TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi có đang ở cùng Thiên Chúa không?

Thứ năm - 15/12/2022 20:46 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   923
Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7, 14).

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm A
Tôi có đang ở cùng Thiên Chúa không?

tbd 161222b


Ba bài đọc Lời Chúa hôm nay đều tập trung giới thiệu về gốc tích của Đấng Mêsia. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trọng tâm của trình thuật Tin mừng là việc mặc khải căn tính đích thực của Chúa Giêsu, được gói trọn trong danh xưng Emmanuel. Ngài không đơn giản chỉ là một con người thuộc dòng tộc Đavít, nhưng còn là một Thiên Chúa làm người, để ở cùng với con người. Nơi Ngài mọi lời hứa trong Kinh thánh đều được thành tựu.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, đã giải thích rất rõ ràng cho chúng ta về hai gốc tích của Chúa Giêsu. Xét như một người phàm, Ngài xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít, là con ông Giuse. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại, nhờ Thánh Thần, thì Ngài đã được đặt làm Con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu vì là Thiên Chúa thật nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Ngài cũng là con người thật nên phải được sinh ra bởi một con người. Ngài cần có một người mẹ sinh ra Ngài. Đức Maria đã đại diện nhân loại lãnh nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng của mình và sinh ra Ngài. Tuy nhiên, quyền năng Thánh Thần chỉ diễn ra trong âm thầm, riêng tư. Vì thế, Chúa Giêsu cũng cần có một người cha nhân loại, để có thể chính thức gia nhập gia đình nhân loại, thuộc về một dân tộc, một quốc gia, một giai đoạn lịch sử cụ thể. Qua trung gian thánh Giuse, Con Thiên Chúa đã được đưa vào dòng tộc vua Đavít một cách công khai, vì thánh Giuse thuộc dòng dõi Đavít.

Đối với người Do-thái, người Cha là người có quyền đặt tên cho con cái. Trong trường hợp của Chúa Giêsu, Người Cha thật sự của Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải là thánh Giuse, nên chính Thiên Chúa, qua lời sứ thần, đã đặt tên cho Con Mình là Giêsu, nghĩa là Thiên-Chúa-Cứu-độ. Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu còn có một cái tên khác rất có ý nghĩa. Đó cũng chính là tên mà tiên tri Isaia đã loan báo từ trước đó khoảng 750 năm: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7, 14).

Đây là tên gọi rất có ý nghĩa nhưng hay bị chúng ta lãng quên. Cái tên ấy nói lên một sự thật vô cùng quan trọng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, đó là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Vì hay quên điều này nên chúng ta sợ hãi trước thế gian, đau khổ trước thử gian thách gian nan, và thất vọng vì Thiên Chúa và cuộc sống. Tất cả cũng bởi vì chúng ta quên đi một sự thật là: có Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, bảo vệ, che chở, ủi an chúng ta, nhưng chúng ta lại chẳng cậy dựa vào Ngài, mà chỉ toàn cậy vào sức mình mà thôi.

Tại sao Thiên Chúa lại muốn ở cùng chúng ta? Thưa vì Thiên Chúa rất yêu chúng ta, nên Người muốn ở cùng chúng ta. Khi yêu một ai đó, chúng ta muốn ở cùng người ấy. Chúng ta yêu người yêu của mình, nên muốn ở cùng với người ấy. Đúng không! Vì thế, chúng ta mới lấy người đó làm vợ, làm chồng của mình. Nếu không yêu thì chắc chắn chúng ta không lấy, và cũng chẳng muốn ở cùng người ấy. Khi hết yêu nhau, người ta chẳng muốn nhìn mặt nhau, chẳng muốn nghe giọng của nhau, chứ nói gì đến chuyện ở cùng nhau. Có đúng như vậy không?

Thiên Chúa rất yêu chúng ta nên muốn ở cùng chúng ta. Thánh Gioan tông đồ khẳng định chân lý này, khi nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời(Ga 3, 16). Chúa Cha yêu thương chúng ta, nên muốn ở cùng chúng ta, sống với chúng ta, bằng cách ban Người Con duy nhất của Người là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta. Qua Người Con ấy, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình như chúng ta, sống kiếp phàm nhân như chúng ta, mang lấy thân phận con người yếu đuối của chúng ta.

Trong thánh lễ, bốn lần chủ tế chào cộng đoàn bằng công thức Chúa--cùng-anh-chị-em: khởi đầu thánh lễ, trước khi đọc Tin mừng, trước kinh tiền tụng, trước phép lành cuối lễ. Tại sao phải nói nhiều lần như vậy? Tốn thời gian, đúng không? Thưa không. Điều đó muốn nhắc nhở chúng ta về việc Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, từ khởi sự cho đến hoàn thành mọi việc. Lời chào ấy vừa là lời cầu chúc, xin Chúa hiện diện và ban ơn cho chúng ta, vừa là lời tuyên bố xác nhận Chúa Kitô đang hiện diện ở giữa chúng ta. Có Chúa ở cùng chúng ta thì chúng ta sợ gì ai nữa? Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?(Rm 8, 31) Vấn đề then chốt là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang ở cùng mình hay không. Đức tin và đức mến nằm ở chỗ đó.

Bây giờ chúng ta thử lật ngược lại vấn đề. Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, vậy thì, chúng ta có ở cùng Thiên Chúa không? Hỏi gì lạ vậy! Con tin Chúa. Con theo Đạo Chúa thì chắc chắn con ở cùng Chúa chứ. Tuy nhiên, câu trả lời chưa chắc là như thế, mà nó tùy thuộc vào cách sống đạo của chúng ta. Có thể chúng ta tin Chúa nhưng không yêu Chúa, cần Chúa nhưng không theo Chúa. Chúng ta hay xin Chúa điều này điều kia, khi gặp khốn khó gian nan, còn những lúc khác thuận lợi thì... cho Chúa qua một bên. Trong một ngày sống, chúng ta nhớ tới Chúa bao nhiêu lần? Một tuần chúng ta đi lễ mấy lần? Nhiều người chỉ đi lễ Chúa nhật vì sợ phạm tội trọng, đã vậy còn đi trễ, còn ngồi ngoài, còn coi điện thoại, hút thuốc lá... Như thế thì yêu Chúa kiểu gì? Chúng ta có đem Lời Chúa ra thực hành không? Hay Lời Chúa trả lại cho Chúa, khi quay lưng, bước ra khỏi cánh cửa nhà thờ... Nếu chúng ta đang sống như thế, thì có lẽ, chúng ta chưa yêu Chúa và cũng chưa ở cùng Chúa đâu, mà chỉ coi Chúa như một người từ thiện, để đến xin một món gì đó theo nhu cầu của mình. Hãy tự xét xem mình có đang ở cùng Thiên Chúa.

Đẩy xa vấn đề đi thêm một chút nữa. Chúng ta có ở cùng người khác không? Người khác ở đây là những người thân yêu trong gia đình của chúng ta: ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái... chứ chưa nói tới người dưng nước lã. Chúng ta có đang ở cùng họ không? Rất có thể chúng ta đang ở chung một mái nhà với họ nhưng sống riêng biệt với họ, ở chung mà không ở cùng. Ở cùng có nghĩa là chúng ta yêu thương họ, quan tâm chăm sóc họ, hy sinh phục vụ họ, làm tất cả mọi thứ để họ được vui vẻ, bình an và hạnh phúc, chứ không phải là la ó, chửi bới, đánh đập, bỏ bê, hắt hủi, không tôn trọng, không phụng dưỡng cha mẹ già yếu, còn tiền còn của thì còn tới, ra riêng rồi thì bỏ quên bố mẹ, thiếu quan tâm giáo dục con cái... Nếu chúng ta đang sống như thế, thì chúng ta đang không ở cùng những người thân yêu của chúng ta. Sống chung mà không ở cùng.

Cộng đoàn thân mến, Thiên Chúa yêu chúng ta vô ngần nên đã muốn làm người để được ở cùng chúng ta. Vì thế, để đáp lại tình yêu ấy, chúng ta hãy duyệt xét và chỉnh đốn lại con người mình cho ngay thẳng, để Chúa có thể đến và ở cùng chúng ta, để chúng ta có thể ở cùng Chúa và yêu Chúa hơn. Từ đó, chúng ta có thể yêu những người thân cận của mình và trân trọng những giây phút đang còn được ở cùng với họ.

Giuse hạt bụi tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây