TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhìn lên ảnh Mẹ....

Thứ ba - 10/12/2024 04:27 | Tác giả bài viết: Lm. Tịnh Trí Thiên, CSsR |   154
Lời mời gọi đơn giản nhất mà ai cũng có thể hiểu và thực hiện được hãy “nhìn lên ảnh Mẹ” cất lên như khởi sự một hành trình khám phá tình yêu. Và từ bước khởi đầu đó, mọi người mới có thể nhận ra nơi Mẹ những tâm tình của người mẹ đối với người con: “một trời yêu thương”, “một vực sâu khoan dung” nơi “ánh mắt từ nhân” của Mẹ
Nhìn lên ảnh Mẹ....
NHÌN LÊN ẢNH MẸ - Từ cái nhìn đơn sơ đến chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu

 

Lm. Tịnh Trí Thiên

 

Đang khi chiêm ngắm cầu nguyện trước linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp trong ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng Dòng Chúa Cứu Thế, từ nhà thờ vang vọng lên lời ca: “Ôi! Mẹ Maria, Mẹ đáng kính yêu. Mẹ đang ở đó, ánh mắt dịu hiền, chờ con chạy đến, để Mẹ ủi an, để Mẹ chở che…” Lời ca văng vẳng trong bầu khí lắng đọng đã thôi thúc con tim chìm sâu vào sự chiêm ngắm linh ảnh Mẹ và cảm nghiệm được mầu nhiệm tình yêu chất chứa từ những ca từ đơn sơ mộc mạc. Càng chiêm ngắm Mẹ càng nhận ra: “Đúng thật! Mẹ vẫn luôn chờ con bằng ánh mắt dịu hiền của người mẹ trông con từ xa; sẵn sàng ôm ấp ủi an, chở che con trong vòng tay yêu thương của Mẹ…”

Cứ mỗi lần gặp và nói chuyện với tác giả bài hát, linh mục nhạc sĩ Thành Tâm, ngài luôn kết thúc bằng lời hóm hĩnh dễ thương theo giọng điệu miền nam: “Nhớ… Phải luôn nhìn lên Mẹ nghen…” Đó là một lời mời gọi của người con được ơn chữa lành đặc biệt nhắc những người mình gặp gỡ luôn nhớ đến Mẹ. Được biết, lời ca ban đầu tác giả sử dụng để biệt kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre là nơi ngài được ơn chữa lành. Sau này ngài đã đồng ý đổi thành “Mẹ đáng kính yêu” thay cho “La Mã Bến Tre” nhằm mục đích cho tất cả mọi người có thể “kính yêu” Mẹ. Từ sự thay đổi này của tác giả đã cho thấy ý của Mẹ không muốn dừng lại bất cứ một nơi nào mà luôn mở ra cho tất cả mọi người con của mình ở mọi nơi có Linh ảnh Mẹ hiện diện.

Vì bài hát này được sáng tác dành riêng cho Mẹ ở một vùng quê nghèo, nơi người dân là những con người đơn sơ, chất phác của miền tây nam bộ nên lời ca cũng thật bình dân. Chính vì yếu tố này mà lời ca dễ dàng được đón nhận và tràn đầy cảm xúc của lời cầu nguyện mà tất cả mọi người từ người lớn tuổi cho đến các trẻ nhỏ đều có thể nhớ và cất lên mọi lúc mọi nơi.

Lời mời gọi đơn giản nhất mà ai cũng có thể hiểu và thực hiện được hãy “nhìn lên ảnh Mẹ” cất lên như khởi sự một hành trình khám phá tình yêu. Và từ bước khởi đầu đó, mọi người mới có thể nhận ra nơi Mẹ những tâm tình của người mẹ đối với người con: “một trời yêu thương”“một vực sâu khoan dung” nơi “ánh mắt từ nhân” của Mẹ. Từ tình yêu thương của người mẹ dành cho con, bà có thể làm tất cả mọi sự vì con; sẵn sàng bao dung tha thứ trước mọi ngỗ nghịch của người con; và luôn hướng về con cho dù con còn ở gần bên hay đã tung cánh bước vào đời bằng ánh mắt lo âu trước những con sóng của cuộc sống vỗ đến đời con mình. Đó quả thực là mầu nhiệm tình yêu của mọi người Mẹ mà giờ đây được diễn tả rõ nét nơi ánh mắt của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp. Ánh nhìn của Mẹ Maria còn là ánh mắt quan phòng cảm thương của chính Thiên Chúa xót thương con người còn xa cách đang phải sống giữa thế gian biết bao cám dỗ của sự dữ.

Nhìn lên ảnh Mẹ, tay bồng Giêsu,

Con như chợt thấy một trời yêu thương, bao la hạnh phúc

Một vực sâu khoan dung nơi ánh mắt Mẹ từ nhân biết bao.

Và rồi điệp khúc vang lên là lời ủi an của Mẹ Thiên Chúa cũng là của Thiên Chúa muốn dành cho con người. Ánh mắt trông chờ con người quay trở về: Thiên Chúa kiên nhẫn “chờ con chạy đến”. Thiên Chúa chờ con người nhớ đến Thiên Chúa với tình yêu thương của một người mẹ đang trông ngóng người con trở về trong tình yêu thương của mình.

Ôi! Mẹ Maria, Mẹ đáng kính yêu.

Mẹ đang ở đó, ánh mắt dịu hiền,

chờ con chạy đến,

để Mẹ ủi an, để Mẹ chở che. 

Trong tâm tình của người mẹ, Mẹ cất lên lời nhắc nhở nhẹ nhàng theo phong thái của Mẹ Thiên Chúa. Trước tất cả mọi sự, Mẹ luôn giữ được sự điềm tĩnh như khi xưa Mẹ lạc mất Chúa: “Con ơi! Sao con lại cư xử với Mẹ như vậy…? (Lc 2, 48). Mẹ không như bao người mẹ trần gian, Mẹ kìm nén cảm xúc trước những người con ‘vô ơn’ mà cất lên lời an ủi: “Mẹ là Mẹ con, sao con chẳng nhớ?”. Cho dù đoàn con mình ‘vô tâm’ trước tình yêu của Mẹ, nhưng khi thấy con chạy đến than khóc trước những nghịch cảnh, Mẹ lại vỗ về: “Dù con ra sao, Mẹ sẽ cứu con.”

Mẹ Hằng Cứu Giúp trong tư thế của người Mẹ đang ôm lấy con như chính cách Mẹ bồng và ôm lấy Chúa Giêu bên lòng Mẹ và sát trái tim Mẹ. Trong tư thế này, Mẹ cho thấy rằng: Mẹ không chỉ dừng lại ôm ấp Chúa Giêsu là Con một của Mẹ mà Mẹ luôn hướng đến tất cả mọi người con chạy đến nép mình vào lòng Mẹ. Một vòng tay ủ ấp những người con thơ bé, tay trái đỡ thân con bên lòng, tay phải đỡ lấy đầu con cách nâng niu tràn đầy tình mẫu tử. Cũng vòng tay ấy, Mẹ như muốn ôm lấy tấm thân con vào sát thân mình, tay phải Mẹ vuốt đầu, vỗ vai mà an ủi con và khóc cùng con. Mẹ khóc cùng con, ôm lấy nỗi đau của con và nhắc con nhớ rằng: “Mẹ là Mẹ con, Mẹ sẽ cứu con”

Nơi vòng tay đang ôm lấy và vỗ về người con của Mẹ Hằng Cứu Giúp ấy cũng chính là vòng tay của Thiên Chúa, là Người Cha giàu lòng thương xót. Thiên Chúa đang trông ngóng những ‘người con hoang đàng’ trở về để ‘nhào đến’ ôm lấy mà “hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Thiên Chúa sẵn lòng nhân từ qua vòng tay của người mẹ nơi Mẹ Hằng Cứu Giúp mà an ủi, nhẹ nhàng tha thứ cho mọi tội lỗi mà khoan dung nói lên rằng: “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 24). Thiên Chúa qua cách thế và lời Mẹ Hằng Cứu Giúp: “Mẹ là Mẹ con. Dù con ra sao, Mẹ sẽ cứu con” đã nói lên tấm lòng của mình trước những người con: “Cha là Cha con. Dù con ra sao, Cha sẽ tha thứ tất cả cho con.”

Nhìn lên ảnh Mẹ, Mẹ Hằng Cứu Giúp,

Như nghe Mẹ nói: “Mẹ là Mẹ Con, sao con chẳng nhớ?

Dù con ra sao Mẹ vẫn yêu con, Mẹ sẽ cứu con.”

Giờ đây, lời điệp khúc vang lên là lời ủi an của Mẹ Thiên Chúa cũng là lời tha thứ của Thiên Chúa trước những sai lạc của con người. Như người mẹ vỗ về phân tích và hướng dẫn cho người con nhận ra những sai lỗi và điểm căn cốt cơ bản nhất của việc tha thứ cho tất cả là “Mẹ là Mẹ con”. Thiên Chúa cũng đối đãi với con người như vậy vì Thiên Chúa là Cha và Người đang trông ngóng những người con trở về để sẵn sàng tha thứ hết tất cả mọi lỗi lầm.

Ôi! Mẹ Maria, Mẹ đáng kính yêu.

Mẹ đang ở đó, ánh mắt dịu hiền,

chờ con chạy đến,

để Mẹ ủi an, để Mẹ chở che. 

Khi đã bình tĩnh tâm hồn trước tình yêu thương, tha thứ và được an ủi vỗ về trong vòng tay của Mẹ. Người chiêm ngắm linh ảnh Mẹ cất lên lời hối lỗi: “Đời con có Mẹ thật là diễm phúc. Bao nhiêu hoạ phúc được Mẹ quan tâm.” Lời thú nhận vì những lơ là ‘vô tâm’ trước tình yêu của Mẹ, được phát ra bằng một kinh nghiệm xương máu rút ra từ những khổ đau khi không biết hướng lên Mẹ, nhận ra sự quan tâm của Mẹ. Để rồi dõng dạc cất lên lời tin tưởng nơi Mẹ: “Ngày mai ra sao thì đã có Mẹ, còn lo lắng chi?”

Khi đã nhận ra những ‘bất hạnh’ của mình khi rời xa khỏi vòng tay yêu thương của Mẹ thì lao đao vất vả dường nào, những người con ‘hoang đàng’ đã quyết tâm để trở về trong thân phận của những người tôi tớ: “xin coi con như người làm công” (x. Lc 15, 19). Thế nhưng, Mẹ vẫn tiếp tục đón nhận tất cả mọi người làm con của Mẹ. Đó là hình ảnh của Thiên Chúa nhân từ vui mừng khôi phục lại thân phận làm con cho những người con ăn năn trở về: “mau đem áo đẹp, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân” (x. Lc 15, 22-23). Đó là một tình yêu muôn thuở: “Thiên Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (Tv 130, 7); “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở, vẫn luôn dành cho con lòng xót thương.” (Gr 31, 3).

“Đời con có Mẹ thật là diễm phúc.

Bao nhiêu hoạ phúc được Mẹ quan tâm, lo toan mọi lúc.

Ngày mai ra sao thì đã có Mẹ, còn lo lắng chi?” 

Lời điệp ca lại được cất lên trong niềm tin tưởng sự bảo ban chở che của Mẹ. Không có tình yêu nào êm đềm và mãnh liệt cho bằng tình yêu của Mẹ. Đó là một tình yêu không vụ lợi và bao la nhất mà mọi người con được hưởng trong an bình. Là nơi yên bình nhất để người con có thể chữa lành những vết thương đau đớn giữa dòng đời. Trong lòng yêu thương của Mẹ Thiên Chúa cũng là tình yêu thương của Thiên Chúa, con mới có thể thốt lên trong tin tưởng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.” (Tv 62, 2).

Ôi! Mẹ Maria, Mẹ đáng kính yêu.

Mẹ đang ở đó, ánh mắt dịu hiền,

chờ con chạy đến,

để Mẹ ủi an, để Mẹ chở che.

Ôi! lời ca đơn sơ bình dân dễ đi vào lòng người mời gọi một cử chỉ đơn giản mà ai cũng có thể làm được lại có thể dẫn lối vào một mầu nhiệm tình yêu bao la biết bao. Tình yêu linh thiêng của người cha, người mẹ trên người con được Thiên Chúa dựng nên không gì có thể diễn tả hết được. Những cử chỉ xem ra đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện cho nhau lại là những nét cơ bản để tạo nên bức tranh tình yêu trao ban mênh mông rộng lớn. Tình yêu ấy được phác hoạ những hình ảnh cụ thể rõ ràng được xuất phát từ chính Thiên Chúa ngang qua hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Lời ca đơn giản được cất lên từ những cung điệu khác nhau nơi môi miệng và tâm hồn của mọi người lại tạo nên một bản hoà âm của tình yêu. Nhìn lên ảnh Mẹ Thiên Chúa để chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa nơi linh ảnh tình yêu mang lại thư thái cho tâm hồn biết bao. Dư âm để lại nơi tâm hồn là sự “thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ” (Tv 4, 9) trong vòng tay và ánh mắt xót thương luôn được dành sẵn cho mọi người, nhất là những tâm hồn nặng trĩu gánh nặng cuộc đời.

Với niềm vui được ơn chữa lành từ Linh ảnh Mẹ, người con Mẹ chữa lành đã chia sẻ niềm vui và viết lên lời mời gọi mọi người cùng nhìn lên Mẹ. Từ ánh nhìn mong đợi nơi những người con thơ bé nơi người Mẹ kính yêu đã được Mẹ dẫn dắt bước vào chiêm ngắm tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa, nơi là Nguồn mạch sự sống cho con người. Để ở nơi đó, con người được ủi an và chở che trong ánh mắt quan phòng của tình yêu Thiên Chúa. Ôi! Mẹ Maria, Mẹ đáng kính yêu. Mẹ đang ở đó, ánh mắt dịu hiền, chờ con chạy đến, để Mẹ ủi an, để Mẹ chở che…” – Này con xin đến với Mẹ để tình yêu của Mẹ và của Thiên Chúa ủ ấp đời con. Để con được mạnh mẽ thưa lên:“chỉ có mình Ngài, lạy Thiên Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4, 9).

Lm. Tịnh Trí Thiên, CSsR

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, 2024

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây