TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyện ăn chay

Thứ ba - 01/03/2022 05:14 | Tác giả bài viết: Sưu tầm |   1223
Lớn lên thêm một chút, đến tuổi khôn, tôi bắt đầu phải giữ chay như người lớn. Không biết người khác thế nào chứ tôi thấy ngày chay tịnh sao ma quỉ cám dỗ ghê gớm.
Chuyện ăn chay

CHUYỆN ĂN CHAY

Nửa đời ăn chay

Tôi không phải là người sành về các món chay, nhưng qua những lần dẫn khách ăn kiêng, ăn chay đi du khảo ẩm thực Việt, tôi chợt ngộ ra cả thế hệ cha mẹ, thế hệ mình từng có thời gần như ăn chay quá nửa đời người mà chẳng ai nhận ra.

Đó chính là giai đoạn cả nước sống trong chiến tranh rồi sau đó là thời bao cấp.

Tôi lớn lên trong một gia đình đông con. Mỗi bữa ăn, bố mẹ cùng 7 anh chị em chúng tôi, cả mâm có 9 người. Thời còn chế độ tem phiếu, cả tháng mỗi người chỉ được hơn lạng thịt, gạo đong theo sổ và thường xuyên độn ngô, độn sắn, khoai, bột mì, thì làm sao có thể bữa nào cũng thịt cũng cá được. Ngày ấy, có cái phiếu thịt, muốn mua phải thức dậy từ 4, 5 giờ sáng xếp hàng để chờ đến lượt cắt phiếu. Nhiều khi xếp hàng cả mấy tiếng, đến lượt mình thì thịt hết không có mà mua. Nhiều người chỉ dám mua mỡ để rán lên, trữ tóp mỡ để xào rau ăn dần chứ chẳng dám mua thịt nạc.

Thời thiếu thốn và gian khổ ấy, mẹ tôi rất tài trong việc chế biến để làm sao vào bữa chúng tôi vẫn có thể no bụng với đủ loại thức ăn chủ yếu là rau, đậu và củ. Vại dưa, vại cà, hũ tương, lọ mắm là những thứ luôn có trong bếp. Để bổ sung chất đạm, giảm bớt những bữa ăn chay diễn ra gần như quanh năm suốt tháng, mẹ tôi thường nấu những bát canh cua đồng với đủ loại rau. Thỉnh thoảng, cả nhà lại ngồi quanh nồi ốc luộc nhể những con ốc nhỏ, xì xụp húp bát nước chấm có gừng cay cay trước bữa ăn để bù cho phần gạo thiếu. Cũng may thời ấy cua đồng và ốc không đắt đỏ như bây giờ vì môi trường đồng ruộng sạch sẽ, không có thuốc trừ sâu nên chúng vẫn sinh sôi nảy nở. Ngày ấy, có quả trứng tráng cũng phải độn thêm bột mì hoặc nước cơm để tráng ra một miếng trứng tương đối to, có thể chia cho mỗi người được một miếng.

Bố tôi thì tra cứu sách xem những loại củ, hạt nào rẻ tiền mà lại chứa nhiều chất đạm để vạch ra “chiến lược dinh dưỡng gia đình”. Ông nói với mẹ tôi: “Bà nên nấu cháo đậu xanh, đậu đen cho trẻ nó ăn. Đậu xanh có nhiều a-dốt lắm. Dưa chua, cà muối có nhiều vi sinh vật có lợi cho tiêu hóa. Quả cà chua, quả gấc có nhiều vitamin A, quả chanh có nhiều vitamin C, cám gạo có vitamin B1…”. Về sau, tôi mới hiểu “a-dốt” tức là chất đạm (azote).

“Món chay” một thời gian khó

Tôi xin kể ra một vài món ăn ngày ấy để chúng ta cùng nhớ lại những sáng tạo ẩm thực của một thời gian khó.

Món đậu phụ: Đậu phụ là thức ăn chứa đạm chủ yếu trong gia đình chúng tôi thời ấy. Từ đậu phụ, mẹ tôi đã làm ra bao nhiêu món mà ngày nay một số cửa hàng chuyên bán món ăn “thời bao cấp” coi như đặc sản: đậu luộc, đậu rán, đậu nướng, đậu tẩm hành nước mắm, đậu rán sốt cà chua, đậu bung cà…

Món rau muống: Rau luộc, rau xào tỏi, nộm rau muống luộc trộn lạc vừng vắt chanh, rau muống chẻ trộn dầu giấm, rau muống muối chua…

Các món từ củ sắn: sắn luộc, sắn nướng, sắn nấu canh, sắn xào. Và đặc biệt là củ sắn nạo thành sợi, áp chảo, có tráng chút mỡ thành một loại bánh chấm nước mắm tỏi ớt ăn với rau sống như kiểu bánh tôm nhưng không có tôm, thịt… Sắn khô xay ra thành bột, gói lá chuối luộc lên thành thứ bánh cũng rất ngon. Sắn luộc chín đang nóng, bỏ vào cối đá giã nhuyễn, nặn thành bánh giầy sắn, có thể ăn ngay hoặc nướng lên, cũng là một thứ bánh tuyệt vời.

Đến thời tôi đi làm, lương cán bộ nghiên cứu khoa học nhà nước làm gì đủ tiền mua thịt mua cá, mà muốn mua thì cũng phải có tem phiếu bán theo tiêu chuẩn.

Tôi còn nhớ có lần đi công tác miền núi, lỡ bữa, trời thì sẩm tối. Vào cửa hàng ăn uống mậu dịch, tuy có mang theo tem gạo nhưng đến muộn, hết cơm phục vụ khách. Cửa hàng trưởng thấy trong đoàn có các giáo sư đi công tác vất vả, chẳng nhẽ để đói. Cuối cùng, họ quyết định “xuất kho” món phục vụ khách ăn sáng hôm sau. Đó là món “phở đậu phụ” chan nước xương hầm.

Tôi còn nhớ các thầy khoa sử lúc bấy giờ có nhiều thầy còn ở tập thể, sống độc thân, hằng ngày xách cặp lồng đi nhận suất ăn thuê tổ phục vụ ngoài chợ Hôm nấu. Tiền ăn và tem phiếu nộp cả tháng cho tổ hợp tác. Đến bữa thì lóc cóc đạp xe ra chợ lĩnh cái cặp lồng ba ngăn đem cơm về ăn, kèm theo là cái phích vỏ tre đựng nước sôi để pha chè uống cả ngày. Có thầy ăn rất từ tốn, bữa nào cũng ăn hết rau xào, mấy miếng dưa chua, húp tí canh và kết thúc thì mới đụng đến mẩu thịt kho duy nhất. Ăn uống như vậy mà các thầy tôi thuở ấy vẫn cặm cụi đèn sách để cho ra những tác phẩm bất hủ như: hiệu đính chú giải Đại Việt sử ký, Cuộc kháng chiến ba lần chống Nguyên Mông…

Hiện nay, ở Hà Nội lác đác đã có những cửa hàng đặc sản “ôn nghèo nhớ khổ”. Người ta đến đó để được thưởng thức các món “ăn chay trường kỳ” của thời bao cấp, thời chiến tranh khốn khó, để giáo dục cho con cháu biết được ông bà, cha mẹ mình đã vượt qua những năm tháng gian khó ấy như thế nào.

Thứ Tư lễ Tro

Còn nhớ những ngày còn thơ ấu, chúng tôi nghe nói đến thứ Tư lễ Tro là trong lòng cảm thấy rộn lên một niềm vui.

Vui vì những ngày ấy, vào tối thứ Ba trước đó, bố tôi gọi là “thứ ba béo”, được ăn thêm bữa đêm, quãng 10 giờ với cháo gà, xôi nóng để bụng no, ngày mai ăn chay, kiêng thịt. Sáng ra chúng tôi được ăn uống bình thường (ăn xôi tối hôm trước) tức là không phải nhịn ăn sáng, trong lúc bố mẹ và các anh chị lớn thì giữ chay. Bữa cơm trưa thế nào cũng có món canh chua cá lóc hay tôm luộc cưốn bánh tráng, chả cá, mực xào. Ngoài ra còn Salad trộn dầu dấm. Xem ra còn ngon hơn ngày thường. Bữa tối thì ăn ít hay ăn nhẹ nên ai nấy đều ăn trưa cho no căng bụng. Thế cũng là hoàn tất một ngày ăn chay.

Còn khoản nhận tro, bọn trẻ chúng tôi được dịp đi lễ rồi chạy ra ngoài chơi, vì chờ người lớn vào nhận tro xức trên đầu. Đứa nào đứa nấy vạch đầu nhau xem tro đen hay xám; xem có đứa nào bị dính nhọ nồi do than cạo ra không, vì cứ nghĩ cha lấy tro trong bếp nhà xứ ra bôi trên đầu giáo hữu. 

Lớn lên thêm một chút, đến tuổi khôn, tôi bắt đầu phải giữ chay như người lớn. Không biết người khác thế nào chứ tôi thấy ngày chay tịnh sao ma quỉ cám dỗ ghê gớm. Những ngày thường, có khi tôi không ăn sáng mà trưa đến cũng chẳng thấy đói. Thế nhưng, ngày chay mới quãng 10 giờ là thấy kiến bò bụng. Còn tối đến, gọi là ăn ít đi, thay vì mọi hôm 3 chén cơm, tôi chỉ ăn một chén thật đầy mà vẫn thòm thèm.

Tôi cũng chẳng rõ ai đặt ra cách ăn chay như thế, chỉ biết cha mẹ dạy thì làm theo. Có lần tôi hỏi mẹ, mẹ bảo đó là luật đạo có từ thời mẹ chưa đẻ nữa kìa. Thôi thì đi đạo phải giữ luật đạo. Điều đó thì cũng phải thôi. Nhưng tôi vẫn thắc mắc ăn chay để làm gì?

Sau này trưởng thành, tôi vẫn giữ chay nhưng không còn máy móc như thế. Ngày ăn chay dĩ nhiên là kiêng thịt, tôi nhắc mẹ lúc này cũng đã chớm già là: đi chợ không mua đồ ăn ngon hơn ăn thịt, theo kiểu cá lóc nướng trui, tôm hùm hay cua xào chua ngọt, mà cần nhín ăn, như cơm cá kho, cá khô hay trứng chiên, đậu hũ, rau luộc chấm nước mắm dằm trứng vịt luộc.

Cô em tôi là một ca viên thì còn tích cực hơn, cô đặt vấn đề: dè xẻn để ngày mai ăn bù thì cũng như không. Theo cô, mỗi người phải biết hy sinh phần mình trong việc ăn uống để giúp cho người nghèo khó hay góp vào công tác bác ái từ thiện. Trong ngày ăn chay phải biết hãm mình nhưng không ủ rũ, than trách thì mới được phúc. Cô dẫn lời Chúa trong Phúc âm, nào là Chúa dạy khi ăn chay thì đừng tỏ ra lầm lì, buồn sầu ra bộ thiểu não để kể công với Chúa. Nào là ăn chay thì phải giữ mồm giữ miệng, không chửi bới, nói hành nói xấu lẫn nhau, không vu vạ cáo gian cho ai, không chỉ ngày chay mà tập luyện để mỗi ngày đều giữ như vậy. Ăn chay còn là giúp nhau làm một việc tốt cho ai đó trong ngày. Ăn chay còn là quyết tâm từ bỏ một tật xấu nào đó. Ăn chay là làm hòa với những người mình hiềm khích...

Cô nói một tràng khiến mẹ tôi ngạc nhiên: Con học ở đâu vậy? Cô trả lời: Giáo lý viên dạy và cha sở cũng dạy như thế. Cha còn dạy: thuở bé thì thật thà, lễ phép, giữ gìn kỷ luật nơi nhà trường, đoàn hội, gia đình; vâng lời cha mẹ, bề trên. Nay lớn rồi thì phải biết tuân giữ pháp luật, luật lệ giao thông, tôn trọng và giúp đỡ người khác nhất là những người tàn tật, già cả. Lớn hơn nữa, khi ra đời không làm ăn gian dối, lọc lừa, không chè chén say sưa, giữ gìn gia phong, gia đạo... đó mới là sống đạo thật. 

À! Thì ra như vậy. Bấy giờ, lúc đã ngoài 40 tuổi tôi mới hiểu rõ ý nghĩa việc ăn chay. Mẹ tôi thì cứ than thở: Ai mà biết, cứ tưởng ăn chay kiêng thịt như ông bà dạy là phải đạo. Thôi từ nay gia đình mình phải đổi cách sống, ăn chay là để chia sẻ phần mình có cho người nghèo, ăn chay là thay đổi tính mê nết xấu đấy nhé!

Thế đấy, gia đình tôi đã hiểu thêm được nhiều, chỉ vì không chịu học giáo lý và nghe lời các cha giảng đâm ra... ăn chay sai cả đám. Mẹ tôi cười: “Thôi thì từ nay sửa nhé! Chúa giàu lòng thương xót mà”.

Sưu tầm trên Internet 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây