TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tông thư - Tự sắc “VOS ESTIS LUX MUNDI”

19/04/2021 03:42:42 |   1847

Tông thư - Tự sắc
“VOS ESTIS LUX MUNDI”
“CÁC CON LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN”

 

Đức giáo hoàng Phanxicô


“Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây dựng trên núi không thể che giấu được” (Mt 5,14). Chúa Giêsu Kitô của chúng ta kêu gọi mỗi tín hữu trở nên tấm gương sáng về nhân đức, sự liêm chính và thánh thiện. Thật vậy, mọi người chúng ta đều được kêu gọi làm chứng cụ thể về đức tin vào Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta và đặc biệt, trong mối tương quan của chúng ta với người thân cận.

Các tội lạm dụng tình dục xúc phạm đến Chúa chúng ta, gây ra những tổn hại về thể xác, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và làm tổn thương cộng đồng tín hữu. Để những hiện tượng này, dưới mọi hình thức, không tái diễn nữa, cần phải không ngừng hoán cải tâm hồn cách sâu xa, minh chứng bằng những hành động cụ thể và hiệu quả. Những hành động hoán cải ấy liên hệ đến mọi người trong Giáo hội, để sự thánh thiện của cá nhân và quyết tâm sống đạo đức góp phần làm cho việc loan báo Tin Mừng hoàn toàn khả tín và sứ mạng của Giáo hội mang lại hiệu quả. Điều này chỉ có thể làm được nhờ ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào lòng chúng ta, vì chúng ta phải luôn nhớ những lời này của Chúa Giêsu: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15,5). Dù đã thực hiện được nhiều việc, chúng ta vẫn phải luôn học hỏi những bài học cay đắng của quá khứ, để hướng tới tương lai với niềm hy vọng.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về những người kế vị các Tông đồ, được Chúa trao trách vụ hướng dẫn mục vụ dân Chúa, và đòi hỏi các ngài phải dấn thân theo sát bước chân của Thầy Chí thánh. Quả vậy, theo thừa tác vụ, các Giám mục, “như những người đại diện Chúa Kitô, lãnh đạo các Giáo hội địa phương mà Chúa đã ủy thác cho, nhờ lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành, và còn bằng uy thế cùng quyền bính thánh thiện nữa. Thực vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, và luôn tâm niệm rằng: kẻ cao trọng hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi tớ” (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, 27). Tất cả những gì liên quan một cách chặt chẽ hơn đến những người kế vị các Tông đồ, cũng liên quan đến tất cả những ai đảm nhận các tác vụ trong Giáo hội, theo nhiều cách khác nhau, hoặc tuyên khấn những lời khuyên Phúc âm hoặc được kêu gọi phục vụ Dân Kitô giáo. Do đó, phải thông qua các thủ tục phổ quát nhằm ngăn chặn và chống lại những tội ác phản bội lòng tin của các tín hữu.

Tôi mong muốn toàn thể Giáo hội thực hiện cam kết này, và như thế đó sẽ là một diễn tả của tình hiệp thông nối kết chúng ta, trong thái độ lắng nghe nhau và mở ra để đón nhận những đóng góp của những ai quan tâm sâu sắc đến sự hoán cải này.

Vì thế, tôi ấn định:

PHẦN I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1 – Phạm vi áp dụng

§1. Các khoản luật này áp dụng cho các trình báo về các giáo sĩ hoặc các thành viên của các Tu hội sống đời Thánh hiến hoặc các Tu đoàn Tông đồ, liên quan đến:

(a) các tội phạm nghịch với điều răn thứ sáu của Mười điều răn - gồm có:

i. dùng vũ lực hoặc đe dọa hoặc lạm dụng quyền bính để ép buộc người nào thực hiện hoặc phải chịu đựng các hành vi tình dục;

ii. thực hiện hành vi tình dục với một trẻ vị thành niên hoặc với một người dễ bị tổn thương;

iii. sản xuất, trưng bày, tàng trữ hoặc phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em, kể cả bằng kỹ thuật tin học, cũng như chiêu mộ hoặc xúi giục một trẻ vị thành niên hoặc một người yếu thế tham gia những việc phô bày khiêu dâm;

(b) hành vi của các chủ thể được nêu trong Điều 6, bao gồm các hành động hoặc các thiếu sót nhằm can thiệp hoặc tránh né các cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra theo giáo luật, hành chính hoặc hình sự, đối với một giáo sĩ hay tu sĩ về các tội phạm được nói đến tại mục a) của đoạn này.

§2. Trong các khoản luật này, các thuật ngữ sau có nghĩa là:

(a) “trẻ vị thành niên”: tất cả những ai dưới mười tám tuổi hoặc được pháp luật coi như vị thành niên;

(b)“người dễ bị tổn thương”: tất cả những ai ở trong tình trạng yếu ớt, khiếm khuyết về thể lý hoặc tâm lý, hoặc thiếu tự do cá nhân, do đó trong thực tế họ bị giới hạn, dù chỉ là đôi khi, khả năng về trí hiểu hay ý chí, hoặc khả năng chống lại sự xâm hại;

(c) “khiêu dâm trẻ em”: mọi hình ảnh phô bày, bất kể sử dụng phương tiện nào, về trẻ vị thành niên đang tham gia các hoạt động tình dục rõ ràng, dù thực hay giả lập, và mọi phô bày các cơ quan sinh dục của trẻ vị thành niên chủ yếu nhằm mục đích tình dục.

Điều 2 – Tiếp nhận các trình báo và bảo vệ dữ liệu

§1. Theo những chỉ dẫn được áp dụng bởi các Hội đồng Giám mục; bởi các Công nghị Giám mục (Synodus: là cơ quan lãnh đạo tối cao của một Giáo Hội Thượng Phụ hay Thượng Giám Mục, tương tự Công đồng chung của Giáo hội Latinh; các thành viên đều là Giám mục và có quyền áp đặt luật cho mọi giáo phận thuộc quyền. - N.D.) của các Giáo hội Thượng phụ và các Giáo hội thuộc Thượng Giám mục; hoặc bởi các Hội đồng Giám chức thuộc các Giáo hội tự quản (sui iuris), các Giáo phận Tây phương hay các Giáo phận Đông phương, riêng rẽ hay cùng nhau, phải thành lập một hoặc nhiều hệ thống công khai, cố định và dễ dàng đến tiếp xúc, để tiếp nhận các trình báo, kể cả việc thiết lập một văn phòng chuyên biệt, trong vòng một năm kể từ ngày các quy định này có hiệu lực. Các Giáo phận và các Giáo phận Đông phương phải thông báo cho vị Đại diện Tòa Thánh về việc thành lập các hệ thống vừa nói.

§2. Thông tin được đề cập trong Điều này sẽ được bảo vệ và xử lý sao cho bảo đảm tính an toàn, toàn vẹn và bảo mật theo điều 471, 2 ° của Bộ Giáo luật và điều 244 §2, 2° của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương.

§3. Ngoại trừ như dự liệu tại điều 3 §3, vị Bản quyền nào tiếp nhận trình báo phải chuyển ngay đến vị Bản quyền của nơi xảy ra sự việc, cũng như vị Bản quyền của người bị trình báo, các vị này sẽ tiến hành theo như luật đã quy định cho trường hợp cụ thể.

§4. Trong các quy định của Phần này, các Giáo phận Đông phương được kể như tương đương với các Giáo phận và vị Giám chức của Giáo phận Đông phương được kể như tương đương với vị Bản quyền.

Điều 3 – Trình báo

§1. Trừ khi như đã được quy định bởi điều 1548 §2 của Bộ Giáo luật và điều 1229 §2 của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương, bất cứ khi nào một giáo sĩ hoặc một thành viên của một Tu hội sống đời Thánh hiến (Tu hội Dòng và Tu hội đời) hoặc của một Tu đoàn Tông đồ biết được, hoặc có những lý do có căn cứ để tin rằng, một trong những sự kiện được đề cập tại Điều 1 đã bị vi phạm, người đó có nghĩa vụ phải trình báo ngay cho vị Bản quyền địa phương của nơi sự việc được cho là đã xảy ra hoặc cho một vị Bản quyền khác trong số những người được đề cập tại điều 134 của Bộ Giáo luật và điều 984 của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương, ngoại trừ những gì được ấn định bởi khoản §3 của Điều này.

§2. Bất kỳ ai cũng có thể trình báo liên quan đến hành vi được đề cập tại Điều 1, bằng cách dùng các phương tiện được đề cập ở Điều trước hoặc bất kỳ phương tiện thích hợp nào khác.

§3. Khi trình báo liên quan đến một trong những người được nêu trong Điều 6, trình báo ấy phải được gửi đến Thẩm quyền được xác định dựa trên các Điều 8 và 9. Trình báo luôn có thể được gửi trực tiếp đến Tòa Thánh hoặc qua Đại diện Tòa Thánh.

§4. Trình báo cần bao gồm càng nhiều chi tiết càng tốt, chẳng hạn như thông tin về thời gian và địa điểm của sự việc, về những người liên quan hoặc biết thông tin, cũng như bất kỳ tình huống nào khác có thể hữu ích để bảo đảm đánh giá chính xác về sự việc.

§5. Thông tin cũng có thể được thu thập không chính thức (ex officio).

Điều 4 – Bảo vệ người trình báo

§1. Việc trình báo theo Điều 3 không phải là vi phạm nghĩa vụ bảo mật.

§2. Trừ khi như đã được quy định bởi điều 1390 của Bộ Giáo luật và điều 1452 và 1454 của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương, có thành kiến, trả thù hoặc phân biệt đối xử vì đã trình báo đều bị cấm và có thể bị coi như hành vi được nêu trong Điều 1 §1, khoản b).

§3. Người trình báo có thể không buộc phải giữ im lặng liên quan đến nội dung trình báo của họ.

Điều 5 – Quan tâm đến con người

§1. Các thẩm quyền Giáo hội phải cam kết để bảo đảm cho những người nói rằng họ đã bị xâm hại, cùng với gia đình của họ, sẽ được đối xử một cách xứng với phẩm giá và tôn trọng, và đặc biệt, sẽ được:

a) đón tiếp, lắng nghe và giúp đỡ, gồm cả việc cung ứng những dịch vụ đặc biệt;

b) trợ giúp về mặt thiêng liêng;

c) trợ giúp về y tế, bao gồm trợ giúp trị liệu và tâm lý, theo đòi hỏi của trường hợp cụ thể.

§2. Thanh danh và quyền riêng tư của những người liên quan, cũng như việc giữ kín các dữ liệu cá nhân của họ, phải được bảo vệ.

PHẦN II
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN LIÊN QUAN ĐẾN CÁC GIÁM MỤC VÀ CÁC VỊ TƯƠNG ĐƯƠNG


Điều 6 – Phạm vi chủ quan của việc áp dụng

Các quy định về thủ tục được đề cập trong Phần này liên quan đến hành vi được đề cập tại Điều 1, được thực hiện bởi: 

a) các Hồng y, các Thượng phụ, các Giám mục và các Đại diện của Đức Giáo hoàng;

b) các giáo sĩ đang, hoặc đã từng là người đứng đầu về mục vụ của một Giáo hội địa phương hoặc của một đơn vị tương tự, theo nghi lễ Latinh hay theo nghi lễ Đông phương, bao gồm cả các Giáo hạt tòng nhân, về các hành vi đã phạm khi đang thi hành sứ vụ (durante munere);

c) các giáo sĩ đang, hoặc trước đây đã từng là những người lãnh đạo của một Giám hạt tòng nhân, về các hành vi đã phạm khi đang thi hành sứ vụ (durante munere);

d) những người đang, hoặc đã từng là người điều hành cao nhất của các Tu hội sống đời Thánh hiến hay các Tu đoàn Tông đồ thuộc quyền giáo hoàng, cũng như các đan viện tự quản (sui iuris), về các hành vi đã phạm khi đang thi hành sứ vụ (durante munere).

Điều 7 – Bộ có thẩm quyền

§1. Trong các quy định của Phần này, “Bộ có thẩm quyền” có nghĩa là Bộ Giáo lý Đức tin, liên quan đến các tội phạm thuộc quyền phán xử của Bộ bởi các quy định hiện hành. Ngoài ra trong mọi trường hợp khác, “Bộ có thẩm quyền” có nghĩa là các Bộ sau đây, liên quan đến quyền tài phán riêng của từng Bộ, căn cứ vào luật dành cho Giáo triều Rôma:

– Bộ các Giáo hội phương Đông;

– Bộ Giám mục;

– Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc;

– Bộ Giáo sĩ;

– Bộ các Tu hội sống đời Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ.

§2. Để bảo đảm sự phối hợp tốt nhất, Bộ có thẩm quyền thông báo cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các Bộ khác có liên quan trực tiếp, về việc trình báo và kết quả điều tra.

§3. Các liên lạc được đề cập trong Phần này giữa vị Trưởng giáo tỉnh và Tòa Thánh được thực hiện thông qua vị Đại diện Tòa Thánh.

Điều 8 – Thủ tục áp dụng trong trường hợp trình báo liên quan đến một Giám mục của Giáo hội Latinh

§1. Thẩm quyền nhận được trình báo sẽ chuyển trình báo ấy đến cả Tòa Thánh lẫn vị Trưởng Giáo tỉnh của Giáo tỉnh nơi người bị trình báo cư trú.

§2. Nếu trình báo liên quan đến vị Trưởng Giáo tỉnh, hoặc Tòa Trưởng Giáo tỉnh đang trống tòa, trình báo ấy phải được chuyển đến Tòa Thánh, cũng như cho vị Giám mục thâm niên nhất trong Giáo tỉnh tính theo thời gian được truyền chức, trong trường hợp này, các điều khoản sau đây liên quan đến vị Trưởng Giáo tỉnh được áp dụng cho vị này.

§3. Trong trường hợp trình báo liên quan đến một vị Đại diện Giáo hoàng, trình báo ấy phải được chuyển trực tiếp đến Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Điều 9 – Thủ tục áp dụng cho các Giám mục của các Giáo hội Công giáo Đông phương

§1. Các trình báo liên quan đến một Giám mục trực thuộc một Giáo hội tự quản (sui iuris) cấp Thượng phụ, cấp Thượng Giám mục (có nhiều giáo tỉnh) hay cấp Giám Mục Trưởng Giáo tỉnh, phải được chuyển đến vị Thượng phụ, vị Thượng Giám mục hoặc vị Trưởng giáo tỉnh của Giáo hội tự quản liên hệ.

§2. Nếu trình báo liên quan đến vị Trưởng giáo tỉnh trực thuộc một Giáo hội cấp Thượng phụ hoặc Giáo hội cấp Thượng Giám mục, và đang thi hành tác vụ bên trong lãnh địa của Giáo hội này, trình báo ấy sẽ được chuyển đến cho vị Thượng phụ hoặc Thượng Giám mục liên hệ.

§3. Trong các trường hợp trên đây, Thẩm quyền nhận được trình báo cũng phải chuyển trình báo ấy đến Tòa Thánh.

§4. Nếu người bị trình báo là một Giám mục hay một Trưởng giáo tỉnh thuộc một Giáo hội tự quản (sui iuris) cấp Thượng phụ, cấp Thượng Giám mục hay cấp Giám Mục Trưởng Giáo tỉnh, đang thi hành tác vụ bên ngoài lãnh địa của Giáo hội này trình báo phải được chuyển đến Tòa thánh.

§5. Trong trường hợp trình báo liên quan đến vị đứng đầu một Giáo hội tự quản (sui iuris): vị Thượng phụ, Thượng Giám mục, Trưởng Giáo tỉnh hay Giám mục; trình báo ấy phải được chuyển đến Tòa Thánh.

§ 6. Các điều khoản sau đây liên quan đến vị Trưởng giáo tỉnh áp dụng cho Thẩm quyền Giáo hội tiếp nhận lời trình báo dựa trên Điều này.

Điều 10 – Nhiệm vụ ban đầu của vị Trưởng giáo tỉnh

§1. Trừ khi việc trình báo rõ ràng là không có căn cứ, vị Trưởng giáo tỉnh ngay lập tức xin Bộ có thẩm quyền chỉ định ngài bắt đầu điều tra. Nếu vị Trưởng giáo tỉnh xét thấy việc trình báo rõ ràng là không có căn cứ, ngài phải thông báo cho Đại diện Tòa Thánh.

§2. Bộ có thẩm quyền phải tiến hành không chậm trễ, và trong mọi trường hợp trong vòng ba mươi ngày từ khi nhận được trình báo đầu tiên của Đại diện Tòa Thánh hoặc yêu cầu được chỉ định của vị Trưởng giáo tỉnh, bằng cách đưa ra các hướng dẫn phù hợp về cách thức tiến hành trong trường hợp này.

Điều 11 – Giao phó cho một người khác không phải là Trưởng giáo tỉnh điều tra

§1. Nếu Bộ có thẩm quyền xét thấy việc giao phó cho một người không phải Trưởng giáo tỉnh điều tra là thích hợp, thì sẽ thông báo cho Trưởng giáo tỉnh biết. Vị Trưởng giáo tỉnh sẽ cung cấp mọi thông tin và tài liệu liên quan cho người được Bộ chỉ định.

§2. Trong trường hợp đã nói ở đoạn trước, các điều khoản sau đây liên quan đến Trưởng giáo tỉnh cũng áp dụng cho người được trao nhiệm vụ tiến hành cuộc điều tra.

Điều 12 –Tiến hành điều tra

§1. Một khi được Bộ có thẩm quyền chỉ định và làm theo các chỉ dẫn đã nhận được, vị Trưởng giáo tỉnh, hoặc đích thân hoặc qua một hoặc nhiều người phù hợp, sẽ:

a) thu thập thông tin liên quan đến các sự việc;

b) truy cập thông tin và các tài liệu cần thiết cho mục đích điều tra lưu trong văn khố của các văn phòng giáo hội;

c) tiếp nhận sự hợp tác của các vị Bản quyền hoặc Giám chức khác khi cần;

d) yêu cầu các cá nhân và các tổ chức cung cấp thông tin, bao gồm các tổ chức dân sự, có khả năng cung cấp các yếu tố hữu ích cho cuộc điều tra.

§2. Nếu cần phải nghe một trẻ vị thành niên hoặc một người dễ bị tổn thương, vị Trưởng giáo tỉnh sẽ áp dụng các thủ tục thích hợp, có xét đến tình trạng của người ấy.

§3. Khi có những lý do có căn cứ để kết luận rằng thông tin hoặc các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra có nguy cơ bị lấy mất hoặc bị tiêu hủy, vị Trưởng giáo tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản chúng.

§4. Dù sao, ngay cả khi nhờ đến những người khác giúp đỡ, vị Trưởng giáo tỉnh vẫn chịu trách nhiệm về đường hướng và tiến trình của cuộc điều tra, cũng như thực hiện kịp thời các hướng dẫn được nêu ở Điều 10 §2.

§5. Vị Trưởng giáo tỉnh sẽ được trợ giúp bởi một viên lục sự (BGL 1983 dùng từ “công chứng viên” – N.D.) được tuỳ ý chỉ định theo điều 483 §2 của Bộ Giáo luật và điều 253 §2 của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương.

§6. Vị Trưởng giáo tỉnh buộc phải hành động một cách không thiên vị và không được có xung đột quyền lợi. Nếu ngài cho rằng mình đang có mâu thuẫn quyền lợi hoặc không thể giữ được sự vô tư phải có để bảo đảm tính toàn vẹn của cuộc điều tra, ngài buộc phải từ nhiệm và báo cho Bộ có thẩm quyền biết tình huống này.

§7. Người bị điều tra được hưởng sự giả định vô tội.

§8. Vị Trưởng giáo tỉnh, nếu được Bộ có thẩm quyền yêu cầu, phải thông báo cho người mà cuộc điều tra có liên quan đến người ấy, nghe người ấy tường thuật về các sự việc và yêu cầu người ấy trình một văn bản bào chữa. Trong những trường hợp như vậy, người bị điều tra có thể được cố vấn pháp lý trợ giúp.

§9. Cứ mỗi ba mươi ngày, vị Trưởng giáo tỉnh sẽ gửi một bản tường trình về tình trạng của cuộc điều tra cho Bộ có thẩm quyền.

Điều 13 – Sự tham gia của những người có đủ khả năng

§1. Căn cứ theo các chỉ thị của Hội đồng Giám mục, của Công nghị Giám mục hoặc của Hội đồng Giám chức liên quan đến cách thức trợ giúp vị Trưởng giáo tỉnh tiến hành cuộc điều tra, các Giám mục của Giáo tỉnh liên hệ, cách cá nhân hay cùng nhau, có thể lập danh sách những người đủ khả năng để vị Trưởng giáo tỉnh có thể chọn những người phù hợp nhất giúp ngài trong việc điều tra, theo nhu cầu của từng trường hợp và, đặc biệt, để ý đến sự hợp tác mà người tín hữu giáo dân có thể đóng góp theo Điều 228 của Bộ Giáo luật và Điều 408 của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương.

§2. Tuy nhiên, vị Trưởng giáo tỉnh được tự do chọn những người khác có khả năng tương đương.

§3. Người nào giúp cho vị Trưởng giáo tỉnh trong cuộc điều tra đều buộc phải hành động một cách không thiên vị và không được có xung đột quyền lợi. Nếu người ấy cho rằng mình đang có mâu thuẫn quyền lợi hoặc không thể giữ được sự vô tư phải có để bảo đảm tính toàn vẹn của cuộc điều tra, họ buộc phải từ nhiệm và báo cho vị Trưởng giáo tỉnh biết tình huống này.

§4. Những người giúp đỡ vị Trưởng giáo tỉnh phải tuyên thệ chu toàn trách nhiệm của họ cách thích đáng và trung thực.

Điều 14 – Thời gian điều tra

§1. Cuộc điều tra phải hoàn tất trong thời hạn chín mươi ngày hoặc trong một thời hạn khác được dự liệu bởi các chỉ dẫn đã nói ở Điều 10 §2.

§2. Khi có lý do chính đáng, vị Trưởng giáo tỉnh có thể xin Bộ có thẩm quyền gia hạn.

Điều 15 – Các biện pháp phòng ngừa

Trong trường hợp các sự việc hoặc hoàn cảnh đòi hỏi, vị Trưởng giáo tỉnh sẽ đề nghị với Bộ có thẩm quyền đặt ra những quy định hay các biện pháp phòng ngừa thích hợp đối với người đang bị điều tra.

Điều 16 – Thành lập quỹ

§1. Các Giáo tỉnh, các Hội đồng Giám mục, các Công nghị giám mục và các Hội đồng Giám chức có thể thành lập một quỹ, theo các quy định của Điều 116 và 1303 §1, 1° của Bộ Giáo luật và Điều 1047 của Bộ Giáo luật Giáo hội Đông phương; quỹ này được quản lý theo các quy định của giáo luật, để tài trợ cho chi phí của các cuộc điều tra.

§2. Theo yêu cầu của vị Trưởng giáo tỉnh được chỉ định, các quỹ cần thiết cho mục đích của cuộc điều tra được quản trị viên của quỹ cấp cho ngài sử dụng, vị Trưởng giáo tỉnh vẫn có nghĩa vụ giải trình cho quản trị viên khi kết thúc cuộc điều tra.

Điều 17 – Chuyển giao các tài liệu và văn bản nhận định (votum)

§1. Sau khi hoàn tất cuộc điều tra, vị Trưởng giáo tỉnh phải chuyển hồ sơ đến Bộ có thẩm quyền, củng với văn bản nhận định (votum) của mình về kết quả điều tra và cách giải quyết những vấn đề được nêu trong các chỉ dẫn đã nói tại Điều 10 §2.

§2. Nếu không có chỉ thị nào khác của Bộ có thẩm quyền, quyền hạn của vị Trưởng giáo tỉnh sẽ chấm dứt một khi cuộc điều tra hoàn tất.

§3. Theo hướng dẫn của Bộ có thẩm quyền, vị Trưởng giáo tỉnh, theo yêu cầu, sẽ thông báo kết quả cuộc điều tra cho người đã cho rằng mình bị xâm hại, hoặc cho người đại diện của người ấy về pháp luật.

Điều 18 – Các biện pháp tiếp theo

Nếu không quyết định điều tra bổ sung, Bộ có thẩm quyền sẽ theo như luật đã quy định, để tiến hành xử lý trường hợp này.

Điều 19 – Tôn trọng luật pháp của Nhà nước

Các khoản luật này được áp dụng mà không phương hại đến các quyền và nghĩa vụ đã được luật pháp Nhà nước thiết lập ở mỗi nơi, đặc biệt là các quy định liên quan đến bất kỳ nghĩa vụ trình báo nào cho thẩm quyền dân sự.

Các khoản luật này được phê chuẩn để thử nghiệm (ad experimentum) trong ba năm.

Tôi quyết định rằng Tông thư dưới dạng Tự sắc (Motu Proprio) này phải được công bố bằng cách in ra trong Osservatore Romano, sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, và sau đó sẽ được công bố trong Acta Apostolicae Sedis (Công báo Tông tòa).

Ban hành tại Roma, nơi Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 5 năm 2019, năm thứ bảy triều Giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ

 

WHĐ (31.8.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 114 (Tháng 9 & 10 năm 2019)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây