DỌN ĐƯỜNG
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm B: Mc 1, 1-8
Suy niệm
Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Ông được cưu mang và sinh ra cách lạ lùng, rõ ràng là một biến cố hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay ông xuất hiện với sứ mạng Tiền Hô, để dọng đường cho Đấng cứu tinh nhân loại. Đúng như lời Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Isaia: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”. Để thực hiện sứ mạng này, Gioan chọn con đường khổ chế: ẩn tu trong sa mạc, ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Chính trong hoang địa mà ông đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Nhờ sự đào luyện bản thân cách nghiêm túc, nhiệm nhặt, mà Gioan đã trở thành người mở đường hữu hiệu cho Đấng Cứu Thế.
Khi ra rao giảng, việc quan trọng đầu tiên là Gioan “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Cụm từ Hy Lạp baptisma metanoias (thanh tẩy sám hối: Lc 3,3; Cv 13,24; 19,4): xác định đặc tính của phép rửa Gioan là “phép rửa tượng trưng hoặc diễn tả lòng sám hối”. Lòng sám hối đích thực không hệ tại nơi những tình cảm chóng qua, hay những nghi thức bên ngoài, nhưng phát xuất từ chính tâm tình bên trong, là sự mong đợi Đấng Mêsia ngự đến.
Việc sám hối bao gồm sự hoán cải. Vì “Sám” là ăn năn lỗi trước, và “Hối” là chừa bỏ lỗi sau. Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn nguyên. Sám hối và hoán cải cũng không chỉ là sửa chữa những lầm lỗi hay thiếu sót, mà cơ bản là trở về với Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, mà từ trong sâu thẳm, con người hằng thao thức và khát mong tìm về. Chỉ dừng lại ở việc hoán cải trí tuệ và luân lý thôi thì đời sống Kitô hữu vẫn còn đang dang dở, chưa dấn thân trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cứu độ ta chứ không phải sự hiểu biết về chân lý hay những việc thiện mà ta làm.
Cụ thể của việc sám hối và hoán cải nơi sứ điệp của Gioan là kêu gọi mọi người “Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Trên phương diện xã hội, nếu không có đường thì giao thông vận chuyển và mọi phát triển đều bế tắc. Nhưng có đường mà đất bùn lầy, đá lởm chởm, nhiều lồi lõm, lối quanh co… sẽ gây trắc trở và nhiều nguy hại. Con đường mà Gioan nói tới là đường vào cõi lòng ta, nhiều khi cũng đã sình lầy và bít bùng hoặc hư hỏng rồi, nên phải “dọn”, phải “sửa”, để Chúa có thể đến với tâm hồn mình.
Dọn đường hay sửa đường là nỗ lực đổi mới bản thân, không chỉ vượt qua những ngăn chặn tiêu cực nơi chính mình, cũng không chỉ làm đẹp một tính cách nào đó, mà còn là tích cực góp phần để tình yêu và chân lý được tỏa sáng, để công lý và hòa bình được ngự trị. Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”.
Mỗi Kitô hữu cũng chính là một con đường để mọi người đến với Chúa và để Chúa đến với mọi người. Nhưng chúng ta hãy thật tâm nhìn lại con đường của tâm hồn mình, biết đâu đang có những chỗ lồi lõm, gồ ghề, quanh co, và có cả vực sâu ngăn chặn Thiên Chúa và con người đến với nhau. Cần bạt đi thói kiêu căng tự mãn, cần san bằng tính tự ái ngang ngạnh, cần lấp đi những hố sâu tham vọng, cần uốn thẳng lại những kiểu sống quanh co dối trá, giả hình... để tâm hồn ta trở thành một con đường thật đẹp để Chúa đến với mọi người xung quanh.
Cuối cùng, tâm tình sám hối và hoán cải phải thật sự đưa ta đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng cứu độ. Sám hối và hoán cải là nhịp đập của một trái tim hít vô và thở ra để mang lại sự sống, cũng là một sự thanh tẩy và đổi mới bản thân để gặp gỡ Chúa sâu xa hơn. Đức Bênêđictô XVI cũng đã khẳng định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Tông huấn Verbum Domini 11).
Gioan Tẩy Giả nhìn người ta được tẩy sạch khi lên khỏi nước. Ông gạt đi những lời cám ơn và ca ngợi. Ông nói với họ về “Đấng quyền thế hơn”, Đấng mà ông “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Đó là Đấng sẽ làm phép rửa cho họ trong Thánh Thần để tiến tới một đời sống mới. Đời sống này sẽ khởi sự khi người ta nhận ra và đón nhận Đức Kitô cùng với sự khôn ngoan của Người vào lòng. Họ đang ở tại bờ của một khởi đầu; họ cần sẵn sàng, khao khát và mở lòng ra.
Mỗi Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em xung quanh mình hằng ngày. Cần khiêm tốn và trung thực để giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng đã và đang có mặt trong lịch sử loài người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả,
mỗi người chúng con là một con đường,
để Chúa đến với con người hôm nay,
ban sức thiêng cho cuộc sống đời này.
Nhưng lòng con còn quanh co gian dối,
còn che chắn và tăm tối mịt mù,
còn những lối hiềm thù và đố kị,
còn những mô cao khinh thị kiêu căng,
còn gồ ghề và nhỏ nhen ích kỷ,
những vô lý và thô bỉ với người.
Nghe theo thánh Gio-an đã kêu gọi,
xin cho con biết thật tình sám hối,
biết tu tâm và đổi mới bản thân,
biết siêng năng và sốt sắng ân cần,
để dành giờ cho Chúa và tha nhân.
Cũng như thánh Gio-an đã từng sống,
cho con sống khó nghèo và nhiệm nhặt,
biết từ khước những gì là dễ dãi,
những tiện nghi và thoải mái cho mình,
để sống chân tình và giản dị đơn sơ.
Cũng như thánh Gio-an đã hành động,
xin cho con dám sống một đức tin,
ra khỏi mình và đến với anh em,
gần gũi và đỡ nâng người yếu kém,
xả thân vì sự thật của Tin Mừng.
Cũng như thánh Gio-an đã nêu gương,
cho con biết rút lui vào hậu trường,
bỏ uy thế và ảnh hưởng của mình,
rất hân hoan nhường đường cho Chúa đến,
để đem lại ơn cứu độ cho đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn