TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dấu chỉ Giê-su Phục Sinh

Thứ sáu - 29/03/2024 20:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   420
Chuyện kể tiếp rằng: “Ông đã thấy và đã tin”.

Chúa Nhật Lễ Phục Sinh
Dấu chỉ Giê-su Phục Sinh là: Thánh Kinh và Thánh Thể

 

tbd 300324

 

“Một ngày bừng lên, niềm vui rộn rã, một ngày bừng sáng, ca khúc hân hoan, ôi tình yêu chứa chan. ĐK: Vì Chúa đã sống lại. Ngài đã ra khỏi mồ, cho nhân loại mừng vui, hát lên Al-lê-lu-ia. Vì Chúa đã sống lại. Ngài đã ra khỏi mồ, cho nhân loại mừng vui. Cùng nhau ca lên Al-lê-lu-ia.”

Vâng, những lời viết trên đây là trích đoạn trong bài thánh ca “Ngày Phục Sinh”, tác giả: LM. Thái Nguyên.

“Chúa đã sống lại.” Đó chính là trung tâm điểm đức tin Công Giáo. Đức tin Công Giáo dạy chúng ta rằng: Đức Giê-su, “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Các thánh tông đồ chính là những nhân chứng sống động về sự kiện này. Các ngài là những người đã được chứng kiến tận mắt, được chạm tận tay, được nghe tiếng nói của chính con người thật của Đức Giê-su, sau khi Ngài sống lại. Nói tắt một lời, các ngài đã được diện đối diện với Đức Giê-su Phục Sinh.

**
“Chúa đã sống lại. Ngài đã ra khỏi mồ.” Vâng, theo Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại, sự kiện này xảy ra vào “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối.”

Sáng sớm hôm ấy, có một người phụ nữ ra mộ, nơi đã chôn cất Đức Giê-su. Người phụ nữ này là bà Maria Mác-đa-la.
Hôm thứ Sáu, ngày Đức Giê-su bị bắt, bà ta có đi theo Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đồi Golgotha. Bà đã chứng kiến cảnh khổ nạn của Đức Giê-su.

Sau khi Đức Giê-su bị treo lên thập giá và chết, bà biết rõ, ông Gio-sép, người Arimathe, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn. Và sau khi mọi nghi thức tẩm liệm xong, ông Gio-sép “lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ra về. Bà Maria Mác-da-la và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó và quay mặt vào mồ” (x. Mt 27, 60-61).

Vâng, hôm ấy, mọi sự việc là thế. Thế mà hôm nay, khi đi đến mộ, bà Maria Mác-đa-la thấy “tảng đá đã lăn khỏi mộ”.

Trong nỗi kinh ngạc, bà ta “liền chạy về gặp ông Si-môn và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.” Khi đã gặp được hai vị môn đệ, bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (x.Ga 20, 1-2).

Nghe xong lời kể của bà Maria Mác-đa-la, không một phút chần chờ: “ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy”. Vâng, cả hai cùng chạy, chạy không khác gì những vận động viên chạy nước rút.

Cuối cùng thì “người môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới trước”. Khi tới nơi, người môn đệ kia “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào” (x.Ga 20, 5).

Còn ông Phê-rô! Vâng, ông Simon Phê-rô (chạy) theo sau, và rồi cũng đến nơi. Đến nơi, “ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải còn ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”.

Người môn đệ chạy tới trước nhưng-không-vào, sau đó “cũng đi vào”. Xác Thầy Giê-su đâu, các ông không thấy! Và ngôi mộ… chỉ là “ngôi mộ trống”. Chuyện kể tiếp rằng: “Ông đã thấy và đã tin”.

***
Không thấy xác Thầy Giê-su và ngôi mộ chỉ là ngôi mộ trống. Thế mà ông-đã-tin. Tại sao! Thưa, là bởi, đó chính là “dấu chỉ” về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su.

Chúa Nhật hôm nay (31/03/2024) toàn thể Giáo Hội MỪNG CHÚA PHỤC SINH. Và, Giáo Hội vẫn luôn tuyên xưng rằng, Đức Giêsu – “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Hôm nay, “dấu chỉ” về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su là gì! Thưa, là lịch sử hơn hai ngàn năm Ki-tô giáo. Là niềm tin của các tông đồ, một niềm tin không lay chuyển, một niềm tin dám “thí mạng sống” của mình về điều mình đã tuyên xưng, rằng: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 39-41). Là sự phát triển của Giáo Hội, một sự phát triển không dựa vào sức mạnh bằng họng súng, bằng búa bằng liềm, bằng giáo bằng mác v.v…

Sự tồn tại của Giáo Hội, hơn hai ngàn năm qua, trong khi có biết bao đế quốc sụp đổ, biết bao quốc gia bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, cũng chính là “dấu chỉ một Giê-su Phục Sinh”, Ngài vẫn “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thế nên, không có gì khiến chúng ta phải run, phải rét trước những kẻ chống lại niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh. Chuyện này, có thể nói rằng: “xưa rồi diễm”.

Vào thời thánh Phao-lô. Đang khi ngài “rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì… Có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?” (x.1Cor 15, 12).

Thánh Phao-lô đã nói gì! Thưa, ngài đã có lời truyền dạy rất sâu sắc, rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em hão huyền… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15, 14… 19).

“Nhưng không phải thế!”. Vâng, Thánh Phao-lô nói tiếp: “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.”

Ngày nay, nếu có một David Strauss, một triết gia người Đức, trong tác phẩm “The life of Jesus critically examined” đã lập luận cho rằng: Các tín hữu đầu tiên của Kitô giáo đã cố tìm mọi cách để gán cho Giê-su đủ thứ huyền thoại về một Đấng Cứu Thế mà mọi người mong đợi. Ông ta cố chứng minh rằng, Đức Giêsu của Kinh Thánh chỉ là một Giê-su của huyền thoại.”

Thì, cũng có một Frank Morris, một luật sư người Anh, trong tác phẩm “Who moved the stone – Ai đã lăn hòn đá”, đã đưa ra nhiều bằng chứng đáng tin cậy để nói rằng Chúa Giê-su thực sự đã Phục Sinh.

Tưởng chúng ta nên biết, có rất nhiều nhà khoa học lừng danh trên thế giới “Tin Chúa”. (*)

Johannes Kepler (1571–1630), một trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất. Ông nói: “Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Ngài vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn. Hãy ca tụng Ngài bằng ngôn ngữ của mình, hỡi trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Lạy Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng nên con! Với trí khôn giới hạn của con, con muốn loan báo sự kỳ diệu của các công trình Ngài cho mọi người hiểu được”.

Isaac Newton (1643–1727), nhà sáng lập vật lý lý thuyết cổ điển. Ông nói: “Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri”.

Alessandro Volta (1745–1827), người khám phá ra các ý niệm cơ bản về điện. Ông nói: “Tôi tuyên xưng đức tin Công giáo Roma, thánh thiện và tông truyền. Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi đức tin này, nhờ đó mà tôi có một ý hướng vững chắc để sống và chết”.

Andre-Marie Ampere (1775–1836), người khám phá ra các định luật cơ bản về điện. Ông nói: “Thiên Chúa vĩ đại biết bao và khoa học của chúng ta chỉ là chuyện vặt vãnh!”

Thomas A. Edison (1847–1931), nhà sáng chế nắm giữ 1200 bằng sáng chế. Ông nói: “Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ tất cả các kỹ sư, đặc biệt là người kỹ sư vĩ đại nhất: Thiên Chúa”.

Albert Einstein (1879–1955) người đặt nền cho vật lý hiện đại (Thuyết tương đối), giải Nobel 1921. Ông nói: “Những ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học đều chắc một điều là trong tất cả những định luật của vũ trụ đều có bóng dáng của một thần linh siêu vượt lên trên con người và chúng ta phải cảm thấy mình thật thấp kém”.

Wernher von Braun (1912–1977), kỹ sư tên lửa và kiến trúc sư không gian. Ông nói: “Trên hết mọi sự là vinh quang Thiên Chúa, Đấng mà con người và khoa học khám phá và tìm kiếm mỗi ngày với sự tôn kính thẳm sâu”.

Louis Pasteur. Tấm danh thiếp và sự ngạc nhiên: “Một sinh viên trẻ ngồi cùng toa xe lửa với một ông già đang lần hạt. Anh mạnh dạn bắt chuyện với ông: “Thay vì lần hạt, tại sao ông không dành thời gian học hỏi và tự đào luyện bản thân đôi chút nhỉ? Tôi có thể gởi cho ông một cuốn sách hướng dẫn”. Ông già đáp: “Anh làm ơn gởi cuốn sách đến địa chỉ này”, và ông trao cho anh sinh viên tấm danh thiếp. Tấm danh thiếp ghi là: Louis Pasteur, Viện khoa học Paris. Anh sinh viên cảm thấy xấu hổ vô cùng. Anh định khuyên nhủ một học giả lừng danh nhất của thời đại mình, nhà sáng chế ra vaccines, được cả thế giới ca tụng và là một người siêng năng lần hạt.”

(*)trích nguồn: Giáo Xứ Châu Sơn - Giáo Phận Ban Mê Thuột.

****
Người ta đã dựa vào Thánh Kinh và lịch sử để minh chứng cho sự kiện Đức Giê-su Ki-tô đã bị xử tử, bị đóng đinh trên thập giá và ngày thứ ba Ngài đã Phục Sinh.

Tất cả bốn sách Tin Mừng: Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gio-an đu mô tả từng chi tiết cho biến cố này. Khoa khảo cổ học cũng đã tìm ra được Ba-vê (Stone Pavement - nền lát đá), nơi Chúa Giê-su bị đem ra xử trước đám đông người Do Thái, đúng như trong Kinh Thánh đã chép: “Ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài, Ông đặt Người ngồi trên tòa, nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gapbatha” (Ga 19, 13).

Như vậy, khám phá về lâu đài An-tô-ni-ô và Ba-vê, nơi xử án Đức Giê-su, vào năm 1933 của các nhà khảo cổ hc đã minh chứng cho những gì bốn thánh sử đã ghi chép trong bốn sách Tin Mừng, cách đây nhiều thế kỷ, là chính xác.

Thánh Phê-rô và Gio-an đã bị tống ngục chỉ vì “giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sống lại” (Cv 4, 2).

Mà nếu không có sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, thì hôm nay không thể tồn tại một Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”. Nếu không có sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, thì không thể từ chỗ chỉ có một nhúm nhỏ “mười hai và vài ba người phụ nữ” trở thành 3.000, 5.000, và bây giờ ngấp nghé 2 tỷ người khắp năm châu, tin Chúa.

Tất cả mọi người đều tin, rằng: “Chúa Giê-su Ki-tô, từ trong cõi chết, Ngài đã Phục Sinh”.

Có rất nhiều bằng chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Và, bằng chứng sống động nhất và đáng tin cậy nhất, chính là đời sống của mỗi Ki-tô hữu. Mỗi người Ki-tô hữu đều được biến đổi. Và, ngay cả khi không có gì khiến họ biến đổi, thì Thánh Kinh và Thánh Thể sẽ biến đổi đời sống của họ. Điều này chứng tỏ rằng: Đức Giê-su Phục Sinh.

Nói cách khác: Hôm nay, dấu chỉ Giê-su Phục Sinh là: Thánh Kinh và Thánh Thể.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây