Chúa Nhật XXIV – TN – B
Giê-su là thập giá và tình yêu
Theo ước tính của một cuộc khảo sát vào năm 2011 do tổ chức điều tra dân số nhân khẩu học Pew Research Center thực hiện, thì tổng số người tin Chúa trên khắp thế giới có khoảng 2,2 tỉ người. (nguồn: internet).
Vâng, khoảng 2,2 tỉ người, với những diễn giải đa dạng về Giáo lý mà đôi khi xung đột với nhau, cộng đồng những người tin Chúa chia thành ba nhánh chính: Giáo hội Công giáo Rôma, Chính Thống giáo, và Kháng Cách (còn gọi là Tin Lành).
Tuy mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung tất cả những Giáo hội nêu trên, đều chung một lời tuyên xưng, lời tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng.”
Tin vào Đức Giê-su và gọi Ngài là “Giê-su Ki-tô” đó là niềm tin “tông truyền”. Có nghĩa là do các tông đồ truyền dạy. Các ngài, đại diện là tông đồ Phê-rô, chính là người đã tuyên xưng niềm tin này. Hồi ấy, trong một lần Đức Giê-su và các môn đệ quy tụ bên nhau, Ngài đã hỏi các ông, rằng: “Anh em bảo Thầy là ai?” Tông đồ Phê-rô trả lời rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô”.
Sự kiện này đươc ghi lại chi tiết trong Tin Mừng Thánh Mác-cô. (Mc 8, 27-35).
**
Tin Mừng thánh Mác-cô thuật lại rằng: “Đức Giê-su cùng các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê.” Hôm ấy, trong bầu không khí riêng tư chỉ có Thầy và trò, Đức Giê-su (đã) hỏi các môn đệ, rằng: “Người ta nói Thầy là ai?”
Người ta nói Thầy là ai ư! Đó, đó là một câu hỏi không khó trả lời. Thật vậy, rất nhiều người, đặc biệt là cư dân làng Na-da-rét, tất cả họ đều biết rằng, Ngài là “bác thợ, con bà Maria”.
Tuy nhiên, đó chỉ là lời nhận định đầy sự kỳ thị. Còn hôm nay, các môn đệ của Đức Giê-su đã cung cấp cho Ngài rất nhiều lời nhận định hoàn toàn mới mẻ và đáng được gọi là chính đáng. Các môn đệ đã nói rằng: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”
Nhận định của dân chúng đối với Đức Giê-su chính đáng đấy chứ! Này nhé! họ đã thấy Đức Giê-su làm phép rửa và kêu gọi người ta sám hối, đem so sánh với ông Gio-an Tẩy giả, có gì khác nào! Ông Gio-an Tẩy giả cũng đã làm phép rửa và kêu gọi người ta sám hối, đúng không?
Bảo Đức Giê-su như Ê-li-a thì sao! Thưa, vì Ngài đã làm phép lạ cho con trai bà góa thành Nain đã chết và được sống lại. Còn Ê-li-a… Ê-li-a cũng đã làm cho con trai bà goá thành Sarepta, đã chết và được sống lại.
Cho là một ngôn sứ nào đó thì cũng chẳng có gì sai. Không sai vì Đức Giê-su cũng nói lời của Thiên Chúa, nói nhân danh Gia-vê Thiên Chúa, như các ngôn sứ xưa kia, từng nói.
Vâng, rất thú vị khi chúng ta nghe thêm lời chia sẻ của Noel Quession về những gì “người ta” đã nói về Đức Giê-su. Ngài Quession chia sẻ rằng: “Vậy thì dư luận cũng khá nhất quán: Người ta cho rằng Đức Giêsu là một vĩ nhân, là Gioan Tẩy giả đã sống lại thì cũng không phải là việc thường, là ngôn sứ Êlia, kẻ phải đến liền trước Đấng Mêsia. Do đó Đức Giêsu được coi như là phát ngôn viên của Thiên Chúa”.
Trở lại cuộc thăm dò dư luận “bỏ túi” của Đức Giê-su. Hôm ấy, sau khi các môn đệ công bố những lời nhận định của thiên hạ về mình, Đức Giê-su không xác nhận hay phủ nhận.
Vâng, không nhất thiết phải xác nhận hay phủ nhận. Điều cần thiết, đó là Đức Giê-su muốn các ông có một lời nhận định cho riêng mình. Do vậy, Ngài đã thẳng thắn hỏi các ông, rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Kinh Thánh có lời chép rằng: “Hãy mau nghe và chậm nói.” Thế nhưng, ông Phêrô lại là người “mau nói… chậm nghe”. Thực tế đúng vậy, hôm ấy, mau mắn hơn các đồng môn, ông đã trả lời rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8, 30).
***
“Thầy là Đấng Ki-tô”. Ông Phê-rô đã trả lời như thế. Và, Đức Giê-su đã không tiếc lời tán dương ông. Theo thánh sử Mát-thêu, Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô, rằng: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Tuy nhiên, “diễm phúc” mà ông Phê-rô nhận được, đã không đem đến cho ông một cái nhìn đích thực về Thầy Giê-su của mình.
Thật vậy, khi Đức Giê-su hé mở sứ vụ của Ngài, rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” Ông Phê-rô liền “giãy nảy” lên. Chuyện kể rằng: “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.”
Ông Phê-rô trách Thầy! Và, tại sao ông ta lại làm như vậy! Thưa, thánh sử Mác-cô không nói gì cả. Tuy nhiên, ngày nay một số nhà chú giải Kinh Thánh, tiêu biểu là Noel Quession, có lời giải thích rằng: “Mặc dù vừa gán cho Thầy mình tước vị đẹp đẽ, nhưng Phêrô đã không hiểu gì cả. Ông vẫn đợi một Đấng Mêsia vinh quang, chiến thắng theo kiểu loài người, một Đấng Mêsia hoạt động chính trị, một nhà giải phóng trần gian.”
Nếu đúng là vậy… và nếu chắc chắn là vậy… thì chúng ta không ngạc nhiên khi người “bị trách” lại chính là ông Phê-rô. Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su trách ông Phê-rô rằng: “Sa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33).
Thầy là Đấng Ki-tô! Đúng. Là Đấng Ki-tô. “Là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Là Đấng được mọi người mong đợi để đến ‘hoàn tất lịch sử cứu độ’. Là Đấng các Ngôn sứ đã báo trước, Đấng sẽ cho cuộc sống con người có ý nghĩa.” (chú giải của Noel Quession).
Chính Đức Giê-su, trong một lần đàm luận với ông Ni-cô-đê-mô, đã nói rất rõ ràng, rằng: Đấng đó “phải được giương cao… như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc… để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14).
Đức Giê-su ba lần loan báo cuộc thương khó của mình. Và, Đức Giê-su cũng đã không quên loan báo rằng, cuộc thương khó đó cũng là cuộc thương khó dành cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài.
Thế nên, Đức Giêsu không ngại “gọi đám đông cùng với các môn đệ lại”. Và, Người đã nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8, 34-35).
Có thể nói, đây là một lời công bố rất cương quyết. Vì thế, chúng ta hãy ghi khắc trong con tim mình lời công bố này. Và hãy nhớ rằng “có đau khổ mới vào vinh quang.”
****
Trở lại với câu hỏi của Đức Giê-su: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Vâng, tông đồ Phê-rô đã có câu trả lời. Các vị tông đồ khác, cũng đã trả lời. Lịch sử Giáo Hội, qua hơn hai mươi thế kỷ, cũng đã có hàng tỷ tỷ người trả lời.
Thế còn chúng ta… chúng ta sẽ trả lời ra sao! Phải chăng, câu trả lời của chúng ta sẽ phong phú hơn nhiều? Thưa, có thể là vậy!
Vâng, chúng ta có thể trả lời rằng: Đức Giê-su là người đã: “Chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Mọi kẻ đau ốm, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt, Ngài đã chữa họ.” (Mt 4, 23-24).
Chúng ta cũng có thể nói: Ngài là người đã làm cho kẻ chết sống lại. Đứa con trai bà góa thành Nain, hay anh chàng Lazaro, như những điển hình.
Nhiều… nhiều lắm. Có một sự kiện, chúng ta sẽ xử dụng như một câu trả lời không chê vào đâu được, đó là chúng ta hãy lớn tiếng nói: Đức Giê-su là người: “(đã) chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.”
Vâng! Đó là những câu trả lời rất phong phú, phải không thưa quý vị? Tuy vậy, Noel Quession vẫn đưa ra lời cảnh báo, lời cảnh báo rằng: “Không phải chỉ đọc kinh ‘Tin Kính’ thật đúng là đã đủ. Những từ đúng nhất cũng có thể hàm chứa sai lầm, và những từ không đúng lắm cũng có thể diễn tả chân lý.”
Linh mục Jude Siciliano, OP, cũng đã góp thêm một lời chia sẻ đầy ý nghĩa, lời chia sẻ rằng “Vào những giai đoạn khác nhau trong đời, chúng ta cũng bị chất vấn những câu như thế và chúng ta phải trả lời chứ không chỉ dừng lại công thức tuyên xưng đức tin hay câu trả lời mà chúng ta học được từ các lớp giáo lý khi còn là trẻ con, nhưng phải là câu trả lời từ một đức tin trưởng thành được nuôi dưỡng bởi các bí tích, bài đọc, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa – cũng như những gì chúng ta học được từ nỗ lực nhằm trả lời cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta”.
Đúng vậy, nếu câu trả lời của chúng ta chỉ là những câu tuyên xưng ngoài môi miệng, thì chẳng khác nào, như lời tông đồ Giacôbê nói: “mình có đức tin mà không hành động theo đức tin”.
Hãy tưởng tượng, mỗi Chúa Nhật, chúng ta sốt sắng tham dự thánh lễ, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã “chịu nạn chịu chết để chuộc tội” cho chúng ta. Thế nhưng, chúng ta lại phớt lờ lời Chúa dạy dỗ “anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”, chúng ta thờ ơ, trước biết bao con người “… Đang ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành”, thì việc tham dự thánh lễ, cũng như lời tuyên xưng của chúng ta, thánh Giacôbê nói, “nào có ích lợi gì”. (Gc 2, …14).
Vâng, chẳng có ích lợi gì “cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta” và điều đó tố cáo chúng ta là những kẻ, tuy có “đức tin”, nhưng chỉ là thứ “đức tin không có hành động”. Mà, đức tin không có hành động thì sao nhỉ! Thưa, tông đồ Gia-cô-bê nói: “là đức tin chết”. Nói cách khác, lời tuyên xưng về Đức Giê-su của chúng ta “rỗng tuếch”.
Để cho lời tuyên xưng sống động, chúng ta phải hành động, một hành động dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”, dám “từ-bỏ-chính-mình, vác thập giá mình hằng ngày”, thập giá của tình yêu thương “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” (1Cor 13, 4-5). Bởi vì, muốn nói về Đức Giê-su, phải nói về thập giá và tình yêu thương.
Nói cách khác, nếu có ai hỏi: Đức Giê-su là ai? Vâng, chúng ta chỉ cần nói: Giê-su là thập giá và tình yêu.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn