TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Phêrô – NVMN 29.6.2021

Thứ hai - 28/06/2021 09:28 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   876
Mừng bổn mạng của người hôm nay, trên thiên đàng, chắc người đang mỉm cười nhìn đàn con nơi trần thế bước đi trong hy vọng và yêu thương. Hy vọng như cuộc đời người đã sống. Yêu thương như người đã yêu thương. Cha ơi, xin luôn hộ phù cho chúng con.
Thánh Phêrô – NVMN 29.6.2021
Thánh Phêrô – NVMN 29.6.2021
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4



NVMN 29.6.2021

Thánh Phêrô

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Thánh Phêrô (tiếng hy lạp: Πέτρος, Pétros “Đá”, Kêpha) thi thoảng  gọi là Simôn con ông Giôna (Mt 16,17) là tông đồ trưởng trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu.

Tên khai sinh là Shimon, Simeon, hay Simon được Chúa Giêsu gọi là “Phêrô”, tiếng La Tinh là “Petrus”,  là “đá” (Mt 16,18).

Ông sinh tại Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên bờ hồ Tiberias, xứ Palestine. Ông có một người mẹ vợ được đề cập đến trong Kinh Thánh và được Chúa Giêsu chữa lành một cách kỳ diệu (Mt 8,14-15, Lc 4,38, Mc 1,29-31). Theo thánh Clêmentê thành Alexandria, Phêrô đã lập gia đình, có những người con, một người con gái tên là Petronilla, vợ ông đã chịu đau khổ và chịu tử vì đạo.

Phêrô là em của Anrê. Hai ông làm nghề đánh cá ở Caphácnaum bên cạnh hồ Galilê (Mt 4,13). Ông đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của Anrê. Ông đến gặp Chúa Giêsu và được Người đặt tên là Kêpha (tức là Phêrô) (Ga 1,41-42). Tin Mừng Luca cho ta biết ông trở thành môn đệ của Chúa Giêsu sau khi Chúa cho ông đánh được một mẻ lưới đầy cá (Lc 5,4-11).

Theo các sách Tin mừng (Mc 1,16-18; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11; Ga 1,40-42) ông thuộc vào số những người đầu tiên được Ðức Giêsu kêu gọi làm môn đệ (cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê). Trong danh sách của 12 tông đồ, ông luôn được xếp hàng đầu (Mc 3,16-19; Mt 10,2-4; Lc 6, 14-16; xem thêm Cv 1,13). Tên của ông luôn được nhấn mạnh Mt 10,2: “Sau đây là tên của mười hai Tông đồ đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô” (xt. Mc 2,14-16; Lc 6,13 -14). Trong nhiều dịp khác, Phêrô đã nhân danh các tông đồ khác mà nói (Mt 15,15; 19,27; Lc 12, 41; Mt 16,16). Chúa Giêsu cũng thường nói riêng với Phêrô (Mt 26,40; Lc 22, 31).

Khi đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Phêrô là người đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Và chính tại đây, Chúa Giêsu đặt là người đứng đầu và làm nền móng cho Hội Thánh: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,17-19 và Ga 21,15-17)

Cả ba sách Tin mừng Mátthêu, Máccô và Gioan đều ghi lại việc Phêrô được đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu (Mt 14,28-31, Mc 6,45-52; Ga 6,16 -21). Mátthêu còn mô tả thêm vì sợ hãi nên ông bắt đầu chìm (Mt 14,28-31).

Sau khi nói về Bánh Trường Sinh (Ga 6,35-59) nhiều người trong nhóm môn đệ đã bỏ Chúa Giêsu mà đi (Ga 6,66). Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69)

Cùng với Giacôbê và Gioan, ông Phêrô được chứng kiến vài biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu như khi Người cho con gái ông Giaia chết sống lại (Mc 9,1; Lc 8,51); sự hiển dung của Đức Kitô (Mt 9,1; Lc 9,22); cơn hấp hối của Người trong vườn Giếtsimani (Mt 26,37; Mc 14,3).

Tin mừng Gioan cho biết: Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,5). Phêrô từ chối không để cho thầy rửa chân cho ông. Nhưng khi Chúa Giêsu nói “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” thì ông lại xin Chúa rửa cả tay và đầu của ông nữa (Ga 13,6-9).

Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, mặc dù Phêrô đã cam đoan sẽ sống chết với Thầy (Mc 14, 29-31), nhưng khi Thầy bị bắt, ông đã chối Thầy ba lần (Mt 14,66-72). Việc ba lần ông chối Thầy đã được tiên báo (Mt 26,30-35, Mc 14,26-31; Lc 22,31-34; Ga 13, 36-38). Ông đã được ơn hoán cải và hơn thế nữa, được ủy thác nhiệm vụ củng cố anh em mình: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32).

Cả bốn Tin mừng đều kể lại rằng: Khi Chúa Giêsu bị bắt, một trong những kẻ theo Người vung tay, tuốt gươm và chém đứt tai phải một tên đầy tớ của thượng tế (Mt 26,51; Mc 14,47; Lc 22,50; Ga 18,10-11). Tin mừng Gioan cho biết người tuốt gươm là Phêrô, còn tên đầy tớ bị chém đứt tai là Mankhô. Chúa Giêsu đã chữa liền tai cho tên đầy tớ ấy (Lc 22,51).

Sau khi được bà Maria Mađalêna báo tin là xác của Chúa Giêsu biến mất thì Phêrô và môn đệ mà Đức Giêsu yêu dấu đã chạy ra mộ. Hai ông đã kiểm chứng là không có dấu tích của sự xâm phạm, bởi vì các khăn vải còn y nguyên (Ga 20,6-7). Vai trò của Phêrô trong cộng đồng tiên khởi được biểu lộ qua câu nói: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn” (Lc 24,34). Trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Côrintô, Phêrô (Kêpha) đứng đầu danh sách những người được Chúa hiện ra (1Cr 15,5).

Trong các trình thuật sau khi Giêsu sống lại, Phêrô dẫn đầu các môn đệ khi Chúa hiện ra ở Galilê (Mc 14,28; xc.16,7; Lc 24,34). Ở lần hiện ra khác, Chúa Giêsu đã trao quyền chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho Phêrô (Ga 21,15-17).

Trong những chương đầu của sách Công vụ Tông đồ, ta thấy hai ông Phêrô và Gioan thường xuất hiện với nhau khi làm chứng cho Chúa Phục sinh (Cv 3-4). Trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, Phêrô giữ vai trò lãnh đạo.

Chính ông chủ tọa việc bầu một người thay thế Giuđa Ítcariốt (Cv 1,15-26) và tiên phong rao giảng Tin mừng sau khi lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2,14). Ngài chủ tọa Công đồng Giêrusalem (Cv 15) - thường được coi là công đồng đầu tiên. Khi lên Giêrusalem lần đầu tiên, ông Phaolô chỉ đi gặp ông Phêrô (Kêpha) và ông Giacôbê (Gl 1,18-19); về sau, ông Phaolô thêm ông Gioan nữa: cả ba họp thành “cột trụ của Giáo hội” (Gl 2,9).

Phép lạ thánh Phêrô chữa người què ở cửa đền thờ đã làm cho người ta để ý đến các tông đồ và cộng đoàn sơ khai (Cv 3,1-11).

Công nghị Do Thái lo ngại, bắt giam Phêrô và Gioan. Trước phiên toà, hai ông can đảm minh chứng cho Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Sau khi ngăn đe lần nữa, họ thả hai ông về vì không tìm được cớ trừng trị hai ông (Cv 4).

Chương 12 sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc Phêrô bị bắt một lần nữa. Vua Hêrôđê cho bắt Phêrô, tống vào ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau Lễ Vượt qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Thế nhưng ông đã được một thiên sứ cứu cách lạ lùng ngay trong đêm trước ngày ông bị đem ra xử (Cv 12). Sau khi kể lại với mọi người việc ông được cứu thoát, ông đã ra đi đến một nơi khác (Cv 12,17). Việc điều khiển Giáo hội Giêrusalem được trao cho ông Giacôbê.

Các tác phẩm của Tân Ước không cho ta biết chi tiết về hành trình của ông, nhất là kể từ sau Công đồng tại Giêrusalem (Cv 15). Chương 8, (14-25) Phêrô cùng với Gioan đi thăm viếng các tân tòng tại Samari trở lại sau khi nghe ông Philippê giảng. Chương 9, (32-42) chúng ta thấy ngài hoạt động ở Giaffa (Giaphô) cũng thuộc miền Samari. Chương 10, ông đi Cesarêa, một thành phố thuộc miền ngoại đạo, vào nhà ông Cornêliô. Nhóm bảo thủ đã trách móc ngài là vi phạm luật Môsê ngăn cấm chung đụng với dân ngoại (Cv 11,3).

Theo truyền thống khoảng năm 44 Phêrô mới đi khỏi Giêsusalem và năm 49 lại có mặt tại đó để chủ tọa công đồng. Có lẽ sau khi đi khỏi Giêrusalem vào năm 44, Phêrô đã qua Antiokia, rồi sang Rôma, rửa tội cho nhiều người trong số ấy có gia đình ông bà Aquila và Priscilla, và tổ chức một giáo đoàn khá lớn ở đó, vài năm sau, ngài phải rút khỏi do lệnh của hoàng đế Claudius trục xuất người Do Thái vào khoảng năm 46.

Có người cho rằng thánh Phêrô chỉ tới Rôma sau năm 50 và được tử đạo dưới thời hoàng đế Nêrô năm 64.

Lễ thánh Phêrô, tôi nhớ đến ba. Tên thánh của người là Phêrô. Thân xác cũng cao to như người ngư phủ xứ Galilê để đủ sức chống chọi với những nghịch cảnh của cuộc đời. Những đợt di dân triền miên. Mười ba ngôi nhà đã được cất lên. Lưng luôn thẳng thắn và cương nghị. Nghề nghiệp là thợ mộc. Âm thầm và lặng lẽ trước cuộc đời như thánh Giuse.

Mừng bổn mạng của người hôm nay, trên thiên đàng, chắc người đang mỉm cười nhìn đàn con nơi trần thế bước đi trong hy vọng và yêu thương. Hy vọng như cuộc đời người đã sống. Yêu thương như người đã yêu thương. Cha ơi, xin luôn hộ phù cho chúng con.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                                              Nguyễn Thái Hùng

 
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây