TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

MỞ CỬA TÂM HỒN

Thứ năm - 13/05/2021 23:05 |   691
MỞ CỬA TÂM HỒN

M CA TÂM HN

Mỗi con người hiện hữu trên cuộc đời này đều có một khát khao đi tìm niềm vui, bình an và hạnh phúc. Nhưng trên cuộc hành trình đó, chắc hẳn không ai tránh khỏi những khi yếu lòng trước những vòng vây muôn trùng của thử thách, bi quan và thậm chí là cả khổ đau. Vậy đâu là bí quyết để con người tồn tại và vượt qua những ngăn trở trên con đường đi tìm hạnh phúc đích thực?

Thấu hiểu và cảm thông sâu xa trước những gian nan của đời người, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, vị cha chung đáng kính của Giáo Hội hoàn vũ, đã hé lộ những bí quyết giúp đưa con người vượt lên những khó khăn trong cuộc đời:

“Đừng đóng kín lòng mình

Đừng đánh mất niềm tin

Đừng bao giờ bỏ cuộc” (ĐTC Phanxico)

Câu trả lời quả quyết của Đức Thánh Cha trước những khó khăn và thách đố của cuộc sống đương thời, dường như là một sức mạnh lớn lao cho những ai đang đắm chìm nơi những lũng sâu của bi quan hay tuyệt vọng. “Đừng...” không chỉ dừng lại ở một lời khuyên hay một lời khích lệ chân thành, nhưng đó còn là một xác tín đầy can đảm và mạnh mẽ. Hơn hết, Đức Thánh Cha muốn gửi đến cho mọi người một chân lý sống là chìa khóa để hóa giải những trắc trở trên cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc.

Chìa khóa thứ nhất mà Đức Thánh Cha muốn gởi đến cho con người thời đại ngày hôm nay đó là “Đừng đóng kín lòng mình”. Phải chăng đây là điều kiện tiên quyết để chiếm lĩnh được tình yêu đích thực. Một khi con người đã khép kín lòng mình, dường như họ không thể trao ban bất cứ điều gì, cũng không thể đón nhận những gì tốt đẹp từ bên ngoài cuộc sống. Điều đó giống như một ngôi nhà, nếu đóng kín cửa tưởng chừng như an toàn, nhưng thật sự rất ngột ngạt vì thiếu sinh khí và ánh sáng. Cuộc sống ngày hôm nay dường như khiến con người ngày càng co cụm lại và khép kín chỉ vì những ích kỷ hay bất an trong cuộc sống. Trước hết, con người đang khép dần cánh cửa tâm hồn trước chính Thiên Chúa là tình yêu đích thực, hay chối bỏ chương trình mà Thiên Chúa đã quan phòng nơi bản thân của mỗi người. Thật khủng khiếp biết bao nếu cuộc sống thiếu vắng tình yêu, vì khi đó con người ta chỉ là những cỗ máy có trí khôn nhưng vô tình và lạnh lùng. Và cũng đáng buồn biết bao khi nhiều người ngày nay đang đi vào con đường tự phụ và thượng tôn chính mình, đặt ý riêng của mình lên trên cả những ý muốn tốt đẹp của Thiên Chúa. Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, trong dịp Thánh Lễ Khai mạc Đại hội La Vang lần thứ 31, đã trả lời một cách xác quyết cho những quan ngại và trách cứ của những nhà dân sự về các sinh hoạt Công giáo của người Việt bằng câu trả lời của chính Chúa Giêsu: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49)” Cũng những lời tương tự ngài nhắc lại câu nói của Thánh Phêrô: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”. Quả thực, trước những giới hạn của con người, những ý định tốt lành của Thiên Chúa dường như phi lý, hay thậm chí còn ‘chướng tai gai mắt’. Con người phải chăng đang xem Thiên Chúa như một vị khách đầy phiền toái, hơn là một Thiên Chúa tình yêu? Vì thế, họ sẵn sàng đóng kín cánh cửa tâm hồn để xua đuổi Đấng “rất mực hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, hay loại trừ những giá trị tốt đẹp của Tin Mừng. Một mảnh đất tràn đầy sức sống chỉ khi nó biết tiếp nhận những hạt giống mọc lên trên chính bản thân mình, bằng không, nó chỉ như một hoang địa khô cằn và chết chóc. Cũng vậy, liệu con người có thể có bình an và hạnh phúc thực sự khi đã khước từ tình yêu của Thiên Chúa? Chắc chắn đó là những cuộc đời không thể trọn vẹn. Vì thế hơn lúc nào hết, Thiên Chúa luôn mời gọi và khát khao được bước vào tâm hồn của mỗi người. Trong lộ trình cuộc đời, Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời cho con người về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa hoàn toàn. Sống trong kiếp nhân sinh, với tuổi xuân tràn đầy ước vọng, chắc hẳn Mẹ cũng có nhiều dự định cho tương lai của riêng mình. Nhưng khi đứng trước ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Mẹ sẵn sàng gạt bỏ toàn bộ con người của Mẹ và mở lòng ra tiếp nhận tất cả chương trình của Thiên Chúa mà thưa lên tiếng ‘Xin Vâng’, để rồi ‘từ nay, hết mọi đời sẽ khen Mẹ diễm phúc’ (Lc 1, 48). Diễm phúc của Mẹ không phải là niềm tự hào hay hãnh diện vì Mẹ được chọn là Mẹ của Thiên Chúa, nhưng Mẹ diễm phúc vì Thiên Chúa và thánh ý nhiệm mầu của Ngài luôn ở cùng Mẹ trong mọi biến cố cuộc đời Mẹ.

Tiếp nhận Thiên Chúa là một tâm tình cần phải có nơi mỗi con người. Thế nhưng, Thiên Chúa còn mời gọi con người tiếp nhận Ngài một cách sâu sắc hơn qua những hình ảnh của Ngài nơi đời thường. Đó chính là đón nhận những người anh chị em đang hiện diện trong xã hội, bởi vì “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối” (1 Ga 4, 20). Chính hình ảnh Thánh Giá của Đức Giêsu cũng minh chứng cho ta hai chiều kích sống mà một người cần phải hướng tới: một chiều đi lên hướng về Thiên Chúa, một chiều hướng sang ngang đến đồng loại của mình. Chắc hẳn không ai trong cuộc đời này có thể sống một mình nhưng luôn ở trong mối tương quan với mọi người. Một cây khi đứng một mình dễ bị ngã đổ trước giông tố, nhưng khi đứng giữa mội khu rừng, nó được che chở và vững vàng hơn rất nhiều. Một khi ai đó biết mở lòng mình ra trước tha nhân, chắc chắn người ấy không bao giờ thiếu vắng đi tình yêu và niềm hy vọng, bởi chính mình cũng được sống trong sự bao bọc và yêu thương.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha muốn trao cho con người chiếc chìa khóa để phá bỏ rào cản thứ hai đó là “Đừng đánh mất niềm tin. Quả vậy, niềm tin vào Thiên Chúa, hay chính là đức tin, khiến con người sống trên đời có một phương hướng để đi đến một cùng đích rõ ràng. Cùng đích đó chính là Thiên Chúa, cội nguồn của tất cả. Và không chỉ với Thiên Chúa, niềm tin vào tha nhân sẽ đem đến cho con người sự bình an và hạnh phúc, vì nhận biết rằng mình không cô độc trên bước đường tiến về nhà Cha trên trời. Thiếu vắng đi niềm tin là thiếu đi động lực tích cực để sống. Rõ ràng, một khi đã đánh mất niềm tin, con người ta dễ bị rối bời vì bước đi trong vô định hay đi vào ngõ cụt của tuyệt vọng. Vì thế, niềm tin luôn phải nắm giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống con người. Tuy nhiên, khi nhìn lại thế giới ngày nay, rất nhiều người thiếu vắng đi niềm tin một cách trầm trọng. Người ta dễ dàng chán nản hay than phiền nhiều hơn trước những khó khăn… Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng tình trạng bi quan, vô cảm hay bạo lực trong xã hội này. Thậm chí nhiều người còn sẵn sàng khước từ sự sống của chính Đấng Tạo Hóa đã ban tặng vì rơi vào trạng thái bế tắc.

Trái lại, vẫn còn đó biết bao cá nhân vẫn âm thầm hy sinh để giữ gìn ngọn lửa của niềm tin và lan truyền ngọn lửa ấy cho nhiều người khác. Một tấm gương sống động trong thời đại của chúng ta chính là mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ tận hiến cả cuộc đời để phục vụ những người bé mọn nhất, bao gồm nhiều người bất hạnh và bị bỏ rơi bên lề của xã hội, những người nghèo và cả những người tội lỗi nhất. Trong mắt người đời, việc hy sinh cả cuộc đời như thế thật điên rồ biết bao. Nhưng chính sự điên rồ ấy lại trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa, vì mẹ có niềm tin vào Đấng đã ban cho mẹ sự sống để rồi mẹ phục vụ lại sự sống của người khác. Mẹ đã thắp sáng niềm tin cho biết bao con người bằng cách “làm những việc tầm thường với một tình yêu phi thường”. Và rồi niềm tin ấy đã đưa mẹ đến lãnh nhận phần thưởng Nước Trời xứng đáng.

Một chứng nhân khác về niềm tin trong thời đại này có thể kể đến Nick Vujicic, một chàng trai trẻ nhưng bẩm sinh đã không có tay chân như những người bình thường. Tuy vậy, động lực nào khiến anh có thể tiếp tục sống và trở nên một diễn giả vĩ đại, mang đến cho biết bao người đang chìm đắm trong bóng tối của sự tuyệt vọng một tia hy vọng mới? Chắc chắn anh có được điều đó nhờ vào sự xác tín mạnh mẽ của anh: “Các bạn có biết tại sao tôi tin Đức Chúa Trời không? Bởi vì tôi tin Thiên Đàng là có thật. Một ngày nào đó tôi sẽ được lên Thiên Đàng và sẽ có đủ chân tay”.

Đứng trước một xã hội hôm nay, một xã hội vô thần, khi người ta không tin rằng có một ai trên họ thì cách mặc nhiên họ là thượng đế cho chính mình, sống trên người khác và dùng quyền lực để thống trị, áp đặt cai trị con người… một xã hội theo chủ nghĩa duy vật, xây dựng “thiên đàng” tại thế, dễ đưa con người đến lối sống chỉ biết chiếm hữu, vơ vén cho mình… rồi với chủ nghĩa khoái lạc đưa con người đến chỉ biết tìm kiếm sự hưởng thụ, tận hưởng lạc thú ở đời này như là mục đích chính yếu của cuộc đời, thế rồi đưa người ta đến chỗ dễ dàng chán nản và trách cứ Thiên Chúa. Thế nhưng, niềm tin Ki-tô giáo không cho phép người môn đệ của Chúa Ki-tô bi quan trước mọi biến cố tiêu cực xảy đến. Nhưng nhờ có niềm tin, người Ki-tô hữu khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa muốn gửi đến cho con người qua từng biến cố. Những thử thách không còn là gánh nặng nề nhưng là một dịp tốt để tôi luyện và vươn lên, những bất công trong xã hội sẽ trở nên cơ hội tốt để con người dấn thân và thực hành bác ái. Và cũng nhờ có niềm tin, con người biết mình sống trên đời này để làm gì và điều khiển hành động của mình.

Kế đến, “Đừng bao giờ bỏ cuộc” là chìa khóa cuộc đời cuối cùng mà Đức Thánh Cha muốn trao gửi cho mọi người. Bỏ cuộc là thoái lui, là đầu hàng trước sự yếu đuối và đánh mất niềm tin hoàn toàn nơi Thiên Chúa là Cha rất mực giàu lòng thương xót. Ai cũng hiểu bỏ cuộc là mất tất cả, nhưng làm thế nào để đừng bao giờ bỏ cuộc trước những gian nan đang ập tới? Câu trả lời nằm chính nơi Thiên Chúa. Một cách chắc chắn, Thiên Chúa rất mực yêu thương con người sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài. Vấn đề còn lại nằm tại nơi bản thân mỗi người, đã dành cho Chúa một chỗ đứng trong cuộc đời hay chưa? Kinh nghiệm theo Chúa của thánh Phê-rô, vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội, đã để lại cho con người một tấm gương kiên trì mãnh liệt. Thánh nhân theo Chúa với một tâm hồn yêu mến thiết tha, nhưng có nhiều lúc cũng bị xao động khi ngăn cản Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để thực hiện chương trình cứu độ đã được hoạch định từ trước, hay thậm chí là rơi vào tình trạng yếu hèn nhất khi sợ hãi chối Thầy khi Thầy bị người ta bắt bớ. Sợ hãi và nhát đảm là thế, nhưng Phê-rô không bao giờ bỏ Thầy. Lòng mến của Phê-rô nơi ‘Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống’ đã khỏa lấp đi cả những yếu hèn, là động lực để Phê-rô đứng lên sau những vấp ngã. Liệu con người ngày nay có học được nơi ngài một lòng mến mãnh liệt như thế?

Một giây phút thôi, chúng ta hãy dừng lại để nhìn lại tâm hồn và tự vấn trước bản thân mình: Cánh cửa tâm hồn tôi giờ này có đang bị khóa chặt hay không? Hay niềm tin của tôi lúc này đang đặt nơi đâu? Chắc hẳn cuộc đời của chúng ta không thể tránh khỏi những lúc yếu đuối, thậm chí cả những đau khổ chan chứa trong những giọt lệ ngậm ngùi. Trước những thử thách, mỗi người hãy dành cho mình một khoảng lặng để lắng nghe tiếng thì thầm của người Cha yêu thương đang ngày ngày dõi theo mình. Hãy hé mở tâm hồn mình, dù chỉ một chút ít thôi, để Thiên Chúa có thể đem tình yêu gieo rắc nơi tâm hồn. Hãy đến với người anh em đang ở bên cạnh, để bản thân cũng được đồng cảm với những hân hoan cùng những nỗi buồn trên cuộc đời.

Trong thời đại chúng ta đang sống, khi mà người ta đang lãng quên dần Thiên Chúa để đặt để cái tôi của mình lên trên hết, bài học giá trị của Đức Thánh Cha giúp chúng ta hướng về Đấng là nguồn mạch tình yêu và hạnh phúc. Sẽ thật tốt đẹp biết bao nếu chúng ta biết áp dụng bài học quý báu này: “Đừng đóng kín lòng mình, đừng đánh mất niềm tin, và đừng bao giờ bỏ cuộc”.

(Ứng sinh Chủng viện Lê Bảo Tịnh, Giáo phận Ban Mê Thuột)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây