TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

“Cảm” được Chúa

Thứ năm - 05/01/2023 20:36 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   813
Hiển linh là biểu lộ thần tính, là việc Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhập thể làm người, tỏ mình ra cho nhân loại.

“Cảm” được Chúa
Lễ hiển linh 2022

 

tbd 060123b


Hôm nay chúng ta mừng lễ hiển linh. Hiển linh là biểu lộ thần tính, là việc Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhập thể làm người, tỏ mình ra cho nhân loại.

Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia đã tiên báo ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên Israel, và các dân tộc sẽ hướng về ánh sáng ấy mà cất bước. Lời tiên trưng ấy đã được ứng nghiệm, khi Con Thiên Chúa giáng sinh làm người.

Bài tin mừng kể lại cho chúng ta hành trình các đạo sĩ tới Bêlem để tìm kiếm và thờ lạy Chúa hài nhi. Thánh Mátthêu nêu ra cho chúng ta những thái độ khác nhau trước việc Con Thiên Chúa tỏ mình ra: người thì chấp nhận, kẻ thì từ chối. Các đạo sĩ thì khao khát tìm gặp Chúa, trong khi vua Hêrôđê và cả thành Giêrusalem thì bối rối, xôn xao trong một thời gian ngắn, rồi thôi. Chẳng ai kiên tâm tìm kiếm Chúa như các đạo sĩ Đông phương.

Theo quan niệm của người Đông phương, sự xuất hiện của một ngôi sao trên trời có liên hệ mật thiết đến một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương. Vì vậy, khi thấy ngôi sao xuất hiện, các đạo sĩ chẳng ngần ngại lặn lội đường xa xôi, rủ nhau, cùng nhau và giúp nhau đi tìm cho bằng được Đấng mà ngôi sao chỉ về.

Các đạo sĩ đã chân thành tìm kiếm Chúa và đã gặp được Chúa. Hành trình của các ông không phải lúc nào cũng thuận lợi: có lúc thì ngôi sao sáng tỏ chỉ đường, có lúc thì biến mất, để lại cho các ông sự hoang mang, vô định. Ngôi sao các ông thấy chỉ về một vị vua, nên khi nó biến mất, các ông đã tìm đến cung điện để xin gặp Đức Vua mới sinh của dân Do Thái, vì cứ ngỡ con vua thì mới được làm vua. Điều đó chứng tỏ, các ông đã tìm đủ mọi cách, để gặp cho bằng được đấng mà các ông hằng mong ước. Trong khi đó, các thượng tế và kinh sư rất am hiểu Kinh Thánh, rất am hiểu các lời tiên tri về Chúa cứu thế, nhưng lại không thấy; hay nói đúng hơn, họ biết nhưng lại không muốn thấy, không muốn tìm Chúa. Họ bận rộn đủ điều mà bỏ quên Đấng có thể cứu rỗi và mang lại cho họ một cuộc sống thực sự ý nghĩa.

Ngày nay cũng thếcó khi chúng ta cũng đang ở trong nhóm những người dửng dưng trước Chúa cứu thế. Chúng ta bận rộn đủ điều trong cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền... mà bỏ quên Đấng có thể mang lại cho chúng ta một cuộc sống có ý nghĩa.

Đời sống đạo của chúng ta cũng là một hành trình tìm kiếm Chúa không ngừng. Đừng tự mãn cho rằng mình đã gặp được Chúa, vì đã là Kitô hữu lâu năm, siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ, rước lễ mỗi ngày, học hỏi giáo lý xong lớp Thêm sức... Rất có thể chúng ta đã từng gặp được Chúa, nhưng đã đánh rơi mất Chúa từ lâu. Rất có thể chúng ta có đạo mà không sống đạo, biết Chúa mà không “cảm” được Chúa, không “thấy” Chúa. Sự thật là đời sống đạo chỉ có ý nghĩa khi chúng ta “cảm” được Chúa đang yêu thương và gần kề chúng ta, chứ không hệ tại nơi số tuổi sống đạo, hay kiến thức chúng ta có về Chúa. “Cảm” được Chúa là vấn đề của con tim, của tâm hồn, chứ không phải của cái đầu. Nếu đã “cảm” được Chúa thì đi lễ Chúa nhật hay lễ ngày thường cũng là lễ, cũng là giờ dành cho Chúa; không có vấn đề sợ mắc tội trọng vì không đi lễ.

Hơn nữa, chúng ta phải ý thức rằng mình vừa là người tìm kiếm Chúa, vừa là ánh sao soi dẫn người khác đến với Chúa. Người khác ở đây là ai? Chẳng ai xa lạ. Đó là vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè của chúng ta. Chúng ta phải là những ánh sao dẫn đưa họ về với Chúa. Một ánh sao sáng, chứ không phải là ánh sao đã tắt ngúm, lạnh căm. Một ánh sao thơm tho, chứ không phải là ánh sao suốt ngày đẫm mùi bia rượu. Một ánh sao vui tươi, hòa nhã với mọi người, chứ không phải ánh sao hay cau có, khó chịu, cằn nhằn, giận hờn... Cuộc đời sẽ ý nghĩa biết bao khi sự hiện diện của chúng ta mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho người khác.

Bài tin mừng còn nêu một chi tiết rất đáng lưu ý: Các đạo sĩ được mộng báo đừng trở lại gặp Vua Hêrôđê nên đã đi lối khác mà về nhà mình. Điều đó tượng trưng cho việc các ông đã từ bỏ lối sống cũ, để sống một đời sống mới có ý nghĩa hơn.

Gặp được Chúa thì phải thay đổi đời sống. Dấu hiệu của việc gặp được Chúa là chúng ta phải thay đổi lối sống cũ, để sống một cuộc sống mới, có ý nghĩa hơn. Như thế, nếu chúng ta vẫn đang sống trong u mê và lầm lạc của lối sống cũ, trong những thói quen xấu xa và tội lỗi của mình thì chúng ta vẫn chưa gặp được Chúa, chưa “cảm” được Chúa.

Lễ hiển linh thách thức chúng ta cởi mở và giải thoát tâm hồn. Bởi vì, khi biết cởi mở tâm hồn là khi chúng ta bắt đầu biết sống, cho Chúa và cho người khác. Chúa Giêsu không cần quà tặng của chúng ta, nhưng cần chính con người và trái tim biết yêu thương của chúng ta. Chúa Giêsu cũng mong muốn chúng ta chia sẻ chính bản thân mình cho người khác, như cách Chúa đã làm. Đừng bao giờ nghĩ tôi quá nghèo, không có gì để cho đi. Không! Không ai nghèo tới mức không có gì để cho. Nếu không có tiền bạc của cải, chúng ta có thể cho đi thời gian, sức khỏe, sự quan tâm, một nụ cười, một lời hỏi thăm... Không ai nghèo tới mức không có gì để cho. Chúng ta có thể nghèo về tiền bạc vật chất, nhưng đừng để mình nghèo tình thương, nghèo nụ cười, nghèo sự quan tâm giúp đỡ người khác.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đã tỏ mình ra cho con. Xin cho con biết tìm đến Chúa, để “cảm” được con tim của Chúa đang đập vì yêu thương con, để rồi, con tim của con cũng biết đập vì tình yêu dành cho Chúa và cho người khác. Amen.

Giuse hạt bụi tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây