TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ tế ngu trong tang lễ người Việt.

Thứ năm - 03/11/2022 05:55 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1193
Lễ Ký, kinh điển về việc lễ, giải thích: “Ngu tức là Yên, Ngu lễ là lễ tế cho tâm hồn được yên vị. sau lễ Ngu tế, không được khóc lóc nữa, lễ chế gọi là “tốt khốc”
images (7)
images (7)

Lễ tế ngu trong tang lễ người Việt.


 
 
Từ “ngu” trong lễ tế ngu khác với cách hiểu bình dân Ngu là dốt, từ ngữ này gốc Hán, theo Đại nam Quấc âm tự vị của tác giả Paulus Của giải thích: “Họ Hữu Ngu dòng dõi vua Thuấn; tên một nước; lo, nghĩ tới; lễ tế vong hồn người mới chôn. Tế ngu là lễ tế lúc mới đi chôn mà trở về nhà, phải lễ ba lần cho nên gọi là sơ ngu, tái ngu và tam ngu, ấy cũng là tiệc đãi hàng xóm, cũng gọi là lễ an sàng”[1].          
Tác giả Lê văn Siêu trong phần tang lễ cũng nhằc tới: “lúc đã chôn xong và đắp mô xong, tang chủ phải có bài văn tế thành phần. Tế xong rước về, tang chủ phải đi giật lùi đàng trước linh xa rồi con cháu theo sau. Lúc về đến nhà thì lại làm lễ phản khốc, như để mời linh hồn an toạ vào bàn thờ. phải làm lễ tế ngu ba tuần để cầu an hồn phách”[2].
Lễ Ký, kinh điển về việc lễ, giải thích: “Ngu tức là Yên, Ngu lễ là lễ tế cho tâm hồn được yên vị. sau lễ Ngu tế, không được khóc lóc nữa, lễ chế gọi là “tốt khốc” ”[3].
Chắc chắn còn rất nhiều sách nói về Lễ tế ngu nữa, nhưng có lẽ vài  điều trưng dẫn ở đây cũng đủ minh hoạ ý nghĩa của từ “Ngu” trong lễ tế.
Thời gian tính:
Thời gian tính dường như không thống nhất, có nơi tính bắt đầu từ khi mất, có nơi người ta tính thời gian sau khi chôn. Theo “thọ mai gia lễ” là gia lễ của nước Việt, có dựa theo Chu Công gia lễ của thời xưa Trung Quốc nhưng không rập khuôn theo họ. Tác giả của “Thọ mai gia lễ” là Hồ sỹ Tân (1690 – 1760) hiệu Thọ Mai, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu tiến sỹ năm 1721 (Năm thứ hai triều Bảo Thái) làm quan đến Hàn Lâm thị chế. Trong “thọ mai gia lễ có tr1ich dẫn một phần của Thượng Thư gia lễ. Hồ Thượng Thư tức là Hồ sỹ Dương (1621 – 1681) cũng người làng Hoàn Hậu, đậu tiến sỹ năm 1652 tức là năm thứ tư triều Khánh Đức, Thượng thư bộ hình, tước Duệ Quận Công; thì khi chôn xong, rước linh vị về nhà tế sơ ngu, làm sơ ngu xong gặp nhày nhu (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) làm lễ tái ngu, gặp ngày cương (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm) làm lễ tam ngu. Trong sách Phan Kế Bính cũng diễn giải tương tự.
Sau này người ta giản lược, kiêm cả ba lễ, chỉ làm lễ tam ngu, ví thế gọi là lễ ba ngày. vậy thời gian tính sau ba ngày từ khi chôn, theo tục lệ người ta gọi ngày ấy cũng là ngày mở cửa mả. ngày mở cửa mả, con cháu ra thăm mộ để dọn dẹp, sửa sang mộ phần, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước…
Lý do làm lễ tế ngu:
Gợi nhớ Thánh ca Isaia, kinh sáng Phụng vụ giờ kinh, ngày thứ ba, tuần thứ 2[4].
Người đang hoạt động bỗng nhiên nằm yên không hoạt động. “Lạy Chúa, con như người thợ dệt. Đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ”.
Đang nhìn thấy người thân bỗng nhiên phải liệm vào trong áo quan để không thấy nữa. “Nhà tôi ở đã bị giật tung, và đem đi như lều mục tử”.
Từ nay phải chia tay với người thân, không còn nhìn thấy nhau nữa, âm dương cách trở. “Tôi có nói: chẳng còn được thấy Chúa, ở trên cõi dương gian, hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế”
Phẩm phục trong lễ tế ngu.
Tang phục và tang kỳ có nhiều điều phức tạp nên bỏ qua trong bài này, ở đây chỉ nói tới tang phục mặc trong lễ tế ngu: “Tang phục may bằng sợi dây đay như lúc đầu mặc là mỏng nhất, tang phục sau lễ tế được thay đổi dần dần, càng thay càng dầy, khi cởi ra cũng dễ dàng. Ý là muốn giúp mọi người từng bước, từng bước học cách thu lại và che giấu. Mục đích cuối cùng là hoàn toàn hồi phục”[5].
Văn tế:
“Than ôi! Trên toà Nam cực (khóc mẹ đổi là: Bảo Vụ) lác đác sao thưa;
Cơ tạo hoá, làm chi ngang ngửa thế, bóng khích câu, khen khéo trêu ngươi;
Chữ cương thường, nghĩ lại ngậm ngùi thay, tình hiếu điểu, chưa yên thoả dạ.
Ơn nuôi nấng, áo dày cơm nặng, biển trời khôn siết, mấy công lao;
Nghĩa sớm hôm, ấp lạnh quạt nồng, tơ tóc những hiềm, chưa báo trả; ngờ đâu nhà Thung (hay nhà Huyên) khuất núi, trời mây cách trở muôn trùng; Chồi Tử mờ sương, âm dương xa vời đôi ngả.
Trông xe hạc, lờ mờ ẩn bóng, cám cảnh cuộc phù sinh chưa mấy, gót tiên du, đã lánh cõi trần ai; rồi khúc tằm, áy náy trong lòng, thương thay hồn bất tử về đâu, cửa Phật độ, biết nhờ ai hiện hoá. Suối vàng thăm thẳm, dáng phụ thân (hoặc mẫu thân) một bước lìa khơi, giọt ngọc đầm đìa, đàn con cháu, hai hàng lã chã.
Lễ sơ ngu (hay tái ngu, hoặc tam ngu) theo tục cổ trình bày; Nhà đơn bạc, biết lấy gì dóng dã.
Đành đã biết: đất nghĩa trời kinh, nào chỉ ba tuần nghi tiết, đủ lễ báo đền;
Cũng gọi là: Lưng cơm chén nước, hoạ may chín suối anh linh, được bề yên thoả.
Ôi ! thương ôi ! thượng hưởng.”[6]
Người Kitô hữu gốc miền Bắc vẫn còn giữ tập tục này nhưng đã chuyển hoá thành nghi thức của người Kitô giáo. Thay lễ tế ngu bằng những giờ kinh tối tại gia, nơi gia đình tang quyến. Sau khi chôn cất, làng xóm hay khu xóm tụ lại đọc kinh cầu nguyện cho người mới qua đời, ba buổi tối hay một suốt tuần buổi tối, tuỳ theo chủ gia xin cùng khu xóm. Sau giờ kinh, hoặc trước đó lúc ban ngày, gia đình tang quyến gửi xôi tới những gia đình trong khu xóm, để có phần nào là trả lễ cho người quá cố.
 
Vài nét trên đây để tìm hiểu về lễ tế ngu mà nhiều người còn thắc mắc.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan


 
 
[1] Đại Nam Quấc Âm tự vị, trang 720, Hùinh tịnh Paulus Của, Nxb Trẻ, 1998. 
[2] Nếp sống tình cảm của người Việt Nam, trang 163, Lê văn Siêu, NXB Cà Mau, 1993.
[3] Lễ ký, Kinh điển về việc Lễ, biên soạn Nhữ Nguyên, trang 191, NXB Đồng Nai, 1996.
[4] Is 38, 10 – 14. 17 – 20.
[5] Lễ ký, Kinh điển về việc Lễ, biên soạn Nhữ Nguyên, trang 192, NXB Đồng Nai, 1996.
[6] Tập văn cúng gia tiên, trang 58, Tân Việt sưu tầm, NXb văn hoá dân tộc, 1999.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây