Hoang mạc mang nhiều ý nghĩa vượt xa những gì hiểu về sa mạc. Hoang mạc là nơi thanh vắng, ở đó con người nghe nhiều là gió, những làn gió nhẹ, những cơn gió bão cát. Vừa nhẹ nhàng vừa gió bão, sức mạnh dịu êm nhưng cũng đầy mãnh lực. Con người hoang mạc đầy tố chất ấy là Gioan Tẩy Giả.
Con người của hoang mạc được giới thiệu: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” ( Mt 3, 4). Tiếng của ông rền vang làm nhiều người rùng mình kiểm xét lại đời sống: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Mt 3, 10)
Con người hoang mạc được Matthêu giới thiệu là một con người dạn dày sương gió, khắc khổ trong cách ăn mặc, từ trong khung cảnh huấn luyện khắt khe bước ra. Chúng ta được biết đến những người lính Seal đặc nhiệm của Hoa Kỳ. Họ là những người được huấn luyện như tra tấn trong tù ngục, không dễ mấy ai vượt qua những thử thách ấy. Họ vừa chịu áp lực thể chất vừa chịu áp lực tinh thần, chịu đựng khổ nhục giữa bao tiếng chửi rủa của cấp huấn luyện để đánh chết cái tôi của kiêu căng, hiếu thắng. Con người được tôi luyện, xem như thô kệch nhưng lòng khoan dung yêu thương lại tràn đầy. Họ đã hiểu thế nào là khổ nhục, đau thương tâm hồn và thể xác đủ thông hiểu nỗi đau của người khác. Họ vừa thi hành bổn phận đơn độc vừa có tinh thần đồng đội sẵn sàng hy sinh, dám chết cho đồng đội.
Tính cách của lính Seal phần nào diễn tả cuộc đời trai trẻ của Gioan. Ông vào hoang mạc khi vừa bước qua tuổi niên thiếu. Một cái tuổi vẫn còn nhiều bạn đồng lứa còn vui chơi hồn nhiên. Ông không rõ có sống cùng với nhóm người Essen ở Qumran, nhưng lời ông giảng mang tính chất người Essein khẩn thiết. Sống trong hoang mạc, ăn mặc như nhà khổ tu, tĩnh lặng để nghe sức mạnh của gió, ghiền gẫm Lời Chúa như nhà mặc niệm. Hơn cả chiến binh sa mạc đơn độc, ông sống qua suốt tuổi niên thiếu của mình với thứ lương thực của hoang địa. Ông học được nhiều điều thiết yếu của sự sống, những bài học gió và cát huấn luyện như chính nó khô khốc, khắc nghiệt. Khi người ta chịu tước bỏ mọi thứ chỉ còn sự sống không lay chuyển, họ sẽ hiểu được thế nào về lòng yêu thương của Thiên Chúa, như cách ông Gióp nhận ra: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!" (Giop 1, 20).
Gioan được tôi luyện trong hoang mạc như một chiến binh hoàn toàn vâng phục Đấng mời gọi mình. Trung thành trong giáo huấn, nghiêm ngặt với bản thân. Không hề bị lôi kéo bởi những hư danh, khi người đến với ông rất đông, người ta hỏi ông là ai? Ông nhận mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa, là người không xứng đáng cởi quai dép cho người đến sau.
Một con người khuất phục người khác không bằng những trang phục chỉnh trang như những nhà diễn giả ngày nay, áo vest, giầy tây bóng lộn, người xức dầu thơm phức. Người diễn giả trang sức đồng hồ đắt tiền, vòng vàng đính kim cương để tăng phần thu hút nơi người nghe.
Gioan mặc áo lông lạc đà, trang sức bằng dây lưng khô ráp. Ông chinh phục người khác bằng lời như tiếng bão cát, gió nóng hoang địa. Lời của ông đanh thép, thẳng thắn nhưng đầy tình người: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 11). Trọng tâm lời rao giảng ấy đó là “Đấng đến sau” (Ga 1, 27). Ông biết mình là ai, thi hành trách nhiệm được trao để rồi biết rút vào bóng tối khi Đấng đến sau xuất hiện. Một con người quả cảm, mạnh mẽ, đầy lòng cao thượng, khiêm hạ, xứng với danh là vị ngôn sứ của Đấng Cứu Thế.
Nói về Gioan Tẩy Giả có rất nhiều những bài học nơi ông. Ông thẳng tính, không bao giờ bênh vực cho điều sai trái, dù người đó là ai, như trách Hêrôđê lấy bà Hêrôđia vợ anh mình không được phép và vì nhiều tội ác khác (Lc 3, 19). Một người không sợ chết thì chẳng còn gì có thể phải sợ, ông sống để minh chứng cho chân lý và chết cho chân lý.
Có lẽ con người của hoang mạc, Gioan tẩy Giả là tấm gương cho mọi người luyện tập nhân đức tốt lành trong mùa vọng. Hãy theo lời mời gọi của Gioan để dọn tâm hồn đón Chúa ngự trị trong tâm hồn.
“Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3, 3 – 6)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan