TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vinh Danh Thiên Chúa trên trời

Thứ năm - 13/05/2021 21:17 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   985
Vinh Danh Thiên Chúa trên trời

Vinh Danh Thiên Chúa trên trời

Merry Christmas, Merry X.mas, những cây thông cao chót vót với những chùm đèn nhấp nháy, rồi những robot hình nhân, mặc áo đỏ mang khuôn mặt ông già Noel nhún nhảy theo điệu nhạc “chuông leng keng”, hoặc ngồi chễm trệ trên chiếc xe, với những giỏ quà, do con tuần lộc kéo. Đó là những hình ảnh đập vào mắt chúng ta, nơi shop thời trang, nơi quán bar, nơi vũ trường, nơi quán nhậu, nói chung là nơi công cộng, trong những ngày qua.

Dường như thế giới ngày nay đón lễ Giáng Sinh chỉ là gói gọn trong việc nhậu nhẹt, ăn uống, mua sắm.

Mừng lễ Giáng Sinh… Vâng, đó là truyền thống đẹp của người Công Giáo nói riêng và Ki-tô hữu nói chung.

Thế nhưng, Giáo Hội Công Giáo không hoan nghênh đón mừng ngày trọng đại này theo “thói đời”, nhuốm màu trần tục…

Tại sao? Thưa, lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh không thể được gọi là “lễ hội”, lại càng không thể xếp ngang hàng với những lễ hội vớ vẩn nào đó.

Mừng lễ Giáng Sinh là vui mừng trước một biến cố trọng đại. Đó là ngày sứ thần Chúa đã loan báo “Một tin mừng trọng đại… tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em… Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”.

Nhân chứng sống của biến cố này, chính là “những người chăn chiên”.

**

Vâng, chuyện về “những người chăn chiên” được thánh sử Luca ghi như sau: Chuyện xảy ra vào một đêm nọ. Khi những người chăn chiên đang quây quần ngoài cánh đồng canh giữ bầy gia súc.

Một biến cố thần hiện đã xảy ra. Sứ thần Chúa hiện đến bên họ với vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. Sự hiện đến quá đỗi bất ngờ khiến họ kinh khiếp hãi hùng.

Trong nỗi hãi hùng, họ nghe tiếng sứ thần Chúa bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David. Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (x.Lc 2,10-12).

Ô hay! Thật vậy sao! Thật sao, khi mà cùng lúc đó, họ thấy “Có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Như người xưa có nói: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”, những người chăn chiên muốn “mắt thấy”, nên bảo nhau: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”.

Và rồi, chuyện kể rằng: “Họ hối hả ra đi”.

Nghe theo lời sứ thần loan báo, những người chăn chiên đã đi đến Belem. Khi đến nơi, họ gặp “một Hài Nhi được đặt trong máng cỏ” đúng như lời sứ thần đã loan báo cho họ.

Sau khi thuật lại “điều đã được nói với họ về Hài Nhi” cho bà Maria và ông Giu-se, Tin Mừng thánh Luca ghi tiếp rằng: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”. (Lc 2, 20).

***

Chúng ta vừa mới có một cuộc hành trình về “Belem xưa”.

Vâng, Belem xưa là thế đó.

Là nơi những người chăn chiên với một tâm hồn khiêm hạ, nhìn thấy “vinh quang của Chúa chiếu tỏa”, nghe được tin mừng trọng đại: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” và đã “gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.

Là nơi những nhà chiêm tinh “thấy vì sao Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên (tìm đến) bái lạy Ngài”.

Belem còn được biết là nơi “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x.Ga 1, 14).

Thế nên, đừng “tục hóa” Belem nữa. Đừng tục hóa ngày “Đấng Cứu Độ sinh ra” bằng những yến tiệc linh đình, bằng những thú tiêu khiển thâu đêm suốt sáng, bằng những gói quà nặng phần trình diễn v.v… Mà hãy khám phá những “dấu chỉ” về sự hiện diện của “Đấng Cứu Độ”, cũng như lời mời gọi của Người.

Vâng, hôm nay, “dấu chỉ” về sự hiện diện của “Đấng Cứu Độ” không phải là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng là “những người ngồi quanh ta, trán in vết nhăn”, những vết nhăn về thể xác, những vết nhăn về tinh thần, những vết nhăn đó hằn rõ trên vầng trán của họ.

Nhìn, với tất cả lòng thương xót, chúng ta có thể thấy những vết nhăn đó rõ nét của một chiếc “mão gai”, chiếc mão gai Chúa Giê-su đã phải đội trên đầu, năm xưa.

Nói cách khác, dấu chỉ để nhận ra Ngài, đó là “những người đói khát, những kẻ trần truồng (nghèo), những người hoạn nạn, những người đau yếu bệnh tật, những người thấp cổ bé miệng, những người già neo đơn, những trẻ em mồ côi cơ nhỡ” v.v… mà hôm nay vẫn còn nhan nhản khắp nơi, chung quanh chúng ta cũng như trên khắp thế giới này.

Ta sẽ “hối hả” đến với những con người đó! Ta sẽ cho họ ăn, cho họ uống, cho họ mặc! Ta sẽ an ủi họ! Ta sẽ viếng thăm họ!

Hãy nhớ rằng, những con người nêu trên, chính là hiện thân của Đức Giê-su – Đấng Cứu Độ, mà hôm nay chúng ta tôn thờ.

Vâng, chính Ngài đã cho chúng ta biết rõ điều đó, khi cất tiếng mời gọi, rằng: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x.Mt 25, 40).

“Làm như thế” khó lắm chăng! Không khó đâu, thưa quý Bạn.

Chỉ cần, “rút ngắn” một vài mét sợi dây đèn trang trí trên cây thông (bớt đi một ít chi phí), chúng ta sẽ (dư được một số tiền), và như thế, sẽ tăng được “chiều dài” của tình yêu thương. Kết quả, có phần chắc, sẽ có nhiều người “đói được ăn, khát được uống, rách rưới được mặc”.

Cũng vậy, chỉ cần cho cây thông bốn mươi mét, “thấp xuống” còn hai mươi mét, ai… ai dám phủ nhận chúng ta sẽ “tăng chiều cao” của lòng thương xót!

Riêng tôi, tôi tin chắc, nếu chúng ta “làm như thế”, sẽ có nhiều người bệnh tật, đau yếu, trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, người già neo đơn v.v… “được viếng thăm”. Và, chắc chắn những cuộc viếng thăm đó sẽ mang lại cho họ niềm vui và hạnh phúc.

Đừng quên, làm-như-thế, chúng ta đã thể hiện rõ tinh thần Ki-tô giáo, “thương xác bảy mối”.

Mà, thể hiện rõ tinh thần Ki-tô giáo trước người đời, chính là chúng ta tiếp tục đóng vai trò sứ thần của Chúa, loan báo trước bàn dân thiên hạ, rằng: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại. Hôm nay, Đức Giê-su là Cứu Chúa của anh em”.

Cuối cùng, làm-như-thế, cũng chính là chúng ta “hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rằng: Vinh Danh Thiên Chúa trên trời…”

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ kỷ niệm Chúa Giê-su xuống thế làm người. Thưa Bạn, Bạn có vui mừng không! Tất nhiên là vui chứ, phải không, thưa Bạn!

Vâng, chúng ta có quyền biểu lộ niềm vui của mình. Chúng ta tái hiện hang Belem. Chúng ta kết đèn, giăng hoa. Chúng ta tổ chức thánh nhạc Giáng Sinh. Chúng ta cũng có thể làm một bữa “rờ-vê-dông” nho nhỏ mời bạn bè, thân hữu, chiến hữu.

Nhưng, nếu có làm, hãy làm thế nào để việc làm của ta “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây