TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lạy Chúa, xin ngự đến

Thứ năm - 13/05/2021 06:43 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   905
Lạy Chúa, xin ngự đến

Chúa Nhật I - MV – A

Lạy Chúa, xin ngự đến

Ngày 8/11/2016 vừa qua, người dân Hoa Kỳ đã trải qua một cuộc sống hết sức hồi hộp và căng thẳng. Sau tám năm ròng rã, hôm nay, họ chìm mình vào niềm trông đợi vị tổng thống thứ 45.

Đó là điều bình thường trong vai trò là một người dân, vì bày tỏ niềm trông đợi vào một người, mà người đó đem lại cho đất nước sự thịnh vượng, cùng với những chính sách tốt đem lại hạnh phúc cho cuộc sống của mình, đó là điều phải đạo.

Đời sống của một công dân Nước Trời cũng không là ngoại lệ. Họ cũng có những niềm trông đợi của riêng mình. Niềm trông đợi của người Ki-tô hữu, đó là: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Có niềm trông đợi nào cao hơn thế nữa! Người Ki-tô hữu còn trông đợi sẽ có một ngày, Đức Giê-su: “Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Không một chút mơ hồ. Vâng, chính Đức Giê-su, trước giờ chịu nộp mình, trong bữa tiệc ly, Ngài đã tâm tình cùng các môn đệ của mình, rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

Bao giờ “Thầy sẽ gặp lại anh em?” Và bao giờ “Người sẽ lại đến trong vinh quang?”. Thưa, điều này Đức Giê-su nói rất rõ ràng và được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu (Mt 24, 37-44)

**

Thánh sử Mát-thêu ghi lại như sau: Hôm đó, “Khi Đức Giêsu từ trong Đền thờ đi ra… (và) lúc Người ngồi trên núi Ôliu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: Xin Thầy nói cho chúng con biết… cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm” (Mt 24, 3).

Điềm nào ư! Vâng, có rất nhiều điềm sẽ xảy ra, như: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng” v.v…

Tuy nhiên, điều Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến, đó là luôn phải có sự chuẩn bị, chuẩn bị, vì: “Thời ông No-ê, như thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”.

“Thời ông No-ê như thế nào?”. Thưa, Kinh Thánh có ghi lại rằng: Trước “Sự gian ác của con người trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng’. Nhưng ông No-ê được đẹp lòng Chúa” (St 6, 5-9).

Ông No-ê, theo lời Kinh Thánh ghi lại: “là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa”.

Chính vì thế, Đức Chúa không chỉ cho ông biết “giờ tận số của mọi xác phàm”, mà còn nói với ông: “Hãy làm cho mình một chiếc tàu… hãy vào tàu, ngươi cùng con trai ngươi.. ” Nhờ đó, ông No-ê và gia đình đã được an toàn khi Đức Chúa “đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày, bốn mươi đêm”.

Sau bốn mươi ngày, bốn mươi đêm: “Mọi loài trên mặt đất, từ con người đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, chúng bị xóa khỏi mặt đất, chỉ còn lại ông No-ê và những gì ở trong tàu với ông.” (St 7, 23).

Không bất ngờ, tất cả đều được cảnh báo và ông No-ê đã có sự chuẩn bị.

Sau đó, Đức Giê-su cho một ví dụ rất đời thường: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.”

Và, cuối cùng, khép lại những lời cảnh báo, một thông điệp được Đức Giêsu long trọng tuyên bố: “Vậy, anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Cho nên, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

***

“Canh thức và sẵn sàng”. Vâng, mọi sự đã quá rõ ràng, rõ ràng để chúng ta biết rằng, tất cả những lời tiên báo về ngày giờ Chúa Giê-su quang lâm (như có một số tín đồ của một vài giáo phái đã tuyên bố), chỉ là những lời của những “Ki-tô giả và ngôn sứ giả”, mà thôi. (x.Mt 24, 23)

Hãy nhớ, Đức Giê-su đã nói: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (x.Mt 24, 36).

Tông đồ Phaolô, cũng chung một niềm trông đợi như thế, đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”. Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ: “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6)

****

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giê-su vẫn chưa “quang lâm”. Vâng, điều đó lại càng khiến chúng ta phải đề cao cảnh giác. Bởi vì, biết đâu, hôm nay, Ngài “trở lại trong vinh quang”, liệu tôi sẽ là người “được đem đi” hay tôi là người “bị bỏ lại”?

Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng: “tôi đang canh thức và sẵn sàng?”. Tôi vẫn nghe lời khuyên của thánh Phao-lô: “tỉnh thức và sống tiết độ?”

Đừng quên câu chuyện về những người cùng thời ông No-ê, chỉ vì sống không tiết độ, chỉ vì “mải mê ăn uống…” cho nên, họ đã “không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.” (Mt 24, 39).

Vâng, chúng ta đang sống trong một xã hội “duy vật chất”, một xã hội cổ vũ cho sự hưởng thụ, “khách hàng là thượng đế”, thật không dễ để sống một cuộc sống “tiết độ”.

Hãy nhìn xem, mỗi buổi chiều tà, không ít người (tất nhiên trong đó có cả người Ki-tô hữu), vẫn luôn bị lôi kéo, cám dỗ vào những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, vẫn để cho cuộc sống của mình “rong chơi cuối trời quên lãng”, quên lãng rằng: ngay bây giờ, biết đâu Chúa Giê-su giơ tay “gõ cửa”, cánh cửa cuộc sống của mình!

Vậy, làm sao để ta có thể “sống tiết độ”? Thưa, Kinh Thánh có lời khuyên: “Nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường”. (x.Is 2, 5).

Nói, theo cách nói của vua David, đó chính là “ánh sáng Lời Chúa”. LỜI “soi ta bước (và) dẫn đường ta đi”.

Hãy nhìn Đức Giê-su, làm sao Ngài có thể vượt qua cơn cám dỗ về “sự tiết độ” trong việc ăn uống, do Satan dụ dỗ: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”? Thưa, nhờ ánh sáng Lời Chúa, Đức Giê-su đáp: “Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (x.Mt 4, 3-4).

Trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta còn được Thần Khí Chúa dẫn bước vào “Con tàu No-ê mới”, đó chính là con tàu mang tên “Hội Thánh”.

Nơi con tàu này, chúng ta được cung cấp một thứ “lương thực thường tồn”, đó chính là “Mình và Máu Thánh Con Trời Giêsu”, một thứ lương thực đem đến cho ta sự sống đời đời, một thứ lương thực giúp ta “sống tiết độ” hầu có thể “canh thức và sẵn sàng” cho ngày “Con Người sẽ đến”.

Như xưa kia, khi nạn hồng thủy xảy ra, “chỉ còn lại ông No-ê và những gì ở trong tàu với ông” sống sót. Cũng vậy, với chúng ta hôm nay, trong con tàu Hội Thánh, chúng ta mới có quyền trông mong và hy vọng mình có tên trong danh sách “một người được đem đi”. (Mt 24, …41).

Thế nên, đừng vì những quyến rũ của thế gian mà rời con tàu mang tên Hội Thánh.

Cuối cùng, hãy nhìn vào những điềm báo mà Đức Giê-su đã nói, như: chiến tranh, thiên tai, bão lụt, động đất v.v… phải chăng, hôm nay ngày càng hiện thực! Thưa, đúng vậy, và có vẻ như ngày càng xảy ra nhiều hơn.

Vâng, đó chính là “dấu chỉ”, những dấu-chỉ-thời-đại, cho chúng ta thấy, ngày Chúa Giêsu trở lại, đang gần kề, ngày “Người sẽ lại đến trong vinh quang” đang sắp đến.

Vậy, chúng ta nên tự hỏi lại mình một lần nữa: tôi có luôn “canh thức và sẵn sàng”? Nếu có, cớ gì chúng ta không khẩn thiết cất lời nguyện xin: “Maranatha – Lạy Chúa, xin ngự đến”. (x.Kh 22, 20).

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây