TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy sấp mình thờ lạy Chúa

Thứ bảy - 07/01/2023 04:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1096
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.


Chúa Nhật - Lễ Hiển Linh
Hãy sấp mình thờ lạy Chúa

Theo lịch Phụng Vụ, Chúa Nhật hôm nay (08/01/2023), chúng ta bước vào ngày cuối của mùa Giáng Sinh. Và, như một truyền thống đẹp, hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng Lễ Chúa Hiển Linh.

Hiển Linh là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt do viện ngôn ngữ học xuất bản, hiển linh được định nghĩa là: “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng”. Một cuốn tự điển khác, tác giả là ông Thanh Nghị, ghi rằng: hiển linh nghĩa là “linh thiêng rõ ràng”. Với danh từ gốc Hy Lạp “Epiphania” có nghĩa là “hiện ra, bày tỏ”.

Trở lại với lễ Hiển Linh. Vâng, cử hành mừng Lễ Hiển Linh, Giáo Hội muốn gửi đến cho mọi người một thông điệp, thông điệp rằng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra, qua Hài Nhi Giê-su, cho mọi dân tộc, và đại diện là ba nhà chiêm tinh, mà chúng ta quen gọi là “Ba Vua”.
Tin Mừng thánh Mát-thêu có ghi lại câu chuyện của ba vị này với tiêu đề “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”. (2, 1-12).

**
Câu chuyện được ghi lại như sau: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Belem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2, 1-2).

Sau khi đưa ra câu hỏi, mấy nhà chiêm tinh có lời tâm tình, rằng: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Nghe qua câu hỏi cùng với lời tâm tình của ba vị chiêm tinh, Giê-ru-sa-lem như hứng phải một trái mìn claymore. Và, khi trái mìn claymore nổ tung, hay nói rõ hơn, khi nguồn tin được loan truyền rộng rãi, Giê-ru-sa-lem như một bãi chiến trường tin tức. “Breaking news” hỗn loạn đã khiến cho “vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem thì xôn xao.”

Một khẩu lệnh triệu tập khẩn cấp tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân đã được vua Hê-rô-đê ban hành. Nhà vua cần biết “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”.

Rất… rất nhanh chóng, các vị thượng tế và kinh sư, trả lời: “Tại Belem, miền Giu-đê”. Vâng, trả lời như thế là bởi các vị kinh sư và thượng tế đã dựa vào lời ngôn sứ xưa có chép: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Như vậy, câu hỏi của mấy nhà chiêm tinh đã có câu trả lời do các vị thượng tế và kinh sư cung cấp. Còn vua Hê-rô-đê thì sao! Thưa, ông ta chuyển sự bối rối của mình sang những toan tính thâm hiểm.

Tại sao lại nói ông ta thâm hiểm? Thưa, hãy nghe Marie-Noëlle Thabut, tác giả bài viết: “Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”, có lời về vua He-rô-đê, như sau: “Thử đặt vào địa vị của Hê-rô-đê xem; ông ta là người Do Thái, là vua Do Thái, nhưng chỉ làm vua nhờ quyền thế của vương triều La-mã, và chỉ do quân La-mã mà thôi… Ông ta rất hãnh diện về danh hiệu của mình, và hết sức ganh ghét những ai che bóng ông: cũng đừng quên, ông từng ám sát vợ, anh em vợ và gia đình vợ mình.

Ông còn cho tàn sát chính những đứa con trai của mình, đứa nào được một chút lòng dân. Hê-rô-đê giết vì ganh tị! Thế mà có tiếng đồn trong thành: những chiêm tinh xứ ngoài đến từ xa, và hình như họ nói: chúng tôi thấy xuất hiện một ngôi sao lạ thường, chúng tôi biết rằng, đây là điềm báo hiệu một hài nhi – vua mới được sinh ra… Chắc chắn là vua Do Thái thật sự vừa mới sinh. Thử tưởng tượng xem, cơn thịnh nộ và sự lo lắng của Hê-rô-đê như thế nào!” (nguồn: https://giadinhnazareth.org/song-tin-mung/chung-toi-tu-phuong-dong-den-tho-lay-duc-vua/).

Đấy! sự thật về Hê-rô-đê là thế đấy! Có thâm hiểm không, khi Hê-rô-đê “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẻ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi (ông ta) phái các vị ấy đi Be-lem và dặn rằng: Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”!!! (x.Mt 2, 8).

Trở lại với mấy nhà chiêm tinh. Sau khi nghe “nhật lệnh” của vua Hê-rô-đê, quý ông chiêm tinh tiếp tục cuộc hành trình tìm đến “Đức Vua dân Do Thái”.

Thánh sử Mát-thêu ghi vắn tắt: “họ ra đi”. Vâng họ ra đi, bỏ mặc đàng sau sự hào nhoáng của Giêrusalem, với những lời hứa hão huyền của vua Hê-rô-đê. Các vị lên đường trong sự tin tưởng rằng, “vì sao của Người” sẽ dẫn họ đến nơi đến chốn.

Và quả thật niềm tin của mấy nhà chiêm tinh được đặt đúng chỗ. Hôm đó, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”.

Ngôi sao đó, rất kỳ lạ, kỳ lạ ở chỗ, mà không ai có thể phủ nhận, đó là: cùng thời điểm trên, tại Belem cũng đã có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… lạ lùng thay! Ngôi-sao lại chỉ dừng nơi chính “Đức Vua sinh ra”.

Câu chuyện được kể tiếp, rằng: mấy nhà chiêm tinh “trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.” Trong nỗi vui mừng khôn xiết: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 11). “Vàng, nhũ hương và mộc dược” đã được quý ông chiêm tinh “mở bảo tráp lấy (ra) dâng tiến.”

Xưa kia, chúng ta thường dựa vào ba lễ vật này để suy luận rằng, chỉ có ba người (ba vua) tìm đến Belem. Sự thật như thế nào! Không ai có thể khẳng định. Còn Kinh Thánh thì nói: “có mấy nhà chiêm tinh”.

Riêng, Marie-Noëlle Thabut, với ba lễ vật này, đã có lời chia sẻ: “ Vàng nói lên Ngài là vua; vàng là kim loại quý, biếu cho các vua. Nhũ hương nói lên Ngài là Thiên Chúa, trước đền thờ người ta thắp nhũ hương. Sau cùng, mộc dược thường để ướp xác, nói lên Ngài là người, cũng phải chết.”

Vâng, Đức Vua Giê-su đã chết. Và, ngày nay chúng ta tuyên xưng, rằng: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

***
Từ phương Đông, mấy nhà chiêm tinh đã đến Be-lem “bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi.” Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc hành trình của mấy nhà chiêm tinh như là một cuộc trẩy hội cưỡi-lạc-đà-ngắm-chà-là… xem hoa.

Đây… đây là một cuộc hành trình đầy gian khổ. Cứ thử làm một bài toán, từ nơi ở của các nhà chiêm tinh, tính theo đường “chim bay”, đến Giê-ru-sa-lem, khoảng 2000km. Nếu đi đường bộ, với núi non hiểm trở, đoạn đường có thể kéo dài gấp đôi. Với sự di chuyển của lạc đà, và nếu chỉ di chuyển ban đêm, giỏi lắm, họ chỉ đi được khoảng 70km/ngày, là cùng. Làm một bài toán nhân, một tháng là 2100km. Như vậy, hành trình của các nhà chiêm tinh có thể là mất khoảng gần hai tháng.

Bên cạnh những vất vả về thể xác, mấy nhà chiêm tinh còn phải đối diện với sự thâm hiểm của vua Hê-rô-đê. Nói: “Xin quý Ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”, nhưng có chắc là như thế!

Có một vị vua đang tại vị ở Giê-ru-sa-lem, là Hê-rô-đê đây! Sao các ông không quỳ xuống bái lạy, mà lại tìm đến Belem để bái lạy một tên vô danh tiểu tốt! Trở về Giê-ru-sa-lem ư! Chết… chết chắc.

May thay! Các ông đã không trở về “lối cũ”. Các ông đã được báo mộng, rằng: “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”. (x.Mt 2, 12).

Đi-lối-khác-mà-về-xứ-mình, mấy nhà chiêm tinh đã không chết. Thế nhưng, chúng ta không thể không nói đến sự kiện “các con trẻ ở Belem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống” đã bị Hê-rô-đê “sai người đi giết”, chỉ vì nghĩ rằng “mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa.”

Vâng, Giáo Hội, vào hôm thứ tư 28/12/2022, cũng đã cử hành thánh lễ “các thánh anh hài tử đạo”. Cử hành thánh lễ như một lời nhắc nhở người Công Giáo chúng ta rằng, phải quý trọng các con trẻ, dù con trẻ đó mới chỉ là một “mầm sống”. Nói tắt một lời “đừng phá thai”.

****
Trở lại với mấy nhà chiêm tinh. Các ông đã gặp Hài Nhi Giê-su và các ông đã “sấp mình thờ lạy Người.”

Còn chúng ta… chúng ta cũng đã gặp Ngài! Vâng, có phần chắc chúng ta đã gặp Ngài. Có thể có người mới gặp Ngài hôm qua. Có thể có người mới gặp Ngài vài tháng, vài năm. Có thể có người đã gặp Ngài mười năm, hai mươi năm, thậm chí sáu, bảy, tám chục năm, v.v…

Thế nhưng, đó chưa phải là điều quan trọng. Điều quan trọng, đó là chúng ta có “sấp mình thờ lạy Ngài”, như mấy nhà chiêm tinh xưa, không? Vâng, quan trọng là việc sấp-mình-thờ-lạy-Ngài.

Không cần thiết phải đến địa danh Belem, chỉ cần đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật (mỗi ngày thì càng tốt), để mà thờ lạy Ngài. Nói theo cách nói hôm nay, đó là “thờ phượng Chúa.”

Không cần thiết phải đến linh địa này, hay linh địa nọ để mà thờ phượng Chúa. Nơi cần đến, đó là ngôi nhà thờ nơi chúng ta quen gọi là giáo xứ, của chúng ta.

Hãy đến ngôi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, gặp gỡ Đức Giê-su qua Bí Tích Thánh Thể và lắng nghe lời Ngài truyền dạy, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Xưa, mấy nhà chiêm tinh dâng tiến Hài Nhi Giê-su: vàng, nhũ hương và mộc dược. Nay, nên chăng chúng ta hãy dâng tiến Đức Giê-su “lễ vật”, đó là: “Sự sám hối và tin vào Tin Mừng”! Vâng, có phần chắc, đó là điều Ngài mong muốn.

Chúng ta đừng quên, sám hối và tin vào Tin Mừng là điều kiện tiên quyết để đươc hưởng ơn cứu độ.

Do vậy, như mấy nhà chiêm tinh xưa “(không) trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”. Nay, để tỏ lòng sám hối, chúng ta đừng trở về con đường tội lỗi nữa. Đừng loanh quanh nơi casino, nơi vũ trường, nơi quán bar, nơi quán nhậu, v.v… Những nơi này, vui thì có vui đấy. Nhưng đó chỉ là những niềm vui chóng qua, nếu không muốn nói rằng: chỉ dẫn chúng ta đến thung lũng của lụi tàn và chết chóc.

Loanh quanh những nơi đó, sớm muộn gì chúng ta sẽ trở thành những con sâu rượu, nếu không muốn nói là những con nghiện, nghiện ma túy, nghiện sex, v.v… Coi chừng! tông đồ Phao-lô khuyến cáo, nghiện những thứ đó: “sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (x.Gl 5, …21).

Chưa hết… còn nữa. Loanh quanh những nơi đó chỉ làm cho đời ta thêm mệt mỏi. Có lẽ do có kinh nghiệm về điều này, ông Trịnh Công Sơn cũng đã thốt lên: “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, chăng!

Rất cần có sự sám hối, bởi sám hối chính là tiền đề để chúng ta tin vào Tin Mừng. Tin vào Tin Mừng đó là chúng ta tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tin vào Đức Giê-su Ki-tô, đó là chúng ta đã “thấy Ngài”. Thấy Đức Giê-su rồi, có gì ngăn cản chúng ta “sấp mình thờ lạy Người”, nhỉ!

Vâng, đã qua bao “mùa sao sáng, đêm Noël Chúa sinh ra đời”, rồi. Đức Giê-su đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, rồi. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được “quyền trở nên con Thiên Chúa”. Qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta đã “đón nhận” Ngài. Thế nên, hôm nay, bây giờ, cớ gì chúng ta không đến bên thánh giá Đức Ki-tô và “sấp mình thờ lạy Người”! Hãy sấp mình thờ lạy Chúa.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây