TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Rồi sẽ qua đi

Chủ nhật - 21/11/2021 22:50 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   869
Tin Mừng thánh Luca cách nào đó giúp chúng ta nhìn nhận một hiện thực của các hiện hữu thế trần đó là mọi sự rồi sẽ qua đi.
Rồi sẽ qua đi

RỒI SẼ QUA ĐI

(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIV TN – Đn 2,31-45;  Lc 21,5-11)

Niên lịch Phụng vụ đang dần kết thúc. Mẹ Giáo hội cho đoàn tín hữu nghe trích đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ với chủ đề nghiêng về “những sự sau”. Hôm nay, ngày thứ Ba sau Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa qua bài đọc trích sách Đanien và bài Tin Mừng thánh Luca cách nào đó giúp chúng ta nhìn nhận một hiện thực của các hiện hữu thế trần đó là mọi sự rồi sẽ qua đi.

Một vương triều hùng mạnh thời đế quốc Babilon rồi cũng sẽ qua. Và các vương triều khác lại tiếp nối thay nhau hưng, thịnh, suy, tàn qua hình ảnh một bức tượng người khổng lồ với nhiều phần chi thể khác nhau về kết cấu chất liệu và đã bị phá hủy tan tành. Đây là điềm chiêm bao mà vua Nabucôđônôdo đã thấy trong giấc ngủ nhưng không thể hiểu cho đến khi Đanien dù không nghe biết trước nhưng vẫn kể lại được và giải thích rành mạch ý nghĩa. Ý nghĩa chính đó là các vương triều thế gian dù có hùng mạnh đến đâu rồi cũng qua đi. Chỉ có vương triều của Thiên Chúa mới tồn tại mãi đến thiên thu.

Bài Tin Mừng thánh Luca tường thuật những lời tiên báo của Chúa Giêsu về sự sụp đổ tan hoang của Đền thờ Giêrusalem dù rằng hiện nay nó đang rực rỡ huy hoàng. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6). Sau hơn ba mươi năm lời tiên báo của Chúa Giêsu đã thành hiện thực khi quân đội Rôma đến dẹp loạn đã phá hủy tất cả thành bình địa. Qua sự sụp đổ của Đền thờ, Chúa Giêsu còn hướng cái nhìn của các môn đệ đến ngày chung tận của thế giới. Đền thờ rồi sẽ qua đi. Thế giới này rồi cũng sẽ qua đi.

Mọi thực tại thế trần đều có tính lữ thứ, vô thường. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu lưu ý các môn đệ đó là nguyên nhân cũng như các dấu chỉ của sự diệt vong các thực tại đời này. Không phải vô cớ mà các vương triều sụp đổ và sự sụp đổ ấy cũng không quá bất ngờ vì thường được báo hiệu qua những dấu chỉ trước đó. Lịch sử cho thấy một vương triều suy vong đều được thấy trước bởi sự tàn bạo của các hôn quân hay sự hoang dâm vô độ của những bạo chúa. Và thường có một thời gian xã hội rơi vào cảnh loạn lạc.

Trước sự vô thường của thế trần này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết sống tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức để biết sống tự do dù đó là những điều tự nó là tốt như chức vị, quyền lực, hay của cải hay là những điều xem ra không may mắn như tai ương, hoạn nạn, bị đối xử cách bất công… vì biết rằng mọi sự sẽ qua đi, tất cả đều là vô thường. Kitô hữu chúng ta không dừng lại ở động thái “vô chấp” như anh em Phật tử, nhưng chúng ta sống tự do là để sẵn sàng hơn trong việc xây đắp tình yêu, vì chúng ta tin rằng dù mọi sự sẽ qua đi nhưng tình yêu mãi tồn tại đến thiên thu (x.1Cr 13,13).

Trong tình cảnh loạn lạc, nhiễu nhương, hỗn độn thì thường có đó chuyện “đục nước béo cò”. Chúa Giêsu căn dặn chúng ta phải khôn ngoan, đừng làm cớ cho kẻ xấu lừa gạt, trục lợi. Những gì Chúa Giêsu nói xưa thì đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, trong cả mấy thập niên gần đây. Số người mê lầm chạy theo những lời tiên báo về ngày tận thế là không ít và hậu quả “tiền mất tật mang” là có thật. Chính vì thế thái độ sống tỉnh thức trong tự do của Kitô hữu phải có đó tính tích cực và trưởng thành. Dù biết rằng mọi sự rồi sẽ qua đi nhưng chúng ta cần phải biết “săn tay áo” khi công lý, tình yêu và sự thật mời gọi chúng ta dấn thân.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây