TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tâm tình tạ ơn trong thơ Hàn Mặc Tử

Thứ tư - 13/07/2022 06:01 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1113
Lời tạ ơn biểu lộ lòng khiêm nhường, thái độ khiêm cung đón nhận những bàn tay yêu thương nâng đỡ. Trong thơ Hàn Mặc Tử tâm tình tạ ơn ấy ngập tràn trong trí thơ.
Tin5ghg
Tin5ghg

Tâm tình tạ ơn trong thơ Hàn Mặc Tử


 
 
Tạ ơn là một điều cần thiết để trở nên một con người sống xứng đáng với Thiên Chúa, với các bậc tiền nhân và cám ơn nhau giữa cuộc đời. Lời tạ ơn biểu lộ lòng khiêm nhường, thái độ khiêm cung đón nhận những bàn tay yêu thương nâng đỡ. Trong thơ Hàn Mặc Tử tâm tình tạ ơn ấy ngập tràn trong trí thơ.
“Như song Lộc triều nguyên: ơn phước cả, Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng. Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng. Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.” (Ave Maria, Hàn Mặc Tử)
Tạ ơn không chỉ bằng lời nói mà bằng cả những kinh nghiệm đời thường đã trải qua, dù lớn hay nhỏ. Đavit tạ ơn Chúa vì nhận ra: “Chúc tụng Chúa đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con trong thành trì vững chắc.” (Tv 31, 22). Một tâm tình của người dù vẫn còn trong đau khổ bởi bệnh tật vẫn nhận ra lòng từ bi của Thiên Chúa qua bàn tay những người trợ giúp: "Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế/ Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ/ Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ" (Ave Maria, Hàn Mặc Tử). Đâu chỉ là lúc qua cơn nguy nan mới tạ ơn. Tạ ơn ngay khi lòng vừa thoát khỏi những vùng tăm tối do bệnh tật gây nên, như không còn tin, không còn trông cậy. Những giải thoát khỏi đêm tối đức tin có thể hiểu, nhờ những tấm lòng, một đức tin của các sơ phục vụ bệnh nhân phong và những người sống mạnh mẽ đức tin. Có lần Hàn Mặc Tử nói đến: “Đây là hương quý trọng thấm trong mây, Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm (Đêm Xuân cầu nguyện)  
Tạ ơn như kinh nguyện hằng ngày dâng lên Chúa. Đó là cách nuôi dưỡng một tâm tình tạ ơn làm cho tâm hồn mềm dịu lại, uốn nắn đời sống thường nhật: “Vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95, 2). Cuộc đời như khúc hát tạ ơn. Bao nhiêu ngày sống là bấy nhiêu tâm tình tạ ơn, bao nhiêu hồng phúc là bấy nhiêu tâm tình cảm tạ. “Người thế gian, ôi miệng lưỡi đâu rồi?
Và tán tạ và không khen nức nở.” (Say thơ, Hàn Mặc Tử). Ở trong thơ Hàn Mặc Tử luôn thấy những lời chân thành của lòng tri ân ấy, có thể ẩn dưới những lời ngỏ “Đau thương”: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống. – Thôi, mời cô cứ vào…” Những lời ấy đường như trải qua đau thương, thấm từng tình Chúa qua tình người, sống để yêu và yêu thương để sống.

Tạ ơn trong Thánh lễ đời ta tham dự. Đó là tâm tình tạ ơn cao sang nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. “Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người. Bởi vì Chúa nhân hậu,muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.” (Tv 100, 4 – 5). Lòng từ bi của Chúa đón nhận ta vào lòng thương xót, chính Người bẻ thân mình Người nuôi dưỡng chúng ta. Trong thơ Hàn Mặc Tử vào những lúc đau bệnh đã cảm mến thật sự: “Hiệp hòa thơ cho yêu mến bâng khuâng, Bao nhiêu lòng ai trút sạch lâng lâng. Đây tất cả, hỡi ôi! Mình Thánh Chúa, Của tế lễ là nguồn ơn chan chứa, Đáng trọng thiên và tất đáng mong ơn. Ly Tao rằng đàn ngọc cũng theo đờn, Bởi đạo hạnh rung muôn dây tình cảm. Không mê chi kỳ trân người vàng chạm” (Say thơ, hàn Mặc Tử). Khi chưa cảm mến đủ, tâm tình tạ ơn của ta hời hợt, thiếu sót, cũng vì thế mà tâm hồn ta còn khô cằn, sỏi đá. Ta chưa thấm, ta chưa đủ mạnh để thấm thía tâm tình tạ ơn khi tham dự Thánh Lễ. Cuộc đời ta thiếu nhiều chiều sâu cảm nghiệm nên của lễ tình yêu chưa trọn vẹn. Có lẽ Hàn Mặc Tử đã trải qua nhiều đau thương, những đau thương mà thánh Augustine viết: “Sau cuộc sống lâu dài tràn đầy những nỗi vất vả khổ đau một tâm hồn sẽ có khả năng để đạt tới được dung nhan của Thiên Chúa và sẽ được cứu độ trong sự phô bày của ánh sáng không cần tới thân xác và trong sự tham dự vào trong sự bất tử không hề đổi thay của nó, mà để đạt được điều đó, chúng ta phải được thiêu đốt trong nỗi khát khao đầy yêu thương” ((Những câu nói nổi tiếng của Thánh Augustino do Marianne Ligendza tuyển tập – L.m Đaminh Thiệu chuyển ngữ)
Tạ ơn còn là tường thuật việc Chúa làm cho ta: “Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa, cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm” (Tv 107, 22). Tường thuật chính là ta cao rao tình thương của Chúa cho anh chị em. Lời ta ơn xuất phát từ một tâm hồn bình an, bình an ngay cả khi đang gặp nạn, vì ở đó ta cũng nhận ra tình thương Chúa đỡ nâng. “Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ: Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm, Mà ta ngỡ đấng Tiên Tri muôn thuở Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.” (Nguồn thơm, Hàn Mặc Tử). Lời ta chia sẻ chưa bộc phát từ tâm hồn say mến Chúa, nên lời ấy chỉ như hơi mát thoảng qua, người khác chưa đủ cảm nghiệm. Nguồn thơm của Hàn Mặc Tử đã chín mùi trong đau thương, đã thấm đẫm lòng yêu mến, nên trong tận cùng nỗi đau, ta cảm nhận tâm hồn mình rúng động bởi một tiên tri.
Lời cao rao vẫn chưa đủ, chưa đã, lời tạ ơn ấy còn muốn truyền rao từ đời này sang đời kia: “Bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ, loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay! Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng, hoan hô Ngài công chính.” (Tv 145, 6 – 7). Chúa công bình và nhân ái, đó là một Thiên Chúa mà Hàn Mặc Tử cũng muốn ca tụng, bởi Chúa đã để cho Hàn một thứ bệnh đau tận xương tuỷ, nhưng cũng lại ban cho một tâm hồn thơ, như “điên”, như “say”. Trong tình yêu cảm mến, một lòng khát khao lòng đạo kết nụ, đơm hoa như mùa Xuân: Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc, Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác, Rất phương phi trên hết cả anh hoa. Xuân ra đời! Điềm ngọc ấm như ngàThơ có tuổi và chiêm bao có tích, Và tâm tư có một điều rất thích. Không nói ra vì sợ bớt say sưa!” (Ra đời, Hàn Mặc Tử). Chúa lấy đi của ta bao điều ta ước mong, nhưng có thấy không? Người ban lại cha ta hằng bao phước lộc. Tình yêu là thế đó, lặng yên để nhận ra điều đặc biệt của công bình và nhân ái.
Lòng tạ ơn thấm nhuần tâm can nhưng lại muốn vỡ lở cả không trung. Không chỉ ở tâm hồn mà cả muôn tạo vật “Hãy ngợi khen Người”, Thiên Chúa ta trổi vượt: “Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần. Vì chư thần các nước đều là hư ảo, còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao. (1Sbn 16, 25). Khi ta nhận ra hồng ân cao cả của Thiên Chúa, ta cũng nhận ra không chỉ ta, mà cả không gian, vũ trụ bao la cũng tạ ơn Chúa, Đấng dựng nên tất cả và trao cho con người tất cả. “Ta chấp hai tay quỳ hoan hảo, Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gianĐể vừa dâng vừa hiện bốn mùa xuân. Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế.” (Đêm xuân cầu nguyện, Hàn Mặc Tử). Lòng người mở rộng thì lòng trời cũng rộng mở mênh mông.
Như bản lời tán tụng cao nhất trong phụng thờ (Doxology): “Vinh Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” được vang lên trong phụng vụ. Trong thơ Hàn, ta cũng thấy lời vinh tụng ca ấy: “Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả… Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc…Ôi! Trời hạo nhiên đây không phải là công trình châu báu của Người sao! Lòng vô lượng đây không do phép tác mầu nhiệm của Đấng Vô thỉ Vô chung?” (Ra đời 2, Hàn Măc Tử)
Không thể tạ ơn cho đủ, ta chỉ có thể vươn tâm hồn lên trong khả năng nhận biết, để tán tạ, chúc khen, tạ ơn Thiên Chúa. Ta đang được bơi trong biển bao la tình thương Chúa: “Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì. Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu. Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu. Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.” (Ave Maria, Hàn Măc Tử). Vươn về phía Thiên Chúa, con người mới sống có ý nghĩa và tràn đầy hân hoan để sống giữa đời.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây