TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 21/10/2024 14:50 |   287
Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy đi nói với con cáo ấy (Hê-rô-đê) rằng: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất…” (Lc 13,31-35)

31/10/2024
Thứ năm tuần 30 THƯỜNG NIÊN

t5 t30 TN

Lc 13,31-35


“có duyên” với chúa Ki-tô
Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy đi nói với con cáo ấy (Hê-rô-đê) rằng: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa  lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất…” (Lc 13,31-35)

Suy niệm: Người ta thường nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.” Hê-rô-đê cai trị xứ Ga-li-lê-a, thiếu gì quyền lực, muốn gặp Chúa Giê-su, thiết thưởng chẳng khó khăn gì, nhưng ông vẫn “bất tương phùng” với Chúa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quả vậy, Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, còn Ngài lại gọi Hê-rô-đê là “con cáo”: Chiên và cáo có lẽ nào sống chung với nhau được! Con cáo có hang: Hê-rô-đê hưởng thụ phè phỡn nơi lầu son gác tía. Còn Con Chiên Giê-su sống đạm bạc “không nơi gối đầu” (Lc 9,58). Hê-rô-đê tưởng Gio-an Tẩy giả sống dậy và nhập thân nơi Chúa Giê-su nên muốn gặp mặt Ngài (Lc 9,7-8). Phải chăng ông muốn nhổ cỏ tận gốc? Chúa Giê-su lại chẳng xem sao mưu đồ ấy, mà chỉ nhắn cho con cáo ấy rằng Ngài vẫn ung dung hoàn tất sứ mạng của mình. Thế rồi Hê-rô-đê không hẹn mà được diện đối diện với Chúa Ki-tô trong cuộc thương khó của Ngài (x. Lc 23,8-11). Có người gọi như thế là duyên kỳ ngộ. Tiếc thay, một lần nữa Hê-rô-đê lại “vô duyên” với Chúa Ki-tô: ông ta miệt thị chế diễu Chúa, còn Ngài chỉ thinh lặng.

Mời Bạn: Bạn có trở thành “vô duyên” với Đức Ki-tô vì lối sống xa lạ với Lời Ngài hay không? Chỉ khi nào bạn cùng đi con đường thập giá với Chúa Ki-tô, con đường hiền lành, khiêm nhường, nghèo khó và chịu sỉ nhục, lúc đó bạn mới gặp được Ngài, mới “có duyên” với Ngài.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn soi gương tâm hồn (xét mình) để sửa lại những nét “vô duyên” của bạn đối với Chúa Giê-su, Đấng yêu thương bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

Ngày 31: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi với lòng sốt mến, để đời sống chúng con luôn dõi theo Đức Kitô trong các biến cố cuộc đời Người. Xin cho các mục tử biết dấn thân và cổ võ Kinh Mân Côi trong Hội Thánh; Xin cho các thần học gia biết giúp các tín hữu khám phá giá trị của Kinh này, bằng những suy tư khôn ngoan và nghiêm túc, dựa trên nền tảng Thánh Kinh. Xin cho các tu sĩ, qua kinh Mân Côi, biết chiêm ngắm Đức Kitô, mẫu gương và cùng đích của đời thánh hiến. Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh từ người già đến người trẻ, từ người bệnh đến người khỏe biết cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi để phó dâng đời sống và ơn gọi của mình trong tay Mẹ nhân lành. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 31b-39

“Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con Mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? (Như có lời chép rằng: “Vì Chúa mà thâu ngày chúng tôi bị tử hình. Chúng tôi bị coi như con chiên đem đi giết”). Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 108, 21-22. 26-27. 30-31

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 26b).

Xướng: Nhưng phần Ngài, lạy Chúa, xin cùng con hành động vì danh Ngài, xin cứu sống con, bởi lòng Ngài từ bi nhân hậu! Bởi vì tấm thân con đau khổ và cơ hàn, và trong người con tâm can quằn quại! – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin giúp đỡ con, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa! để thiên hạ biết rằng đó là bàn tay của Chúa, và lạy Chúa, họ biết rằng Chúa đã làm những chuyện này. – Ðáp.

Xướng: Con sẽ hết lời ca tụng Chúa, và con sẽ ngợi khen Ngài ở giữa chúng nhân. Vì Ngài đứng bên hữu kẻ cơ hàn, để cứu sống họ khỏi bọn người lên án. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 6, 10-20

“Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa để có thể đứng vững”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).

Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. 

Xướng: Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con, Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ ca mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài. 

Alleluia: x. Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 31-35

“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “Ðây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem”.

“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU BỊ ĐE DỌA GIẾT CHẾT (Lc 13,31-35)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su được mấy người biệt phái cho biết vua Hê-rô-đê muốn giết Ngài và khuyên Ngài nên lánh đi nơi khác. Lời khuyên Ngài trốn đi có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hê-rô-đê là một tên gian hùng, dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên, Đức Giê-su không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc lên Giê-ru-sa-lem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Thiên Chúa mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.

Ngoài ra, Ngài cũng than tiếc cho Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá vì họ không chịu nghe lời rao giảng của Ngài để thống hối. Ngài đã xử với họ như gà mẹ ấp con dưới cánh, nhưng vô ích. Vì lòng chai dạ đá của họ, Thiên Chúa phải dùng bàn tay cứng rắn để sửa trị họ.

2. Qua bài Tin Mừng chúng ta thấy thái độ của Đức Giê-su trước cái chết gần kề. Bình thường cái chết luôn là một đe dọa đối với con người. Lo sợ căng thẳng khi cái chết là một cực hình. Là con người như chúng ta, Đức Giê-su cũng không tránh khỏi những lo âu sợ hãi trước cái chết như Ngài đã cho thấy điều đó trong cơn hấp hối tại vườn Giệt-si-ma-ni. Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tỏ ra bình thản trước vua Hê-rô-đê đang tìm cách sát hại Ngài. Đức Giê-su bình thản đến độ dửng dưng và thách đố, và sở dĩ như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa, thì không gì phải làm Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó (Mỗi ngày một tin vui).

3. Tâm tình của Đức Giê-su trước viễn tượng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy. Đã bao lần, xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa và bây giờ là Ngài, đã cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai họa là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội của họ. Nhưng, xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời các tiên tri cũng như lời Ngài, trái lại, họ còn bách hại và giết chết các tiên tri, cũng như sắp giết chết Ngài. Mặc dầu biết trước như thế, nhưng Đức Giê-su vẫn thanh thản đi tới, không một điều gì có thể làm cho Ngài chùn bước. Vì giờ của Chúa Cha ấn định cho Ngài chưa tới. Có Cha thì Ngài chẳng có gì phải sợ.

4. Dù cho Hê-rô-đê có mưu đồ gì đi nữa, Đức Giê-su vẫn coi thường. Dù sống trong bầu khi đe dọa mạng sống: do những nhà lãnh đạo Do-thái thù oán, và do sự ganh tị của Hê-rô-đê, Đức Giê-su vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài, bằng những công việc trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng. Đức Giê-su nêu gương cho các Ki-tô hữu chúng ta: dù sống trong hoàn cảnh nào: khó khăn hay thuận tiện, chúng ta đều phải ra công làm việc cho phần rỗi của mình và của tha nhân.

5. Những người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay có cảm tình với Đức Giê-su nên khi biết tin Hê-rô-đê muốn bắt Chúa, họ đã trình bày với Chúa và hiến kế giúp Ngài. Thế nhưng, thái độ Đức Giê-su rất cương quyết, Ngài không vì những đe dọa của thế quyền mà làm trì trệ thánh ý Chúa Cha. Ngài đã không để những đau khổ của con người qua đến ngày mai, nên nhiều lần Ngài đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Trên Thập giá, thân xác đau đớn vì đòn roi, nhưng Đức Giê-su vẫn một lòng thực hiện thánh ý yêu thương và tha thứ của Chúa Cha cho tên trộm lành, cho những người đóng đinh Ngài và cho toàn thể nhân loại (5 phút Lời Chúa).

6. Cuộc sống là một ân huệ, nhưng cũng là một sứ mạng. Cũng như Đức Giê-su, con người phải nói lên ý muốn của Đấng đã sai phái họ và làm cho sứ mạng của họ được hoàn tất. Chỉ khác một điều là Đức Giê-su biết lúc nào sứ mạng của Ngài hoàn tất, còn con người thì không. Nhưng dù được gọi bất cứ lúc nào, con người vẫn có thể bình tĩnh, vì biết rằng mình đang lo chu toàn sứ mạng được giao phó. Xin Chúa cho chúng ta biết sống trọn từng giây phút hiện tại, nhờ đó chúng ta có thể an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta.

7. Truyện: Con vẫn tiếp tục chơi.

Một lần kia, thánh Gio-an Bốt-cô hỏi các học sinh của ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì”? Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đa-minh Sa-vi-ô điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục chơi”.

Vâng, đó là thái độ của những con người luôn biết sống theo thánh ý của Thiên Chúa rồi thì không có gì có thể làm cho họ phải sợ và cũng chẳng có gì làm cho họ chùn bước trước những khó khăn trên đời.

BẤT CHẤP ĐE DỌA
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”.

“Cụm từ “tước vũ khí” hay “giải giới” phát xuất từ tiếng Hy Lạp, “Apekoyo”, có nghĩa “cởi bỏ, làm cho bất lực hoàn toàn”. Trên thập giá, Chúa Kitô tước vũ khí Satan, khiến nó bất lực hoàn toàn. Nay, vì danh Chúa, trước những kẻ chống đối, quấy nhiễu và đe doạ, bạn không cần phải sợ hãi, nhưng có thể vượt qua tất cả, bất chấp đe doạ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn không cần phải sợ hãi, nhưng có thể vượt qua tất cả, bất chấp đe doạ!”. Ý tưởng này được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay khi những người biệt phái xem ra lo lắng cho Chúa Giêsu, “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”.

Họ lo lắng cho Chúa Giêsu? Không đâu! Họ lấy uy Hêrôđê để đe doạ Ngài hầu buộc Ngài rời khỏi địa hạt. Chúa Giêsu không nao núng! Trong cuộc sống, chúng ta cũng trải qua điều tương tự. Ai đó đến, kể một số chuyện dưới chiêu bài giúp đỡ, trấn an; đang khi thực tế, đó chỉ là những lời đe doạ tinh vi khiến chúng ta lo lắng, sợ hãi. Hãy xem phản ứng của Chúa Giêsu! Ngài không sợ hãi Hêrôđê, không bận tâm trước ác ý của những kẻ gieo tin; không nhượng bộ, Ngài ‘bất chấp đe doạ’; và như muốn nói với kẻ ác rằng, “Đừng lãng phí thời gian của các bạn nhằm làm cho tôi sợ hãi hay lo lắng. Tôi đang làm công việc của Cha tôi và đó là tất cả những gì tôi phải bận tâm!”.

Vậy điều gì làm bạn phiền lòng trong cuộc sống; điều gì đe dọa bạn? Bạn có cho phép những ý kiến, manh tâm hay những lời đàm tiếu của người khác làm cho mình thất vọng? Như Chúa Giêsu - tựa nương tuyệt đối vào Chúa Cha - điều chúng ta quan tâm là làm theo ý muốn của Chúa Cha. Vì một khi tìm làm theo ý muốn của Chúa Cha và với sức mạnh của Ngài, chúng ta vượt qua tất cả. Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta mọi khôn ngoan và lòng can đảm để chúng ta tiếp tục yêu thương, cùng lúc, quở trách mọi lừa dối và những đe doạ ngớ ngẩn của kẻ ác trong cuộc sống mình.

Hãy tựa nương vào Chúa để được mạnh mẽ, “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ!” - bài đọc một; vì “Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn” - Thánh Vịnh đáp ca - chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để có thể không ngừng yêu thương và tiếp tục yêu thương!

Kính thưa Anh Chị em,

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”. Chúa Giêsu đã đón nhận thông tin đầy ác ý cách thanh thản và bình an. Tại sao? Bởi lẽ, khi xuống thế làm người, Ngài đã tự “cởi bỏ hoàn toàn” và làm cho mình “trở nên bất lực”. Ngài để cho quyền lực thế gian “tước mọi vũ khí”, hầu có thể đến gần, ôm lấy và chữa lành tất cả những ai bị quyền lực thế gian thống trị. Ngài thương xót và tha thứ! Cũng thế, là con cái của Cha trên trời - Đấng bảo bọc chúng ta “như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh” - bạn và tôi không để cho bất cứ thế lực nào đe doạ mình. Tin vào tình thương của Chúa, nương tựa tuyệt đối vào Ngài, chúng ta đón nhận mọi bất ưng cách thanh thản, bình an. Như Chúa Giêsu, chúng ta tiếp tục yêu thương và không ngừng yêu thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Ngài! Cho con không ngừng yêu thương và tiếp tục yêu thương những kẻ làm điều ác cho con!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Năm tuần 30 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây