TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình -2021

19/04/2021 03:47:32 |   2236

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô - lần thứ 54 - 01.01.2021


 

NỀN VĂN HÓA CHĂM SÓC
NHƯ HÀNH TRÌNH DẪN ĐẾN HÒA BÌNH



1. Trước thềm Năm Mới, tôi xin gởi những lời chào trân trọng nhất tới Nguyên thủ các quốc gia, Chính Phủ, các vị có chức trách thuộc các tổ chức quốc tế, các vị lãnh đạo tinh thần, các tín đồ thuộc các tôn giáo bạn và tất cả người nam-nữ thiện chí. Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các bạn với ước mong năm nay có thể dẫn đưa nhân loại thăng tiến trên con đường huynh đệ, công lý và hoà bình giữa mọi người, giữa các cộng đoàn, giữa các dân tộc và các quốc gia với nhau.
 
Năm 2020 được đánh dấu bằng cuộc đại khủng hoảng y tế về Covid-19 và nó đã biến đổi thành một hiện tượng toàn cầu và đa lãnh vực. Cuộc đại khủng hoảng này đang làm cho các cuộc khủng hoảng có quan hệ chặt chẽ với nhau giữa chúng trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, về lương thực, về kinh tế và cuộc khủng hoảng về di dân. Nó cũng đang gây ra nhiều đau khổ và khó khăn trầm trọng. Tôi nghĩ đến trước hết không chỉ những người đã mất một thành viên trong gia đình hoặc một người thân yêu mà còn cả những người thất nghiệp. Một ký ức đặc biệt dành cho các bác sĩ, y tá, dược sĩ, các nhà nghiên cứu, các tình nguyện viên, các cha tuyên úy và nhân viên của các bệnh viện và trung tâm y tế, là những người đã nỗ lực hết sức và vẫn đang tiếp tục làm như vậy, với những gian truân và hy sinh vĩ đại, đến nỗi một số người trong họ đã chết khi cố gắng gần gũi các bệnh nhân và giúp họ thuyên giảm bớt đau khổ hoặc cứu sống họ. Để tri ân những người này, tôi tái kêu gọi các nhà chính trị và khu vực tư nhân sử dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho việc tiếp cận với vắc xin chống Covid-19 và với các công nghệ thiết yếu nhằm hỗ trợ chăm sóc cho các bệnh nhân và cho tất cả những ai nghèo khó và yếu đuối nhất.[1]
 
Thật đau lòng ghi nhận rằng, bên cạnh vô số nhân chứng về lòng bác ái và tình liên đới, thật đáng tiếc chúng ta cũng đã chứng kiến sự gia tăng dưới các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nạn bài ngoại và thậm chí cả những cuộc chiến tranh và xung đột gieo rắc chết chóc và tàn phá.
 
Các sự kiện này và những sự kiện khác đã đánh dấu hành trình nhân loại trong năm qua dạy chúng ta biết về tầm quan trọng của việc chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc thụ tạo, nhằm xây dựng một xã hội đặt nền tảng trên các mối tương quan của tình huynh đệ. Vì vậy, tôi đã chọn chủ đề của thông điệp này: Nền văn hóa chăm sóc như là hành trình dẫn đến hòa bình. Nền văn hóa chăm sóc để xóa bỏ nền văn hóa dửng dưng, nền văn hoá đào thải và đối đầu, mà chúng vốn thường phổ biến ngày nay.
 
2. Thiên Chúa-Đấng Tạo Hóa, nguồn gốc ơn gọi chăm sóc con người
Trong nhiều truyền thống tôn giáo, có những trình thuật kể về nguồn gốc và tương quan của con người với Đấng Tạo Hóa, với thiên nhiên và với đồng loại. Trong Kinh thánh, sách Sáng Thế Ký, ngay từ đầu, đã mạc khải về tầm quan trọng của việc chăm sóc hoặc bảo vệ trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại, qua việc làm nổi bật mối tương quan giữa con người ('adam) và đất ('adamah), và giữa anh em với nhau. Trong trình thuật Kinh thánh về tạo dựng, Thiên Chúa uỷ thác cho Ađam khu vườn “được trồng trong vườn Ê-đen” (x. St 2, 8) với nhiệm vụ “vun trồng và gìn giữ” (x. St 2,15). Điều này có nghĩa, một mặt Ađam phải làm cho đất có khả năng sản xuất và mặt khác ông phải bảo vệ nó và khiến nó giữ được khả năng duy trì sự sống.[2] Các động từ “vun trồng” và “bảo vệ” mô tả tương quan của Ađam với ngôi nhà-khu vườn của mình, và chúng cũng cho thấy niềm tin tưởng mà Thiên Chúa đặt nơi ông, qua việc đặt ông làm chủ và là người bảo vệ toàn thể tạo vật.
 
Sự ra đời của Cain và Abel sản sinh một câu chuyện về anh em mà mối tương quan giữa họ sẽ được Cain giải thích một cách tiêu cực theo nghĩa giám hộ hoặc bảo vệ. Sau khi giết Abel em mình, Cain trả lời câu hỏi của Thiên Chúa: “Con là người giữ em con hay sao?” (St 4,9).[3] Chắc chắn rồi! Cain là “người bảo vệ” em mình. “Trong các trình thuật cổ xưa, giàu tính biểu tượng sâu sắc như thế này, đã chứa đựng một niềm xác tín mà ngày nay người ta cảm nhận được: mọi thứ đều có tương quan liên hệ, và sự chăm sóc đích thực đến chính cuộc sống của chúng ta và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên là không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng tín trung với người khác”.[4]
 
3. Thiên Chúa - Đấng Tạo Hóa, hình mẫu của sự chăm sóc
 
Kinh Thánh trình bày Thiên Chúa, ngoài khuôn mặt Ngài như Đấng Tạo Hóa, còn là Đấng chăm sóc các tạo vật của Ngài, đặc biệt là Ađam, Êva và con cái của họ. Mặc dù Cain bị nguyền rủa do tội ác mà ông gây ra, nhưng chính ông cũng nhận được dấu ấn bảo vệ như ân ban từ Đấng Tạo Hóa, để tính mạng ông được bảo tồn (x. St 4,15). Sự kiện này, trong khi xác nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, cũng cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa nhằm bảo tồn sự hài hoà của tạo dựng, bởi vì “hòa bình và bạo lực không thể chung sống cùng một nhà”.[5]
 
Chăm sóc tạo vật là nền tảng của việc thiết lập ngày Sabat, ngoài việc điều chỉnh việc thờ phượng Thiên Chúa còn nhằm để tái thiết trật tự xã hội và quan tâm đến người nghèo (St 1, 1-3; Lv 25, 4). Việc cử hành năm thánh, chu kỳ năm nghỉ bảy năm một lần, cho phép trái đất, các nô lệ và những người mắc nợ được nghỉ ngơi. Trong năm hồng ân này, người ta dành sự quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, giúp họ có tầm nhìn mới về cuộc sống, để không còn ai trong dân chúng phải túng thiếu nữa (x. Dt 15, 4).
 
Cũng đáng lưu ý đến truyền thống ngôn sứ, nơi đỉnh cao của sự hiểu biết Kinh Thánh về công lý được thể hiện qua cách một cộng đoàn đối xử với những thành viên yếu đuối nhất của mình. Đó là lý do tại sao ngôn sứ Amốt (Am 2, 6-8; 8) và Isaia (58) đặc biệt liên tục lên tiếng ủng hộ công lý cho người nghèo, những người, do tính dễ bị tổn thương và thiếu quyền lực, chỉ được Thiên Chúa, Đấng chăm sóc họ, lắng nghe mà thôi (x. Tv 34, 7; 113, 7-8).

4. Chăm sóc trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu
 
Đỉnh cảo của mạc khải về tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại được nhập thế nơi cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu (Ga 3, 16). Trong hội đường Nazareth, Chúa Giêsu đã tỏ mình như là Đấng được Chúa Cha thánh hiến và “sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18). Những hành động thiên sai này, tiêu biểu cho các năm thánh, tạo nên bằng chứng hùng hồn nhất về sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Bằng tấm lòng từ bi thương xót, Đức Kitô đến gần người bệnh cả về thể xác lẫn tinh thần và chữa lành họ; Người tha thứ cho tội nhân và ban cho họ cuộc sống mới. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành chăn dắt đàn chiên (x. Ga 10, 11-18; Ez 34, 1-31); là Người Samari nhân hậu cúi mình xuống trên người bị thương, chữa lành vết thương và chăm sóc anh ta (x. Lc 10, 30-37).
 
Ở cao trào của sứ vụ, Chúa Giê-su đóng ấn sự chăm sóc chúng ta bằng cách hiến thân mình trên thập giá, nhờ đó Người giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết. Vì vậy, với ân ban mạng sống và hiến lễ đời mình, Người đã mở ra cho chúng ta con đường yêu thương và nói với mỗi người: “Ông hãy theo tôi. Hãy đi và cũng hãy làm như vậy “ (x. Lc 10, 37).
 
5. Văn hóa chăm sóc trong đời sống của những môn đệ của Chúa Giêsu
 
Các công việc thương xót tinh thần và thể xác cấu thành trọng tâm của công việc phục vụ bác ái của Giáo hội tiên khởi. Các Kitô hữu tiên khởi đã thực hành chia sẻ để không ai trong số họ phải thiếu thốn (x. Cv 4, 34-35). Họ đã nổ lực biến cộng đoàn của họ thành một tổ ấm thân thiện, rộng mở với mọi hoàn cảnh con người, sẵn sàng đón nhận những người mong manh yếu đuối nhất. Do đó, việc tình nguyện dâng cúng để nuôi người nghèo, chôn cất kẻ chết, nuôi trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của thảm họa, chẳng hạn người bị đắm tàu, đã trở thành thông lệ. Và trong những thời kỳ sau này, khi mà lòng quảng đại của các kitô hữu mất dần đi sự nhiệt huyết ban đầu, một số Giáo phụ nhấn mạnh rằng của cải trần thế được Thiên Chúa dự định cho con người vì lợi ích chung. Thánh Ambrosio khẳng định rằng “thiên nhiên đã trao ban mọi thứ cho con người để sử dụng chung. [...] Do đó, thiên nhiên đã sinh ra quyền chung cho tất cả mọi người, nhưng lòng tham đã biến nó thành quyền của một số ít người”.[6] Sau khi thoát khỏi các cuộc bắt đạo trong những thế kỷ đầu, Giáo hội đã tận dụng quyền tự do để truyền cảm hứng cho xã hội và nền văn hóa của nó. “Sự cùng cực của các thời đại đòi hỏi những nổ lực mới trong việc phục vụ bác ái kitô giáo. Lịch sử ghi lại vô số công việc thiện. [...] Nhiều tổ chức được thiết lập nhằm xoa dịu nhân loại đang đau khổ: bệnh viện, mái ấm cho người nghèo, trại trẻ mồ côi, nhà tình thương, nhà đón khách đi đường, v.v.”.[7]
 
6. Các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội như là nền tảng của nền văn hóa chăm sóc
 
Diakonia (việc phục vụ) như căn nguyên của Giáo Hội, trở nên phong phú nhờ các suy tư của các Giáo phụ và được làm sống động qua nhiều thế kỷ nhờ lòng bác ái hữu hiệu của rất nhiều nhân chứng đức tin rạng ngời, đã trở thành linh hồn sống của học thuyết xã hội của Giáo hội, nhờ việc dâng hiến cho tất cả những người thiện chí như một di sản quý giá về các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ dẫn, mà từ đó rút ra “văn phạm” về sự chăm sóc: cổ võ phẩm giá con người, tính liên đới với người nghèo và người không có khả năng tự vệ, mối quan tâm đến lợi ích chung và việc bảo vệ thụ tạo.
 
* Chăm sóc như cổ võ phẩm giá và quyền của con người
 
“Khái niệm về nhân vị, được sinh ra và trưởng thành trong Kitô giáo, giúp theo đuổi sự phát triển toàn diện của con người. Bởi vì nhân vị luôn ám chỉ đến mối tương quan chứ không phải chủ nghĩa cá nhân, khẳng định sự hòa nhập chứ không sự loại trừ, nói đến phẩm giá duy nhất, bất khả xâm phạm và không bị tước đoạt”.[8] Mỗi con người là một cứu cánh trong chính mình, không bao giờ đơn giản là một phương tiện chỉ được đánh giá cao vì tính hữu dụng của nó, và được tạo ra để chung sống trong gia đình, cộng đồng, xã hội, nơi mọi thành viên đều bình đẳng về phẩm giá. Chính từ phẩm giá này mà các nhân quyền và các bổn phận phát sinh, chẳng hạn như trách nhiệm đón tiếp và giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, mỗi “láng giềng, dù xa hay gần trong thời gian và không gian” của chúng ta”.[9]
 
* Chăm sóc đến lợi ích chung
 
Mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế chỉ tìm thấy sự hoàn thiện của mình khi nó phục vụ lợi ích chung, nghĩa là “tập hợp các điều kiện của đời sống xã hội cho phép cả tập thể lẫn cá nhân thành viên đạt đến sự hoàn thiện riêng một cách trọn vẹn hơn và dễ dàng hơn”.[10] Vì vậy, các kế hoạch và nỗ lực của chúng ta luôn phải tính đến những ảnh hưởng đến toàn thể gia đình nhân loại, qua việc cân nhắc hậu quả cho thời điểm hiện tại và cho các thế hệ tương lai. Điều này thật đúng và thực tế như đại dịch Covid-19 minh chứng: đứng trước đại dịch “chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng nhận ra điều quan trọng và cần thiết là tất cả chúng ta được mời gọi cùng chèo thuyền”,[11] bởi vì “không ai tự mình cứu lấy mình”[12] và không một quốc gia dân tộc biệt lập nào có thể đảm bảo lợi ích chung cho chính dân tộc mình.[13]
 
* Chăm sóc nhờ tình liên đới với nhau
 
Tình liên đới biểu đạt cách cụ thể tình yêu đối với tha nhân. Nó không phải là một cảm giác mơ hồ mà là “một quyết tâm kiên định và bền bỉ dấn thân vì lợi ích chung: nghĩa là vì lợi ích của tất cả và của mỗi người bởi vì tất cả chúng ta thực sự có trách nhiệm với tất cả mọi người”.[14] Tình liên đới giúp chúng ta nhìn thấy tha nhân - cả với tư cách là một nhân vị và theo nghĩa rộng như là một dân tộc hay một quốc gia - không phải là một con số thống kê, hay một phương tiện để khai thác và sau đó bị loại bỏ khi không còn hữu ích, mà là người thân cận, bạn đồng hành đi đường của chúng ta, được kêu gọi tham gia, giống như chúng ta, vào bữa tiệc sự sống mà tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi như nhau.
 
* Chăm sóc và bảo vệ thụ tạo
 
Thông điệp Laudato si’ hoàn toàn thừa nhận sự liên kết nối của tất cả thực tại thụ tạo và nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của tạo vật cùng một lúc. Sự chăm sóc hiệu quả cho trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta và cho người nghèo có thể sinh ra từ sự lắng nghe chú ý và liên tục này. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng “cảm nghiệm về sự kết hợp mật thiết với các sinh vật khác trong tự nhiên không thể là đích thực nếu như đồng thời trong tâm khảm con người không có sự trìu mến, lòng từ bi và sự quan tâm đến con người”.[15] “Hòa bình, công lý và bảo vệ thụ tạo là ba vấn đề hoàn toàn liên kết với nhau, không thể tách rời nhau để đối xử riêng lẻ, nếu không chúng ta lại rơi vào chủ nghĩa giản lược”.[16]
 
7. “La bàn” cho một hành trình chung
 
Trong đời đại bị chi phối bởi nền văn hóa đào thải, khi đối diện với tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trong nội bộ và giữa các quốc gia với nhau,[17] tôi muốn mời các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và của các Chính Phủ, của thế giới kinh tế và thế giới khoa học, của truyền thông xã hội và các tổ chức giáo dục nắm lấy trên tay chiếc ‘la bàn’ này về các nguyên tắc đã nêu trên, nhằm đưa ra một lộ trình chung cho quá trình toàn cầu hóa, “một lộ trình thực sự nhân bản”.[18] Thực vậy, lộ trình này cho phép chúng ta đánh giá cao giá trị và phẩm giá của mỗi người, cho phép cùng nhau hành động và liên đới với nhau vì lợi ích chung, nhằm xoa dịu những ai đang phải chịu cảnh nghèo đói, bệnh tật, nô lệ, phân biệt đối xử và xung đột. Thông qua chiếc la bàn này, tôi khuyến khích mọi người trở thành những ngôn sứ và nhân chứng của văn hóa chăm sóc để lấp đầy những bất bình đẳng xã hội. Và điều này sẽ thực hiện được chỉ khi có sự tham gia mạnh mẽ và rộng rãi của phụ nữ trong gia đình và trong mọi lĩnh vực xã hội, chính trị và thể chế.
 
La bàn các nguyên tắc xã hội, rất cần thiết để cổ võ văn hóa chăm sóc, cũng là chỉ dẫn cho các mối quan hệ giữa các quốc gia, cần được khơi dậy từ tình huynh đệ, từ sự tôn trọng lẫn nhau, từ tình liên đới và việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Về vấn đề này, cần phải tái khẳng định việc bảo vệ và cổ võ các quyền cơ bản của con người, là những quyền không thể chuyển nhượng, phổ quát và không thể phân chia.[19]
 
Sự tôn trọng đối với luật nhân đạo cũng phải được đề cập, đặc biệt là trong giai đoạn này khi các cuộc xung đột và chiến tranh xảy ra nối tiếp nhau mà không bị gián đoạn. Thật đáng tiếc, nhiều khu vực và cộng đồng đã không còn nhớ một thời họ đã từng được sống trong hoà bình và an ninh. Nhiều thành phố đã trở thành tâm chấn của sự bất an: cư dân của họ phải vật lộn để duy trì nhịp sống thường ngày, bởi vì họ phải đối mặt với các cuộc tấn công và ném bom bừa bãi bằng chất nổ, đại pháo và vũ khí hạng nhẹ. Trẻ em không thể học tập. Đàn ông và phụ nữ không thể làm việc để hỗ trợ gia đình họ. Nạn đói phát sinh ở những nơi mà trước đấy nó chưa được biết đến. Mọi người buộc phải chạy trốn, bỏ lại đằng sau không chỉ nhà cửa mà còn cả lịch sử gia đinh và cuội nguồn văn hoá của họ.
 
Những cuộc xung đột như vậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng kết quả luôn giống nhau: sự tàn phá và khủng hoảng nhân đạo. Chúng ta cần dừng lại và tự vấn chính mình: điều gì đã khiến cho các cuộc xung đột trên thế giới trở nên bình thường? Và trên hết, làm thế nào để hoán cải tâm hồn và thay đổi não trạng của chúng ta để chúng ta thực sự tìm kiếm hòa bình trong tình liên đới và huynh đệ?
 
Bao nhiêu nguồn lực được chi cho vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân,[20] có thể được sử dụng cho các ưu tiên quan trọng hơn nhằm đảm bảo an toàn cho các cá nhân, cổ võ hoà bình và phát triển toàn diện con người, cuộc chiến chống đói nghèo, sự đảm bảo về nhu cầu y tế. Mặt khác, các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19 hiện nay và biến đổi khí hậu chỉ làm cho các vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Quả là một quyết định dũng cảm khi “thành lập ‘Quỹ Thế giới’ bằng số tiền được sử dụng cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác nhằm xóa bỏ dứt điểm nạn đói và đóng góp vào sự phát triển của các quốc gia nghèo nhất”.[21]
 
8. Giáo dục hướng đến nền văn hóa chăm sóc
 
Việc cổ võ nền văn hóa chăm sóc đòi hỏi một quá trình giáo dục và nhắm đến mục đích này la bàn các nguyên tắc xã hội cấu thành một công cụ đáng tin cậy cho các bối cảnh khác nhau có liên quan giữa chúng. Tôi muốn đưa ra một số ví dụ về vấn đề này:
 
- Giáo dục chăm sóc được sinh ra trong gia đình, tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, nơi đó con người học cách sống tương quan và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, gia đình cần có được những điều kiện để có thể thực hiện được nhiệm vụ sống còn và tất yếu này.
 
- Trong tương quan phối hợp với gia đình, các chủ thể giáo dục khác là các trường học và đại học; và tương tự, ở một khía cạnh nào đó, các chủ thể của truyền thông xã hội.[22] Họ được mời gọi truyền tải một hệ thống giá trị dựa trên sự công nhận phẩm giá của mỗi người, của mọi cộng đồng ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo, của mọi người dân và các quyền cơ bản có được từ đó. Giáo dục cấu thành nên một trong những trụ cột để xây dựng một xã hội công bằng và liên đới nhất.
 

  • Các tôn giáo nói chung và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói riêng có thể đóng một vai trò không thể thay thế trong việc thông truyền cho các tín đồ và xã hội các giá trị của tình liên đới, của sự tôn trọng những dị biệt và của sự tiếp đón và chăm sóc những người anh em mong manh yếu đuối nhất. Về vấn đề này, tôi nhớ lại những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trước Quốc hội Uganda năm 1969: “Đừng sợ Giáo hội; Giáo Hội tôn vinh bạn, giáo dục bạn trở thành những công dân trung thực và trung thành, Giáo Hội không gây ra sự cạnh tranh và chia rẽ, nhưng tìm cách cổ võ sự tự do lành mạnh, công bằng xã hội và hòa bình; nếu Giáo Hội có bất kỳ sự ưu tiên nào, thì nó đều dành cho người nghèo, cho việc giáo dục những người nhỏ bé và dân chúng, nhằm chăm sóc những người đau khổ và bị bỏ rơi”.[23]

 

  • Đối với tất cả những ai đang tham gia trong các dịch vụ công cộng, trong các tổ chức quốc tế, cả chính phủ và phi chính phủ, có sứ mệnh giáo dục, và đối với tất cả những ai, thuộc địa vị khác nhau, đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, tôi tiếp tục khuyến khích họ dấn thân làm việc cho đến khi chúng ta có thể đạt được mục tiêu về một nền giáo dục “cởi mở và hòa nhập hơn, có khả năng kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau”.[24] Tôi hy vọng rằng lời mời này, được đề cập trong bối cảnh của Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, sẽ được thừa nhận và đón tiếp rộng rãi.

 
9. Không có hòa bình nếu không có văn hóa chăm sóc
 
Nền văn hóa chăm sóc, như là một cam kết chung, liên đới và có sự tham gia của mọi người nhằm bảo vệ và cổ võ phẩm giá và công ích, và như là sự sẵn sàng quan tâm, chú ý, động lòng trắc ẩn, hướng đến hòa giải và chữa lành, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, cấu thành một con đường ưu việt để xây dựng hoà bình. “Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta cần có những hành trình hòa bình dẫn đến việc chữa lành vết thương hở, chúng ta cần có những nghệ nhân hòa bình sẵn sàng bắt đầu các tiến trình chữa lành và gặp gỡ đổi mới với sự khéo léo và gan dạ”.[25]
 
Trong thời điểm này, trong khi con thuyền nhân loại, bị chao đảo bởi cơn bão cuộc khủng hoảng, đang tiến bước một cách khó khăn trong việc tìm kiếm một chân trời bình lặng và thanh thản hơn, bánh chèo của phẩm giá con người và “la bàn” các nguyên tắc xã hội nền tảng có thể giúp chúng ta điều hướng với một lộ trình chung và an toàn. Là Kitô hữu, chúng ta luôn hướng mắt về Đức Trinh nữ Maria, là Ngôi Sao Biển và Mẹ của niềm hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để tiến tới một chân trời mới của tình yêu và hòa bình, của tình huynh đệ và tình liên đới, của sự nâng đỡ và đón nhận lẫn nhau. Chúng ta đừng khuất phục trước cám dỗ dửng dưng với người khác, nhất là những người yếu đuối nhất. Chúng ta đừng quen ngoảnh mặt làm ngơ,[26] nhưng hãy dấn thân cách cụ thể mỗi ngày để “tạo thành một cộng đoàn gồm những anh em đón nhận nhau và chăm sóc lẫn nhau”.[27]
 
Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2020
 
  Phanxicô
Giáo Hoàng
 

Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Bùi Hãnh Diễn - GP. BMT
 
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/

 
 
 

 


[1] X. Videomessaggio in occasione della 75ª Sessione dell’Assemblea Generale delle Nazioni Unite, 25 settembre 2020.

[2] X. Lett. enc. Laudato si’ (24 maggio 2015), 67.

[3] X. Fraternità, fondamento e via per la pace”, Messaggio per la celebrazione della 47ª Giornata Mondiale della Pace 1° gennaio 2014 (8 dicembre 2013), 2.

[4] Lett. enc. Laudato si’ (24 maggio 2015), 70.

[5] Pontificio Consiglio della Giustizia e della Pace, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesan. 488.

[6] De officiis, 1, 28, 132: PL 16, 67.

[7] K. BIHLMEYER - H. TÜCHLE, Storia della Chiesa, vol. I L’antichità cristiana, Morcelliana, Brescia 1994, 447.448.

[8] Discorso ai partecipanti al Convegno promosso dal Dicastero per il Servizio dello Sviluppo Umano Integrale nel 50° anniversario della “Populorum progressio (4 aprile 2017).

[9] Messaggio alla 22ª sessione della Conferenza degli Stati Parte alla Convenzione-Quadro delle Nazioni Unite sui Cambiamenti Climatici (COP22), 10 novembre 2016. Cfr Tavolo interdicasteriale della Santa Sede sull’ecologia integrale, In cammino per la cura della casa comune. A cinque anni dalla Laudato si’, LEV, 31 maggio 2020.

[10] Conc. Ecum. Vat. II, Cost. past. Gaudium et spes, 26.

[11] Momento straordinario di preghiera in tempo di epidemia, 27 marzo 2020.

[12] Ibid.

[13] X. Lett. enc. Fratelli tutti (3 ottobre 2020), 8153.

[14] S. Giovanni Paolo II, Lett. enc. Sollicitudo rei socialis (30 dicembre 1987), 38.

[15] Lett. enc. Laudato si’ (24 maggio 2015), 91.

[16] Conferenza dell’Episcopato Dominicano, Lett. past. Sobre la relación del hombre con la naturaleza (21 gennaio 1987); cfr Lett. enc. Laudato si’ (24 maggio 2015), 92.

[17] X. Lett. enc. Fratelli tutti (3 ottobre 2020), 125.

[18] Ibid., 29.

[19]X. Messaggio ai partecipanti alla Conferenza internazionale “I diritti umani nel mondo contemporaneo: conquiste, omissioni, negazioni”, Roma, 10-11 dicembre 2018.

[20] X. Messaggio alla Conferenza dell’ONU finalizzata a negoziare uno strumento giuridicamente vincolante sulla proibizione delle armi nucleari, che conduca alla loro totale eliminazione, 23 marzo 2017.

[21] Videomessaggio in occasione della Giornata Mondiale dell’Alimentazione 2020, 16 ottobre 2020.

[22] X. Benedetto XVI, “Educare i giovani alla giustizia e alla pace”, Messaggio per la 45ª Giornata Mondiale della Pace, 1° gennaio 2012 (8 dicembre 2011), 2; “Vinci l’indifferenza e conquista la pace”, Messaggio per la 49ª Giornata Mondiale della Pace, 1° gennaio 2016 (8 dicembre 2015), 6.

[23] Discorso ai Deputati e ai Senatori dell’UgandaKampala, 1° agosto 1969.

[24] Messaggio per il lancio del Patto Educativo, 12 settembre 2019: L’Osservatore Romano, 13 settembre 2019, p. 8.

[25] Lett. enc. Fratelli tutti (3 ottobre 2020), 225.

[26] X. ibid., 64.

[27] Ibid., 96; x. Fraternità, fondamento e via per la pace”, Messaggio per la celebrazione della 47ª Giornata Mondiale della Pace 1° gennaio 2014 (8 dicembre 2013), 1.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây