ĐIỀU NÀO TRƯỚC?
Câu chuyện thánh sử Luca kể lại về người phụ nữ tội lỗi nhiều mà đã được Chúa Giêsu tha thứ hết tại nhà ông biệt phái Simon thật lý thú và cuốn hút người nghe, đọc (x. Lc 7,36-50). Kitô hữu chúng ta thật ra không mấy kinh ngạc lắm vì cách nào đó đã tin vào tình yêu bao la của Thiên Chúa. Tuy nhiên có điều phải ngạc nhiên đó là xem ra có chút khác biệt giữa câu chuyện Chúa Giêsu kể cho ông Simon và những lời Chúa Giêsu nói về chị phụ nữ tội lỗi liên quan đến thứ tự trước sau của sự tha thứ và tình yêu đáp đền.
Trong câu chuyện Chúa Giêsu kể thì các con nợ vì được chủ tha nợ trước nên mới bày tỏ lòng yên mến chủ với mức độ ít nhiều tùy theo mức lớn nhỏ số nợ được tha. Được tha nhiều thì yêu mến nhiều, được tha ít thì yêu mến ít. Còn khi nói về chị phụ nữ tội lỗi thì dường như chúng ta hiểu là nhờ chị ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa nhiều qua các hành vi: lấy nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mà lau, hôn chân và lấy dầu xức lên chân Người nên chị ta được tha thứ nhiều. Phải chăng lòng yêu mến là một điều kiện đi trước để Thiên Chúa ban ơn tha thứ? Câu trả lời là không. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa là nhưng không, là vô điều kiện. Thánh Phaolô đã khẳng định là Chúa Giêsu đã chết để ban ơn tha thứ cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ có tội. “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì những người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-8).
Như thế tình thương tha thứ của Thiên Chúa luôn đi trước và tuôn ban cho tất cả mọi người. Tuy nhiên việc đón nhận tình yêu tha thứ ấy được hay không, nhiều hay ít là còn tùy ở mỗi người chúng ta mà dĩ nhiên trên nền tảng của sự khiêm nhu, chân thành ăn năn thống hối. Lòng yêu mến của chúng ta là hệ quả kéo theo của tâm tình tri ân cảm tạ vì đã được tha thứ tội lỗi mà theo chiều kích luân lý dưới ánh sáng lời mạc khải chính là món nợ vượt khả năng chi trả. Tình yêu, sự quảng đại của chúng ta là dấu chỉ chúng ta đã nhận được ơn tha thứ. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ chân lý này qua lời nói với ông Simon về người phụ nữ: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị này rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).
Thiên Chúa không bao giờ sẻn tình thương tha thứ. Một chân lý chắc chắn. Tuy nhiên việc chúng ta có nhận được ơn thứ tha của Người hay không, nhiều hay ít thì không chắc chắn, dẫu cho đã từng nhiều lần đến tòa cáo giải. Không gì hơn hãy xét xem tấm lòng quảng đại của chúng ta thì sẽ biết chúng ta có nhận được ơn tha thứ hay không và nhận được nhiều hay ít. Nhưng làm sao chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu như chị phụ nữ tội lỗi ngày nào? Chính Chúa Giêsu cho chúng ta cách thế đó là qua những người bé mọn. Khi ta thực thi nghĩa cử ân tình với người bé mọn thì Người nhận đó là đã yêu mến Người (x.Mt 25,31-46).
Xin kể câu chuyện gia đình ngày xửa ngày xưa cách đây hơn nửa thế kỷ. Lúc bấy giờ cha xứ thường ngồi tòa vào mỗi chiều thứ Bảy. Lâu lâu vào chiều thứ Bảy chúng tôi nghe mẹ nói là “đi nhà thờ” (cách nói đi xưng tội). Khi mẹ về anh em chúng tôi thường thấy mẹ hay cười và vui hơn. Anh em chúng tôi ngửa tay xin tiền mẹ và thấy mẹ hào phóng hơn các ngày khác. Thế là mỗi lần nghe mẹ nói “đi nhà thờ” là cả bọn chực chờ mẹ về để ngửa tay.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn