TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chỉ thiếu có một điều

Thứ bảy - 26/02/2022 07:17 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   781
“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Chỉ thiếu có một điều

CHỈ THIẾU CÓ MỘT ĐIỀU
(Thứ Hai sau CN VIII TN – Mc 10,17-27)

“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng tường thuật chắc hẳn khi đặt câu hỏi trên với Chúa Giêsu thì anh ta cách nào đó cảm nghiệm rằng số gia tài kếch xù của anh hiện nay chưa phải là hạnh phúc thật. Dù có sở hữu của cải thế trần bao nhiêu đi nữa thì cũng chưa phải là có được sự sống đời đời.

Chúng ta phải ngạc nhiên về mức đạo hạnh của người thanh niên khi anh khẳng định rằng anh ta đã giữ các giới răn mà Chúa Giêsu kể ra đó là: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian”. Anh ta còn “không làm hại ai và còn biết thảo kính cha mẹ”, thế mà Chúa Giêsu vẫn nói với anh rằng: “Anh chỉ còn thiếu một điều…” Và điều còn thiếu mà Chúa Giêsu nói đó là “hãy đi bán tất cả những gì anh có mà tặng cho người nghèo rồi đến mà theo Người”.

Phải chăng Chúa Giêsu đòi hỏi điều quá khó? Dĩ nhiên theo cái nhìn bình thường thì đó là quá khó, nhưng thực ra đó là điều cần phải có để được sự sống đời đời. Nếu tin nhận sự sống đời đời là khác với sự sống đời này, nếu nhìn nhận hạnh phúc vĩnh cửu là khác với những thiện hảo đời này thì chúng ta cách nào đó đồng cảm với anh em Phật tử trong câu chuyện như là điển tích “qua sông chớ có lụy đò”. Hiểu và tin nhận hạnh phúc vĩnh cửu, sự sống đời đời là đằng sau cánh cửa sự chết thì việc “từ bỏ” đúng hơn là sống tự do với những thiện hảo đời này là điều tất yếu phải có.

Chúng ta cảm thông với anh đạo đức trong câu chuyện Tin Mừng tường thuật. Anh ta phần nào đó hiểu rằng sự sống đời đời là vượt trên sự sống đời này, tuy nhiên để “từ bỏ” những thiện hảo anh đang có là khối gia tài kếch sù anh đang sở hữu thì quả không mấy dễ. Chúa Giêsu hiểu hiện thực này và Người bày tỏ sự cảm thông qua cái nhìn trìu mến nhưng Người vẫn mạnh mẽ khẳng định rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”.

Nói đến giàu có thì chúng ta thường nghĩ đến sự sung túc tiền của vật chất. Tuy nhiên có đó tình trạng giàu có về công lao đạo đức về quyền uy và chức vị. Nhiều người biệt phái thời Chúa Giêsu xem ra quá “lụy đò” với công trạng đức hạnh của mình, dù rằng có nhiều trường hợp chỉ là đạo đức hình thức bên ngoài. Nhiều Thượng tế và kỳ lão Do Thái giáo cũng như các kinh sư bấy giờ cũng dường như quá ‘lụy đò” với chức vị và quyền uy, khối kiến thức và nhất là truyền thống của mình.

“Qua sông chớ có lụy đò”. Đã đến bờ mà còn vương vẫn, dính chặt vào con thuyền rồng lộng lẫy, đầy uy quyền và vàng bạc châu báu thì mãi sẽ không lên bờ được. Với thân phận con người thì việc sống tự do với những thiện hảo đời này thật quá khó. Và như thế việc hưởng được sự sống đời đời, được hạnh phúc vĩnh cửu đối với loài người thì như là không thể. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho chúng ta niềm hy vọng đó là “đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể”, vì hạnh phúc vĩnh cửu là quà tặng Thiên Chúa thương ban cho chúng ta chứ không phải là điều chúng ta chiếm hữu.

Dù có lụy đò mấy đi nữa thì thuyền đến lúc cũng cập bến nghĩa là cánh cửa sự chết vẫn mở ra với mọi người. Thiên Chúa có cách của Người để đưa chúng ta đến bờ bình an. Với người này thì bồng ẵm trên tay, với người kia thì chỉ bày cho giác ngộ, với người nọ thì kéo mạnh tay và cũng có thể với ai đó thì Người đánh đắm con thuyền và họ phải “lóp ngóp” lên bờ thôi. Hy vọng rằng chẳng có một ai khi thuyền đã đắm (nghĩa là cánh cửa sự chết mở ra) mà vẫn không chịu lên bờ.

Ước gì chúng ta tập thói quen tốt là dọn mình chết lành mỗi khi đêm về. Đây là một trong những cách thế mà các nhà tu đức khuyên dạy chúng ta để biết tập sống tự do hơn với con thuyền đang đi dù nó có sang trọng hay đắt giá đến đâu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây