Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
Chúng ta đang sống trong Mùa Giáng Sinh. Vâng, người ta thường nói, mùa Giáng Sinh được ví như mùa của quà tặng. Và, thật tuyệt vời khi một ai đó tặng cho ta một món quà. Mà, có Giáng Sinh nào ta lại không nhận được quà nhỉ!
Với người đời, món quà đó có thể là một chiếc bánh Noel, có thể là một cặp rượu đắt tiền, có thể là một thư mời dự dạ tiệc v.v… Thế nhưng, với người Ki-tô hữu, chắc chắn món quà đó ý nghĩa hơn. Vâng, đó là món quà được chính Thiên Chúa ban tặng.
Thiên Chúa, Người đã ban tặng cho ta món quà gì! Thưa, chính là món quà “cứu độ” qua Đức Giê-su Ki-tô. Đúng, như chúng ta đã tuyên xưng, “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta (Đức Giê-su) đã từ trời xuống thế”.
Sự Giáng Thế của Đức Giê-su còn ban cho chúng ta thêm một món quà rất đáng trân trọng, đó chính là Đức Maria – Mẹ Người.
**
Thật như thế chăng! Thưa, đúng vậy. Đúng là bởi, Đức Maria là nhân vật quan trọng cho “món quà cứu độ” của Thiên Chúa.
Thứ nhất và quan trọng nhất, đó là qua lời xin vâng của Đức Maria, Belem sau những năm tháng đợi chờ “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”, nay đã thành hiện thực.
Nhân chứng cho sự kiện này chính là những người chăn chiên. Họ đã nhìn thấy sứ thần Chúa hiện đến, với vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. Và họ đã nghe sứ thần Chúa nói rằng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David. Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (x.Lc 2,10-12).
Nghe theo lời sứ thần loan báo, những người chăn chiên đã bảo nhau: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”.
Thế rồi, họ hối hả đi. Khi đến nơi, họ gặp “bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi được đặt trong máng cỏ” đúng như lời sứ thần Chúa đã loan báo cho họ.
Vai trò của Đức Maria chưa dừng ở đó. “Khi Hài Nhi đủ được tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho con trẻ là Giê-su: đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người, trước khi Người thụ thai trong lòng mẹ”. (x.Lc 2, 21).
Vâng, “người ta” là ai, nếu không là “bà Maria và ông Giu-se”!
Tuy nhiên, chúng ta còn cần đến Golgotha, nơi Đức Giê-su đã hoàn tất sứ vụ cứu rỗi nhân loại, qua cái chết của Ngài.
Đến để làm gì? Thưa, để thấy nơi đây món quà mang dấu ấn Đức Maria được trao tặng. Vâng, trên đỉnh Núi Sọ - Đồi Golgotha, Đức Maria đứng đó, bên cạnh là Gio-an. Còn Đức Giêsu thì rướn mình trên thập giá, Ngài “thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh”.
Một cái nhìn, chỉ một cái nhìn của Giê-su, một món quà rất đáng trân trọng đã được Ngài ban phát. Đó chính là món quà “Tình Mẹ”. Nó đã được đóng ấn bởi chính lời Giêsu con Mẹ trước lúc biệt ly. “Đây là con Mẹ. – Đây là Mẹ của anh”. Kể từ đó Gioan “rước Bà về nhà mình”.
20 thế kỷ trôi qua, truyền thống Giáo Hội luôn dạy rằng: Maria không chỉ là Mẹ của Gioan. Maria còn là Mẹ của Giáo Hội và cũng là Mẹ của mỗi chúng ta.
Chính vì thế, Giáo Hội, qua hằng bao thế kỷ, đã không ngừng tôn vinh Mẹ qua những tước hiệu. Những tước hiệu (được tôn vinh) cũng chỉ là tiếp nối lời Thiên sứ tôn vinh Mẹ xưa kia: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp trên bóng bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
Tại Belem, chúng ta có một món quà, món quà Đức Giê-su – Đấng Cứu Độ chúng ta. Và tại Golgotha, chúng ta có thêm món quà nữa, món quà Đức Maria – người Mẹ đáng kính của chúng ta.
Thế nên, có gì ngăn cản chúng ta đồng thanh cất tiếng hoan ca: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”
***
Thật ra, không phải đợi đến bây giờ Đức Maria mới được tôn vinh danh hiệu này. Mẹ đã được tôn vinh ngay sau khi sứ thần Chúa truyền tin.
Vâng, chuyện được kể rằng: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Elisabeth”.
Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới nhà thơ Hàn Mạc Tử. Nhớ tới ông, là bởi, ông đã để lại cho hậu thế một tấm gương về niềm phó thác nơi Đức Maria, bằng những vần thơ sâu lắng, thơ rằng: “Maria linh hồn tôi ớn lạnh. Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng. Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”.
Không run sao được! Chỉ một đoạn văn tiếp theo, thánh sử Luca đã cho độc giả “run lên” khi thấy có nhiều “sự việc lạ” xảy ra tại gia trang vợ chồng Dacaria và Elisabeth, qua sự kiện Mẹ Maria viếng thăm.
Sự-việc-lạ thứ nhất xảy ra, đó là “Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên”… Run chưa!
Sự-việc-lạ thứ hai kỳ diệu hơn, đó là bà Elisabeth “được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1, 41). Có run không chứ!
Nhưng bà Elisabeth không run. Nếu nhà thơ họ Hàn, sau những run rẩy trước một Maria, ông ta đã thốt lên lời tán dương: “Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thành vẹn. Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi. Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy. Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế”, thì, bà Elisabeth sau sự rung động của thai nhi, đã kêu lớn tiếng và nói rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”.
Trong một bản Kinh Thánh khác do “United Bible Societes” ấn hành tháng 1.1996, thì, lời bà Elisabeth được ghi lại như sau: “Nhơn đâu ta được sự vẻ vang này, là Mẹ Chúa ta đến thăm ta?” (Lc 1, 43).
“Thân Mẫu Chúa tôi – Mẹ Chúa ta”. Vâng, bà Elisabeth quả đúng khi tung hô Mẹ Maria như thế. Bởi vì một con người “Đấng đầy ơn sủng. Đức Chúa ở cùng” thì việc Thiên Chúa ban cho Mẹ Maria diễm phúc được làm Mẹ “Đấng Kitô Đức Chúa” là điều tất yếu.
Vì thế, hỏi sao nhà thơ Hàn Mạc không cất lời tán tụng: “Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel, Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ, Người có nghe xôn xao muôn tinh tú, Người có nghe náo động cả muôn trời? Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời. Để ca tụng, - bằng hương hoa sáng láng, bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng”!
Vì thế, hỏi sao hôm nay, Giáo Hội không gọi Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”.
****
Như vậy, với một vài phút suy tư trên, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra món quà Thiên Chúa đã ban tặng, món quà “Đức Giê-su nguồn ơn Cứu Độ” và món quà “Tình Mẹ của Đức Maria”. Vâng, quả là một món quà “2 trong 1” thật tuyệt vời, phải không, thưa quý bạn?
Thế nên, hãy tự hỏi mình, rằng: đã bao nhiêu lần ta cất tiếng ca “một mùa đông giá hang Belem Chúa sinh ra đời”, thế nhưng ta đã thật sự đón nhận Giêsu là Cứu Chúa đời ta?
Hay ta lại dựa vào “danh” một ông lẩm cẩm nào đó, tôn thờ ông như một “lãnh tụ kính yêu – lãnh tụ đời đời”, như là cứu cánh của đời ta?
Đã bao nhiêu lần “quỳ bên hang sâu nghe lời Kinh Thánh vang cầu”, thế nhưng ta có tin và đón nhận Kinh Thánh như là “ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”?
Hay ta lại đón nhận ba cái học thuyết vớ vẩn nào đó, được đánh bóng bằng những mỹ từ xảo trá, rằng đây mới chính là ngọn đèn soi thế gian, là ánh sáng cho nhân loại, là giải pháp đem lại hạnh phúc cho con người!
Hãy cẩn thận, “vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (x.Cv 4, 12).
Hãy cảnh giác, những loại học thuyết đó, thánh Phaolô gọi nó là “tự bản chất không phải là thần” và Ngài đã có lời khuyên rằng “nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa”, hay sao? (Gl 4, 9).
Hãy nhớ rằng, khi ta nhận Đức Giê-su là Cứu Chúa của đời ta, chính lúc đó ta “được ơn làm nghĩa tử Chúa” và được gọi Thiên Chúa là “Apba-Cha ơi!”.
Và khi tôi đón nhận “Tình Mẹ của Đức Maria”, hãy tin “Đấng Toàn Năng (sẽ) làm cho tôi biết bao điều cao cả”.
Vâng, đừng nghĩ rằng, những điều nêu trên chỉ là “một mớ lý thuyết xuông” như có một vài người (dù đã là Ki-tô hữu), nghĩ như thế.
Thế nên, hãy xác tín lại, rằng: tôi có đón nhận món quà Thiên Chúa tặng, hay không?
Vâng, nếu ta đã đón nhận, sẽ là khôn ngoan mỗi khi ta khởi đầu lời cầu nguyện bằng hai chữ “Apba – Cha ơi”, bởi đó chính là những đoạn “intro” không thể thiếu cho lời nguyện ca, với Đức Maria, rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn