Chúa Nhật III – MC – A
Hãy khát mong Chúa
“Đức tin Kitô không phải là một học thuyết hay triết lý, mà là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”. Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng ngày thứ hai 28-11-2016 tại Nguyện đường Thánh Marta.
Trong thánh lễ hôm đó, ngài còn có lời dạy: “Và ta phải tự hỏi mình làm sao ta có thể tiến đến gặp Chúa Giêsu. Tôi phải có thái độ nào để gặp gỡ Chúa? Tôi có phải chuẩn bị lòng mình để gặp gỡ Chúa?... Sẽ có những bất ngờ cho chúng ta, bởi Thiên Chúa là Chúa của những sự bất ngờ. Thiên Chúa cũng không đứng yên. Tôi đang trên đường đến gặp Chúa, và Chúa đang trên đường đến gặp tôi, và khi gặp được Ngài, tôi vô cùng kinh ngạc khi biết Ngài là người tìm tôi, trước khi tôi đi tìm Ngài… Ân sủng, tình yêu và sự trìu mến dư tràn của Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm chúng ta”.
Vâng, câu chuyện “Đức Giê-su tại Samari”, như là minh chứng cho lời cảm nghiệm nêu trên của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.
**
Câu chuyện được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: Hôm ấy, Đức Giêsu bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. Do đó, Người phải băng qua Samari.
Phải chăng đây là một cuộc hành trình có chủ đích? Thưa, không thấy thánh sử Gio-an nói đến. Tuy nhiên, qua lời tường thuật “Người phải băng qua Samari”, chúng ta có thể nghĩ rằng, đúng là một cuộc hành trình có chủ đích.
Tại sao ta có thể nghĩ như thế? Thưa, vào thời Ðức Giêsu, nước Do Thái chia ra làm ba xứ. Phía Bắc là Ga-li-lê, phía Nam là Giu-đa và chính giữa là Sa-ma-ri. Dân Giu-đa không thích giao thiệp với dân Samari. Nguyên nhân là bởi, từ năm 727 TCN, mười chi phái Do Thái phương Bắc bị Ðế quốc A-si-ri bắt làm phu tù. Vua A-si-ri đem những người Babylone đến định cư ở đó. Vì vậy có một số người Do thái ở Samari bị pha lẫn giòng máu người ngoại bang. Chính vì thế, người Do Thái chính gốc tẩy chay người Samari.
Đức Giê-su, về phần xác là người Giu-đa, vì Ngài sinh ở Belem xứ Giu-đa. Hôm ấy, Ngài đến “một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Giacop đã cho con là ông Giu-se” không ngoài chủ đích để tìm “những chiên khác không thuộc ràn này”.
Vâng, nhìn trên bản đồ Do Thái, từ Giu-đê tới Ga-li-lê đoạn đường khá xa, vì thế, không ngạc nhiên, khi đến “giếng của ông Gia-cop” Đức Giê-su cảm thấy “mỏi mệt”. Rất bình thường, Ngài “ngồi ngay xuống bờ giếng. (x.Ga 4, 6).
Và rồi… “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”. Rồi chỉ là những trao đổi rất đời thường giữa Đức Giê-su và người phụ nữ. Trước là “xin nước” uống, sau là những chuyện liên quan đến cuộc sống của con người.
Ấy vậy mà, chính những trao đổi tưởng như thường tình đó đã đảo lộn người phụ nữ. Chị ta đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, và rồi bị chinh phục bởi những lời thốt ra từ Đức Giêsu.
Làm sao không ngỡ ngàng cho được! Là người Do Thái, thế mà Đức Giê-su đã không ngần ngại xin một người phụ nữ Samari “chút nước uống”. Đó là điều cấm kỵ.
Làm sao không bị chinh phục cho được! Chỉ là một kẻ xa lạ, và mới chỉ là cuộc gặp gỡ lần đầu, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái cuộc đời không mấy sáng sủa của chị ta.
Chị ta không thể tin nổi khi Đức Giê-su biết rõ ràng rằng: “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4, 18).
Hôm ấy, kết thúc cuộc trò chuyện, người phụ nữ Samari chỉ còn biết thốt lên rằng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một đấng ngôn sứ”.
Và, không một chút chần chờ, chị ta để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Không dừng ở đó, chị ta còn nói tiếp rằng: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”
Vâng, có thể kết luận rằng, qua cuộc gặp gỡ này, chị Samari như “nai rừng khát mong nguồn suối”, và chị đã được Đức Giêsu làm cho “thỏa lòng trông mong”.
***
Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su tại Samari”. Hôm đó, Ngài nói với người phụ nữ rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.
Phải chăng, chị Samari nghĩ rằng “nước hằng sống” chính là loại nước chị ta dùng hằng ngày? Có phải thế, nên chị ta đã không ngần ngại xin Đức Giêsu “thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”?.
Vâng, chị ta đã lầm. Tuy nhiên, thật đáng cảm phục về lòng tin của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu. Chưa biết Đức Giêsu là ai, thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.
Nghĩ về hành động của chị Samari, thật phải đạo khi chúng ta tự hỏi: còn tôi, đức tin của tôi có đủ để tin vào những lời Đức Giê-su đã phán dạy rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”? (x.Ga 7, 37).
Vâng, đấy là ân sủng, và thánh Phao-lô khẳng định rằng: “…Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay” (x.Rm 5,2).
****
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi mỗi chúng ta “uống nước tôi cho”. Bờ giếng Ngài ngồi không phải là bờ giếng Giacop, nhưng là bờ-giếng-Thánh-Kinh.
Tại nơi đây, chúng ta sẽ được thỏa lòng khao khát, chúng ta sẽ nhận được mạch nước của Thần Khí: mạch nước bác ái, mạch nước nhẫn nhục, mạch nước nhân hậu, mạch nước từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ.
Chính những mạch nước này sẽ thoả lấp những cơn khát của chúng ta, cơn khát tình yêu thương: tình yêu thương gia đình, tình yêu thương vợ chồng, tình yêu thương tha nhân.
Hay, chúng ta lại mải mê bu quanh bờ-giếng-trần-thế, mong sao giải quyết được những cơn khát trần gian: cơn khát quyền lực, cơn khát danh vọng, cơn khát tiền bạc, cơn khát tình dục v.v...?
Ôi! nếu chúng ta khát khao những thứ đó, hãy nghe Cohelet nói: “Phù vân, quả là phù vân... tất cả chỉ là phù vân. Thú vui trần gian ư?! Nhà cửa, bạc vàng và vật quý ư?! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư?! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người... Tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 2,11)
Hãy nhớ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì”.
*****
Thế nên, hãy để một phút hồi tâm, trở về trong thinh lặng và tự hỏi: “Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm, sáu mươi năm tin Chúa, thế nhưng, chúng ta đã bao nhiêu lần xin Ngài “thứ nước ấy - nước Thần Khí - để tôi hết khát?”
Vâng, câu trả lời thuộc mỗi chúng ta. Thế nhưng, nên chăng, chúng ta cùng xem lại cuộc đời thánh Augustino!
Là một người học thức đầy triển vọng, đã từng được mời diễn thuyết trước hoàng đế, thế mà, “khi xe ông đi ngang qua một người hành khất say khướt bên đường, ông than thở rằng cuộc sống của ông còn nặng gánh lo âu hơn con người khốn khổ này” (nguồn: Wikipedia)
Nặng gánh lo âu, phải chăng là bởi những thú vui trần gian, những buổi tiệc tùng say sưa chè chén, những lời tung hô trọng vọng v.v… vẫn không thỏa cơn khát tâm hồn Augustino?
Thế rồi, một ngày nọ, sau khi đọc một đoạn Kinh Thánh trong sách Roma “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”, Augustino có một cuộc đổi đời. Ông ta từ bỏ sự nghiệp hùng biện, chức nghiệp giảng dạy ở Milano, cung hiến đời mình phục vụ Thiên Chúa.
Được như thế, đó là nhờ ông đã khởi đầu hành trình tìm kiếm Chúa bằng tâm tình sám hối, cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Ngài đã trở thành linh mục, rồi giám mục giáo phận Hippo. Thánh nhân đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Thưa bạn, bạn có “băn khoăn khắc khoải” trong việc tìm kiếm Chúa! Bạn có “khát khao nên người công chính”? Đừng sợ đó là việc bất khả thi. Hãy noi gương thánh Augustino, hãy có một tâm tình sám hối, cầu nguyện và đọc Lời Chúa, như ngài.
Cuối cùng, nên chăng, ta sẽ dùng Lời Chúa trong Thánh Vịnh 42, xem đó như kim chỉ nam cho cuộc đời mình, lời rằng: “Như nai rừng khát mong nguồn suối, hồn con cũng khát mong Chúa” (Tv 42, 1)
Vâng, đừng khát mong gì cả, “hãy khát mong Chúa”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn