Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
10 tháng Giêng 2021
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Tái Sinh Với Chúa
Chúa nhật.
Hình ảnh Chúa Giêsu trong sông Giođan được ông Gioan làm phép rửa làm tôi nhớ lại Năm Mầu Nhiệm Sáng.
Năm Mầu Nhiệm Sáng được Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm vào 15 mầu nhiệm đã có trong Hội Thánh qua Tông thư Kinh Mân Côi (Rosarium Virginis Mariae) ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2002.
Số 19 Tông thư Kinh Mân Côi, thánh Gioan Phaolô II viết như sau: “Trong số các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giêsu, chỉ một ít mầu nhiệm được suy ngắm qua lời kinh Mân Côi trong hình thức phổ biến được Hội Thánh phê chuẩn. Việc chọn lựa được xác định bởi nguồn gốc của lời kinh, đặt nền tảng trên con số 150, con số thánh vịnh trong tập Thánh vịnh.
Thế nhưng, để làm cho kinh Mân Côi có chiều kích Kitô học thâm sâu hơn, tôi nghĩ rằng ta cần bổ sung thêm vào hình thức truyền thống, trong khi vẫn để cho mỗi người và cộng đoàn tự do, để có thể suy gẫm các mầu nhiệm trong cuộc đời công khai của Đức Kitô từ khi Người lãnh nhận Phép rửa cho đến cuộc Khổ nạn. Chính trong khung cảnh của các mầu nhiệm ấy mà chúng ta chiêm ngưỡng các khía cạnh quan trọng nơi con người Đức Kitô như là mạc khải chung cuộc của Thiên Chúa. Được Chúa Cha tuyên bố là Con Yêu Dấu trong biến cố Phép Rửa tại sông Giođan, Đức Kitô là Đấng loan báo Nước Trời đang đến, làm chứng cho Nước Trời bằng những việc làm của Người và công bố những đòi hỏi của Nước Trời. Chính qua những năm tháng hoạt động công khai mà mầu nhiệm Đức Kitô tỏ ra một cách hiển nhiên là mầu nhiệm ánh sáng: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian (Ga 9,5).
Bởi thế, để cho kinh Mân Côi trở thành bản tóm lược Tin Mừng một cách đầy đủ hơn, ta phải bổ sung, tiếp sau phần suy ngắm về mầu nhiệm Nhập thể và cuộc đời ẩn dật của Đức Kitô (Các sự Vui), và trước khi suy ngắm về các nỗi thống khổ trong cuộc Khổ nạn của Người (Các sự Thương) và cuộc vinh thắng Phục sinh (Các sự Mừng), thêm phần suy ngắm về các biến cố hết sức quan trọng trong sứ vụ công khai của Đức Kitô (Các mầu nhiệm Ánh sáng). Việc bổ sung thêm những mầu nhiệm mới này, không hề làm phương hại đến khía cạnh chính yếu nào của hình thức cầu nguyện truyền thống, trái lại có mục đích làm cho hình thức cầu nguyện đó có một sức sống tươi mới và khơi dậy một sự quan tâm mới về chỗ đứng của kinh Mân Côi trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu như một con đường đúng đắn để đi vào Trái tim của Đức Kitô, đại dương của niềm vui và ánh sáng, đau khổ và vinh quang.” (1)
Năm Mầu Nhiệm Sáng đã được phổ biến từ năm 2002, nhưng thú thực, tôi không thuộc. Cho tới đợt Covid-19 lần thứ 2, tôi quyết định phải học cho thuộc bằng cách hằng ngày lần hạt với Năm Mầu Nhiệm Sáng. Và giờ đây tôi đã thuộc.
Nhìn hình ảnh Chúa Giêsu tại sông Giođan, tôi lại nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội vào ngày 11 tháng 4 năm 2018 ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói:
“Bí Tích Rửa Tội là “nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu” (GLHTCG, 1213). Đây là Bí Tích đầu tiên trong các Bí Tích, vì nó như cánh cửa cho phép Đức Kitô cư ngụ nơi con người mình và cho mình được chìm ngập trong Mầu Nhiệm của Người.
Động từ Hy Lạp “Rửa Tội” có nghĩa là “dìm xuống” (x. GLHTCG, 1214). Rửa bằng nước là một nghi thức thông thường với các niềm tin khác nhau để diễn tả sự chuyển tiếp từ điều kiện này sang điều kiện khác, một dấu chỉ của sự thanh lọc cho một khởi đầu mới. Nhưng với Kitô hữu chúng ta thì đừng quên rằng nếu thân xác được dìm trong nước, thì linh hồn được dìm trong Đức Kitô để nhận được ơn tha tội và được sáng ngời với ánh sáng của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần, Bí Tích Rửa Tội nhận chìm chúng ta trong Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa, khi con người cũ, bị tội lỗi thống trị và bị tách rời khỏi Thiên Chúa, chết đuối trong giếng Rửa Tội, thì con người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu, được sinh ra. Trong Người, tất cả con cái Ađam được mời gọi đến đời sống mới. Nghĩa là, Bí Tích Rửa Tội là một cuộc tái sinh. Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta nhớ ngày sinh của mình: chắc chắn. Nhưng tôi tự hỏi, hơi nghi ngờ, và tôi hỏi anh chị em: mỗi người có nhớ ngày mình Rửa Tội không? Một số nói có - tốt. Nhưng đó là một trả lời “có” rất yếu ớt, bởi vì có lẽ nhiều người không nhớ ngày ấy. Nhưng nếu chúng ta mừng ngày sinh, thì làm sao chúng ta lại không thể mừng - ít nhất là nhớ - ngày tái sinh? Tôi sẽ cho anh chị em một bài tập ở nhà, một công tác để làm ở nhà hôm nay. Những ai không nhớ ngày Rửa Tội của mình, hãy hỏi mẹ, cô dì, chú bác, các cháu mình xem “có biết ngày lễ Rửa Tội của tôi không?” Và anh chị em đừng bao giờ quên nó nữa. Và hôm đó, tạ ơn Chúa, vì đó chính là ngày Chúa Giêsu đã vào trong tôi, Chúa Thánh Thần đã vào trong tôi. Anh chị em có hiểu rõ bài tập ở nhà không? Tất cả chúng ta phải biết ngày Rửa Tội của mình. Đó là một sinh nhật khác: sinh nhật tái sinh. Làm ơn đừng quên làm điều này”. (2)
Thú thật, tôi không thể nhớ ngày rửa tội của mình cho tới khi tìm lại sổ gia đình Công giáo.
Bạn có nhớ ngày Rửa tội, ngày vui mừng được sinh làm con cái Thiên Chúa, con cái Hội Thánh không? Và cuộc tái sinh này có ý nghĩa gì với bạn? Với tôi?
+++++++++++++++++
(1) http://daminhrosalima.net/lich-su/tong-thu-kinh-man-coi--
-cua-thanh-giao-hoang-gioan-phaolo-ii-20754.html
(2) https://legiomariaevn.com/chi-tiet-tin-tuc/297/bai-giao-ly-cua
-dtc-phanxico-ve-bi-tich-rua-toi.html.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con ...
Nguyễn Thái Hùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn