WHĐ (30.09.2023) – Hôm 29.09, để đánh dấu Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm lần thứ IV, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi tới Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) một sứ điệp. Dưới đây là nội dung sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NHẬN THỨC VỀ THẤT THOÁT VÀ LÃNG PHÍ THỰC PHẨM
Kính gửi: Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc FAO
Thưa ngài Tổng giám đốc,
Xin cảm ơn ngài đã cho tôi cơ hội phát biểu và gửi lời chào thân ái tới tất cả những ai đang tham gia cuộc gặp gỡ nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế này.
Chính những người nghèo khổ và túng thiếu trên thế giới, những người nhặt từ thùng rác những thực phẩm họ mong có được trong khi người khác phí phạm một cách ngạo mạn, chính họ là những người đang chăm chú theo dõi cuộc họp hôm nay. Và chính những người trẻ đang công khai kêu gọi chúng ta loại bỏ một lần và mãi mãi những tác hại mà tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm gây ra cho con người và hành tinh, đồng thời yêu cầu chúng ta nâng cao nhận thức hơn để những hành vi tai hại và gây tổn thất đó không tái diễn nữa.
Tuy nhiên, đáng tiếc thay, nạn gây thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng đáng báo động và tai hại như thảm kịch nạn đói đang hành hạ nhân loại một cách tàn nhẫn. Tôi đề cập hai bi kịch này với nhau vì tôi cho rằng chúng có cùng một nguyên nhân sâu xa duy nhất đó là: nền văn hóa thống trị đã dẫn đến việc làm biến chất giá trị của thực phẩm, biến lương thực thành một thứ hàng hóa đơn thuần để trao đổi. Thêm vào đó là sự thờ ơ nói chung đối với người nghèo, vốn là điều rất hiển nhiên hiện nay, cũng như sự quan tâm hời hợt dành cho thụ tạo, với những hậu quả tai hại mà điều này gây ra ở khắp mọi nơi. Tất cả những thái độ này, có thể được cho là bắt nguồn từ sự ích kỷ của con người, một đàng khiến nhiều người vứt bỏ những hàng hóa cơ bản một cách vô trách nhiệm và quá mức, đàng khác, người ta không hề phẫn nộ khi thấy vẫn còn nhiều người không có những thứ họ cần để sống. Chính sự ích kỷ này cũng được phản ánh trong logic lợi nhuận hiện nay chi phối các mối tương quan xã hội và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách phi lý và tham lam.
Tất cả chúng ta đều phải hiểu rõ về tính cấp bách của sự thay đổi mô hình triệt để, bởi vì chúng ta không còn có thể giới hạn mình trong việc giải thích thực tế dưới góc độ kinh tế hoặc lợi nhuận vô độ. Thực phẩm có nền tảng tinh thần và việc quản lý lương thực một cách thích hợp bao hàm sự cần thiết phải áp dụng hành vi đạo đức. Khi nói về lương thực, chúng ta phải nhận ra rằng lương thực vượt trội hơn bất kỳ hàng hóa nào khác vì nó đảm bảo việc đáp ứng quyền cơ bản được sống và là nền tảng cho kế sinh nhai xứng đáng của mỗi người. Vì vậy, lương thực phải được đối xử với sự tôn trọng vì tính thánh thiêng của nó, vốn xuất phát từ sự thánh thiêng căn bản của mỗi cá vị, và được nhiều truyền thống, văn hóa, và tôn giáo nhìn nhận.
Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: thực phẩm đảm bảo sự sống và không bao giờ có thể bị coi là vấn đề. Thật vậy, chính sự tồn tại của mỗi người đóng vai trò là mục đích và động lực để chúng ta cải thiện công việc hàng ngày. Do đó, chúng ta không thể tiếp tục cho rằng sự gia tăng dân số thế giới là nguyên nhân khiến trái đất không thể cung cấp đủ lương thực cho tất cả mọi người, bởi vì trên thực tế, lý do thực sự đằng sau sự gia tăng nạn đói trên thế giới là do thiếu ý chí chính trị cụ thể để phân phối lại hàng hóa trên trái đất, để mọi người đều có thể hưởng lợi từ những gì thiên nhiên ban tặng, cũng như sự huỷ hoại lương thực một cách đáng trách vì lợi ích kinh tế.
Lãng phí thực phẩm, một trong những hình thức lãng phí nghiêm trọng nhất, và nó cho thấy sự coi thường một cách ngạo mạn đối với mọi thứ, về mặt xã hội và con người, nằm đằng sau việc sản xuất thực phẩm. Vứt bỏ thực phẩm có nghĩa là không coi trọng sự hy sinh, công sức, chi phí vận chuyển và năng lượng để mang lại thức ăn chất lượng trên bàn ăn. Phí phạm thực phẩm có nghĩa là khinh thường những người hàng ngày làm việc vất vả trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhằm cung cấp lương thực nhưng nó lại bị thất thoát hoặc lãng phí và không hoàn thành được mục đích đáng khen ngợi của nó.
Làm sao để có thể ngăn chặn tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm? Để đạt được mục tiêu cao cả này, cần đầu tư nguồn lực tài chính, đoàn kết ý chí, và chuyển từ những tuyên bố đơn thuần sang những quyết định có tầm nhìn xa và quyết đoán. Nhưng trên hết, điều cần thiết là phải củng cố nơi chúng ta niềm xác tín rằng lãng phí thực phẩm là một sự xúc phạm đến người nghèo. Chính ý thức về sự công bằng đối với những người túng thiếu phải thúc đẩy mỗi người và mọi người thay đổi rõ rệt về não trạng và hành vi. Điều này ngày càng trở nên cấp bách hơn, vì chúng ta phải thừa nhận, và tôi muốn nhấn mạnh rằng, thực phẩm mà chúng ta vứt đi lại là thực phẩm đã bị tước đoạt một cách bất công từ tay những người thiếu ăn; từ những người có quyền có lương thực hàng ngày vì nhân phẩm bất khả xâm phạm của họ. Thánh Phaolô đã nói rất rõ rằng vấn đề không phải là giúp đỡ người khác khỏi khó khăn nhưng đó là vấn đề đồng đều. Sự dư thừa của một số người phải bù đắp cho sự thiếu hụt của những người khác (x. 2 Cr 8, 13-15). Do đó, sự phát triển phải gắn liền với lối sống điều độ. Chúng tạo thành một nhị thức không thể tách rời.
Cũng cần phải khơi dậy trong chúng ta ý thức về việc chúng ta cùng thuộc về một gia đình nhân loại phổ quát. Người đi ngủ với cái bụng đói là anh chị em của chúng ta. Chia sẻ với họ những gì chúng ta có là một mệnh lệnh vừa mang tính công bằng vừa mang tính liên đới huynh đệ phát sinh từ các mối tương quan gia đình.
Khi cầu nguyện xin Thiên Chúa cho gia đình của các Quốc gia một lần nữa trở thành sự thật, đó sẽ là không gian nơi mà sự hòa hợp, quảng đại và yêu thương giữa anh chị em lại một lần nữa chiếm ưu thế, tôi biết ơn sâu xa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc về tất cả các sáng kiến và chương trình đang thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực. Xin Thiên Chúa toàn năng ban tràn ân sủng từ trời cao trên công việc của Tổ chức vì lợi ích của toàn thể nhân loại.
Thành Vatican, ngày 29.09.2023
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (2023. 09. 29)