TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người Gieo

Thứ năm - 16/09/2021 18:27 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1357
Khi nghe câu chuyện dụ ngôn “người gieo giống” mà Chúa Giêsu kể thì dễ thường chúng ta quá tập chú vào chi tiết các “mảnh đất đón nhận hạt giống”.
Người Gieo

Người Gieo Hay Là Các Mảnh Đất Đón Hạt Giống?

Văn phong dụ ngôn (parabole) là một trong các thể văn khá quen thuộc với người Do Thái thời Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng. Tương tự như thể văn ngụ ngôn hay các câu chuyện cổ, qua thể văn thể văn dụ ngôn người dùng chỉ muốn truyền đạt một ý và nó thường nằm ở câu kết của câu chuyện kể. Và ý muốn truyền đạt cũng có thể được gợi ý qua một vài chi tiết xem ra nghịch thường của câu chuyện.


Khi nghe câu chuyện dụ ngôn “người gieo giống” mà Chúa Giêsu kể thì dễ thường chúng ta quá tập chú vào chi tiết các “mảnh đất đón nhận hạt giống”. Nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng đoạn văn giải thích dụ ngôn rất có thể là phần thêm vào sau này của các tác giả Tin Mừng do tình hình thực tiễn của thời bấy giờ là hoàn cảnh tín hữu Kitô đang bị bách hại.

Kitô hữu chúng ta và nhiều vị mục tử có lẽ ảnh hưởng nhiều cách hiểu và lối giải thích Thánh Kinh của các thánh Giáo phụ theo nghĩa ngữ “phúng dụ” (allegory) thường chú tâm vào các chi tiết do đó nghiêng về việc giải thích từng loại mảnh đất đón nhận hạt giống. Điều này đem lại nhiều mặt tốt cho người nghe, tuy nhiên rất có thể làm chúng ta bỏ quên chủ đề chính của câu chuyện theo thể văn dụ ngôn mà tác giả phân đoạn và đặt tiêu đề cho từng trích đoạn đã đặt đó là “Dụ ngôn người gieo giống”. Theo viễn kiến này chúng ta cùng ngẫm suy đôi điều.
Tấm lòng của người gieo thật là phóng khoáng, hậu hĩ. Đã là nông dân thì có ai đi gieo giống mà gieo cách quá bất cẩn và không xem xét các loại đất để gieo cả trên vệ đường, đất sỏi đã và đất còn cả cỏ um tùm? Cái chi tiết xem ra bất thường này lại gợi ý cho chúng ta về tấm lòng rộng rãi, hào phóng của Đấng là chủ của hạt giống, chủ của Lời Chân Lý, Lời Tình Yêu, Lời Sự Sống. Thiên Chúa luôn rộng ban Lời của Người cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh. Và Lời của Người như mưa sa từ trời sẽ không trở lại với Người mà không sinh hoa kết quả (x.Is 55,10-11). Câu kết của dụ ngôn nhắc nhớ chúng ta sự thật này. Dẫu cho có mất đi ba hạt vì rơi vào vệ đường, đất sỏi đá hay gai góc thì chỉ cần một hạt rơi vào đất tốt cũng lãi có dư vì hạt rơi vào đất tốt đã sinh kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi hoặc chí ít là gấp ba mươi.

Nước Trời là vương quốc của Thiên Chúa và chính Người là Đấng dựng xây. Khi đã tin nhận Người là Đấng hằng hữu, quyền năng vô biên thì chuyện xây dựng Nước Trời là chuyện đương nhiên sẽ thành hiện thực. Với loài người thì có nhiều sự như là không nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều là có thể (x.Lc 1,37).

Những ngày vừa qua Đức Phanxicô là tấm gương sáng cho chúng ta khi tuổi đã cao nhưng vẫn không ngừng tung gieo Lời Thiên Chúa đến tận Slovakia. Ước gì chúng ta có được cảm nhận như thánh Tông đồ dân ngoại: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Và mong sao khi vững tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì chúng ta luôn mạnh dạn gieo rắc Lời Chúa, Lời Chân Lý, Lời Tình Yêu khi thuận tiện cũng như lúc không tiện (x.2Tm 4,2).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây