TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Luật Hồng Đức

Thứ ba - 02/01/2024 04:54 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   616
Cổ Luật Việt Nam nổi bật nhất là Bộ Luật Hồng Đức. Bộ Luật hình thành bởi bậc minh quân Lê Thánh Tông (1460 – 1497).
Luật Hồng Đức

Luật Hồng Đức


Cổ Luật Việt Nam nổi bật nhất là Bộ Luật Hồng Đức. Bộ Luật hình thành bởi bậc minh quân Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Trong gần 40 năm làm vua có lẽ là thời thịnh trị nhất mà nhiều người vẫn còn nhắc tới như 40 năm làm vua của Đavit. Lê Thánh Tông đổi niên hiệu hai lần:

Niên hiệu Quang Thuận: 1460 – 1469.
Niên hiệu Hồng Đức: 1470 – 1497.
Về mặt luật pháp, đây là thời gian sáng lạn nhất, còn rất nhiều những di tích để lại, trong đó có ba quyển chính yếu:
Bộ Quốc Triều Hình Luật hay bộ Luật Hồng Đức.
Bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập.
Bộ Hồng Đức Thiện Chính Thư.

Tinh thần Pháp Luật Triều Lê có hai vấn đề rõ nét:
Tinh thần nhân trị: Do ảnh hưởng chung của người Đông Phương lấy nhân làm gốc, nên bộ Luật Triều Lê cũng ở trong cách nhìn đó, không phân biệt phạm vi luân lý và pháp luật. Có sự nhầm lẫn chăng? Thực tế là không, mục đích của nhân trị là lấy đạo đức làm người, trau dồi nhân cách làm trọng tâm xây dựng xã hội.

Bảo vệ phụ nữ trong môi trường văn hoá phong kiến là một bước tiến rõ ràng của nền phong hoá đặc biệt mang tính chất Việt. Cùng thời, so với các nước trên thế giới, Việt Nam triều Lê, bộ luật mang tính tiến bộ không thể phủ nhận vai trò của người phụ nữ.  

Vua Lê Thánh Tông đặt ra 24 điều giáo hoá, như bản chỉ dẫn cho dân giữ luân thường đạo lý, theo quan niệm giữ lấy gia đình là giữ lấy Quê hương, bào vệ được thanh bình trong Đất Nước. Các điều giáo hoá phần lớn liên hệ tới bổn phận các thành viên trong gia đình:

“Điều Thứ Nhất: Cha mẹ dạy con phải có phép tắc, trai gái đều có nghề nghiệp, không được rượu chè, cờ bạc, tập nghề hát xướng để hại phong tục.

Điều Thứ Hai: Người gia trưởng tự mình phải giữ lễ phép để cho cả nhà bắt chước; nếu con em làm càn thì bắt tội gia trưởng.

Điều Thứ Ba: Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung làm hại đến phong hoá.

Nói đến Thất Xuất thì cũng cần nói ngay đến Tam Bất Khứ trong điều 165 Hồng Đức thiện chính thư và điều 108 Gia Long quy định:
1/ Giữ canh tam niên tang: Đã để tang nhà chồng ba năm.
2/ Tiền bần tiền hậu phú quý: Khi lấy nhau nghèo, về sau giàu có.
3/ Hữu sở thú vô sở quy: Khí lấy nhau có bà con lúc bỏ nhau không còn bà con trở về.

Điều thứ Tư: Làm con em nên yêu mến anh em, hoà thuận với hương đảng, phải lấy lễ nghĩa mà cư xử, nếu trái phép thì người tôn trưởng đánh đòn dạy bảo, có tội to thì phải đem nộp quan để trừng trị.

Điều thứ Năm: Ngoài làng xóm, trong họ hàng, người nào gặp hoạn nạn thì nên chu cấp thương xót lẫn nhau. Nếu có người làm việc nghĩa nổi tiếng, thì các viên phủ, huyện sở tại trình với hai ty Thừa chính và Hiến sát xét thực tâu bầy đầy đủ sẽ được triều đình biểu dương.

Điều Thứ Sáu: Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và nhà chồng đã trừng trị thì nên phải sửa mình đổi lỗi, không được tự tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.

Điều Thứ Bảy: Người đàn bà goá không được chứa những trai trẻ trong nhà, nói dối là con nuôi để làm những việc gian dâm lén lút.

Điều Thứ Tám: Người đàn bà goá chồng, đối với các con vợ cả, hoặc vợ lẽ nàng hầu, nên có lòng thương xót, không được mưu mô để chiếm đoạt gia sản làm của riêng.

Điều Thứ Chín: Đàn bà goá chồng, chưa có con cái thì phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.

Điều Thứ Mười: Là đàn bà phải theo chồng, không được cậy cha mẹ phú quý mà khinh rẻ nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.

Điều Thứ Mười Một: Bọn sĩ phu phải đôn đốc học nghiệp, phẩm hạnh, giữ điều lễ chung, nếu có người nào thì thọt cửa quyền, dựa thế lực người trên, ra oai nạt nộ người khác sẽ bị tước bỏ tên tuổi, suốt cuộc đời không được kể là hàng sĩ phu.

Điều thứ mười hai: Bổn phận người điều lại chỉ có việc giữ sổ sách văn thư làm công việc theo chức phận của mình, nếu có người nào dùng trí thuật làm điên đảo giấy tờ thì viên cai quản phải kiểm xét cho ra để trị tội.

Điều thứ mười ba: quân và dân nên hiếu với cha mẹ, thảo với anh em, hết sức làm ruộng; người ra ngoài, người ở nhà, phải giữ gìn lẫn cho nhau; đến kỳ thường phiên thì vui vẻ đi làm công; không đước lười biếng trốn tránh. nếu có ai là người nổi tiếng lương thiện thì các viên phủ, huyện sở tại trình lên hai ty Thừa chính, Hiến sát xét thực rồi tâu đầy đủ sẽ được khen thưởng.

Điều thứ mười bốn: Người buôn bán nên theo thời mà lưu thông phẩm vật, không được lừa thùng tráo đấu, không được nhân cơ hội tụ họp đồ đảng, lén lút làm việc trộm cướp, người nào phạm pháp sẽ trị tội nặng.

Điều thứ mười lăm: Việc cưới gả, việc tế tự, phải dựa theo lễ phép, không được tiến vượt quá phận định của mình.

Điều thứ mười sáu: chỗ dân gian, có mở trường du hí hoặc cúng lễ thì con trai, con gái đến xem, không được đứng lẫn lộn, để khỏi thói dâm.

Điều thứ mười bảy: Các hàng quán bên đường, có phụ nữ đi xa đến trọ, thì phải phòng giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác, thì người phạm cùng với chủ nhà đều phải trị tội cả.

Điều thứ mười tám: Phủ huyện phải lập bia ở các nơi sở tại để cấm con trai, con gái không được tắm cùng bến, để cho có phân biệt.
Điều thứ mười chín: Các xã thôn phải chọn một vài người già cả, đạo đức làm trưởng, những ngày thong thả đem dân ra đình tuyên giảng những lời cáo dụ, để khiến dân bắt chước làm điều thiện thành ra mỹ tục.

Điều thứ hai mươi: Trong hạt các phủ huyện, nếu có kẻ hào cường xâm chiếm ruộng đất, ức hiếp người cô độc, xui nguyên dục bị cáo kiện lẫn nhau thì cho phép xã thôn đó xét tố giác để nghiêm trị; nếu phủ huyện nào vì tình riêng mà ẩn giấu đi sẽ bị luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức.

Điều thứ hai mươi mốt: Những nhà tước vương, tướng công, đại thần chứa chấp người tư cách hèn hạ, làm cò mối đưa đồ đút lót cùng nô tỳ nhà ấy mua các phẩm vật của dân, thì cho phép người đương sự đến cửa quan tố cáo, bọn can phạm sẽ bị trừng trị nặng.

Điều thứ hai mươi hai: Việc quan giữ chức trách cai trị dân (mục dân chi quan) nếu viên nào biết dạy bảo, đôn đốc sức dân trong hạt hăng hái theo lễ nghĩa nhún nhường thì ty Hiến sát thực ghi vào hạnh nhất trong dịp khảo công; nếu viên nào không siêng năng dạy bảo dân, thì khảo công, liệt vào hạng không lo đầy đủ chức phận.

Điều thứ hai mươi ba: Xã trưởng, thôn trưởng và phường trưởng, người nào biết siêng năng dạy bảo dốc sức, làm cho phong tục làng xóm trở nên tốt lành, thì các viên phủ huyện trình bày rõ với hai ty Thừa chính và Hiến sát xét thực, tâu lên triều đình, sẽ ban khen thưởng.

Điều thứ hai mươi tư: Các dân Mường Mán ở ngoài bờ cõi nên giữ lời di huấn, không được trái đạo luân thường. Nếu cha anh, chú bác đã chết thì con em không được chiếm lấy thê thiếp. Nếu trái phép, sẽ bị tội rất nặng”[1].

Những điều giáo giới trên không là chỉ thị thông thường, theo hình luật nhà Lê, điều 136, ai không tuân theo thì phải tội lưu hoặc tội tử. Những điều giáo giới này chứng tỏ nhà Lê cường thịnh nhờ giúp dân giữ gia đạo và giữ được nước, có các điều không thấy trong bộ luật Trung Hoa.

Không chỉ có đạo luật của nhà nước mới nói tới hiếu đạo, tìm trong các bản hương ước của làng cũng thấy, ví dụ:

Bản hương Ước làng Cẩm Trường, Huyện Yên Định (Thanh Hoá) năm Tự Đức 30 (1877) ghi: “Trong thôn, người nào bất hiếu, bất mục bản thôn hỏi đúng sự thật, phạt 30 quan, đánh 30 roi. Nếu hai ba lần giữ thói cũ không sửa, sẽ đem lên cáo quan không hối tiếc”.

Hương Ước làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), soạn từ năm Dương Hoà, đời Lê (1636), điều 64 ghi: “Người ta lấy luân lý làm trọng, nghĩa là làm cha thì tính nết hiền lành, làm con thờ cha mẹ cho có hiếu, làm anh thì ở với em cho thuận hoà, làm em thì ở với anh cho cung kính, chồng nói thgì vợ nghe, làm người cư xử là thế. Nếu không được thế thì chẳng khác loài cầm thú. Ai có điều lỗi không đợi người nhà trình đạt, chỉ cần có người cáo giác với làng là làng chiếu theo nặng nhẹ mà bắt phạt”.

Đạo Công Giáo vào Việt Nam ở trong giai đoạn có bộ luật ảnh hưởng đến gia đình như vậy, chắc chắn là gặp thửa đất tốt cho việc gieo trồng Tin Mừng. Các cha Dòng Tên đã thành công trong việc truyền giáo buổi đầu tiên nhờ vào việc tôn trọng lòng tôn kính tổ tiên của dân tộc Việt.

LM Giuse Hoàng Kim Toan

 

 


[1] Cổ Luật Việt Nam thông khảo, quyển thứ nhất, Saigon 1972, Vũ Văn Mẫu và tham khảo thêm Văn hoá gia đình Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh,NXB Văn Hoá Dân Tộc, 1998.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây