ĐẠI DƯƠNG ĐEN
Một lần đến với Nhật Bản nói chung và núi Phú Sĩ nói riêng, ắt hẳn mỗi du khách ít nhất một lần được nghe đến khu rừng Aokigahara, tỉnh Yamanashi. Khu rừng nổi tiếng với khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ là sự nguyên sơ hùng vĩ của núi non, thế giới động vật hoang dã phong phú hay vị trí đắc địa, lý tưởng để ngắm cảnh. Nhưng nhiều hơn cả, khu rừng còn được phác họa bởi cái tên “khu rừng tự sát”. Vào năm 2005, tại rừng Aokigahara đã ghi nhận 73 thi thể. Trên toàn nước Nhật, đỉnh điểm vào năm 2003, hơn 34.000 người tự chấm dứt mạng sống của mình. Và đến năm 2020, con số này lại tiếp tục một lần nữa chạm đỉnh với 21.000 người tìm đến cái chết.
Đã bao giờ bạn nghe khúc hát của đại dương sâu thẳm hay chưa? Đó là khúc ca bất tận cất lên từ đáy biển đen ngòm, hát lên khúc ca bi thương của những tấm lòng bị hiện thực giày xéo, những con người bị hai chữ “trầm cảm” gò bó tâm trí, gò bó cuộc sống của họ. Trong thời gian gần đây, tựa đề sách “Đám trẻ ở đại dương đen” của tác giả Châu Sa Đáy Mắt đang được đông đảo bạn trẻ đón nhận. Quyển sách là những trang viết như thể trút cả ruột gan của tác giả về những đứa trẻ mắc kẹt ở đại dương đen - thế giới của những người trầm cảm. Hơn hết nữa, qua mỗi trang sách còn là cả một quá trình tự chữa lành của tác giả, an ủi bạn trẻ vươn mình thoát khỏi chốn tối tăm ấy, tìm lại ánh nắng cuộc đời mình. Tác giả cũng nhắc nhẹ rằng, đại dương đen ấy là của chính tác giả, và dành cho những ai muốn tìm thấy những đứa trẻ giống chính mình, còn nếu chúng ta không thuộc về chốn ấy, cũng xin đừng nặng lời trách móc chúng…
“Bầu trời của mình đã chậm rãi chuyển xám. Nhưng mình mải miết chối bỏ điều đó, bởi lẽ mình sợ, sợ phải thừa nhận rằng mưa đang đến”.
Một xã hội đổi mới, một xã hội tiên tiến, một cuộc sống bận rộn cùng trăm ngàn tiêu chí khắt khe đề ra, người trẻ phải sống trong sự cạnh tranh đến nghẹt thở từng giây từng phút chỉ để giữ cho chính mình một vị trí vững chãi. Mỗi độ tuổi, chúng ta lại vác trên vai một cây Thập giá khác nhau. Thập giá của tôi khác Thập giá của bạn; nỗi khổ của tôi, mãi mãi bạn chẳng thể thấu được, vì thế mà chẳng ai có thể phán rằng như thế nào là sung sướng mà như thế nào là khổ cực. Với thế hệ người trẻ ngày nay, tình trạng overthinking, stress, trầm cảm gần như ngày một phổ biến hơn, cho thấy áp lực cuộc sống là điều không hề nhỏ. Đôi khi, họ cho rằng việc họ có thể gồng gánh được điều gì đấy, nghĩa là nó không nặng nề, họ xem thường những trục trặc, những tiếng kêu gào không ổn của tâm lí để rồi tự an ủi bản thân rằng, ngày mai sẽ khác thôi.
“Có những đứa trẻ, sợ ảnh hưởng đến người khác đến mức vỡ ra cũng phải trong thầm lặng, thầm lặng đến mức nhiều khi chính chúng nó còn chẳng nhận thức được ngay, rằng bản thân đã tiêu tùng rồi”.
Có những người, mang dáng vóc một người trưởng thành, nhưng sâu bên trong, thực ra chỉ là những đứa trẻ đang học cách lớn. Những đứa trẻ không tìm thấy lí do tồn tại, và chúng cũng không hiểu sao con người ta lại khao khát được sống đến thế. Đối diện với sự tuyệt vọng ấy, một cách vô tình hoặc cố ý, một vài người lại phản ứng kiểu “Tại sao lại như thế, làm như thế là ích kỉ, là không biết nghĩ đến người xung quanh”. Nhưng, hãy thử một lần đắm chìm trong lòng biển đen ngòm, lãnh lẽo ấy, chúng ta mới hiểu được thứ cảm giác chèn ép đến nghẹt thở, đến mức không thể nào thoát ra, thì khi ấy, đến bản thân chúng, chúng còn chẳng màng đến, thì làm sao nghĩ đến những người xung quanh. Có những vấn đề, những câu chuyện, chúng ta cảm thấy nó chẳng đáng, nhưng với những đứa trẻ, đó là cả thế giới. Đôi khi, chúng ta thường cho rằng lớp trẻ bây giờ nhạy cảm quá, hở tí là buồn, hở tí là vấn đề này vấn đề nọ. Nhưng cha ông ta cũng nói, “người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt”. Những vấn đề tâm lí không phải điều có thể dễ dàng diễn đạt ngày một ngày hai, cũng như nó không thể được chữa lành ngay lập tức. Suy nghĩ của chúng ta, chưa chắc đã phù hợp với suy nghĩ của đối phương. Những người bị trầm cảm, trông họ như thể đang trốn chạy thế giới, nhưng thực ra chính bản thân họ hơn hết thảy lại muốn được tìm thấy nhất. Chúng ta cố gắng áp đặt ý kiến của chúng ta lên đối phương, thế có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng liệu nó có thật sự phù hợp, liệu nó có khiến đối phương hạnh phúc hay chăng.
“Mình đơn giản chỉ muốn là một tán cây non, trốn biệt trước khi trời hun mình héo rũ”.
Chính vì thế, xin đừng buông lời cay đắng với đám trẻ dưới vực thẳm ấy. Tâm hồn chúng đã lạnh lẽo, xin đừng dùng lời nói người đời để hóa băng cả cõi nước ấy. Viết bài này với tư cách là một “đứa trẻ đang tập lớn”, một người từng chứng kiến những đứa trẻ chết chìm trong “đại dương đen”, chỉ cầu xin một chút sự đồng cảm từ thế giới nhộn nhịp, một chút dừng lại để nhìn xem lũ trẻ ấy đang nghĩ gì, để chí ít, chúng cảm nhận được rằng vẫn có người đứng đợi chúng trên bờ nước.
Trích Tin Mừng Mt 4, 24: “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri-a. Thiên hạ đem đến cho người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt, và Người đã chữa cho họ”. Chính trong Phúc Âm, hình ảnh Đức Giêsu chữa lành cho cả những người có bệnh về thể xác, tâm trí và tinh thần được họa lên rõ rệt. Lạy Chúa, xin hãy đến, và chữa lành cho tâm hồn những đứa trẻ đang mắc kẹt, vùng vẫy dưới đáy đại dương đen - thế giới của những người trầm cảm. Xin hãy đưa tay và kéo họ ra khỏi đó, sưởi ấm trái tim họ và cho họ thấy những điều tuyệt đẹp của thế giới này. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 nói: “Bất cứ ai dù đau khổ vì bệnh tâm thần, cũng luôn mang hình ảnh và dung mạo giống Thiên Chúa, và có một quyền bất khả nhượng phải được coi là một người và được đối xử như vậy”. Lạy Chúa, giữa một thế giới đầy rẫy tội lỗi và đau khổ, xin cho họ được tìm thấy Chúa, tìm thấy cuộc đời họ, xin cho những cảm xúc của họ sẽ có người người thấu cho, cho những vụn vỡ của người trẻ sẽ được tình yêu của Ngài hàn gắn lại, cho những đứa trẻ nơi đại dương đen ấy được tìm đến một vùng nước xanh hơn.
Gấu Trúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn