TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ Tạ Ơn -2021 B (Lc. 17:11-19)

Thứ tư - 17/11/2021 21:09 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   1316
Bài Phúc Âm trong ngày lễ Tạ ơn muốn dạy chúng ta điều gì?
Lễ Tạ Ơn  -2021 B (Lc. 17:11-19)

LỄ TẠ ƠN  2021 B (Lc. 17:11-19)

 

Bài Phúc Âm kể lại sự việc Chúa Giêsu trên đường tới Giêrusalem, Ngài đi ngang qua vùng Samaria và Galilêô. Khi Ngài vừa tới một làng kia thì có chín người Do Thái và một người Samaritanô mắc bệnh phong cùi gặp Ngài; họ đứng cách xa một quãng và lên tiếng xin Ngài thương xót đến họ; đại khái nói theo kiểu ám định là xin Ngài chữa lành bệnh phong cùi của họ. Chúa Giêsu không nói nhiều, chỉ nói, “Các ngươi đi trình diện vị tư tế”. Và trên đường đi, họ được chữa lành. Một trong bọn họ, người Samaritanô, thấy mình được chữa lành, liền trở lại gặp Chúa Giêsu, ca tụng Thiên Chúa, quỳ phục dưới chân Ngài và nói lời cảm ơn. Thế rồi Chúa Giêsu lên tiếng hỏi, “Chẳng phải mười người được chữa lành cả sao, thế chín người kia đâu mà chỉ có một người ngoại đạo trở lại cảm ơn Thiên Chúa? Và Ngài nói với người Samaritanô rằng hãy chỗi dậy và rời đi, đức tin của con đã cứu con.

Sở dĩ phải lòng dòng kể lại đại khái sự việc được ghi nơi Phúc Âm Luca chỉ vì tôi thấy hình như đoạn Phúc Âm này không hợp ý cũng chẳng hợp tình theo nhận định bình thường nếu chúng ta để ý từng câu của đoạn Phúc Âm này. Trước hết, nói rằng Chúa Giê su trên đường đi Giêrusalem băng ngang Samaria và Galilê và tiến vào một làng gặp 10 người cùi hủi trong đó có một người Samaritanô thì làng này là nơi tách biệt với các làng khác và được dành riêng cho những người phong cùi; thế thì mắc mớ gì phải nhắc tới Samaria và Galilê? Thế rồi những người bị bệnh phong cùi này xin Chúa xót thương mà chữa lành cho, Ngài chỉ phán đi trình diện vị tư tế. Và họ không nói không rằng lên đường đi. Họ bị phong cùi, phải tránh xa mọi người, nơi Cựu Ước có nơi còn nói đến nếu họ đi trên đường thì phải lắc chuông để báo cho người khác biết để tránh xa họ. Chúa đâu đã làm gì hay chữa lành cho họ mà họ dám đi trình diện vị tư tế! Cũng theo bài Phúc Âm, trên đường đi trình diện vị tư tế, họ được chữa lành và người Samaritanô thấy mình được chữa lành vội quay lại ca tụng Thiên Chúa và cảm ơn Chúa Giêsu. Vừa mới bảo họ đi trình diện vị tư tế, khi thấy người Samaritanô trở lại cảm ơn thì Ngài lại hỏi chín người Do Thái kia đâu sao không trở lại cảm ơn! Dĩ nhiên, người Samaritanô không biết và không giữ luật Do Thái nên trở lại cảm ơn nhưng chín người Do Thái kia dẫu biết mình được chữa lành nhưng phải theo đúng lề luật đi trình diện vị tư tế để được tuyên bố là đã được sạch bệnh phong cùi. Thêm vào đó, câu nói của Chúa Giêsu lại càng ngộ nghĩnh; Ngài không nói, cũng như những trường hợp chữa lành khác nơi Phúc Âm, không bao giờ Ngài nói Ngài chữa lành mà lại nói, “Đức tin con chữa con, đức tin con cứu con”.

Bài Phúc Âm trong ngày lễ Tạ ơn muốn dạy chúng ta điều gì? Trước hết, sự chữa lành không đến từ những nghi thức hay sự việc trình diện vị tư tế để được công bố thanh sạch như trong lề luật Do Thái. Sự chữa lành cũng không phải từ sự cầu xin, năn nỉ xót thương. Nói đến đây tôi nhớ câu nói nơi nào đó trong cuốn sách Đạo Đức kinh của Lão học. Câu đó được chép như sau, “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Câu này có nghĩa, Trời Đất không thương xót ai cả mà chỉ coi muôn loài như thứ chó rơm. Người Trung Hoa thời xưa có tục lệ đến ngày lễ tết, cúng quảy nào đó, thường mua con chó giả được làm bằng rơm, cũng như chúng ta mua hoa, mua bông về dâng kính. Và sau khi đã cúng xong thì quăng con chó rơm vào thùng rác chẳng khác gì chúng ta quăng bông đã tàn để thay bông tươi mới. Câu truyện mười người phong cùi được chữa lành rõ ràng nói cho chúng ta biết, sự chữa lành không đến từ những nghi thức hoặc lời cầu khẩn mà đến từ Thiên Chúa và Thiên Chúa thực hiện sự việc theo ý Ngài mà thôi. Thánh Thomas Aquinas để lại câu nói ít ai dám nhắc đến dù đã biết hay thường gặp nơi sách vở, “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói gì về Ngài, và tất cả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa chỉ là những sự tưởng tượng”. Thánh nhân nói lên điều tận lòng ruột của mỗi người thao thức. Khi suy nghĩ, suy nghiệm về câu này, tôi tự đặt vấn đề, vậy thì nói rằng, tuyên xưng, tuyên dương tin vào Thiên Chúa thì tin vào cái gì, tin vào điều gì, có thể suy luận được không, có thể rờ thấy, đụng chạm được không hay chỉ là phát biểu của sự tự dối lòng cho giống người khác. Tôi tạm gọi là tự lừa đảo, quả đáng xấu hổ vì tất nhiên, mình biết lòng mình đồng thời chắc chắn Chúa cũng biết mình láo khoét mà không biết ngượng.

Đàng khác, xét đến lời thắc mắc tại sao chín người Do Thái không trở lại cảm ơn Ngài, Phúc Âm muốn lần nữa nhấn mạnh thêm cho chúng ta nhận rõ sự chữa lành không đến từ sự tuân giữ nghi thức, lề luật. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta rằng lề luật không làm cho chúng ta nên công chính trước mặt Chúa. Không phải cứ tuân giữ lề luật là được phần thưởng Nước Trời bởi có biết Nước Trời là gì đâu. Nước Trời không phải là sự tưởng tượng của mỗi người. Chúng ta nhớ lại nơi Phúc Âm Matthêu được viết, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi sự khác sẽ được ban cho các ngươi” (Mt. 6:33). Xin mọi người nhớ cho, Phúc Âm dạy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, Nước Trời chứ không phải theo tôn giáo này hay tôn giáo kia. Mà Nước Thiên Chúa, Nước Trời là gì? Xin thưa, Nước Thiên Chúa chính là Thiên Chúa vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa là sự sống, Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu. Chúng ta ai cũng nhận biết nằm lòng, ngoài Thiên Chúa không có gì hiện hữu vì Thiên Chúa chính là sự hiện hữu nơi tạo vật mà chúng ta hay nói của tạo vật. Tôi cầu xin mọi người để ý và suy nghiệm một đôi câu nói, câu tuyên truyền phản Kitô giáo mà chúng ta quen phát biểu chẳng hạn, quân vô đạo, hoặc, ngoài giáo hội không có ơn cứu rỗi, hay “Ai chẳng thông công cùng hội thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn”. Công Đồng Vatican II (đệ nhị) định nghĩa rõ ràng, “Giáo hội là dân Chúa”. Ai không là dân Chúa, ai không có linh hồn? Tin với giáo hội là tin thế nào trong khi “Chín người mười ý”, thế rồi phát sinh câu nói nghịch thường, “Mỗi cha một lý đoán”, nghe mà nực cười, đến nay lại bày ra cái trò có nên cho Biden rước lễ hay không! Quý vị có biết rước lễ là rước gì không? Có biết bí tích truyền phép là gì không?

Thêm một điểm nghịch thường nữa nơi Phúc Âm nơi câu nói của Chúa Giêsu, “Đức tin con chữa con”. Vậy đức tin là gì mà có thể chữa lành, cứu người. Ai trong chúng ta cũng chân thành tuyên xưng mình tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu. Ai cũng thực lòng công bố mình có đức tin; vậy đức tin của mình có chữa lành, có giống đức tin, lòng tin như Phúc Âm nói không? Thế sao khi đau ốm không dùng đức tin của mình mà chữa, lại đi cho bác sĩ khám trong khi lại nói “Đi khám bác sĩ”, bác sĩ nào để cho mình khám? Chúng ta có cố ý tuyên xưng điều mình không biết chăng? Chúng ta thực tâm công bố mình có đức tin, lòng tin; vậy đức tin, lòng tin của chúng ta là gì? Theo Phúc Âm Luca, mục đích cuộc đời của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa như đã được viết, “Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (Lc. 4:43; NTThuấn); cũng như nơi Phúc Âm Matthêu được chép, “Này nữ trinh sẽ thụ thai, và sinh con, và người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (Mt. 1:27). Người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel; điều này chứng tỏ danh hiệu của Chúa Giêsu là Emmanuel. Chúng ta thường gọi các vị làm việc nơi giáo xứ theo danh hiệu ông bà trương, ông bà thơ ký, trùm, trưởng, vì họ giữ chức vụ chánh phó trương, thơ ký, hay trùm, trưởng. Người ta gọi Chúa Giêsu là Emmanuel vì Ngài giữ nhiệm vụ rao giảng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động nơi quý ông, quý bà, nơi tôi, nơi mọi người. Đó cũng là lý do câu đầu tiên nơi thánh lễ, linh mục công bố, “Chúa ở cùng anh chị em”, và chúng ta thưa, “Và ở cùng cha;” sự việc này nhắc nhở, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và vì Thiên Chúa ngự trị nơi mỗi người, đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mình. Nhận biết hay không tùy mỗi người. Dám chấp nhận thực thể Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mình hay không cũng tùy mỗi người. Không thể sử dụng đức tin nơi mình, tất nhiên mình chưa thực sự nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi mình. Tôi muốn nói kể cả tôi; thực ra, cho tới giờ phút này, tôi cũng như mọi người, nhận biết Chúa ngự trị nơi mình nhưng chỉ là cái biết suy luận, chưa thực sự cảm nhận được Thiên Chúa nơi mình.

Thế nên, nhân dịp lễ Tạ ơn, chúng ta thực tâm suy nghiệm về sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi mình. Cảm tạ Ngài đã cho mình có cuộc đời thế tục như cơ hội cho mình nghiệm xét về thực thể của mình nơi cuộc đời và đồng thời suy nghiệm hay nghiệm xét về thực thể sự liên hệ của Chúa với mình hầu hướng dẫn cuộc đời mình sao cho phù hợp với Tin Mừng Nước Trời, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Amen.

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây