TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ mạng Cầu nguyện cho Dân Chúa

Thứ bảy - 29/10/2022 01:06 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   726
Những lời cầu nguyện xuất phát từ một con tim chân thành sẽ làm thay đổi thế giới này, bắt đầu từ ánh mắt, tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của chúng ta.

NGƯỜI TU CÓ SỨ MẠNG CẦU NGUYỆN CHO DÂN CHÚA
 

tbd 291022a


Những lời cầu nguyện xuất phát từ một con tim chân thành sẽ làm thay đổi thế giới này, bắt đầu từ ánh mắt, tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của chúng ta.

...
Ngày nay, nhiều Kitô hữu đã không còn tin vào việc cầu nguyện nữa. Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này, nhưng một trong số đó là vì họ không còn bắt gặp nhiều mẫu gương cầu nguyện. Họ có thể có những mục tử tốt lành: xây dựng giỏi, quản trị giỏi, mục vụ giỏi... Tuy nhiên, rất có thể, họ hiếm khi gặp được những mục tử và tu sĩ của cầu nguyện.

Người tu mang trong mình sứ mạng cầu nguyện

“Xin thầy cầu nguyện cho con (gia đình con) với!” Đó là câu nói mà tôi thường được nghe nhất, mỗi khi tiếp xúc với những Kitô hữu mà Thiên Chúa đã gửi đến cho tôi trên hành trình tận hiến.

Tôi tự hỏi tại sao họ lại tin tưởng nơi lời cầu nguyện của những người sống đời tu hơn đời thường? Tôi cũng là một Kitô hữu, cũng có cùng một phẩm giá làm con Chúa như họ, có hơn gì đâu? Tình yêu Chúa dành cho tôi cũng như tình yêu mà Người đã dành cho họ, không hơn không kém. Chẳng lẽ họ không tin Thiên Chúa đang yêu họ rất nhiều sao?

Tôi ngẫm nghĩ có chăng thì sự khác nhau là ở chỗ tôi sống đời tu, còn họ sống đời gia đình. Chính việc chọn lựa đời sống tu trì làm cho tôi có một chỗ đứng và phận vụ rất riêng đối với Thiên Chúa và dân Chúa, đặc biệt là trong việc cầu nguyện.

Việc bước theo Chúa Giêsu -con người của cầu nguyện- đòi buộc tôi phải trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài cách đặc biệt trong việc cầu nguyện. Vì lẽ, Ngài là khuôn mẫu cho đời sống cầu nguyện. Ngài đã sống và dạy chúng ta cầu nguyện liên lỉ, không được nản chí (x. Lc 18,1). Chính nhờ cầu nguyện, chúng ta dần trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa, đồng thời, trở nên người đồng hành với anh chị em của mình trong cuộc sống đức tin và thường nhật.

Đâu là lời cầu nguyện đẹp nhất?

Có người hỏi tôi: đâu là lời cầu nguyện đẹp nhất? Đâu là cách cầu nguyện dễ được nhậm lời nhất? Tôi có thể trả lời ngay cho họ rằng lời cầu nguyện đẹp nhất là lời cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42); Hay có thể nói cách khác: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10).

Câu trả lời xem ra rất dễ, vì Kinh Thánh và Giáo Hội đã dạy cho chúng ta. Tuy nhiên, nó lại rất khó thực hiện, ngay cả với Chúa Giêsu. Tác giả thư Do Thái khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua rất nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8-9). Chúa Giêsu còn phải như thế, huống chi chúng ta là những tội nhân.

Ai đã sống đời tu thì biết ngay sự vâng phục khó như thế nào. Từ bỏ ý riêng và cái tôi kiêu ngạo vẫn luôn là thử thách lớn nhất trong bảy mối tội đầu. Nhiều khi vì cầu nguyện hoài không được, chúng ta trở nên ngã lòng và từ bỏ việc cầu nguyện, tệ hơn nữa là đánh mất đức tin vào Thiên Chúa. Vì thế, để không bị vấp phạm khi gặp thử thách gian truân, và để có thể trở thành một người con đích thực của Thiên Chúa, chúng ta cần học theo đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đó cũng chính là lý do mà thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu nguyện mọi nơi mọi lúc cho toàn thể dân thánh, trong Thánh Thần (x. Ep 6,18). Vì sự thường chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, mà chỉ cầu xin theo ý riêng của mình. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp và cầu thay cho chúng ta bằng “những tiếng rên siết khôn tả” (x. Rm 8,26). Điều quan trọng là chúng ta phải biết thinh lặng, lắng nghe, từ bỏ mình và phó thác cho Chúa, Đấng đang ngự trong tâm hồn và sự sống của mình.

Chúa Giêsu cầu nguyện cho từng người trong chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở rằng chúng ta có thể tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu nâng đỡ chúng ta trên hành trình đức tin và làm môn đệ Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho từng người trong chúng ta, đặc biệt trong những lúc khó khăn đau khổ (x. Ga 17, 1-11) [1].

Có người thắc mắc: “Nếu tôi mắc tội trọng, Chúa có yêu thương tôi không?” “Nếu tôi làm những điều vô cùng tồi tệ, rất nhiều tội lỗi, Chúa có còn yêu thương tôi không?” Câu trả lời là: Có! Thiên Chúa không bao mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta, chỉ có chúng ta mệt mỏi và bỏ cuộc khi mình phạm tội quá nhiều mà thôi. Để đáp lại tất cả những điều tồi tệ mà chúng ta gây ra cho Người, Thiên Chúa chỉ có một đường lối duy nhất mà thôi: đó là tiếp tục yêu thương một cách mạnh mẽ hơn nữa[2].

Mỗi khi chúng ta phạm tội, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương từng người trong chúng ta. Tình yêu của Ngài, lời cầu nguyện của Ngài dành cho chúng ta sẽ không bao giờ ngừng, nhưng sẽ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bởi vì, Ngài yêu chúng ta vô cùng và chúng ta luôn là trung tâm trong lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha.

Hãy tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện

Tôi luôn tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, vì lẽ, ai trong chúng ta cũng cần và có nhiều điều để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngay cả khi tôi đang chứng kiến và cảm nhận những nỗi đau của mọi người đi ngang qua đời tôi: đau khổ, bệnh tật, sự chết... Những sự dữ ấy đang diễn ra mỗi ngày vẫn luôn là một mầu nhiệm thuộc về Thiên Chúa. Quả thật, không ai có thể trả lời về những đường lối mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện.

Tôi tự hỏi đến bao giờ tôi mới phản ánh được một chút vẻ đẹp và sức lôi cuốn của một con người cầu nguyện? Tôi chưa đủ thánh thiện. Tôi tham dự thánh lễ. Tôi viếng Chúa mỗi ngày. Tôi đọc kinh rất nhiều... Tuy nhiên, dường như tôi vẫn chưa được tái tạo, chưa được biến đổi nhờ đời sống cầu nguyện. Tôi cần phải tu luyện thêm nữa, thêm nữa...

Thú thật, tôi chưa thể hiểu hết sức mạnh vô biên của việc cầu nguyện trong tâm tình con thảo với Thiên Chúa là Cha. Dường như tôi còn chờ đợi một phép màu nào đó xảy ra thì mới bắt đầu cầu nguyện thống thiết hơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy hổ thẹn, vì không làm tròn nhiệm vụ cầu nguyện cho dân Chúa của một người tu.

Là một con người, tôi cũng có những yếu đuối, những tham sân si rất riêng của đời tu và thân xác tôi. Dầu vậy, người giáo dân vẫn rất tin tưởng và gửi gắm những ý cầu nguyện của họ cho tôi. Họ muốn tôi cầu nguyện cho từng người trong họ, vì họ tin điều đó có thể giúp họ bình an hơn và gia tăng đức tin vào Thiên Chúa. Là người tu trì, tôi mang trong mình sứ mạng cầu nguyện cho dân Chúa, dẫu biết mình yếu đuối và bất toàn.

Tôi tin cuộc sống sẽ trở nên rất ý nghĩa, khi chúng ta biết cầu nguyện cho mọi người. Đâu cần chúng ta phải quen phải biết họ mới cầu nguyện cho họ. Đâu cần phải chờ tới lúc họ gửi gắm thì chúng ta mới cầu nguyện cho họ. Tôi vẫn luôn tin rằng những lời cầu nguyện xuất phát từ một trái tim chân thành sẽ làm thay đổi thế giới này, bắt đầu từ ánh mắt, tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vén mở cho con hiểu thêm một chút về ý nghĩa và sức mạnh của việc cầu nguyện. Xin cho con biết noi theo gương mẫu của Chúa mà sống kết hiệp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện hằng ngày. Ngõ hầu, chính con và cuộc sống con được thuận theo thánh ý Chúa Cha, cùng trổ sinh hoa trái cho anh chị em con. Amen.

Giuse hạt bụi tro

 


[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-06/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-chua-giesu-cau-nguyen-cho-chung-ta.html

[2] http://gpbanmethuot.com/trang-ban-doc/tinh-yeu-muon-thuo-cua-thien-chua-65312.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây