TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Năm Mới, Cơ Hội Mới, Niềm Vui Mới (phần I)

Chủ nhật - 25/12/2022 20:17 | Tác giả bài viết: Phaolô Ngô Suốt |   742
Với người Kitô hữu, mỗi mùa xuân đến không phải chỉ là biến cố nhắc nhớ mình già thêm một tuổi, nhưng là mỗi cột mốc đánh dấu một bước tiến chúng ta đến gần ‘quê hương thật’ hơn.

Đời Đáng Sống VII
 

tbd 261222a


Năm Mới, Cơ Hội Mới, Niềm Vui Mới (phần I)


Kính thưa quý thính giả,        

Mùa xuân về báo hiệu năm cũ sắp qua đi. Năm mới đến thế nào cũng kéo theo những thay đổi, những thách đố, hệ lụy mới cho từng cá nhân, gia đình, cộng đoàn v.v… Với người Kitô hữu, mỗi mùa xuân đến không phải chỉ là biến cố nhắc nhớ mình già thêm một tuổi, nhưng là mỗi cột mốc đánh dấu một bước tiến chúng ta đến gần ‘quê hương thật’ hơn. Cho dù trong năm cũ có lúc vô ý bước sai, Thiên Chúa vẫn cho chúng ta cơ hội để điều chỉnh, bước lại cho đúng hướng. Ngài vẫn ban hết cơ hội này đến cơ hội khác, nhiều hơn chúng ta nghĩ. Trong những ngày đầu năm mới này, chúng ta cùng tìm hiểu xem tại sao Thiên Chúa tốt lành như vậy, Ngài yêu thương chúng ta đến mức nào, và chúng ta nên có thái độ sống nào trong năm mới này.

Thiên Chúa tốt lành vô cùng, ngoài cả sự suy tưởng của nhân loại. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã yêu thương hết mức, nên cho chúng ta được giống hình ảnh Ngài. Ngài để hết tâm huyết, kỳ vọng vào tác phẩm độc đáo, ưng ý nhất này, tác phẩm ấp ủ hết tình yêu thương của mình. Thế nhưng nguyên tổ phạm tội. Nói theo ngôn ngữ thế gian “thương nhau lắm, cắn nhau đau”, Thiên Chúa giận dữ, giáng xuống trên họ hình phạt nặng nề, đau đớn: họ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, phải làm lụng vất vả, và thê thảm nhất là phải chết. Thói thường, khi giận dữ và giáng phạt nặng nề như thế, có lẽ phải lâu lắm người ta mới nguôi ngoai, hoặc nói đến chuyện tha thứ. Thế nhưng, Thiên Chúa đã hành xử ngược lại: lẽ ra sau khi nguyên tổ phạm tội, Chúa tuyên phạt họ trước, rồi mới tha bằng cách hứa ban Ðấng Cứu Thế. Ðàng này, lạ lùng thay, Thiên Chúa lại giáng phạt phạt con rắn, và hứa ban Ðấng Cứu Thế, trước khi Ngài tuyên phạt đuổi Ađam và Evà ra khỏi vườn địa đàng (Sách Sáng Thế 3, 12-19). Ðúng là lối hành xử lạ lùng “Chưa Phạt Ðã Tha”!

Các bạn thân mến,   
     

Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể để cứu chuộc nhân loại, Ngài hòa giải nhân loại với Thiên Chúa Cha. Ngài không đến để tìm kiếm vinh quang trong vương quốc ở thế gian này -như dân Do Thái xưa lầm tưởng-, nhưng lại dẫn đưa nhân loại vào Vương Quốc vĩnh cửu. Thiên Chúa thiết lập vương quốc của mình bằng Giao Ước Tình Yêu. Ai thi hành giao ước này sẽ trở thành thần dân của Ngài và được đón nhận vào vương quốc đó. Vương quốc đó tuy sẽ thành toàn vào ngày chung thẩm, tuy nhiên nó đã được khởi đầu ngay từ ngày hôm nay, trên dương thế này: đó là Hội Thánh. Qua Hội Thánh, thần dân của Ngài sẽ được tôi luyện, diễn tập và phát triển các nhân đức, được chuẩn bị đầy đủ để có thể trở thành công dân thực sự của Nước Trời.

Như thế chúng ta đã hiểu được phần nào lòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Càng yêu nhau thì người ta càng sợ mất nhau. Thiên Chúa cũng không ở ngoài qui luật này. Ngài luôn mong mỏi chúng ta được cuốn hút vào quỹ đạo tình yêu của Ngài, biết nhắm đến vương quốc vĩnh cửu mà tiến bước. Để chuẩn bị cho điều này Thiên Chúa trang bị cho mỗi người đôi mắt đức tin để không đi lạc lối. Sở dĩ có lúc chúng ta mệt mỏi, chán nản bước đi trong cuộc sống, là vì chúng ta đã không biết sử dụng nó. Chúng ta đã nhắm đôi mắt đức tin lại và chỉ cố mở to đôi mắt trần tục để tìm phương cách đối phó với mọi tình cảnh xảy đến. Thất bại, mất phương hướng và đi đến tuyệt vọng là điều khó tránh khỏi!

Thưa các bạn,     

Khuyết điểm lớn nhất của nhân loại qua bao thế hệ, đó là lẫn lộn giữa lý trí với đức tin. Thiên hạ tưởng rằng chỉ cần có trí khôn, có sự thông minh là sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề, chiếm hữu được mọi sự. Tội nghiệp thay, họ không biết rằng đức tin có những chiều kích của Thiên Chúa, còn lý trí chỉ có những chiều kích của con người. Ðức tin mở được những bí mật của thiên đàng; lý trí chỉ có thể khám phá được những điều thuộc về trái đất. Ðức tin đưa chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, còn lý trí thường dẫn chúng ta đến với các tạo vật của Ngài.

Khi chúng ta cố dùng trí khôn loài người để tìm cách đột nhập vào kho tàng chân lý -thí dụ như chúng ta vận dụng hết khả năng để tìm và nắm giữ cho bằng được những cái mà nhân loại cho là hạnh phúc ở thế gian này, thì đó là lúc chúng ta dùng trí khôn hữu hạn, để cố khám phá ra cái vô hạn, cái không thể nhìn thấy, không thể nghĩ ra. Kết cục chúng ta chỉ thấy một không gian đen thẳm, một bức vách thẳng đứng. Thật là vô ích, uổng công bao nhọc nhằn!

Trong mỗi biến cố, trong từng giai đoạn cuộc đời, Thiên Chúa vẫn dõi theo ta từng bước, nên đó là những cơ hội ta được mời gọi đến gần Ngài hơn. Nhiều khi chúng ta không nhận ra, không dám tin đó là cơ hội Chúa gởi đến; đó là lúc chúng ta lâm vào những tình huống đen tối, đối diện với những thử thách ghê gớm, tưởng chừng như không vượt qua được. Thế nhưng, nếu biết mở to con mắt đức tin, để nhận ra được sự can thiệp của Chúa trong cuộc đời mình, để rồi phó thác tất cả cho sự quan phòng của Ngài, thì chúng ta có thể vượt thắng tất cả, chúng ta sẽ cảm nhận được “Đời Đáng Sống”.
Các bạn thân mến,
Một quân nhân Mỹ tên Max Cleland, phục vụ tại Việt Nam, vào năm 1968, bị trúng một trái lựu đạn của đối phương, mất cả hai chân và một cánh tay. Khi trực thăng đưa anh ta đến trạm quân y dã chiến gần đó, các nhân viên y tế đều quả quyết anh ta sẽ chết, vì thương tích quá nặng: thân thể gần như tan nát hết!

Thế nhưng, với lòng tin sắt đá, anh không hề thất vọng, vẫn tin rằng mình sẽ qua khỏi, được phục hồi và trở về với cuộc sống bình thường. Và kỳ diệu thay, điều anh tin tưởng đã thành sự thật. Trong cuốn sách của mình, với nhan đề “Sức mạnh của tâm linh” (Strong at the Broken Places), Max Cleland kể lại những vẫy vùng, dằn vặt ác liệt trong anh. Ðiểm then chốt mà sau này anh khám phá ra, đó là khi con người hầu như không còn khả năng chịu đựng, vì đã sử dụng hết sức lực của mình, thì còn có đó một sức mạnh khác, một nguồn năng lực mãnh liệt đến nâng ta lên. Vào năm 1977, anh đã trở thành người lãnh đạo trẻ tuổi nhất của Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ. Trong phần kết cuốn sách của mình, anh ta viết như sau:

“… cuộc sống của tôi được phục hồi một cách chậm chạp. Thể lý, trí óc và tinh thần phải tốn nhiều năm mới phục hồi được những phần bị tàn phá, hư nát, và quá trình phục hoạt đó vẫn diễn tiến. Nhưng xuyên qua những khủng hoảng và thất bại, tôi học được rằng, điều làm cho những chỗ tan vỡ trở thành mạnh mẽ là điều có thể làm được. Tôi cũng học được rằng sức mạnh tối đa, đã đến từ chỗ tôi buông xuôi, để Thiên Chúa can thiệp với cách riêng của Ngài vào cuộc đời của tôi. Và mỗi lần tôi ngã, khi cuộc sống bị tan vỡ, tuyệt vọng, tôi lại tìm kiếm Ngài thì tôi lại trở thành mạnh mẽ hơn cả trước kia. Có một lời nguyện thật hay, tôi học được từ một người bạn “đồng minh”, có thể diễn tả đúng nhất tâm trạng, cảm nghĩ của tôi. Lời nguyện ấy như sau:

Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho sức mạnh, để tôi có thể thành đạt; thì tôi lại được ban cho sự yếu đuối, để tôi có thể khiêm tốn học vâng lời.

Tôi cầu xin sức khỏe, để tôi có thể làm những việc lớn lao; thì tôi lại được ban cho sự yếu ớt, để tôi có thể làm những việc tốt lành hơn.

Tôi cầu xin giàu có, để tôi có thể sống hạnh phúc; thì tôi lại được ban cho sự nghèo túng, để tôi có thể được sống khôn ngoan.

Tôi cầu xin quyền hành, để tôi có thể được thiên hạ ngợi khen; thì tôi lại được ban cho sự yếu đuối, để tôi cảm thấy rằng mình cần đến Thiên Chúa.

Tôi cầu xin tất cả mọi thứ, để tôi có thể vui hưởng cuộc sống; thì tôi lại được ban cho sự sống, để tôi có thể vui hưởng tất cả mọi thứ.

Những điều tôi xin đều không được; nhưng tôi được tất cả những điều tôi trông đợi.

Cho dù tôi cảm thấy như ghét bỏ chính mình, thì những lời nguyện âm thầm của tôi vẫn được đáp trả. Tôi hạnh phúc vì tôi ở trong số những kẻ được chúc lành nhiều nhất”.

Các bạn thân mến,

Chúng ta phải vận dụng đôi mắt đức tin để biết đón nhận những cơ hội Chúa gởi đến. Thiên Chúa tài tình hơn chúng ta tưởng nhiều. Ngài muốn chúng ta được tha thứ và kết hiệp mật thiết với Ngài một cách tự nhiên, dễ dàng và thường xuyên. Qua các biến cố thường ngày, Ngài cũng nhắc nhớ chúng ta về cách hành xử độc đáo, lạ lùng “Chưa Phạt Ðã Tha” của Ngài. Nhất là Ngài đã tốt lành để ngỏ cho chúng ta hai cơ hội quý hơn ngọc ngà châu báu, đó là hai bí tích: Tha Thứ (Hòa Giải) và Yêu Thương (Thánh Thể).

Các bạn nhớ cho đối với Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót thì không có việc gì mà Ngài không làm được. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta quá lớn, lớn hơn tất cả tội lỗi của chúng ta cộng lại. Ngài luôn luôn “quan phòng” đến con cái Ngài. Nghĩa là Ngài luôn quan tâm, lo lắng và giúp đỡ, cứu vớt chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Xin minh họa bằng một sự kiện có thật của người “Da Đỏ” sau đây:

Theo truyền thống của người Da Dỏ, khi một thiếu niên đến tuổi trưởng thành để có thể tự lập, và được bộ tộc công nhận, anh ta phải trải qua một thách thức, một trắc nghiệm sinh tử sau cùng. Dĩ nhiên trước đó anh ta được huấn luyện những kỹ năng cần thiết để mưu sinh và thoát hiểm, săn bắn, v.v… Ngày mai, tất cả dân làng sẽ đến đứng ở bìa rừng chờ anh ta bước ra và chúc mừng, để công nhận anh ta đã trưởng thành, có thể tự lập. Tối hôm trước, người cha sẽ đưa người con trai mình vào giữa rừng già, dặn dò mọi thứ, sau đó người cha ra về, chúc may mắn và hẹn ngày mai gặp lại. Anh ta phải ở lại giữa rừng già một mình đêm đó.

Chúng ta hãy tưởng tưởng anh bạn trẻ của chúng ta lo lắng như thế nào, việc này chưa bao giờ trải qua. Anh ta lo sợ lắm, vì phải ở giữa rừng già một mình, một cành cây gãy cũng làm anh ta hoảng sợ. Anh ta cảm thấy cô độc không có ai để kêu cứu khi cần. Anh ta phải canh chừng từ thú dữ, đến kẻ xấu… và mọi bất trắc có thể xảy đến, làm hại đến tính mạng anh ta.

Nhưng mọi sự xảy ra đều tốt đẹp. Ngày hôm sau, khi người cha đến để đưa anh ta ra về, anh ta may mắn, vui sướng, hoàn toàn bình an vô sự, mọi người hân hoan, chúc mừng chào đón anh ta đã trưởng thành.

Các bạn thân mến,

Tại sao anh bạn trẻ của chúng ta lại bình an vô sự? Và không phải chỉ riêng anh ta, mà tất cả các thanh niên khác cũng đều bình an vô sự giống như anh ta, trong cuộc trắc nghiệm can đảm hết sức nguy hiểm sau cùng này? Tại sao vậy?

Chào tạm biệt các bạn, hẹn gặp phần II

Phaolô Ngô Suốt

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây