TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Làm người phục vụ (Mc 9, 30-37)

Thứ sáu - 13/09/2024 03:38 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   330
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ
Chúa Nhật 25 Thường Niên năm B:
Mc 9, 30-37

LmTN 130924a

 

Suy niệm

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang, nhưng họ vẫn không hiểu, hoặc không muốn hiểu. Nói rằng các ông sợ không dám hỏi lại, nhưng đúng hơn, các ông muốn tránh né vấn đề. W. Barclay đã bình phẩm thái độ này như sau: Tâm trí con người vốn có năng khiếu lạ lùng để loại bỏ điều họ không muốn thấy. Chúng ta có khác gì họ đâu? Cũng vậy thôi, chỉ tiếp nhận phần nào mình thích và phù hợp với mình, và từ chối không chịu hiểu phần còn lại. Không dám đón nhận tất cả thì đời chúng ta cũng không đạt tới điều gì cả.

Dù Đức Giêsu đã báo về cuộc thương khó, nhưng dường như các môn đệ tìm cách hiểu khác đi. Họ đoán biết Thầy sắp kết thúc hoạt động rao giảng, nhưng sẽ kết thúc một cách huy hoàng bằng cuộc cách mạng tái lập lại Israel. Thế nên giữa các ông bắt đầu có một cuộc tranh chấp về địa vị trong vương quốc mới của Thầy. Các ông tranh cãi nhau ngay trong lúc đi đường xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Chúng ta biết là các môn đệ ngay từ đầu không phải là những người lành thánh. Họ không bỏ mọi mọi sự mà theo Thầy để rồi không được gì. Dù họ chỉ là những người bình thường, có thể là tầm thường, nhưng khi có dịp thì vẫn mơ ước làm công hầu khanh tướng. Khi biết Thầy định lập vương quốc, thì đương nhiên họ toan tính nắm giữ quyền hành, chỉ có điều là mơ ước đó đi ngược với đường hướng của Thầy.

Khi về đến nhà, Đức Giêsu bảo các môn đệ ngồi xuống, Ngài vờ hỏi xem họ đã bàn chuyện gì khi đi đường. Họ làm thinh không trả lời. Trong bầu khí trầm lắng, Ngài nhẹ nhàng đưa ra cho họ một cách thế để trở nên những con người lớn lao thực sự: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời này có lẽ làm cho các đồ đệ vừa sượng sùng trước cái ham muốn quyền thế, vừa rơi xuống chiếc mặt nạ ảo tưởng về chính mình. Bởi vì người đứng đầu mà phải sống như người đứng cuối, thì có ai muốn đứng đầu nữa không? Hơn nữa, họ có tài sức gì mà đòi cho mình một vai trò hay vị trí lớn lao trong Nước Chúa. Chúng ta xem ra cũng hay ảo tưởng về mình.

Đức Giêsu còn minh họa bằng một hình ảnh sống động khi đặt đứa bé vào giữa họ rồi ôm lấy nó, và tuyên bố: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Khi nói và làm như thế, Đức Giêsu đã thực hiện một hành động phục hồi mang hai chiều kích: con người và tôn giáo; vừa nhận mình là tôi tớ của mọi người, vừa mở rộng vòng đai khép kín của Giáo hội đến tận những người hèn mọn nhất. Đó chính là sứ vụ của Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ. Để nhấn mạnh thêm bài học quan trọng này, Ngài đã kết luận: “Ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Như vậy, ai đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ là đón nhận chính Thiên Chúa. Lạ thay! Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ. Đó là sứ điệp rất mới và rất lạ của đoạn Tin Mừng này.

Quả thật, trước giáo huấn của Chúa Giêsu, việc đua đòi danh vọng trở nên cái gì hàm hồ đối với những ai bước theo Ngài. Nhưng dường như ai cũng háo hức về chức tước, địa vị, quyền thế, vì nó không chỉ thỏa mãn được nhu cầu thể hiện bản thân, mà còn vì được công thành danh toại trước mặt người đời: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, hoặc “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Chức vụ, địa vị, là điều phải có trong mọi tổ chức xã hội cũng như Giáo Hội. Nó xấu là bởi vì người ta quy về mình, lo chiếm hữu cho mình. Nhưng nó lại rất tốt khi người ta coi đó như một phương tiện phục vụ để đem lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Tuy nhiên, kẻ ham mê quyền cao chức trọng thì không thể là người tốt được.

Thực tế, việc ham muốn đứng đầu vẫn là một cám dỗ không ngừng đối với đời lẫn đạo. Rất ít người mong đứng đầu để phục vụ, mà để hưởng thụ và sống trên người khác. Dù có phục vụ đi nữa thì cũng phục vụ như kẻ có quyền. Không mấy ai có được tính cách phục vụ như Đức Giêsu. Nếu phải coi ai là “Người lớn nhất”, thì chắc phải là người phục vụ nhiều nhất, với lòng khiêm nhường và tình yêu vô vị lợi. “Người lớn nhất” không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng con tim để yêu thương; không đứng trên cao để điều khiển, nhưng xuống dưới thấp để hầu hạ. Không phải chỉ Giáo Hội, mà bất cứ một tập thể hay cộng đoàn nào cũng rất cần những người đứng đầu theo kiểu mẫu của Đức Giêsu. Nhà truyền giáo Albert Schweitzer nói: “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.  
  

Cầu nguyện  

Lạy Chúa Giêsu!
Ngài là Con Thiên Chúa Đấng toàn năng,
nhưng không đến trần gian làm bá chủ,
mà là đến để hiến thân phục vụ,
để đem lại hòa bình cho thế giới,
và trở thành giá cứu chuộc cho đời. 


Ai cũng muốn mình nên cao trọng,
nên chạy theo danh vọng quyền hành,
dùng mọi phương kế để đua tranh,
đưa đến bao nhiêu chuyện chẳng lành.


Chúa dạy con muốn nên người lớn nhất,
phải làm người nhỏ nhất giữa anh em,
làm cao phải biết cúi mình phục vụ, 
làm lớn phải hành động thật khiêm nhu.
    
   

Nhìn ngắm tượng ảnh Chúa Giê-su,
con thấy tay Ngài không chỉ lên đầu
mà chỉ vào trái tim bị đâm thâu,
một trái tim bốc lửa vì yêu dấu.


Điều đó thật đã làm cho con hiểu: 
đứng đầu thì phải sống như người hầu,
và vui lòng đón nhận những thương đau,
như chính Chúa đã nêu lên gương mẫu.


Phục vụ nào cũng đòi con xả kỷ,
không tìm mình và cũng chẳng mong chi,
chỉ mong sao ý Chúa được thực thi,
và ai cũng thấy mình được yêu quý.


Xin cho con đừng toan tính điều gì,
nhưng chân thành và phục vụ cho đi,
đặt mình làm tôi tớ của mọi người,
nhận ra vị trí mình là ở dưới,
để góp phần cho cuộc sống đẹp tươi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây