Nhớ Cha Cố Giuse Đặng Chí San, OP
Sau thời gian cứ như nuối tiếc với cuộc đời, với những người mình thương yêu, chiều hôm nay, Anh Giuse Đặng Chí San đã về nhà Cha.
Chẳng phải mình kẻ phàm phu tục tử này nhớ Cha Cố Giuse Đặng Chí San, OP nhưng những ai thân quen đều khó quên được con người, nhân cách và đường tu của Cha. Dễ thương lắm một Đặng Không Sơn cứ lúc nào cũng “thao thao bất tuyệt” về tình yêu: Yêu Chúa và yêu người.
Như một mối duyên, ai nào đó quen biết Cha Cố Giuse Đặng Chí San dòng Đaminh đều biết Cha gắn liền đời tu của mình với Văn Hóa Tín Ngưỡng và cách riêng về Phật Giáo. Có thể nói cả đời của Cha Cố, Cha Cố để cho lòng của mình lắng và sâu trong tình yêu Giêsu.
Có lẽ ai nào đó chưa hiểu hay không chịu hiểu thì rất khó cho lọt vào tai những từ ngữ trong bài giảng của Cha có những từ như “đồng chí chồng”, “đồng chí vợ”, “anh Hai Giêsu”. Thế nhưng khi tiếp xúc gần và tiếp xúc lâu với Cha Cố sẽ cảm nhận được tình yêu da diết của Cha với “anh Hai Giêsu”.
Bản thân tôi là học trò, là đệ tử nên cũng si mê cách giảng, cách nói của Cha nên cũng đã từng bị ăn đá do dùng từ “đồng chí” và “anh Hai Giêsu”. Cũng dễ hiểu vì lẽ cái từ “đồng chí” nó khá nhạy cảm nhưng trong văn phong, trong diễn đạt của Cha Cố hoàn toàn không đụng gì đến chuyện nhạy cảm ngôn từ ấy.
Nhớ Cha Cố có lẽ không thể nào không nhớ đến tình yêu của anh Hai Giêsu trong cuộc đời của Cha Cố.
Cả cuộc đời, da diết với tình yêu Giêsu để rồi hình như trong tiết dạy, trong bài giảng nào cũng có một chút gì đó man mác về tình yêu. Có khi thì sâu đậm như trong một bài giảng của Cha gần đây. Cha cứ nhấn đi nhấn lại: Yêu sao cho đáng chữ yêu, cho tròn chữ nghĩa, cho thâm chữ tình.
Cuộc đời cứ đau đáu với tình yêu của “ông Giê Văn Su” nên Cha Cố đã xem và đã xem Giêsu như là người tình của mình. Với sự gắn bó đó, Cha Cố liên kết với tình yêu hôn nhân gia đình và tình yêu của những người đang yêu và đặc biệt với những người đau khổ vì yêu.
Trong bài chia sẻ, Cha Cố chúc mừng cho những ai đã yêu nhau, đã yêu nhau, sẽ yêu nhau. Cha Cố chúc mừng cho những ai đau khổ và thất vọng trong tình yêu. Cha cho rằng ai yêu mà đau khổ thì đáng quý. Dù đau khổ thì mình yêu giúp cho mình nên người. Đau đớn trong tình yêu luyện lọc mình. Những bạn nào thất tình mà gục ngã thì bạn đó là hạng bét. Càng đau đớn thì mình càng sừng sững đứng lên sau những cái tưởng như tan tành xí quách trong đời.
Cha nói: “Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời này đó là “thằng cha con mẹ nào” không biết yêu 1 Đấng nào, không yêu 1 ai hết thì rơi bố xuống hỏa ngục. Con người chỉ làm người và nên người khi chỉ biết yêu mà thôi. Yêu thương là nên người”
Rất hay khi ngày mỗi ngày Cha tầm soát cái tình yêu của Cha với Anh Hai Giêsu và với anh chị em đồng loại: “Kẻ nào ở trong Tình Yêu thì ở trong Thiên Chúa”.
Cũng trong bài chia sẻ hôm đó, Cha mời gọi cộng đoàn khi yêu là phải đổi mới. Điều này nhắc nhớ mỗi người trân quý người mình yêu bằng cách trang điểm bằng quần bằng áo nhưng đó là cái bên ngoài. Yêu nhau thì phải dám đổi mới. Yêu là cái đẹp! Biết yêu là trở nên văn hóa, hóa nên văn, hóa nên đẹp. Chiều sâu nhất là tâm linh. Yêu nhau nên đạo hạnh. Vì yêu em nên tôi đạo hạnh tí tẹo tẹo. Vì yêu em nên tôi gần Chúa hơn một tí tẹo tẹo. Đó là đổi mới! Không phải là tác phong bên ngoài mà thôi! Tôi có người yêu thì tôi không hút thuốc, không uống rượu... Đổi mới sâu xa hơn là phong phú hơn bằng cái phẩm chất tâm linh càng yêu nhau càng gần Chúa hơn.
Đổi mới là tiếng gọi cơ bản của tình yêu. Nếu không đổi mới là nguy hiểm. Bằng một tiếng gọi sâu sắc là càng tôn trọng nhau và dám cho nhau tự do.
Cha nói: “Suốt cuộc đời tôi học mãi cái nhà Phật gọi là vô chấp. Về sự tự do, thênh thang trong tình yêu. Kẻ yêu nhau như hai cột trụ song song trong Đền Thờ. Hai cột trụ ấy song song không gần nhau quá và không sát nhau quá. Khó nói về điều này. Trong lối sống văn hóa Nho Giáo có nhiều người đàn ông chẳng tôn trọng đàn bà hoặc có những bà quá lệ thuộc đàn ông... Để thật sự tôn trọng nhau thì chúng ta phải học lắng nghe và bộc lộ... Làm sao để đàn ông không có gia trưởng, chỉ có ra lệnh, quát tháo... và làm sao cho đàn bà đừng lúc nào cũng lắm mồm, là cái đài phát thanh. Càng gần nhau càng thân nhau chúng ta cần có thái độ lắng nghe và bộc lộ. Chúng ta dám ngồi thật yên để cho bên kia nói. Bên nghe cứ đón nhận, đón nhận mà không phê phán. Sau đó là phản hồi lại cái cảm nhận đầy chủ quan chứ không phải để chửi mắng, biện hộ. Cũng thế, mình dám bộc lộ cái nhìn chủ quan của mình thì bấy giờ người ta càng có khả năng tôn trọng nhau và tôn trọng tự do... Đã càng yêu nhau thì phải càng sống có trách nhiệm với nhau. Không phải là đểu giả gặp đâu sống đó. Yêu thật sự yêu chân thành thì từng bước đi, lối nói, đi ăn chè ăn cháo của mình đều có trách nhiệm với người mình yêu.
Để thực sự đổi mới trong tình yêu. Để tôn trọng trong tình yêu thì một tình yêu thật không thể nào lơi khơi và chơi vơi trên trời...”.
Trở về với lớp học xưa, giảng đường xưa chắc có lẽ ai đã từng thụ huấn từ Cha Cố Giuse đều đó nhận được tình yêu nóng bỏng của Cha nhận từ Thiên Chúa. Từng bài giảng, từng câu nói cứ như muốn nhét Giêsu vào trong đầu cho những người thụ hưởng. Cha Cố yêu Anh Hai Giêsu một cách mãnh liệt và điều này chúng ta – những người thân quen – trân quý anh Đặng Chí San.
Với câu kết cũng là câu mở mà Cha Cố gởi lại cho chúng ta trong cuộc đời dương thế: “Xin Giêsu là cái nền cho tình yêu của chúng ta!”
Với tất cả tâm tình, Cha Cố đã đặt cuộc đời của Ngài trên cái nền của tình yêu Giêsu để rồi giờ đây khi từ giã cõi tạm, Cha Cố cũng sẽ có một chỗ trong cung lòng của Anh Hai Giêsu hay trong cái nhà mà có Anh Hai Giêsu là cái nền của tình yêu.
Anh đi trước, một ngày nào đó em cũng sẽ theo Anh. Hẹn gặp nhau trong Nước Trời là nơi mà chúng ta hằng mong đợi Anh San nhé !
Lm. Anmai, CSsR
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn