TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6,1-15)

Thứ năm - 25/07/2024 01:08 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   303
“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”.

NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ
Chúa Nhật 17 Thường Niên năm B: Ga 6,1-15

LmTN 250724a


Suy niệm

Chúa Giêsu đã từng phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Nhưng qua việc hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn, Ngài cũng muốn công bố rằng: Người ta sống không nguyên bởi Lời Chúa, mà còn sống bởi bánh nữa. Điều này không ngược với điều trên nhưng bổ sung cho nhau, và rất đúng cho hoàn cảnh thực tế trước mắt. Con người không chỉ là tinh thần cũng không chỉ là thể chất, mà là cả hai. Chúa Giêsu quan tâm tới con người toàn diện, không duy tâm cũng không duy vật, mà “duy” nơi Thiên Chúa để con người được sống và sống dồi dào.

Sứ mạng của Chúa Giêsu là nhằm cứu vớt nhân loại tội lỗi, nhưng điều đó có nghĩa gì khi con người phải đói khát, phải sống trong cùng khổ mà không được cứu giúp. Thật ra, trường hợp của dân chúng ở đây chẳng đến nỗi nào, cho họ ra về cũng chẳng sao, nhưng Chúa Giêsu lại nhạy cảm đối với niềm vui và nỗi khổ của con người. Tình thương sâu xa từ trái tim nhân lành đòi Ngài phải hành động ở mức độ cao nhất.

Thế nhưng để cho năm ngàn người một bữa ăn nơi hoang địa thì các môn đệ đành bó tay, không thể kham nổi: “Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Cũng may có em bé dâng tặng năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!”. Nhưng khi con người bất lực thì Thiên Chúa lại ra tay. Từ sự dâng trao tuy nhỏ bé nhưng là tất cả tấm lòng, Chúa Giêsu đã cho dân chúng một bữa ăn no nê.

Chúng ta thấy hết mọi hoạt động của Chúa Giêsu tập trung vào những con người cụ thể, chứ không nơi đền thờ hay hội đường. Cứ mở sách Phúc Âm ra, lúc nào ta cũng thấy Ngài ở ngoài đường, đang tiếp xúc, đang gặp gỡ, đang cứu giúp, đang phục vụ... Lo cho người ta về thể chất chính là cách biểu lộ tình thương cụ thể nhất. Tiêu chuẩn ngày phán xét cũng chỉ là thể hiện tình yêu thương: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cứu giúp kẻ đau yếu, tật nguyền, thăm viếng kẻ tù đày.

Chúa Giêsu thương người nghèo đến nỗi Ngài nói với người thanh niên: Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời…” (Mc 10, 21). Đúng là ta còn phải lo cho những người thân của mình, còn những bổn phận và trách nhiệm khác nữa, nhưng nhớ rằng đó không phải là những khuôn đúc cứng ngắc, phiến diện, làm tê liệt đời sống tinh thần. Sống phẩm chất cao nhất của đời Kitô hữu là sống dưới tác động của Thánh Thần, Đấng luôn khai mở sự sống và tình yêu trong ta trước những nghịch cảnh của tha nhân.

Không thể nhắm mắt làm ngơ trước bao người đang lâm vào cảnh túng thiếu và đói rách xung quanh ta. Chúng ta không thể chỉ lo êm ấm cho gia đình mình hay chỉ lo trang hoàng nhà cửa mình, trong khi những người bên cạnh không có cơm ăn, thuốc uống, chết dần mòn trong cô đơn, bệnh tật và thất vọng. Làm như vậy ta cũng không hơn gì người phú hộ đối xử với người nghèo Ladarô. Hay như thầy tư tế và thầy Lêvi thấy một người anh em mình bị trấn lột trên đường Giêrikhô, nằm dở sống dở chết bên đường, thế mà bỏ mặc không cứu giúp.   

Cũng vậy, chúng ta không thể yên tâm ngồi đó xây cất những công trình nguy nga tráng lệ cho Giáo hội, đang khi đa số dân chúng còn đang sống trong cảnh cơ cầu. Giáo hội không tự xưng mình là Giáo hội của người nghèo đó sao? Mà Giáo hội là ai đây nếu không phải là chúng ta? Dĩ nhiên, Giáo hội không làm công việc của xã hội, không giải quyết vấn đề dân sinh, vì thuộc quyền hạn của những người lãnh đạo đất nước, nhưng “không thể tách rời việc thờ phượng Thiên Chúa với việc chăm sóc người yếu kém, nghèo hèn. (FABC s. 41§2) .

Chúa đâu chỉ ở trong nhà thờ, nhưng còn nơi những người nghèo khó. Ta dễ quên điều đó, cũng như thầy Tư tế và Lêvi chỉ lo tới Đền thờ dâng lễ mà bất chấp sự sống của người anh em mình trên đường Giêricô. Của lễ trong Đền thờ có nghĩa lý gì khi lòng nhân đã mất đi. Thiên Chúa “muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ.” (Hs 6,6; Mt 9,13). Chúng ta cần có lòng yêu mến con người như Chúa Giêsu, cần đặc biệt quan tâm đến những anh chị em nghèo nàn bé mọn, nhưng trước hết, cần một lòng quảng đại như em bé để chia sẻ những gì mình có.

Cuộc sống không sợ thiếu lương thực, chỉ sợ thiếu những con người không mở lòng chia sẻ. Thế giới không sợ thiếu hoà bình, chỉ sợ thiếu những người xây dựng hoà bình. Nhân loại không sợ thiếu công lý, chỉ sợ con người không thực thi công lý. Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải là những người tiên phong mở lòng chia sẻ, xây dựng hòa bình, thực thi công lý. Chỉ như thế, chúng ta mới xứng xứng đáng là Kitô hữu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa chính là niềm vui ơn cứu độ,
Đấng đem lại hạnh phúc cho con người,
cho cuộc đời được đổi mới đẹp tươi,
cho cuộc sống muôn nơi ánh sáng ngời.


Chúa không chỉ hy sinh sống nghèo khó,
mà còn sống cho những kẻ khó nghèo,
Chúa không chỉ lo rao giảng Nước Trời,
mà còn cứu chữa cho người bệnh tật,
không chỉ canh tân đời sống tinh thần,
mà còn đem ơn lành cho xác thân.


Trái tim Chúa đã động lòng trắc ẩn,
thấy đám dân đang bụng đói theo Ngài,
với năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ,
Chúa đã biến ra cho họ bữa ăn no.


Phép lạ đã xảy ra nhờ lòng quảng đại,
với sự góp phần đem lại của con người,
mặc dù Chúa quyền phép làm được tất cả,
nhưng kết quả là sự cộng tác của con.


Hôm nay còn biết bao người nghèo đói,
đang lầm than vất vưởng giữa chợ đời,
có chủ trương phải xóa đói giảm nghèo,
nhưng rồi chẳng mấy ai dám sống theo.


Kẻ giàu có càng đầu cơ tích trữ,
mặc ai chết cứ cất giữ cho mình,
nạn tham nhũng càng gây thêm đói khát,
cũng vì sự bạc ác của thế nhân.


Xin cho con cứ mở lòng chia sẻ,
để Chúa lại làm nên việc lạ lùng,
hầu cứu giúp những ai còn nghèo túng,
được mừng vui giữa những lúc cơ cùng. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây