TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ dâng cuộc đời

Thứ năm - 27/10/2022 05:42 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   857
Hiến thánh là lễ dâng cuộc đời, cam kết thuộc về Thiên Chúa mãi mãi, đó là hành vi đặt cuộc đời mình tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Lễ dâng cuộc đời

Lễ dâng cuộc đời

 

 
 
Hiến thánh là lễ dâng cuộc đời, cam kết thuộc về Thiên Chúa mãi mãi, đó là hành vi đặt cuộc đời mình tùy thuộc vào Thiên Chúa. Hiến thánh không chỉ ở đời tu mà hiến thánh trong hôn nhân và mọi lựa chọn của đời sống: “Con tự hiến thánh Con, để họ cũng được hiến thánh” (Ga 17, 19).
Hiến thánh là một hành vi đặt lễ vật chính mình để biến đổi nên thánh thiêng. Thánh hiến ở cấp độ cá nhân hay cộng đoàn hay gia đình đều là một cách thức đặt mình hay cộng đoàn, gia đình tùy thuộc vào Thiên Chúa. Đó là cách diễn tả một việc đánh dấu của một cá nhân hay cộng đoàn khi khám phá ra Thiên Chúa thật sự làm chủ cuộc đời mình, là gia nghiệp bền vững.
Dâng hiến để chỉ sự tách biệt: “Sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17, 16). Của hiến thánh thì không thể chuyển nhượng được nữa, người hiến thánh cũng mang tầm mức quan trọng như thế: “Ai tra tay cầm cày mà còn ngoái lại phía sau thì không thích hợp với Thiên Chúa” (Lc 9, 62), vì vậy khi của lễ được hiến dâng thì thông thường được huỷ đi như của lễ toàn thiêu hoặc nếu không huỷ đi thì của lễ ấy thuộc về Thiên Chúa và không ai được sở hữu nữa.
Hiến tế biểu lộ một đặc trưng quan trọng là không thuộc về mình nữa, đó là hành vi chối bỏ chính mình để bước theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Hiến tế chỉ đích thực đúng nghĩa khi con người thanh tẩy khỏi những lỗi lầm, vượt thắng được những cám dỗ để sống tinh tuyền như hình tượng của cừu non.
Theo tương ứng của lễ vật mà sự tôn phục được quy chiếu. Lễ vật càng trọng thì sự tôn phục càng cao, thế nên của lễ cao trọng nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa không phải là lễ vật chiên bò mà lễ vật của chính mình: “Này con xin đến để thi hành Thánh Ý Chúa” (Dt 10, 7). Lễ vật tỏ lòng sám hối cũng mang một chiều kích như vậy, sự sám hối đích thực là lễ vật chính mình để quy thuộc về Thiên Chúa.
Hiến tế trong thư Do Thái có một tầm mức quan trọng là sự sống quan trọng hơn sự chết. Chính vì ở điểm này mà người hiến dâng cho Thiên Chúa chấp nhận hiến tế ngay trong đời sống hiện tại của mình. Để thuộc về Thiên Chúa là một hành trình dứt bỏ cho đến khi thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa. Hiến tế không được hiểu là cắt xén những gì là tự nhiên, thuộc về tự nhiên. Theo cách thức Chúa Giêsu dạy trong lời nguyện hiến tế: “Sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian”. Khác hẳn với những con người quá khích như ngày hôm nay vẫn thấy, ôm bom để tử đạo, hùng hục lao vào những cuộc thánh chiến.
Giữa thế gian là một lời mời gọi dâng hiến rất cụ thể cho nhiều ơn gọi khác nhau: Ơn gọi trong một nghành nghề, ơn gọi trong đời sống hôn nhân, ơn gọi trong một chức vụ của một cộng đoàn, một xã hội, ơn gọi tu trì… Bao nhiêu ơn gọi khác nhau là bấy nhiêu mời gọi dấn thân trong từng trách vụ của cuộc sống. Mỗi người đều thi hành hiến tế cuộc đời mình trong những hoàn cảnh và trách vụ khác nhau của đời sống. Hiến tế chính mình như thế là “Con tự hiến thánh con” trong môi trường tự nhiên. Làm việc vì phẩm giá của con người và phục vụ cho sự sống con người đó là những thái độ bày tỏ “lòng yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hết cả trí khôn”.
Hiến thân mình với ý nghĩa ấy, người hiến dâng sẽ tránh khỏi những phản ứng dồn nén, trì trệ hoặc thờ ơ với những gì mình đã cam kết. Hoạt động tích cực là nhờ động lực tình yêu thúc đẩy để làm mọi sự vì lòng yêu mến chứ không do bắt buộc nên điều kiện của việc hiến dâng là con đường của những người tự nguyện: “Này con xin đến”. Tự do đáp lại tiếng Chúa mời gọi và cam kết sống điều Chúa mời gọi qua từng ngày sống, đó là con đường hiến dâng. Con đường hiến dâng của mỗi người tuy có khác nhau nhưng đều xuất phát từ lời mời gọi từ nơi Thiên Chúa.
Hiến thánh tác động lên chính con người hiến tế và còn tác động đến những con người chung quanh. Nhờ Hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá đã hoàn thành tất cả hy lễ của mọi người mọi thời mà chính những người hiến thánh được thánh hiến và còn hiến thánh được cho những người chung quanh. Bí quyết con đường thơ ấu thiêng liêng của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ở trong tâm điểm này. Của lễ trong đường thơ ấu thiêng liêng có tràn ngập trong đời sống hằng ngày, qua việc bổn phận, qua việc hy sinh, qua đời sống cầu nguyện, qua việc phụng thờ. Của lễ còn có trong những giá trị của đau khổ phải chịu do mình hay do người khác gây nên, của lễ đời thường trong những lo âu, trong những khắc khoải, trong những buồn phiền hay cả những khi hạnh phúc. Dâng lên của lễ để chính mình được hiến thánh trong Chúa Giêsu và chính Chúa hiến thánh những người chung quanh mà người dâng của lễ hướng tới.
Của lễ có khi còn là những tội lỗi, những yếu đuối, những lần vấp ngã trong đời, đó là của lễ thuộc về những người nghèo dâng lên.Tất cả chất liệu của cuộc sống này đều là những của lễ cần thiết để dâng lên và để được biến đổi, như tấm bánh do những hạt lúa mỳ do tay con người làm nên từ những vất vả lao công, như những trái nho được ép thành rượu do bàn tay con người làm nên. Thiên Chúa dùng để biến đổi trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu làm lương thiêng cho con người. Con người được biến đổi không ngừng theo những gì được dâng lên và Thiên Chúa không ngừng hiến thánh cho đến khi thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa.
“Con tự hiến thánh con để họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19)
 L.m Giuse Hoàng KIm Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây