TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM A

Thứ năm - 08/12/2022 20:20 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   1395
“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang vu, hãy mừng rỡ trổ bông. Hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò.”
Suy niệm CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM A

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM A
THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ ĐẤNG CỨU THẾ

– Giuse hạt bụi tro

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng – Chúa nhật Hồng. Cha chủ tế mặc áo màu hồng, chứ không phải màu tím như những ngày khác. Điều đó muốn nói rằng chúng ta đã đi quá nửa chẳng đường của Mùa Vọng, ngày Thiên Chúa đến cứu độ đã gần hơn trước kia. Vì thế, hãy vui lên, phấn khởi lên.

Hãy vui lên là sứ điệp mà Isaia, trong bài đọc 1, muốn loan báo với chúng ta: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang vu, hãy mừng rỡ trổ bông. Hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Vì Thiên Chúa của anh em đây rồi. Sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công luận tội.”

Gioan tẩy giả, cũng loan báo một sứ điệp tương tự như thế. Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, chúng ta nghe Gioan dõng dạt tuyên bố rằng: Đấng cứu thế sẽ đến là một vị thẩm phán công minh. Ngày Người đến là một ngày kinh hoàng đối với những kẻ gian ác. Cái rìu đã đặt dưới gốc cây, ai không tốt thì Người chặt đi. Người cầm nia trên tay, lúa nào không chắc thì người quăng vào lửa mà đốt đi.

Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đến, Gioan tẩy giả đã thất vọng. Thất vọng vì ông chẳng thấy có gì kinh hoàng như ông đã loan báo. Thật trớ trêu! Ông là vị tiền hô mở đường giới thiệu Đấng cứu thế cho người khác, mà giờ đây, chính ông lại thất vọng về người mình đã giới thiệu. Ông hoang mang. Đức tin bị chao đảo.

Ông hoang mang là phải thôi, vì Chúa Giêsu chẳng làm những việc như ông đã loan báo. Ngài hiền lành và khiêm nhường. Ngài không đến để luận phạt nhưng để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Ngài không đến để kêu gọi những người công chính, nhưng là kêu gọi những người tội lỗi. Ngài không đến để được hầu hạ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống mình cho người khác. Ngài đến để cứu sống, chứ không giết chết và loại trừ.

Từ sự thất vọng, Gioan cảm thấy mình đã thất bại: Ði rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công, đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Còn đâu những sứ điệp rực lửa. Còn đâu những ngày hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Tại sao Ðấng Cứu Thế không đến giải thoát ông? Sao Người để cho sứ giả của Người mòn mỏi trong tù?

Từ sự thất vọng - thất bại, Gioan nghi ngờ: có lẽ ông Giêsu này không phải là Ðấng Cứu Thế. Chúa cứu thế gì lạ vậy! Chẳng như ông mong đợi gì hết. Bị giam cầm, bị ngược đãi, ông còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Ðức Giêsu: Ngài có thật là Ðấng Cứu thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Ðấng nào khác?

Chúa Giêsu không trả lời, ngay và luôn, cho các môn đệ của Gioan rằng Ngài là Đấng cứu thế. Nhưng Ngài đã trích dẫn Kinh thánh, và còn chứng minh bằng những việc làm cụ thể: người mù được thấy, kẻ què đi được, người cùi được lành lặn, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại. Tất cả những việc làm đó đều là những dấu hiệu khi Đấng cứu thế xuất hiện. Bản văn Tin mừng không cho biết phản hồi của Gioan sau khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu. Có lẽ chúng ta không cần biết điều đó. Bởi vì, câu trả lời bây giờ nằm trong chính tâm tư và cách sống Đạo của chúng ta.

Cộng đoàn thân mến, bản văn Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn và cách nghĩ về Chúa Giêsu, Đấng cứu thế của chúng ta. Bao lâu chúng ta còn mong đợi một vị Chúa cứu thế quyền uy sáng láng, thích loại trừ như kiểu của Gioan tẩy giả và dân Do Thái, thì chúng ta sẽ chỉ thất vọng mà thôi. Họ mong đợi một đấng cứu thế tái lập vương quyền và vinh quang cho Israel, thì Chúa Giêsu chỉ mải mê tìm kiếm và yêu thương những người bé nhỏ, nghèo khó, bị bỏ rơi... Bạn của Chúa là những người đui mù, què quặt, câm điếc, phong hủi, thu thuế, tội lỗi... Những người bị xã hội loại trừ thì Chúa lại chẳng chê bỏ một ai.

Lắm khi trong cuộc sống, chúng ta hoang mang. Đức tin bị chao đảo như Gioan tẩy giả. Chúng ta thất vọng và nghi ngờ: có lẽ Chúa Giêsu không phải là Ðấng Cứu Thế của chúng ta. Chúa gì lạ vậy! Chúa gì chẳng như con mong muốn gì hết. Chẳng làm theo ý con cầu xin. Con đau khổ, bệnh tật, làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất, con cái hư hỏng, học hành thi cử không như ý muốn, tình duyên lận đận... Con kêu cầu. Chúa ở đâu, sao không giải thoát con? Chúa ở đâu, sao không trả lời con?

Chúng ta có kêu gào cả ngàn năm thì cũng chỉ gặp sự thinh lặng mà thôi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng tìm kiếm câu trả lời trực tiếp ngay và luôn cho mọi vấn đề của chúng ta, nhưng hãy nhìn vào con người và cách sống của Ngài, thì chúng ta sẽ có câu trả lời.

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu không hề tìm kiếm đau khổ, cũng không dẹp bỏ nó ra khỏi trần gian. Tuy nhiên, khi đối diện với đau khổ, Ngài không hề ln trốn, mà anh dũng đương đầu với tất cả niềm tin và tình yêu trong trái tim của Ngài. Ngài muốn chia sẻ mọi kinh nghiệm đau thương nhất của phận người như chúng taNgài không yêu thương chúng ta cách nửa vời. Ngài không chỉ muốn nếm thử đau khổ một tí cho biết, rồi thôi, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, để trở nên giống phàm nhân mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi.

Như thế, Con Thiên Chúa đã đảm nhận trọn vẹn cuộc sống con người như chúng ta, nếm trải đủ mọi kinh nghiệm đau khổ, thất bại, bệnh tật, bị phản bội, bị chối bỏ, bị sỉ nhục, và bị chết đau thương. Ngài không kêu la oán trách Thiên Chúa hay bất cứ ai lấy một lời. Thử hỏi, có ai trong chúng ta nếm đủ mọi kinh nghiệm đau khổ như Chúa Giêsu không? Chúa không kêu trách ai lấy một lời, thì chúng ta cũng không nên kêu trách Chúa và người khác. Đau khổ cũng như không khí bao quanh chúng ta. Còn sống thì còn đau khổ. Vậy thôi!

Chúa Giêsu đến trần gian không phải để tiêu diệt đau khổ, nhưng để đau khổ với chúng ta. Ngài đến trần gian không phải để loại bỏ thập giá, nhưng để nằm lên đó thay cho chúng ta. Ngài đã nếm trải đủ mọi đau khổ và mang tới cho nó một ý nghĩa, bằng thái độ chấp nhận nó vì tình yêu, vì người khác. Nhờ đó, những đau khổ của Ngài có giá trị cứu độ. Một cách tương tự, nếu chúng ta học theo Chúa Giêsu, thì những đau khổ của chúng ta cũng có giá trị cứu độ cho chúng ta.

Ước gì mỗi người trong chúng ta tìm được ý nghĩa của những đau khổ, hy sinh và vất vả trong đời sống mình đang gánh chịu là vì ai: vì mình, vợ chồng, con cái, người thân của mình; Hay cao cả hơn, con chấp nhận mọi thứ vì Chúa, vì con yêu Chúa và muốn nên giống Chúa. Phần thưởng của chúng ta sẽ là chính Chúa, chứ không phải bất cứ sự gì mau qua của thế gian này.

Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương và gần gũi chúng ta, đặc biệt trong những lúc gặp khó khăn đau khổ. Cảm nhận được một chút thôi đã đủ rồi, vì tình Ngài một chút cũng đủ vui một đời. Tôi có đang cảm thấy Chúa yêu tôi không?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây