TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải tỉnh thức và sẵn sàng

Thứ năm - 30/11/2023 18:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   441
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”.

Chúa Nhật I – MV – B
Phải tỉnh thức và sẵn sàng

tbd 011223a


Hằng năm, thường vào cuối tháng mười một Dương lịch, Giáo hội Công Giáo bắt đầu năm phụng vụ mới. Và, theo truyền thống, mở đầu năm Phụng Vụ là Mùa Vọng.

Mùa Vọng (thường thì) kéo dài bốn tuần lễ. Với bốn tuần lễ, đó là một thời gian đủ dài để mọi người chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Mọi người chuẩn bị đón mừng như thế nào? Thưa, Đình Vượng, tác giả bài viết “Đêm Thánh”, có lời tâm sự: “Giữa những hối hả chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh ở nhiều giáo đường, nào cây thông Noel lấp lánh ánh đèn màu, lủng lẳng đồ vật trang trí muôn hình muôn vẻ (cây thông càng lớn, nhiều tiền, càng giá trị), nào hang đá được trình bày công phu (ngày nay không đơn giản là giấy bao xi-măng vò nát làm đá, mà là hang đá của thời công nghiệp, có suối chảy róc rách, có đôi cánh thiên thần lúc thì mở ra lúc thì úp vào, có Đức Mẹ và Thánh Giuse thỉnh thoảng chấp tay cúi đầu thờ lạy, loại hình này xuất hiện ở nhiều thánh đường không chỉ dành cho tín hữu, mà còn có cả khách thập phương đến thưởng ngoạn), và nhiều hình thức trang trí khác nữa, rất đẹp, đến nỗi ai nhìn cũng mở miệng khen. Không thể không nhắc đến: hết ca đoàn này đến ca đoàn nọ tập hát thánh ca, hội đoàn này hội đoàn kia đóng góp chuẩn bị tiệc mừng quen gọi là re-vei-zon!”

Cuối cùng, tác giả thú nhận: “Là phàm nhân, lạy Chúa, con cũng bị cuốn hút vào dòng chảy đón mừng Chúa như vậy.”

Chuẩn bị “đón mừng Chúa như vậy”, thì đã sao! Sao lại than thở con-cũng-bị-cuốn-hút-vào-dòng-chảy? Vâng, có lẽ… có lẽ tác giả cho rằng chuẩn bị đón mừng Chúa như vậy chưa phải là chuẩn bị cách trọn hảo.

Thế thì, thế nào là chuẩn bị cách trọn hảo? Thưa, trả lời cho câu hỏi này, không khó. Để chuẩn bị cách trọn hảo, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của “Mùa Vọng”.

Ý nghĩa mùa Vọng là gì? Thưa, “Vọng” dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông chờ, là mong đợi điều sắp đến. Như vậy, điều Giáo Hội muốn nói đến và chúng ta cần “hiểu” về mùa Vọng, đó là sự trông chờ và mong đợi ngày “Chúa đến”.

Xưa, cách nay hơn hai ngàn năm. Chúa Giê-su đã đến rồi. Ngài đã được sinh ra tại Belem miền Giu-đê. Đó là một tin mừng trọng đại. “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra. Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Còn hôm nay, trông chờ và mong đợi “Chúa đến” là đến “lần thứ hai”. Người sẽ đến không âm thầm tại một Belem nào đó, nhưng là đến thật uy nghi, “đến trong vinh quang để phán xét người sống và kẻ chết”.

Sự trông chờ và mong đợi “Chúa đến lần thứ hai”, không tự Giáo Hội nghĩ ra, nhưng được dựa vào lời nói của “hai người đàn ông mặc áo trắng” hiện diện trong ngày Đức Giê-su lên trời. Hôm đó, hai vị ấy nói rằng: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (x.Cv 1, 11).

Chính Đức Giêsu, trước giờ tử nạn, trong bữa tiệc Vượt Qua, cũng đã tâm tình cùng các môn đệ, rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

Và, để cho các môn đệ không băn khoăn về việc ngày nào, giờ nào “Thầy sẽ gặp lại anh em”, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không; chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

Sau đó, Ngài có lời khuyên tiếp rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. Tiếp sau lời khyên, Đức Giêsu đã kể một câu chuyện, một câu chuyện để các môn đệ (và cũng là cho chúng ta hôm nay) nhận thức được tầm quan trọng của sự tỉnh thức. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng Mác-cô. (x.Mc 13, 33-37).

**
Câu chuyện được kể rằng: “Cũng như người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”.

Tiếp đến, Đức Giê-su có lời nhắn nhủ, rằng: “Vậy anh em phải canh thức…” Có thể nói rằng, lời nhắn nhủ của Đức Giê-su rất hợp tình, rất hợp lý. Hợp tình vì “… không biết khi nào chủ nhà đến”. Hợp lý vì có thể chủ nhà đến “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.” Nói ngắn gọn, chủ nhà sẽ đến “bất ngờ”.

Vâng, “tình hình là rất tình hình”, phải không, thưa quý vị? Thế nên, Đức Giê-su thêm lời khuyến cáo, lời khuyến cáo rằng: “Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.”

Phải tỉnh thức. Phải canh thức. Phải canh thức. Phải canh thức… Vâng, khởi đầu câu chuyện, cho tới đoạn văn này, Đức Giê-su “bốn lần” nhắc đến mệnh lệnh này.

Có nhiều quá không? Nhiều, chắc là vậy. Thế nhưng, Ngài vẫn nói thêm một lần nữa. Lần này, Đức Giê-su không chỉ “nói với các môn đệ”, mà còn “nói với hết thảy mọi người.” Ngài nói: “Phải canh thức!”

***
“Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người.” Hết-thảy-mọi-người phải chăng là có cả chúng ta! Thưa, hẳn phải là vậy. Phải là vậy, bởi vì những gì Đức Giê-su nói trong câu chuyện này rất, rất phù hợp với hoàn cảnh sống đức tin của mỗi chúng ta, hôm nay.

Vâng, như ông chủ trẩy đi phương xa, để lại nhà. Hôm nay, Chúa Giê-su cũng đã đi xa (lên trời), để lại một Giáo Hội. Ông chủ “trao quyền” - Đức Giê-su cũng trao quyền, trao quyền cho Giáo Hội, đại diện là tông đồ Phê-rô.

Hồi ấy, khi Đức Giê-su và các môn đệ đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Ngài đã nói với Phê-rô, rằng: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 13, 19).

Ông chủ “chỉ định mỗi người một việc”. Đức Giê-su cũng làm như thế chăng! Thưa, đúng vậy. Ngài đã chỉ định cho chúng ta nhiều công việc phải làm. Công việc quan trọng nhất, (ai cũng phải làm), đó là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy.” (x.Mt 28, 19-20).

Nói cách khác, điều Đức Giê-su “chỉ định” chúng ta phải làm đó là truyền giáo, là sống Lời Chúa (Kinh Thánh) là tuân giữ Lề Luật Chúa.

Thánh Phao-lô cho chúng ta biết còn một điều quan trọng nữa mà Đức Giê-su “chỉ định” chúng ta phải làm. Đó là, “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Chưa hết, ngài Phao-lô còn tiếp lời rằng: “Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (1Cor 11, 23-25).

Những điều thánh Phao-lô nói trên đây, chính là “Bí Tích Thánh Thể” mà Đức Giê-su đã thiết lập. Và, Ngài đã (hai lần) chỉ định chúng ta “hãy làm việc này”. Thế nên, chúng ta đừng quên, làm-việc-này mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, nhé!

Trở lại Đình Vượng, tác giả bài viết “Đêm Thánh”. Trong bài viết tác giả có “lời thì thầm” rằng: “Ước chi, các giáo đường giảm thiểu chi phí xem ra có vẻ hình thức, xin dành số tiền đó cho người nghèo, bất hạnh.”

Đúng vậy, chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh, thay vì “chạy đua” với những cây thông “ngàn đô”, chúng ta nên nhìn vào thực tại bi đát của những người nghèo khó. Với những người đói, chúng ta cho ăn. Với những ai khát, chúng ta cho uống. Còn ai rách rưới, chúng ta cho áo quần, v.v…

Đừng quên, những việc làm này cũng là những việc mà Đức Giê-su “chỉ định” chúng ta phải làm. Một ngày nọ, Ngài đã tuyên phán, rằng: “Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.” (x.Mt 25, 40).
 
****
Trong câu chuyện, Đức Giê-su (ông chủ) có đưa ra một mệnh lệnh, đó là: “người giữ cửa phải canh thức.”

Người-giữ-cửa là ai? Phải chăng, là mỗi chúng ta? Rất, rất có thể là vậy. Và, nếu là vậy, thì chúng ta lại càng phải tỉnh thức để mà canh thức.

Thật đúng là vậy. Nếu chúng ta là một Giám Mục, chẳng phải chúng ta là người-giữ-cửa – cánh cửa của ngôi nhà Giáo Hội, đó sao! Thế nên, chúng ta lại càng phải tỉnh thức để mà canh thức. Canh thức gìn giữ Giáo Hội trước những hiểm nguy của một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa cổ xúy hôn nhân đồng tính, tự do phá thai, v.v… hầu có thể cảnh báo cho “đàn chiên” của mình, đàn chiên mà ông chủ Giê-su đã giao phó.

Nói tới người-giữ-cửa – cánh cửa của ngôi nhà Giáo Hội. Tôi (người viết) chợt nhớ đến Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế OP. Ngài quả là một người-giữ-cửa “luôn tỉnh thức”, tỉnh thức để thức tỉnh đàn chiên của mình.

Đó là vào năm 2003. Một cuốn tiểu thuyết có tên là Mật mã Da Vinci của nhà văn người Mỹ Dan Brown, được xuất bản bởi nhà xuất bản Doubleday Fiction.

“Cuốn tiểu thuyết này nhận được nhiều phê bình sâu sắc. Những người ủng hộ cho rằng quyển tiểu thuyết rất sáng tạo, đầy kịch tính và làm cho người xem phải suy nghĩ. Người chỉ trích thì cho rằng quyển sách không chính xác và viết rất kém, những chỉ trích còn lên án các ẩn ý xấu của Dan Brown về Giáo hội Công giáo.”

Hồi ấy, người-giữ-cửa – cánh cửa của ngôi nhà Giáo Hội, Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế đã nói gì, về cuốn tiểu thuyết này! Thưa, trên tòa giảng mỗi Thánh lễ Chúa Nhật, không tuần nào ngài lại không vạch ra những mưu mô thủ đoạn của “ông thần Dan Brown”. Rồi khi đến cuối bài giảng, ngài Lm. An-rê luôn cảnh báo cho đàn chiên của mình, rằng: đó là một câu chuyện đầy sự dối trá. Mà, sự dối trá từ đâu ra, chúng ta biết rồi, ma quỷ…

Trở lại với vai trò người-giữ-cửa. Vâng, nếu chúng ta là một người cha, là một người mẹ, chẳng phải chúng ta là người-giữ-cửa, cánh cửa ngôi nhà của chúng ta, trong đó có: vợ (hoặc chồng) cùng con cái, đó sao! Thế nên, chúng ta lại càng phải tỉnh thức. Phải tỉnh thức để biết lúc nào là lúc mở cánh cửa tâm hồn mình, một tâm hồn bao dung và tha thứ. Bao dung trước tính tình trái ngược của vợ hay của chồng. Tha thứ trước những lỗi lầm của con cái.

Nếu chúng ta là một thầy giáo, là một bác sĩ, là một y tá, v.v… chẳng phải chúng ta là người-giữ-cửa, cánh cửa của đạo đức, của lương tâm, của lòng thương xót, đó sao! Thế nên, chúng ta lại càng phải tỉnh thức. Tỉnh thức trước những cám dỗ của đồng tiền… trước những lời lẽ ngụy biện “lương y không bằng lương tháng”, “tiên học phí, hậu học văn”, v.v… hầu có thể nhận ra, rằng: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì”!

Tất cả những lời lẽ được viết trên đây sẽ chỉ là lý thuyết, chỉ là lý thuyết nếu chúng ta không hiện thực hóa, trong cuộc sống của mình. Chúng ta đừng bi quan mà cho rằng hiện thức hóa những việc nêu trên là điều không tưởng.

Vâng, không việc gì phải bi quan, hãy đặt trong tâm hồn chúng ta một niềm tin, tin rằng, mỗi công việc Ông chủ Giêsu giao phó, chính là “ân huệ Người đã ban cho (chúng ta) nơi Đức Kitô Giêsu” (x.1Cr 1, …4). Đó là bí quyết mà thánh Phao-lô đã có sự trải nghiệm.

Có được niềm tin như thế, có lý nào chúng ta hiện thực hóa công việc được trao, được chỉ định một cách “mơ màng” vô trách nhiệm, phải không, thưa quý vị!

Có được niềm tin như thế, thánh Phao-lô khẳng định rằng “…Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa”.

Nói tắt một lời, có được niềm tin như thế, cho dù “ông chủ đến bất thần”, nói rõ hơn, cho dù “Ngày của Chúa đến bất thần”, chúng ta vẫn có thể lớn tiếng nói: “Amen, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến” (x.Kh 22, …20).

Vâng, chắc chắn Chúa Giê-su sẽ đến. Thế nên, chúng ta: “Phải tỉnh thức và sẵn sàng”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây