Này là Người!
Một người ngoại giáo, một quan toà không muốn xét xử một người vô tội. Vậy mà người cùng tôn giáo lại muốn đóng đinh cho bằng được con người vô tội ấy. Philatô sau khi cho đánh đòn Chúa, ông đem Chúa Giêsu ra và nói: “Này là Người!”. Tôi ngắm nhìn Chúa với những suy tư vừa hối hận, vừa xin Chúa xót thương tôi cùng.
“Này là Người!” một câu nói của một con người không biết Chúa Giêsu là ai. Philatô chỉ nghe biết về người này và hôm nay tận mắt, chứng kiến con người này sau khi bị tra tấn bởi các lính của thượng hội đồng Do Thái. Họ kết tội ông này tự xưng là “Con Thiên Chúa”. Điều này Philatô cũng không biết từ đó có ý nghĩa gì với dân Do Thái mà mấy ông thượng hội đồng lại cho đánh đòn và đòi lên án giết chết.
Một quan toà không hiểu chuyện của người Do Thái, tại sao lại ác với nhau như thế. Một con người rách tả tơi, chịu nhiều thương tích, bị hành hạ chẳng còn nhìn ra khuôn mặt người, thế mà còn đòi giết cho bằng được. Philatô nghĩ gì? Ông nghĩ rằng tại sao một tôn giáo lại sống tàn nhẫn đến vậy? Dù ông là người không phải là tôn giáo, ông chỉ phụng sự Cesar, quyền bính, mà cũng thấy thương cho người này, muốn tha cho người vô tội này. Người có đạo lại ác hơn người ngoại giáo chăng? Người ta nhân danh tôn giáo để giết người? Thật kinh khủng!
Philatô biết chỉ vì lòng ghen ghét đố kỵ, mà người ta sinh ra tàn ác, muốn giết nhau, sát hại nhau bằng mọi giá. Ông tìm cách tha cho người này sau khi tra hỏi, ông nói với mấy người thượng hội đồng: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy." (Ga 19, 4). Một con người chẳng còn ra người, quân dữ còn sỉ nhục Chúa bằng việc cho mặc chiếc áo đỏ, đầu đội mào gai. Chúng còn chế nhạo người: “Vua dân Do Thái”. Nếu biết nghĩ, những người thượng hội đồng còn phải biết quân lính đang sỉ nhục họ, vậy mà họ còn không chịu hiểu nỗi nhục nhã của chính họ.
Philatô dẫn Chúa thêm vài bước và nói: “Này là Người” (Ga 19, 5). Họ thấy vậy càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá”. Philatô ngỡ ngàng sự tàn ác của con người không dừng lại, ông nói: “"Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy." (Ga 19, 6). Philatô muốn tránh việc đổ máu người vô tội này, ông nói để cho mấy người kia biết, đừng mượn tay người khác mà giết người. Có biết bao bàn tay trong bóng tối giết người bằng cách mượn tay người khác, những Nickname giả ném đá người này, người kia. Philatô nghĩ, nếu họ muốn giết thì cứ đem đi mà giết, tại sao phải mượn tay của ông. Muốn giết thì phải chịu trách nhiệm về bàn tay vấy máu chứ, tại sao lại “ăn ốc bắt người khác đổ vỏ”?
Những người trong thượng hội đồng đã quen chối trách nhiệm, nên xoay qua việc tố cáo: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da” (Ga 19, 12). Từ việc gán tội về tôn giáo, người này tự xưng là: “Con Thiên Chúa” họ chuyển đổi bản án sang tội chính trị, người này xưng là vua. Philatô hiểu họ muốn đổ tội cho mình, nên cố né tránh. Ghét ai người ta có cả ngàn cớ hoặc “bới lông tìm vết” để tố cáo người ấy.
Philatô đưa Chúa đến, “Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha”. Chỗ ngồi này là chỗ Philatô ngồi xét xử, ông đặt Chúa nơi ấy, ngỏ ý, ở đây ai là quan toà. Ông, Thượng hội đồng, hay Chúa Giêsu? Ai kết án ai?. Philatô thì đã chối ông không phải là quan toà trong vụ này, khi ông giới thiệu: “Đây là vua dân Do Thái” (Ga 19, 15). Họ càng la to: Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá! Một lần nữa Philatô lại hỏi: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?". Nhóm người cố chấp vẫn nói: "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da." Philatô đành để họ đem đi Chúa của họ mà đóng đinh thập giá. Họ phải chịu trách nhiệm về việc giết người vô tội này, còn Philatô rửa tay không dính dáng.
Dân chúng bị xách động bởi nhóm thượng hội đồng. Hơn nữa đây là nhóm có quyền về tôn giáo,và có quyền về chính trị nữa. Không theo họ, người dân chỉ có thiệt hại, hoặc bị kết tội theo bè ông Giêsu. Họ cứ phải la mà lòng đau như cắt “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Những con mắt cú vọ dò xét người dân, giống như dân Bắc Triều Tiên cứ phải khóc lóc trước lãnh tụ của họ.
Thật tội cho dân lành, họ đau lòng khi phải đóng đinh người này. Họ đã từng chịu ơn của Chúa chữa lành, đuổi quỷ ra khỏi, tha thứ tội lỗi. Họ đau khổ biết chừng nào khi thấy Chúa của họ phải chịu như thế. Họ đi theo chân Chúa, im lặng nhìn những roi đòn quất trên thân Chúa. Tay nắm chặt trên đất cát, đau xé lòng nhìn Chúa bị treo trên thập giá.
Thật đau! người ta cứ nhân danh quyền này quyền kia, nhất là nhân danh lòng đạo, đóng đinh, vu oan, báo hại cho người. Độc ác hơn mượn bàn tay người này, người khác giết người, đổ bao tội lỗi cho họ.
Chúa trên thập giá, nhìn thân phận con người thảm thương trong tội lỗi, vẫn một lòng tha thứ xin Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Chỉ có Tình Yêu mới có thể chữa lành thân phận con người. “Hãy yêu thương như Thầy yêu thương” (Ga 15, 12).
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan