TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có sám hối – có ơn cứu độ

Thứ sáu - 06/12/2024 05:16 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   125
“Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).

Chúa Nhật – II – MV – C
Có sám hối – có ơn cứu độ

tbd 061224a

 

Như chúng ta được biết, trong một năm thời tiết trên trái đất không đồng đều. Có những tháng nhiệt độ tăng cao, có những tháng nhiệt độ hạ thấp. Các giai đoạn nhiệt độ thay đổi, được gọi là mùa.

Trên thế giới, trong một năm có những nơi có bốn mùa rõ rệt: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Có những nơi, chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Ở Việt Nam, rất đặc biệt. Miền bắc có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Trái lại, miền nam chỉ có hai mùa: mưa - nắng.

Thưa quý bạn! Quê của quý bạn ở đâu? Riêng em (người viết): “Quê em hai mùa mưa nắng. Hai thôn nghèo nối liền bờ đê. Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè. Như bức tranh gợi tình quê đậm đà. Lời ru con tiếng võng đong đưa. Ai chờ ai thương dòng nước u buồn.” (Gợi nhớ quê hương – Tác giả: Thanh Sơn).

Vâng, không liên quan gì đến vùng miền. Niên lịch của người Công Giáo một năm có “năm mùa”. Năm mùa đó là: mùa vọng và mùa giáng sinh, mùa chay và mùa phục sinh, xen kẽ giữa bốn mùa nêu trên, là mùa thường niên.

Nếu mùa xuân thường bắt đầu vào tháng 2 cho đến hết tháng 4, thì mùa vọng và mùa giáng sinh được bắt đầu vào tháng 12 (tháng cuối năm), và kéo dài đến hết tuần thứ nhất của tháng giêng, năm kế tiếp.

Theo lịch phụng vụ, Chúa Nhật hôm nay (08/12/2024) chúng ta đã bước vào mùa vọng. Chính xác là tuần thứ II mùa vọng. Nếu chúng ta làm một cuộc bộ hành rảo quanh các ngôi nhà thờ, chúng ta sẽ thấy chương trình tĩnh tâm, cũng như chương trình Thánh lễ giáng sinh đã được niêm yết trang trọng trên bảng thông báo của nhà thờ.

Giờ cử hành Thánh lễ giáng sinh thì hầu như nhà thờ nào cũng na ná giống nhau. Nếu có khác, thì cũng chỉ chênh lệch ba mươi phút hoặc một tiếng đồng hồ là cùng.

Còn ngày tĩnh tâm và linh mục giảng phòng thì sao? Thưa, “trăm hoa đua nở - trăm giáo đường đua tiếng”. Nghĩa là mỗi giáo đường mỗi khác. Cái khác rõ nét nhất, đó là vị linh mục giảng phòng. Có giáo xứ mời linh mục thuộc dòng Đa minh. Có giáo xứ mời linh mục thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Có giáo xứ “cây nhà lá vườn”, vị linh mục chánh xứ chính là vị giảng phòng.

Nếu bạn là linh mục chánh xứ, bạn sẽ mời ai? Nên chăng, chúng ta trở về Palestin của hơn hai ngàn năm xa trước đó, mời một vị có tên là Gio-an, đến giảng phòng! Nên… nên mời ông Gio-an lắm chứ!

Vâng, chính Giáo Hội đã mời ông Gio-an. Cứ đến mùa vọng, năm nào cũng thế, Giáo Hội luôn mời ông Gio-an, mời ông đến từng Giáo phận, vào tận từng ngôi thánh đường. Ông Gio-an sẽ rao giảng những điều ông đã rao giảng năm xưa tại sông Gio-đan, qua phần phụng vụ Lời Chúa. Với Chúa Nhật hôm nay, những lời rao giảng của ông Gio-an, được trích thuật trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 3, 1-6).

**
Vâng, trước hết, chúng ta cùng nghe thánh sử Luca nói đôi nét về ông Gio-an. Ông Gio-an là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và mẹ ông là bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon.

Ông được sinh ra dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ của ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa nhận lời cầu xin của cha ông, và đã cho ông ra đời cách đặc biệt.

Sau khi sinh được tám ngày, lúc ông Gio-an chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Và tiếp đến, là ba mươi năm sau. Ông Gio-an đã thực hiện đúng như lời tuyên bố của cha ông. Khi “có lời Thiên Chúa phán cùng (ông)”. Thánh sử Luca cho biết: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).

Ngôn sứ I-sai-a, một vị ngôn sứ sống ở cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ VII TCN, có chép trong sách của mình rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 4-6).

Theo thánh sử Mát-thêu, những lời chép của Isaia, chính là nói về ông Gio-an. (Mt 3, 3).

***
Qua phần trích thuật Tin Mừng thánh Luca, (nêu trên). Có thể nói, lời rao giảng của ông Gio-an năm xưa, rất ngắn gọn. Chỉ vọn vẹn chín chữ: tỏ-lòng-sám-hối-để-được-ơn-tha-tội.

Vâng, chỉ vọn vẹn có thế. Thế mà, nó lại tạo ra một cơn địa chấn, một cơn địa chấn làm chấn động “khắp vùng ven sông Gio-đan”. Âm hưởng của nó đã “động đến tâm hồn” rất nhiều người. Đã có rất nhiều người “từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê… kéo đến với ông (Gio-an). Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mt 3, 5).

Với chúng ta hôm nay, sau khi nghe lời “rao giảng kêu gọi” của ông Gio-an năm xưa, liệu âm hưởng của nó có động-đến-tâm-hồn chúng ta! Liệu chúng ta cũng sẽ thú tội, tỏ-lòng-sám-hối-để-được-ơn-tha-tội!

Sẽ thật là ngớ ngẩn khi một ai đó trong chúng ta nói rằng: Ồ! Tôi có làm gì nên tội mà phải tỏ lòng sám hối! Đừng, đừng bao giờ suy nghĩ như thế! Thánh Phao-lô, chẳng phải là có nói “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa”, đó sao! (x.Rm 3, 23).

Với vua David, ông ta… ông ta đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”!!! (Tv 51, 7). Và rồi David đã lớn tiếng tỏ lòng sám hối: “Con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm… Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”.

Thế nên! Chúng ta không thể không tỏ lòng sám hối.

***
Chúng ta hãy tỏ lòng sám hối. Và, không gì tốt hơn là chúng ta hãy xem tiếng-hô-trong-hoang-địa của ông Gio-an như là “một bản kiểm thảo”, cho việc tỏ lòng sám hối của mình.

Hãy trải bản kiểm thảo đó trước mặt chúng ta, và hãy xem đó như một tấm gương để chúng ta “soi” lại tâm hồn mình. Soi lại, hầu cho chúng ta có thể “sửa lại mọi sự trong ngoài” chúng ta.

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có như là một “thung lũng”chất chứa đầy tội lụy!

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có như là một hố sâu ngập tràn rác rưởi của tội lỗi: “tội dâm ô, tội ô uế, tội phóng đãng, tội thờ quấy, tội phù phép, tội hận thù, tội bất hòa!”

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có như là một ngọn núi chất đầy “sự ghen tuông, sự nóng giận, sự tranh chấp, sự chia rẽ, sự bè phái, sự ganh tỵ, sự say sưa chè chén!”

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có giống như một con đường quanh co trải đầy sự dối trá, sự lừa lọc, sự gian xảo v.v…!

Hãy, hãy cẩn trọng soi xét tận cùng tâm hồn chúng ta. Bởi vì, nếu tâm hồn chúng ta vẫn còn vấy bẩn các-điều-đó (nêu trên), thánh Phao-lô khuyến cáo: “(chúng ta) sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (x. Gl 5, 19-21).

Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa thì sao, nhỉ! Thưa, “sẽ (không) thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, chứ sao nữa!

Vâng, chớ để điều tệ hại này xảy ra! Là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không muốn mình được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”! Do vậy, đừng chần chờ gì nữa, hãy thực hiện những điều ông Gio-an đã hô trong hoang địa.

Hãy thực hiện, ngay hôm nay, bây giờ. Hãy san lấp những thung lũng chất chứa đầy tội lụy (trong tâm hồn chúng ta), bằng “sự sám hối” chân thành. Hãy bạt-cho-thấp những núi đồi chất ngất sự kiêu căng và tự mãn (trong tâm hồn chúng ta), bằng lối sống “hiền hòa, từ tâm.” Hãy uốn-cho-ngay những khúc quanh co của sự tranh chấp, chia rẽ, bè phái (trong tâm hồn chúng ta) bằng tình yêu thương, sự bác ái, lòng nhẫn nhục, sự nhân hậu, sự trung tín.

Có như thế và chỉ như thế, hết thảy chúng ta sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói ngắn gọn: Có sám hối – có ơn cứu độ.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây