TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2020

19/04/2021 03:28:06 |   1029

Sứ điệp cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2020 (Chúa Nhật Lễ Lá 05/04)


Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2020, được cử hành vào Ngày Lễ Lá 05/04/2020 ở cấp Giáo phận trên toàn thế giới với chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14). Bản văn được Đức Thánh Cha ký vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, bắt đầu chuỗi 3 sứ điệp dành cho người trẻ trên hành trình từ Đại hội Giới trẻ Thế giới Panama 2019 đến Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2022.

 

 

Nội dung sứ điệp:

“Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14)

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 10 năm 2018, với Thượng Hội đồng Giám mục về chủ đề Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi, Giáo hội đã thực hiện một tiến trình suy tư về hiện trạng của các con trong thế giới ngày nay, về việc các con tìm kiếm một ý nghĩa và một mục đích trong cuộc sống, về mối tương quan của các con với Thiên Chúa. Tháng 1 năm 2019, cha đã gặp hàng trăm ngàn bạn trẻ cùng trang lứa với các con từ khắp nơi trên thế giới, quy tụ tại Panama trong Ngày Giới trẻ Thế giới. Những sự kiện thuộc loại này – Thượng Hội đồng và Ngày Giới trẻ - thể hiện một chiều kích thiết yếu của Giáo hội: “cùng nhau bước đi”.

Trên con đường này, mỗi khi chúng ta đạt đến một cột mốc quan trọng, chúng ta lại được thách thức từ Thiên Chúa và từ chính cuộc sống để làm một khởi đầu mới. Các con, những người trẻ, là những chuyên gia về điều này! Các con thích du ngoạn, khám phá những nơi mới và những con người mà các con chưa từng biết và sống những kinh nghiệm mới. Vì vậy, cha đã chọn thành phố Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha, làm điểm đến cho chuyến hành hương liên lục địa tiếp theo của các con, vào năm 2022. Tại đó, trong những thế kỷ XV và XVI, nhiều người trẻ, trong đó có nhiều nhà truyền giáo, đã lên đường đến những vùng đất vô danh, cũng để chia sẻ kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu với các dân tộc và đất nước khác. Chủ đề của Đại hội Giới Trẻ tại Lisbon sẽ là: “Maria chỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39). Trong hai năm trước, cha đã nghĩ sẽ cùng các con suy tư về hai bản văn Kinh Thánh khác: “Này bạn trẻ, ta bảo con, hãy chỗi dậy” (x. Lk 7,14) cho năm 2020 và “Anh hãy chỗi dậy! Tôi làm cho anh trở thành chứng nhân về điều anh đã thấy” (x. Cv 26,16) cho năm 2021.

Như các con có thể thấy, động từ chung cho cả ba chủ đề là “chỗi dậy”. Diễn tả này cũng mang ý nghĩa của sự đứng lên, thức tỉnh trong cuộc sống. Đây là một động từ xuất hiện thường xuyên trong Tông huấn Christus vivit (Chúa Kitô sống), mà cha dành riêng cho các con sau Thượng hội đồng 2018. Giáo hội trao cho các con Tông huấn, cùng với Tài liệu chung kết, như một ngọn hải đăng để soi sáng những bước đường cuộc sống của các con. Bằng cả tấm lòng, cha hy vọng rằng hành trình sẽ dẫn chúng ta đến Lisbon trùng khớp với sự dấn thân mạnh mẽ trong toàn thể Giáo hội để thực hiện hai tài liệu này, và định hướng sứ mạng của các linh hoạt viên mục vụ giới trẻ.

Bây giờ chúng ta trở lại với chủ đề của chúng ta trong năm nay: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14). Cha đã trích câu này của Tin Mừng trong Tông huấn Christus vivit: “Nếu các con để mất sức sống nội tâm, các giấc mơ, sự hào hứng, tính lạc quan và lòng quảng đại của các con, Chúa Giêsu đang đứng trước mặt các con như ngày xưa Ngài đã từng đứng trước đứa con trai đã chết của một góa phụ, và bằng sức mạnh sự Phục Sinh của Ngài, Ngài thúc giục các con: “Này bạn trẻ, Ta bảo con, hãy chỗi dậy!” (Lc 7:14).

Đoạn văn này cho chúng ta biết Chúa Giêsu, khi vào thành Nain, ở Galilê, tình cờ gặp một đám tang đưa một anh thanh niên đi chôn, anh là con trai duy nhất của một bà mẹ góa. Chúa Giêsu, bị đánh động bởi nỗi đau tột cùng của người phụ nữ này, đã làm một phép lạ làm cho con trai của bà chỗi dậy. Nhưng phép lạ xảy ra sau một chuỗi thái độ và cử chỉ: “Nhìn thấy bà, Chúa động lòng thương và nói với: “Bà đừng khóc nữa!”. Ngài đến gần và chạm vào quan tài, những người khiên dừng lại” (Lc 7,13-14). Chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm về một số cử chỉ và lời nói của Chúa.

Khả năng nhìn thấy nỗi đau và sự chết

Chúa Giêsu nhìn đám tang này một cách cẩn thận và chăm chú. Trong đám đông Ngài nhìn thấy khuôn mặt của một người phụ nữ vô cùng đau khổ. Ánh mắt của Ngài tạo ra sự gặp gỡ, là nguồn của sự sống mới. Không cần nhiều lời.

Và cái nhìn của tôi, nó thế nào? Tôi nhìn bằng ánh mắt chăm chú, hay lướt qua như khi tôi duyệt nhanh qua hàng ngàn bức ảnh trên điện thoại và mạng xã hội? Hôm nay, đã bao nhiêu lần chúng ta là nhân chứng của nhiều sự kiện, nhưng lại chẳng bao giờ trải nghiệm chúng trực tiếp! Đôi khi phản ứng đầu tiên của chúng ta là lấy điện thoại ra chụp hình, mà có lẽ đã bỏ qua ánh mắt nhìn đến những người liên quan.

Xung quanh chúng ta, nhưng đôi khi cũng ở trong chúng ta, chúng ta bắt gặp những thực tại chết chóc: thể chất, tinh thần, tình cảm, xã hội. Chúng ta nhận lấy nó hay đơn giản chúng ta phải chịu hậu quả? Có điều gì chúng ta có thể làm để mang trở lại cuộc sống không?

Cha nghĩ đến nhiều tình huống tiêu cực mà những bạn cùng trang lứa của các con đã sống. Ví dụ, ngày nay có những người lao vào cuộc chơi bất tận, đặt chính cuộc sống của mình vào chỗ nguy hiểm với những kinh nghiệm cực đoan. Những người trẻ khác thì “chết” vì họ mất hy vọng. Cha nghe được từ một cô gái: “Trong số những người bạn của con, con thấy có những người mất đi động lực để nhập cuộc, hay sự can đảm để đứng dậy.” Thật không may, trầm cảm cũng lây lan trong những người trẻ, trong một số trường hợp thậm chí có thể dẫn đến sự cám dỗ tự tử. Có bao nhiêu tình huống trong đó sự thờ ơ ngự trị, trong đó chúng ta bị lạc vào vực thẳm của thống khổ và hối tiếc! Có bao nhiêu người trẻ khóc mà chẳng ai nghe tiếng khóc khẩn thiết của họ! Thay vào đó, họ gặp những ánh mắt thờ ơ, lạnh lùng của những người muốn tận hưởng “tiệc vui” của riêng họ mà không muốn bị làm phiền bởi một ai hay một điều gì khác.

Có những người sống hời hợt, nghĩ rằng họ vẫn sống trong khi bên trong họ đã chết (x. Ap 3,1). Ở tuổi hai mươi, họ có thể đã để cuộc sống mình bị kéo xuống, thay vì nâng mình lên đúng với phẩm giá thực của họ. Tất cả bị giảm xuống còn “cho phép mình sống” khi tìm kiếm sự hài lòng: một chút vui vẻ, một vài sự chú ý và tình cảm của người khác... Ngoài ra còn lan tràn một sự yêu mình kỹ thuật số, ảnh hưởng đến cả người trẻ lẫn người lớn. Nhiều người sống hình thức này! Có lẽ một số người trong số họ đã hít thở bầu khí chủ nghĩa duy vật chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền và ổn định, như thể chúng là mục đích duy nhất của cuộc đời. Về lâu dài, điều này không tránh khỏi việc dẫn đến sự bất hạnh, buồn tẻ, thờ ơ và chán nản cuộc sống, dần dần càng thêm đau khổ.

Thái độ tiêu cực cũng có thể là kết quả của những thất bại cá nhân, khi một điều gì đó thân thương đối với chúng ta, một điều gì đó chúng ta đã cam kết, có vẻ không tiến xa hơn hoặc không đạt được kết quả mong muốn. Điều này có thể xảy ra trong lĩnh vực học đường, hoặc tham vọng thể thao, nghệ thuật... Sự kết thúc “giấc mơ” có thể khiến các con cảm thấy mình chết. Nhưng thất bại là một phần trong cuộc sống của mỗi con người, và thậm chí đôi khi chúng có thể là một ân sủng! Không hiếm khi một điều gì đó chúng ta nghĩ là sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc nhưng hóa ra lại là một ảo ảnh, một thần tượng. Thần tượng lấy mọi thứ của chúng ta, khiến cho chúng ta thành nô lệ, nhưng chúng không trả gì lại cho chúng ta. Và cuối cùng chúng sụp đổ, chỉ còn lại khói và bụi. Theo nghĩa này, thất bại, nếu chúng làm cho thần tượng sụp đổ, thì nó là điều tốt, ngay cả khi chúng làm cho chúng ta đau khổ.

Có nhiều tình huống khác về cái chết thể lý hoặc luân lý mà một người trẻ có thể gặp, như nghiện ngập, tội ác, khốn khổ, bệnh hiểm nghèo... Nhưng cha để các con suy ngẫm cá nhân và tự vấn lương tâm về điều gì đã gây ra “cái chết” nơi các con hoặc nơi một ai đó gần gũi với các con, trong hiện tại hay quá khứ. Đồng thời, hãy nhớ rằng anh thanh niên trong Tin Mừng, người đã thực sự chết, đã sống lại vì anh được nhìn bởi Một Người muốn anh sống. Đây là điều vẫn có thể xảy ra hôm nay và mỗi ngày.

Có lòng thương cảm

Kinh Thánh thường kể kinh nghiệm của người để cho mình được chạm “tận ruột gan” bởi nỗi đau của người khác. Cảm xúc của Chúa Giêsu khiến cho Ngài tham dự vào thực tế của người khác. Ngài nhận vào mình sự khốn khổ của người khác. Nỗi đau của người mẹ kia trở thành nỗi đau của Ngài. Cái chết của người con trai kia trở thành cái chết của Ngài.

Như những người trẻ, trong nhiều dịp, các con tỏ cho thấy rằng các con có khả năng đồng cảm. Chỉ cần xem bao nhiêu người trong các con cho đi cách quảng đại khi những hoàn cảnh đòi hỏi. Không có thảm họa, động đất, lũ lụt nào mà lại không thấy các nhóm tình nguyện viên trẻ sẵn sàng trợ giúp. Sự huy động lớn những người trẻ muốn bảo vệ công trình sáng tạo cũng cho thấy ​​khả năng của các con để nghe tiếng kêu của trái đất.

Các bạn trẻ thân mến, đừng để sự nhạy cảm này bị đánh cắp! Có thể các con luôn nghe thấy tiếng rên rỉ của những người đau khổ; hãy để bản thân mình bị lay động bởi những người khóc và chết trong thế giới ngày nay. “Một số thực tại trong cuộc sống chỉ được nhìn thấy bằng đôi mắt được rửa sạch bằng nước mắt.” (Christus vivit, 76). Nếu các con có thể khóc với những người khóc, các con sẽ thực sự hạnh phúc. Nhiều bạn cùng trang lứa với các con thiếu cơ hội, phải chịu đựng bạo lực và bách hại. Hãy để vết thương của họ trở thành của các con, và các con sẽ là người mang hy vọng vào thế giới này. Các con sẽ có thể nói với anh chị em các con: “Hãy chỗi dậy, bạn không cô đơn”, và giúp cho họ nhận ra rằng Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta và Chúa Giêsu là cánh tay Ngài giang ra để nâng chúng ta lên.

Đến gần và “chạm”

Chúa Giêsu dừng đám tang lại. Ngài đến gần, cho thấy sự gần gũi của Ngài. Đến lượt nó, sự gần gũi đi xa hơn và trở thành một cử chỉ can đảm phục hồi sự sống cho người khác. Một cử chỉ mang tính ngôn sứ. Sự đụng chạm của Chúa Giêsu, Đấng hằng sống, thông truyền sự sống. Chính cái chạm này tuông đổ Thánh Thần vào xác chết của anh thanh niên và mang lại sự sống cho anh.

Cái chạm đó thấm nhập vào thực tế tổn thương và tuyệt vọng. Đó là cái chạm của Thiên Chúa, Đấng cũng trải qua tình yêu đích thực của con người và mở ra những không gian không thể thay thế của tự do, phẩm giá, hy vọng, sự sống mới và tròn đầy. Hiệu quả của cử chỉ này của Chúa Giêsu thì không kể xiết. Nó nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả một dấu chỉ của sự gần gũi, đơn giản nhưng cụ thể, cũng có thể khơi dậy những sức mạnh phục sinh.

Đúng thế, những người trẻ cũng có thể đến gần những thực tại đau khổ và cái chết mà các con gặp. Các con có thể chạm đến chúng và tạo nên sự sống như Chúa Giêsu. Điều này là có thể, nhờ Chúa Thánh Thần, nếu trước hết các con chạm vào tình yêu của Ngài, nếu trái tim các con được làm mềm bởi kinh nghiệm về sự tốt lành của Ngài dành cho các con. Vì vậy, nếu các con cảm được tình yêu vô vàng của Thiên Chúa dành cho mỗi loài thụ tạo, đặc biệt là đối với những anh chị em đói khát, bệnh tật, trần trụi hay ngồi tù của các con, thì các con có thể đến gần họ như Ngài. Các con sẽ có thể chạm đến họ như Ngài và mang sự sống của Ngài cho những người bạn đang chết bên trong, những người đau khổ hoặc mất đức tin và niềm hy vọng.

“Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”

Tin Mừng không nói tên của thiếu niên được Chúa làm cho sống lại ở Naim. Chúa Giêsu nói với bạn, với tôi, với mỗi người chúng ta và Ngài nói: ‘Hãy chỗi dậy’. Chúng ta biết rằng Kitô hữu chúng ta cũng vấp ngã và chúng ta phải luôn luôn trỗi dậy. Chỉ có ai không bước đi thì mới không vấp ngã, nhưng cũng không tiến lên. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đón nhận sự can thiệp của Chúa Kitô và tin tưởng vào Thiên Chúa. Bước đầu tiên là chấp nhận chỗi dậy. Cuộc sống mới mà Ngài ban cho chúng ta sẽ tốt đẹp và đáng sống, bởi vì nó sẽ được trợ giúp bởi Một Ai Đó, Đấng sẽ đồng hành cùng chúng ta trong tương lai mà không bao giờ rời bỏ chúng ta, giúp chúng ta sống cuộc sống của mình một cách xứng đáng và ý nghĩa.

Đó quả thực là một sự tạo dựng mới, một sự sinh ra mới. Đó không phải là một tình trạng tâm lý. Có lẽ, trong những lúc khó khăn, nhiều người trong các con sẽ nghe lặp lại những từ “phép thuật” mà ngày nay trở thành mốt như thể chúng có thể giải quyết mọi thứ: “Bạn hãy tin vào chính mình”, “Bạn phải tìm ra năng lực bên trong bạn”, “Bạn phải ý thức về năng lượng tích cực của bạn”... Nhưng tất cả những lời này chỉ đơn giản là lời nói và đối với những người thực sự “chết bên trong” thì chúng không có tác dụng. Lời của Chúa Kitô thì có một âm hưởng khác, trỗi vượt vô tận. Đó là một lời thần thiên và sáng tạo, mà chỉ lời ấy mới có thể mang lại sự sống nơi nó đã chết.

Sự sống mới được “chỗi dậy”

Tin Mừng kể, người thanh niên “bắt đầu nói” (Lc 7,15). Phản ứng đầu tiên của một người đã được Chúa Kitô chạm đến và phục hồi sự sống là nói và diễn tả một cách không sợ hãi, không ngại ngùng về những gì bên trong, phẩm cách, ước muốn, nhu cầu, ước mơ của mình. Có lẽ trước đây họ chưa bao giờ làm điều đó, tin chắc rằng không ai có thể hiểu mình!

Nó cũng có nghĩa là tham gia vào các mối tương quan với người khác. Khi bạn “chết”, bạn khép mình lại, các mối tương quan dừng lại hoặc trở nên hời hợt, giả dối, đạo đức giả. Khi Chúa Giêsu ban lại cho chúng ta sự sống, Người trả chúng ta lại với người khác (x. câu 15).

Ngày nay thường có “kết nối” nhưng không có giao tiếp. Việc sử dụng các thiết bị điện tử, nếu nó không cân bằng, có thể khiến chúng ta luôn dán mắt vào màn hình. Với sứ điệp này, cha cũng đưa ra cho các con, những người trẻ, những thách thức thay đổi văn hóa, bắt đầu từ việc “Hãy chỗi dậy!” của Chúa Giêsu. Trong một nền văn hóa muốn những người trẻ bị cô lập và đóng mình trong thế giới ảo, chúng ta nói với nhau từ này của Chúa Giêsu: “Hãy chỗi dậy”. Đó là một lời mời mở ra với một thực tại, vượt xa điều ảo. Điều này không có nghĩa là coi thường công nghệ, nhưng sử dụng nó như một phương tiện chứ không phải mục đích. “Chỗi dậy” cũng có nghĩa là “ước mơ”, “chấp nhận rủi ro”, “dấn thân thay đổi thế giới”, khơi dậy những mong muốn của các con, chiêm ngưỡng bầu trời, những vì sao, thế giới xung quanh các con. “Hãy đứng dậy và trở thành chính bạn”. Nếu đây là sứ điệp của chúng ta, những khuôn mặt buồn tẻ và cháng chường của những người trẻ xung quanh chúng ta sẽ sống động và trở nên xinh đẹp hơn bất kỳ thực tế ảo nào.

Bởi vì nếu anh cho đi cuộc sống, thì sẽ có một ai đó đón nhận nó. Có một bạn nữ đã nói: “Bạn đứng dậy khỏi ghế sofa nếu bạn thấy điều gì đó đẹp và cố gắng làm điều gì đó tương tự”. Điều gì đẹp thì khơi dậy đam mê. Và nếu một người trẻ đam mê điều gì, hay đúng hơn là về Ai đó, thì cuối cùng anh cũng sẽ đứng dậy và bắt đầu làm những điều tuyệt vời. Những người trẻ chỗi dậy từ cái chết, thì trở thành chứng nhân của Chúa Kitô và hiến dâng mạng sống cho Ngài.

Các bạn trẻ thân mến, đam mê và ước mơ của các con là gì? Hãy để chúng nổi lên, và qua chúng trao cho thế giới, Giáo hội, cho những người trẻ khác, một điều gì đó đẹp đẽ trong các lĩnh vực thiêng liêng, nghệ thuật và xã hội. Cha nhắc lại với các con bằng tiếng mẹ đẻ của cha: hagan lìo! Làm cho tiếng nói của mình được nghe! Từ một người trẻ khác, cha đã nghe rằng: “Nếu Chúa Giêsu là một người chỉ lo cho riêng mình, thì con trai của bà góa sẽ không được sống lại”.

Sự phục sinh của anh thanh niên đã cho anh đoàn tụ với mẹ. Nơi người mẹ này, chúng ta có thể thấy Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Chúng ta trao phó tất cả những người trẻ trên thế giới cho Mẹ. Ở Mẹ, chúng ta cũng có thể nhận ra Giáo hội, nơi muốn chào đón mọi người trẻ, không loại trừ ai. Do đó, chúng ta hãy cầu nguyện với Mary cho Giáo hội, để Mẹ sẽ luôn là mẹ của những người con đang chết, đang khóc và cầu xin được tái sinh. Nơi mỗi người con của Mẹ chết, Giáo hội cũng chết, và nơi mỗi người con của Mẹ chỗi dậy, Giáo hội cũng chỗi dậy.

Cha chúc lành cho hành trình của các con. Và xin các con đừng quên cầu nguyện cho cha.

Roma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 11 tháng 2 năm 2020,

Ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức
 

Bản dịch: Văn Yên, SJ - Vatican News

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây