Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể. Tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu. Lạy Thiên Chúa, Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo, kẻ cô thân, Ngài ban cho nhà cửa.

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi hết lòng tin tưởng Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 137, vịnh gia kêu xin: Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con. Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy sẽ sai Thần Khí sự thật đến với anh em; Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em. Đức Kitô ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ đến, và Người sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là: Đức Kitô là mối dây hợp nhất, tất cả chúng ta được kết hợp với thân thể Đức Kitô nhờ thông phần Mình Thánh Người, nhờ mầu nhiệm này, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Chúng ta vì đã nhận được cùng một Thần Khí, nên, tất cả chúng ta cũng được hòa nhập với nhau và với Thiên Chúa. Quả thế, dù chúng ta là nhiều cá thể, và dù Đức Kitô có cho Thần Khí của Chúa Cha và của Người ngự trong mỗi chúng ta, nhưng, cũng chỉ có một Thần Khí duy nhất và bất khả phân chia. Thần Khí ấy thu lại thành một: những con người tách biệt, riêng rẽ, và làm cho tất cả kết thành một thực thể duy nhất trong Người. Cũng như, Mình Thánh ngự trong những ai, thì quyền năng của Mình Thánh, làm cho những người ấy, trở nên một thân thể, nên, khi Thần Khí duy nhất và bất khả phân chia của Thiên Chúa, ngự trong mọi người, thì, cũng làm cho mọi người được nên một theo Thần Khí. Vì Thần Khí duy nhất, lưu lại trong chúng ta, nên, Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người sẽ ở trong chúng ta; Người sẽ nhờ Con của Người, mà dẫn đưa mọi loài thông phần Thần Khí, đến chỗ hợp nhất với nhau và với Người. Nếu chúng ta vứt bỏ lối sống theo xác thịt, mà vâng theo luật của Thần Khí, thì, chúng ta đã được biến đổi sang bản tính khác, mà trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa. Bởi đấy, chúng ta không chỉ là người trần gian, mà còn, được gọi là con Thiên Chúa và là người thiên giới nữa, vì chúng ta đã được thông phần bản tính Thiên Chúa. Nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta được tươi trẻ lại,chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, ước gì chúng ta hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban,nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Ước gì được như thế!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây