TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…

Thứ sáu - 08/12/2023 18:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   909
“Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Chúa Nhật II – MV – B
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…

 

tbd 091223a

 

Thời tiết Saigon những buổi sáng vừa qua, trời se se lạnh. Và khi nói tới lạnh, nhất là cái lạnh cuối năm, nó làm cho chúng ta liên tưởng rằng, Lễ Giáng Sinh gần kề. Vâng, Giáng Sinh và cái lạnh, cái lạnh và Giáng Sinh nó như một người bạn đồng hành. Sự đồng hành rõ nét nhất mà chúng ta dễ thấy, đó là trong âm nhạc, đạo cũng như đời.

Về nhạc đời, tiêu biểu là ca khúc “Tà áo đêm Noel”. Với ca khúc này, nhạc sĩ Tuấn Lê tác giả bài hát, đã làm cho không biết bao nhiêu khán thính giả cảm nhận được cái lạnh của đêm Giáng Sinh, khi ca sĩ Đan Nguyên cất lên tiếng hát: “Tiền đồn biên giới heo hút trong màn tối. Vài đóm hỏa châu le lói soi cuối trời. Trầm trầm chuông ngân đây nghe buồn tênh. Ánh sao hiền lấp lánh báo tin lành Chúa sinh… Từ miền khu chiến trông ánh sao mà nhớ. Tà áo màu xanh năm ấy em vẫn chờ. Một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui. Hát chung một ca khúc. Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời.”

Về nhạc đạo, nhạc sĩ Hải Linh, với ca khúc “Hang Belem”, qua lời của bài hát, nó không chỉ làm cho khán thính giả thấy cái lạnh như đang hòa quyện vào Hài Nhi Giê-su, mà còn có cảm giác như đang quây quần bên hang Belem với Hài Nhi Giê-su được “nằm trong máng cỏ”.

Vâng, chúng ta hãy cùng thưởng thức: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… Nửa đêm Thiên Chúa giáng sinh ra chốn dương trần. Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Belem chiên lừa thở hơi. Tan giá đêm đông ấm thân con người.”

Trở lại với hai ca khúc nêu trên, tuy là một đời… một đạo, nhưng lại có một điều làm chúng ta PHẢI SUY NGHĨ, đó là cả hai cùng nêu lên một thông điệp, một thông điệp chung, rằng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, (CHÚA) đã từ trời xuống thế”. Thánh Luca đã gọi sự kiện này là “một-tin mừng trọng đại…” Rằng: “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (x.Lc 2, 10-11).
**
Vâng, rất đáng suy nghĩ, vì: lời loan báo một-tin-mừng-trọng-đại, “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” đã được ngôn sứ I-sai-a, (trước đó), mô tả qua lời chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (x.Mc 1, 2-3). Rất đáng suy nghĩ, vì điều ngôn sứ I-sai-a chép, đã xảy ra: “đúng theo lời đó”.

Người sứ giả được sai, chính là ông Gio-an Tẩy Giả. Thánh sử Mác-cô cho biết: “Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Đáp lời kêu gọi của ông: “Mọi người từ khắp miền Ga-li-lê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông.” Họ đến với ông và thực hiện đúng những gì ông yêu cầu. Đó là: “Họ thú tội”. Phần ông Gio-an, ông cũng làm đúng những gì ông nói. Vâng, “ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan”.

***
Ông Gio-an Tẩy Giả, tưởng chúng ta nên biết, là con ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và mẹ là bà Elisabeth, thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Sau khi sinh được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên là Gio-an, thì người cha là Dacaria được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” (Lc 1,76).

Những gì ông Dacaria nói về con mình, đã thành sự thật! Đúng, đã thành sự thật. Một ngày nọ, tại sông Gio-đan, sau khi kêu gọi người ta tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, ông Gio-an, như một ngôn sứ, lớn tiếng loan báo rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.”

Lý do gì ông Gio-an nói mình “không đáng”! Thưa, hôm ấy, ông Gio-an nói rằng: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Đó, đó chính là lý do!

Hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa nhắc đến Gioan Tẩy Giả. Nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội muốn chúng ta hãy nhìn ông như một mẫu mực cho đời sống của chính bản thân mình. Đó là, chúng ta hãy sống một đời sống khiêm nhường giản dị trong cách ăn, cách mặc. Đó là, chúng ta hãy sống một đời sống của một ngôn sứ, một người ngôn sứ trung thực dám sống cho sự thật và chết cho sự thật như chính ông, khi xưa.

Hồi ấy, để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Xa-đốc. Ông đã nói họ chỉ là: “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng chê trách của bạo chúa Hê-rô-đê.

****
Nếu xưa kia, Israel chờ đợi một Đấng Messia đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của Roma. Thì, ngày nay, chúng ta chờ đợi Đức Giê-su “sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét người sống và kẻ chết”.

Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta trở lại dòng sông Gio-đan. Trở lại dòng sông Gio-đan không phải để chiêm ngắm một “ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, nhưng là để nghe lại lời ông đã rao giảng. Vâng, ông đã “rao giảng kêu gọi mọi người chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Nói theo cách nói ngày nay, đó là: chúng ta hãy đến nhà thờ, lãnh nhận Bí Tích Giải Tội tỏ lòng sám hối, để được ơn tha tội.

Đừng bao giờ lầm lẫn và nghĩ rằng, mình sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội, không giết người, không trộm cắp, không lừa gạt, không bất công với ai, thì có gì phải “xưng tội”.

Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người không có tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phao lô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Rm 3, 23).
Xưa kia, vua David đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7). Rồi, khi tay lỡ nhúng chàm, David thú tội: “Con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm… Xin rửa con sạch hết lỗi lầm… Xin dùng cành hương thảo rẩy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền, xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (x.TV 51, 9).

Lời thú tội của vua David, có thể nói là một lời thú tội đầy tràn “lòng sám hối”. Do vậy, chúng ta đừng ngại ngùng ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô mà “Thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha Toàn năng…” (Rằng) “… tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng”

Biết nói lỗi-tại-tôi, thì “tôi” lại càng phải tỏ lòng sám hối. Biết nói lỗi-tại-tôi, thì tôi lại càng phải “dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”

Vâng, phải “dọn và sửa” con đường tâm hồn của chúng ta. Chúng ta phải “dọn” sạch con đường tâm hồn của mình những loại rác rưởi, đại loại như: rác rưởi dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, v.v…

Dọn rồi, chúng ta còn phải “sửa”, sửa lại những chỗ lồi lõm do sự kiêu căng, ngạo mạn, do sự dối trá, lừa gạt v.v… tạo ra, bằng cách trải lên đó những thảm nhựa “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.

Thánh Cyprian có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Thế nên, ngay hôm nay, bây giờ, mỗi chúng ta hãy cầu nguyện, với tất cả lòng sám hối, lời nguyện rằng: “tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51, …4).

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây