TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa

“Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,16-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy mở ra! (Mc 7, 31-37)

Thứ năm - 05/09/2024 20:27 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   274
“Epphatha!” - Hãy mở ra! Tức thì tai và lưỡi anh ta được mở ra, anh ta nghe và nói được rõ ràng.

HÃY MỞ RA

LmTN 060924a

Chúa Nhật 23 Thường Niên năm B: Mc 7, 31-37

Suy niệm

Trong bài đọc I (Is 35,4-7a): Ngôn sứ Isaia tiên báo khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ làm cho người điếc được nghe, người què được đi và người câm nói được. Điều Isaia tiên báo đã được Đức Giêsu thực hiện. Riêng trong bài Phúc Âm hôm nay, Ngài đã cứu chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Bệnh nhân được Đức Giêsu chữa lành có lẽ bị điếc ngay từ nhỏ. Vì điếc, không thể nghe người khác nói để bắt chước, nên dần dần bị ngọng. Vì ngọng nên nói chẳng ai hiểu, và vì điếc nên cũng chẳng hiểu ai. Đây là hai khiếm khuyết song đôi: điếc và ngọng, khiến cho bệnh nhân rất cô đơn, buồn khổ. Biết được nỗi đau của những người câm điếc ta mới thấy quý đôi tai và miệng lưỡi của mình, là một quà tặng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta.

Thật phúc cho anh chàng khuyết tật gặp được Đức Giêsu, Ngài kéo riêng anh ra ngoài, sau vài cử chỉ lạ thường, Ngài liền phán: “Epphatha!” - Hãy mở ra! Tức thì tai và lưỡi anh ta được mở ra, anh ta nghe và nói được rõ ràng. Dân chúng kinh ngạc và thán phục nói rằng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Biến cố này đã ứng nghiệm lời Ngôn Sứ Isaia: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sõi sàng” (Is 35,3-7).

Về mặt tâm linh, chúng ta cũng dễ mắc phải hai khuyết tật ngọng và điếc, không phải do bẩm sinh nhưng do sự xói mòn đức tin và lòng mến trong tâm hồn. Ta không bị câm, vẫn nói được, nhưng lại câm nín trước những bất công và bạo ngược. Nhiều khi ta cũng nói thao thao bất tuyệt, nhưng toàn những điều ta muốn nói chứ không phải điều người khác muốn nghe. Ta ước ao được người khác hiểu mình, nhưng mình lại không quan tâm tìm hiểu người khác. Có lẽ ta thấy như có điều gì trói buộc mình, khiến ta ngần ngại, sợ sệt, tránh né… Cũng có khi ta bị ngọng hay câm vì đã có những thương tổn bởi sự châm chọc, khinh miệt, phủ nhận… khiến ta mặc cảm, mất tự tin và co cụm lại. Ngoài những thương tâm do sự vô tâm trong cách hành xử của người khác, thì ít nhiều còn do sự cọ xát quan điểm, lối sống, nhưng thực ra, hệ lụy của vấn đề hệ tại ở tâm hồn ta trước sự tác động của tha nhân.

Nếu bệnh ngọng làm người khác không hiểu ta, thì bệnh điếc làm ta không hiểu người khác. Chúng ta bị điếc khi để mình mất khả năng lắng nghe người khác, hay chỉ nghe điều mình muốn nghe. Chúng ta bị điếc khi nghe người khác với thái độ bất ưng, coi thường, ác cảm. Chúng ta bị điếc khi lắng nghe mà không nhận thức được đúng-sai, hư-thực, hay-dở… nên điều quan trọng không nằm ở nơi người nói, mà ở nơi người nghe phải suy nghĩ và quyết định ra sao.

Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp mà người nói muốn truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe, mà chỉ chọn lựa những thông tin bổ ích và hữu dụng; không gây phương hại trong cách đối nhân xử thế, mà cũng không làm vẫn đục tâm hồn. Cha Mark Link nói: “Chúng ta không thể luôn tin vào những gì nghe bằng đôi tai, nhưng luôn có thể tin vào những gì thấy bằng con tim của mình”.

Có những đam mê, dục vọng và ghen ghét như những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta bị câm nín, ngọng nghịu. Có những kiêu căng, ích kỷ và thành kiến như bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc lác. Thế giới ngày càng thiếu cảm thông và đối thoại vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần. Bệnh này làm người ta thành những con người đơn độc, thành những hòn đảo mù khơi, không còn khả năng cho đi và lãnh nhận, để rồi tàn lụi dần trong sự hoang vu trống rỗng của đời mình.

Qua phép lạ này, Đức Giêsu không chỉ phá đổ bức tường câm điếc cho người bệnh, đem lại cho anh ta một đời sống bình thường, và có khả năng thiết lập tương giao với mọi người, mà còn cho ta thấy Ngài đã phá đổ bước tường giữa Do Thái và dân ngoại, giữa con người với con người, và đặc biệt là bức tường giữa con người với Thiên Chúa. 

Hôm nay, Đức Giêsu cũng muốn kéo riêng ta ra với Ngài và thì thầm lên tiếng: “Epphatha” - Hãy mở ra! Hãy đón nhận lời quyền năng và và tình thương của Ngài, để ta đừng câm điếc trước Thiên Chúa và tha nhân. Đón nhận ân huệ này, Chúa mời gọi ta cũng hãy có những thái độ sống tốt nhất để giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Điếc và ngọng thể chất ai cũng biết,
điếc và ngọng tâm linh khó mà lường,
đây là bệnh ít nhiều ai cũng vướng,
khiến cuộc đời có những nỗi bi thương.


Trong cuộc sống có thể nhiều thứ điếc,
điếc vì đã có định kiến với ai,
nên khi nghe là tìm cách chê bai,
khiến tương giao lại trở thành ngang trái.


Điếc chỉ vì không muốn sống hiệp thông,
vì tự mình đã đóng kín cửa lòng,
hoặc đã đánh mất đi niềm hy vọng,
nên không nghe được tiếng Chúa bên trong.


Cuộc sống con cũng có nhiều thứ ngọng,
vì ích kỷ đã làm cho cứng đọng,
vì tham lam và cố chấp tự kiêu,
nên lời lẽ nói ra không ai hiểu.


Ngọng vì luôn lo âu và sợ sệt,
sợ khinh chê và thua thiệt ở đời,
sợ xui rủi và tai ương đưa tới,
nên co ro mà nói chẳng nên lời.


Có thứ ngọng phát xuất từ lười biếng,
lo an thân tránh mọi chuyện thế trần,
không còn biết ý thức sống lòng nhân,
nên làm cho tinh thần mình xa lạc.


Xin mở tai con lắng nghe Lời Chúa,
lời trần tình lời sự sống trường sinh,
xin mở miệng con chúc tụng tôn vinh,
vì đời con là công trình của Chúa.


Xin cho con lắng nghe hết mọi điều,
cho dù tha nhân nói bằng nhiều kiểu,
con vẫn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu,
để cho hết mọi người có thể hiểu. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây