CŨNG LÀ LỜI ĐƯỢC RAO GIẢNG, NHƯNG…
Kitô hữu chúng ta tin nhận Chúa Giêsu Kitô chính là Ngôi Lời, là Lời mạc khải trọn vẹn và hoàn hảo của Thiên Chúa. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,24). “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1-2).
Thánh Công đồng Vatiacanô II khẳng định: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x.Ga 1,1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể “là người được sai đến với loài người”, “nói tiếng nói của Thiên Chúa (Ga 3,34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện. (MK số 4). Tin Mừng Luca tường thuật lần kia khi vào hội đường, người ta trao cho Chúa Giêsu Sách Tiên tri Isaia. Người mở ra gặp đoạn chép rằng: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn…” Gấp sách lại Chúa Giêsu nói: “Hôm nay đã ừng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe” (x. Lc 4,16-21).
Theo Thánh Kinh thì người nghèo được hiểu không chỉ là những người thiếu ăn thiếu mặc mà còn là những người cô thế, kém phận, mẹ góa, con côi, người ngoại kiều, khách ngụ cư, những người tội lỗi biết khiêm nhu, những người đang bị áp bức cách bất công. Và khi Lời được loan báo đến với họ thì trở thành “tin mừng” và ngược có một số người khi Lời đến với họ thì là tin không vui có khi là “tin chẳng lành” theo cái nhìn tự nhiên.
Chúng ta cùng nghe một vài lời được loan báo cho người nghèo và người cậy dựa vào tiền bạc, của cải: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,20-21). “Thầy bảo thật với anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,23-24). “Khốn cho các người là những kẻ giàu có, vì các người đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24).
Với người tội lỗi biết khiêm nhu sám hối thì nhận lời: ‘Người này ra về được công chính hóa” con với người tự hào về công trạng “đạo đức” của mình thì nhận lời: “người này thi không được công chính hóa” (x.Lc 18,9-14). Đọc Tin Mừng thì chúng ta thấy Chúa Giêsu vừa nói “phúc cho các ngươi” cũng vừa nói “khốn cho các ngươi”, tùy theo từng đối tượng. Đối tượng nhận lời “phúc cho các ngươi” thường là những “người nghèo”, theo nghĩa Thánh Kinh. Còn đối tượng hứng chịu lời “khốn cho các ngươi” thường là những người giàu có, cậy dựa vào của cải, nhiều người vai cao vị trọng trong Do Thái giáo thời bấy giờ.
Cụ già Simêon đã nói tiên tri về Chúa Giêsu dịp thánh Giuse và Mẹ Maria tiến dâng Hài nhi cho Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2,34-35). Tin Mừng ghi rằng đa số đám đông dân chúng thường hồ hởi đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu, nhưng có đó nhiều luật sĩ, biệt phái, thượng tế, kỳ lão không hồ hởi mà trái lại còn căm giận tím gan tím ruột và tìm cách hãm hại Chúa.
Là Kitô hữu chúng ta đón nhận, sống lời Chúa và cũng có bổn phận rao giảng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thánh Phaolô khuyên bảo môn đệ Timôthê: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tim 4,2). Với sự nghiêm túc, lịch sự, chúng ta nói lời Chúa cho tha nhân có khi làm vui lòng người nghe mà cũng có một đôi khi không thể làm vui lòng người nghe được. Nếu chỉ chú tâm vào việc “làm vui lòng nhau” mà thôi thì rất có thể chưa phải là lời rao giảng. Ngạn ngữ Tây phương có lời: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật nhiều khi không phải là chân lý”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn