Dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh
Hãy sống công chính và sùng đạo
Cầu nguyện và đọc kinh - đọc kinh và cầu nguyện, đó là hai việc làm không thể thiếu trong đời sống đức tin của người tín hữu Công Giáo. Gọi là không thể thiếu bởi đó là điều Đức Giê-su đã truyền dạy.
Về cầu nguyện, Ngài đã truyền dạy rằng: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” Còn về đọc kinh! Có… Đức Giê-su có dạy các môn đệ “đọc kinh”.
Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại thì: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: ‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông’. Người bảo các ông: Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển. Triều đại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con, ngày nào có lương thực ngày ấy. Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. (x.Lc 1-11).
Đó… đó chính là nội dung “bài kinh” Đức Giê-su đã dạy các môn đệ. Ngày nay, chúng ta gọi là kinh Lạy Cha, và chúng ta đọc mỗi ngày. Như Đức Giê-su đã dạy các môn đệ đọc kinh Lạy Cha, Giáo Hội dạy chúng ta đọc “kinh kính mừng”.
Kinh kính mừng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, là những lời sứ thần Chúa đã truyền tin cho Đức Maria, cộng với lời chào của bà Elisabet, năm xưa: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” – “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (x.Lc 1, 28&42).
Chưa hết! Đọc kinh kính mừng theo cách thức lần hạt Mân Côi, gợi cho chúng ta nhớ đến những biến cố đã xảy ra cho Đức Giê-su. Từ biến cố “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”, đến biến cố “Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá” và rồi “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh”, qua phần suy niệm “Mầu Nhiệm Vui”.
Vâng, thật là vui hơn nữa, vì những biến cố này đã được Giáo Hội kính nhớ đặc biệt, trong những thánh lễ đặc biệt, hằng năm. Chẳng hạn như: Lễ Truyền Tin - Lễ Giáng Sinh. Với Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (02/02/2025), Giáo Hội kính nhớ đặc biệt đến sự kiện “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh”. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 2, 22-40).
**
Tin Mừng thánh Luca ghi lại câu chuyện này, như sau: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được coi là của thánh, dành cho Chúa’ và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.”
Tưởng chúng ta cũng nên biết “lễ thanh tẩy”, được nói ở đây, không phải là Bí tích Thanh Tẩy hay Phép Rửa Tội là một trong 7 Bí tích trong Giáo hội Công giáo.
“Ngày lễ thanh tẩy của các ngài”, nói ở đây, là một ngày lễ “nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môsê, phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái.” (nguồn: internet).
Hôm ấy, có hai người xuất hiện, một người tên là Si-mê-on và một người tên là An-na. Ông Si-mê-on được biết đến là một người “công chính và sùng đạo”. “Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa, rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2,29-32).
Những lời ông Si-mê-on nói đã làm cho “Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời... nói về Người.”
Sau đó, “Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Về phần bà An-na. Âm thầm “bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.”
Và rồi, “Khi hai ông bà hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” (x.Lc 2, 39-40).
***
Như đã nói ở trên, Chúa Nhật hôm nay Giáo Hội cử hành lễ kính “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh.” Sự kiện này, cũng từng được chúng ta “kính cẩn”, mỗi khi lần chuỗi Mân Côi. Rất, rất trịnh trọng chúng ta lớn tiếng đọc, “thứ tư thì gẫm: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.”
Vâng, rất tuyệt vời cho hành vi đạo đức này. Tuy nhiên, dù chúng ta có thực hiện hành vi đạo đức này, dù chúng ta có “gẫm đi, gẫm lại” hằng ngàn lần, mà chúng ta vẫn không “vâng lời chịu lụy” thì không bao giờ chúng ta “được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
Đức Giê-su chỉ một lần “gẫm” thôi, thánh sử Luca nói rồi; Ngài “hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”
Người soạn lời gẫm, khuyên chúng ta “hãy xin cho được”. Mà, làm thế nào để xin-cho-được, đây! Thưa, hãy nhìn cụ Si-mê-on, nhìn cụ như là một tấm gương mẫu mực cho đời sống đức tin của mình.
Cụ Si-mê-on có gì đặc biệt để chúng xem như là một tấm gương mẫu mực! Thưa, thánh sử Luca cho biết “ông là người công chính và sùng đạo”. Chính điểm son này, ông được “Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.” (x.Lc 2, 25-26).
Công chính và sùng đạo, nha! Đó, đó chính là tấm gương mà chúng ta cần noi theo. Đừng quên, một ngày nọ, Đức Giê-su tuyên bố: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (x.Mt 5, 6).
Hãy là người công chính đi! Chúa sẽ cho chúng ta thỏa lòng. Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh Thần Khí để chúng ta có thể “vâng lời chịu lụy”.
Khi đã trở nên người công chính, chúng ta sẽ thấy việc “sùng đạo” là một niềm hạnh phúc, chứ không phải là gánh nặng. Nói rõ hơn, chúng ta sẽ thấy việc “đi nhà thờ” đó là một niềm vui, chứ không phải vì sợ vi phạm luật buộc “giữ ngày Chúa Nhật”.
Thêm một tấm gương về việc sùng đạo, thật đáng để chúng ta khâm phục và noi theo. Đó là bà An-na. Bà ta “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.”
Vâng, hãy theo gương bà, đừng lãng quên sớm-hôm-thờ-phượng-Chúa.
Hôm nay, chúng thấy rồi đó, một thế giới đầy hỗn loạn, một xã hội đấy bất an, nhiều… nhiều người đã “ra đi” không kịp trăn trối, trong nước cũng như ở ngoại quốc, vào dịp tết vừa qua, kể ra không hết.
Thế nên, thật khôn ngoan, khi chúng ta cũng theo gương Mẹ Maria, dâng chính cuộc đời mình cho Chúa. Bởi, như lời Kinh Thánh dạy: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.”
Vâng, muốn được như thế, muốn được Chúa cho “nghỉ ngơi yên hàn” hãy sống như cụ Si-mê-on đã sống. Hãy sống công chính và sùng đạo.
Petrus.tran
Những tin cũ hơn