TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (7)

Thứ năm - 15/04/2021 07:54 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   655
Không ai là một hòn đảo. Con người sinh ra là để sống cùng nhau và sống với nhau. Covid 19 đã phá tan tất cả. Mọi người sợ lây nhiễm nên hạn chế tiếp xúc.
Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (7)

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (7)



Ngày thứ 14
Thứ Hai, ngày 17 tháng 8

0g ngày 17 tháng 8 thành phố Bao Mến Thương được gỡ bỏ cách ly. Giãn cách xã hội vẫn phải tuân giữ. Đây là một niềm vui ngập tràn cho mọi người con thủ phủ Tây Nguyên này.

Tạ ơn Trời đã gìn giữ mọi người được bình an trong cơn đại dịch Covid 19 này.

Ngày mới đã bắt đầu, niềm vui mới vươn lên.

Nhìn thấy Nó tươi tỉnh và vui vẻ lòng tôi cũng bớt lắng lo, dẫu đêm đêm hầu như thức trắng với Nó.

Tôi cũng có những đêm thức trắng như vậy.

Những đêm chờ Nó ở phòng hồi sức với với bao phó thác cho Chúa. Lo âu và hy vọng. Nhìn lên bầu trời trong những ngày mưa gió, chẳng thấy một ngôi sao. Niềm hy vọng duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa, dẫu gặp một sự thinh lặng đến từ Ngài. Một sự thinh lặng giữa sự đau khổ của con người. Một Thiên Chúa thinh lặng. Một mầu nhiệm của thời gian mà tôi phải học đọc mọi biến cố xảy ra trong đời sống của mình.

Tôi còn nhớ đêm trắng ở Cầu Đá, nhìn lên bầu trời đầy sao, tìm cho mình một ngôi sao hy vọng.

Tôi còn nhớ những đêm trắng, trên những dòng sông Cao Miên, nhìn lên bầu trời không một ánh sao, cố tìm cho được hướng đi trong đêm tối.

Tôi còn nhớ đêm trắng trên Vịnh Xiêm La, xứ Chùa Vàng, giữa đêm đen tối tăm, bầu trời không một ánh sao chỉ lối. Con thuyền không bánh. Phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Thụ tạo vận hành theo thánh ý Ngài để được về đến bến bình an.

Tôi còn nhớ, trong thập niên cuối những năm 70 và đầu những năm 80, khi đang ở chủng viện, tổ khối huy động những thanh niên nam nữ, đêm đêm đi tuần tra trên những con phố để giữ giấc ngủ bình yên cho mọi người.

Và những đêm trắng của cuộc đời...

7g30

Khi ra khỏi bệnh viện, tôi đi dọc theo những con phố quen thuộc để xem sức sống mới sau gỡ bỏ cách ly. Và ngang qua cung đường bị phong tỏa được gỡ bỏ xem tâm trạng thế nào.

Thật vui, khi thành phố đang cựa mình vươn dậy, dẫu phải giãn cách. Khi ngang cung đường bị phong tỏa được gỡ bỏ cách ly, hầu hết vẫn đóng cửa im lìm chưa sẵn sàng chờ đón ánh bình minh? 14 ngày cách ly cho họ cảm giác được an toàn và vì vậy, họ càng đóng chặt cửa để được an toàn hơn chăng?

Covid 19 đã làm thay đổi mọi sự. Làm con người không con muốn tiếp xúc với nhau nữa. Phá nát mối tương quan cộng hữu giữa người với người. Covid ơi Covid!
9g

Tôi lại đi một vòng những con phố quen thuộc dưới ánh nắng ngày mới. Thật là vui mừng, sự sống đã bắt đầu trở lại với hầu hết các cửa hàng đều mở với những điều kiện giãn cách. Nhộn nhịp và vui tươi. Ngày mới tràn đầy bao hy vọng.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (x. St 1,1-31)
 
Ngày thứ 15
Thứ Ba, ngày 18 tháng 8

Một ngày mới đã bắt đầu.

Nhìn thấy Nó tươi tỉnh mà lòng khấp khởi mừng.

Hai hôm trước, khi ra khỏi phòng hồi sức, mệt mỏi và đau đớn, Nó không ngủ được. Cứ chợp mắt một chút là thức dậy. Nên tôi cũng có những đêm trắng với Nó.

Nó bị nạn cũng là lúc thành phố Buôn Ma Thuột bị cách ly. Khó khăn tiếp nối khó khăn. Gian khổ tiếp nối gian khổ. Vì Covid 19, chỉ một người chăm sóc một bệnh nhân. Và thêm một người để thay đổi. Tuần đầu, tôi ở với Nó 18 giờ. Trước khi phẫu thuật lần 2, xin thêm được một thẻ chăm sóc nữa, nên tôi chỉ còn 14 giờ bên Nó. 10 giờ còn lại mẹ và vợ Nó chăm sóc.

Tất cả đều được khảo sát lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày qua để sàng lọc Covid. Covid ơi Covid!
 

Trong phòng bệnh, giường này cách giường kia bởi một tấm nhựa trong với dòng chữ: Vui lòng hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

Không ai là một hòn đảo. Con người sinh ra là để sống cùng nhau và sống với nhau. Covid 19 đã phá tan tất cả. Mọi người sợ lây nhiễm nên hạn chế tiếp xúc. Thế giới chỉ còn lại góc vườn nhà mình.

Khi đọc hàng chữ: Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tôi có cảm giác bất ổn.

Người xung quanh là ai? Sao lại là người ‘xung’ quanh?

Xung là xung đột, là quyền lợi của hai bên đang tranh chấp.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người nhìn tha nhân như là một đối tượng xung đột với mình, tranh chấp với mình trong mọi phương diện, kinh tế, xã hội, văn hóa, tình cảm và ngay cả trong tôn giáo nữa.

Sau Đệ Nhị thế chiến, trước thảm cảnh của chiến tranh, Jean-Paul Sartre đã nói về người thân cận như sau: “Tha nhân là hỏa ngục”.

Ôi! Con người đã đánh mất căn tính của chính mình. Yêu thương, cùng nhau vượt qua gian khó, xây dựng ngôi nhà chung ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi sinh linh hiện hữu trên trái đất này.

Khẩu hiệu là vậy.

Mọi người vẫn tiếp xúc với nhau, chuyện trò và giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.

Hôm nay Nó tỉnh táo nhiều.

Đêm Nó ngủ say. Hy vọng mình cũng có ít thời gian để nghỉ ngơi.

Tạ ơn Chúa một ngày tốt lành.
 
Còn tiếp ...
                                                                        Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
                                                                                  Nguyễn Thái Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây