Biến đổi
Một trong những quy luật của vạn vật là nó luôn thay đổi và chuyển hóa, đúng như câu nói: “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Ngay chính thân xác ta, mỗi ngày có hàng triệu tế bào cũ chết đi và thay vào đó là những tế bào mới được tái tạo. Và để có hạnh phúc, nơi mỗi tâm hồn cần có một cuộc thay đổi căn bản về tâm linh, một cuộc lột xác, chuyển từ luận lý của ‘cái tôi’ sang luận lý của ‘tình yêu’.
Luận lý của ‘cái tôi’ đặt căn bản trên tự do cá nhân, từ đó một người luôn tự hỏi: tại sao tôi phải làm điều đó, người kia cho tôi điều gì. Câu nói của John F. Kennedy đã nói lên luận lý này: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi mình đã làm gì cho tổ quốc”. Người theo luận lý của cái tôi luôn tự hỏi: tôi được quyền gì, tại sao tôi phải làm điều này, người kia có quyền gì mà tôi phải, và họ thấy những việc trong gia đình trở nên rất nặng nề đến mức không thể chịu nổi; còn người theo luận lý của tình yêu thì thấy những công việc bổn phận của mình tràn ngập niềm vui vì có cơ hội để trao ban và giúp đỡ nhau. Chúa Giê su đã từng nói: ‘Ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng” là vậy, Chúa còn nói: phúc cho kẻ nghèo, kẻ hiền, kẻ khát, kẻ bị bách hại, kẻ trong sạch, kẻ xây dựng hòa bình… đó là luận lý của tình yêu, và chúng ta cần xin Chúa biến đổi lòng mình để đủ sức chuyển hóa cuộc sống từ luận lý ích kỷ sang phục vụ, để có được sự bình an của Chúa.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tự hủy và tự hiến vì tình yêu nhân loại, đó là con đường hạnh phúc, là con đường dẫn đến bình an. Lời Kinh Hòa Bình “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh” có ý nghĩa rất sâu xa: con người tìm được hạnh phúc của mình khi biết tìm hạnh phúc cho người khác. Khi tìm hiểu về ơn gọi hôn nhân, có một triết lý được nêu ra: “Yêu không phải là tìm hạnh phúc cho cá nhân mình, nhưng là tạo hạnh phúc cho người yêu”. Điều này thật khó hiểu, vì khi yêu ai đó thường ta nghĩ đến những điều mình nhận được từ người kia hơn là những gì mình trao hiến, và dần dần hai người phối ngẫu chuyển dần sang luận lý của tình yêu: mình chu toàn bổn phận hằng ngày vì tình yêu, hai người chăm sóc và trao hiến cho nhau vì tình yêu. Ngược lại, có những cặp hôn phối không thể chuyển đổi từ thế phòng thủ sang tấn công, từ đòi hỏi sang trao hiến, thì sẽ đi vào ngõ cụt và đi tìm những đối tượng khác, nhưng rồi cũng thất bại vì không ai chịu nổi người ích kỷ - chỉ quan tâm đến cá nhân mình, chỉ biết đòi hỏi người khác mà mình không đi bước trước.
Khi nói về giáo dục gia đình, có một câu định nghĩa rất hay: “Gia đình là trường dạy yêu thương”, ở trong gia đình con trẻ học yêu thương và phục vụ những người thân cận ruột thịt, có vậy khi lớn lên nó sẽ mở rộng vòng tay yêu thương đến những môi trường rộng lớn hơn. Từ trong gia đình, con cái nhìn mẫu gương yêu thương và quảng đại của cha mẹ để học được lòng biết ơn và phục vụ… thế nhưng từ nhỏ người trẻ cũng được tự do vui chơi, tiếp xúc với những bộ phim hoạt hình và games, và đó là những điều rất bình thường. Điều bất thường là bản thân những đứa con đó không thể chuyển hóa tâm linh từ hưởng thụ sang phục vụ, từ nhận lãnh sang trao ban… và đó là con đường dẫn đến bất hạnh, bất mãn, cô đơn. Vì như Mẹ Têrêxa Calcutta nói: Phục vụ đem lại niềm vui, ta có thể suy ngược lại: người không có tinh thần phục vụ sẽ chán chường và cô đơn.
Lạy Chúa, mỗi ngày, xin cho chúng con biết chuyển hóa nội tâm, đi từ luận lý của ‘cái tôi’ sang luận lý của ‘tình yêu’ mà Con Một Chúa đã nêu gương, và đó là con đường của hạnh phúc. Thánh ca Philip 2,6-8:
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Jos. Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn