TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thế nào là tham dự một Thánh lễ nên trọn?

Thứ ba - 09/01/2024 20:00 | Tác giả bài viết: Nguyễn Vĩnh Căn |   2180
Có người cho rằng: đi tham dự thánh lễ đủ thiếu không quá quan trọng, mà quan trọng là tinh thần tham dự có sốt sắng không?
Thế nào là tham dự một Thánh lễ nên trọn?

Thế nào là tham dự một Thánh lễ nên trọn?

Đây là một câu hỏi thường được đặt ra cho người giáo dân khi đi tham dự thánh lễ. Nhưng không phải là một câu hỏi dễ dàng để trả lời một cách thấu đáo.

Có người cho rằng: Đi xem lễ từ đầu đến cuối là thánh lễ trọn vẹn!

- Ngay cụm từ “đi xem lễ” đã không còn là cách gọi thích hợp với giáo dân sau Công Đồng Vatican II nữa rồi, mà phải gọi một cách tích cực và chủ động là, đi dâng thánh lễ hoặc đi tham dự thánh lễ. Cụm từ “đi xem” chỉ mang tính thụ động, như đi xem ca hát, xem kịch, xem phim… mà người xem không thực sự tham gia vào sinh hoạt đó. Trong khi người đi tham dự thánh lễ, đòi hỏi phải đồng dâng thánh lễ với cha chủ tế.

Thực ra, câu trả lời trên chỉ đúng trên hình thức, yếu tố tinh thần sốt sắng, nghiêm trang, cầm trí, mới là tinh thần cần thiết để tham dự thánh lễ.

Có người cho rằng, chỉ cần tham dự hai phần chính: Lời Chúa và Thánh Thể là trọn vẹn cho một thánh lễ.

- Câu trả lời trên, nếu xét theo sách Giáo Lý Công Giáo, thánh lễ có 4 phần: Nhập lễ - Lời Chúa – Thánh thể (Hiệp lễ) - Kết lễ, như thế là chưa đủ.

Có người cho rằng: đi tham dự thánh lễ đủ thiếu không quá quan trọng, mà quan trọng là tinh thần tham dự có sốt sắng không?

- Không thể bao biện về tinh thần sốt sắng mà bỏ quên đi yếu tố thời lượng cần thiết cho một thánh lễ.

Những ý kiến trên, cho chúng ta khái quát nhận thức của người giáo dân đi tham dự thánh lễ.

Về phần người viết, không dám đưa ra những chính kiến riêng tư múa rìu qua mắt thợ các đấng bậc am hiểu thần học để giải mã câu hỏi trên, chỉ xin góp nhặt những lời huấn giáo, chia sẻ của các cha trong các dịp tĩnh tâm, giảng phòng mà thôi.

Một lần nọ, có người hỏi cha giảng phòng: Thế nào là tham dự một thánh lễ nên trọn?

Cha trả lời:

- Để đưa ra một định nghĩa khái quát cho câu hỏi này là rất khó, vì yếu tố hình thức bên ngoài và yếu tố nội tâm luôn phải đi đôi với nhau. Ví như bạn đi tham dự từ đầu đến cuối lễ, nhưng tâm hồn thì lo chuyện đâu đâu, không có một tâm tình nào chia sẻ với Chúa, liệu có thể xem đó là trọn vẹn chăng? Rồi một người có tâm hồn sốt sắng khi dâng lễ, nhưng thiếu đầu thiếu đuôi thì cũng không thể nói là trọn vẹn được.

- Nói chung là người tham dự thánh lễ, cần phải có tinh thần hân hoan, hồ hởi phấn khởi để được đến gặp Chúa, để tham dự bàn tiệc Thánh, chứ không phải đi lễ vì thói quen bị bắt buộc hoặc đi để đối phó với luật hội thánh.  

- Ngoài ra, có những tình huống, vì những hoàn cảnh đặc biệt như, vì lỡ tàu xe, đau ốm, trúng gió, có chuyện cấp bách… thì việc đi tham dự thánh lễ thiếu đầu, thiếu đuôi… cũng có thể miễn chấp. Một người con hiếu thảo với cha mẹ, cũng có khi sai sót, cha mẹ đời nào nhỏ nhặt chấp trách, huống chi là Thiên Chúa chúng ta giàu lòng thương xót, sao nỡ chấp trách con cái trong những trường hợp kể trên. Cần nhất là tinh thần yêu mến Chúa của bạn được thể hiện như thế nào qua thánh lễ? Điều này, chỉ có Chúa biết, chúng ta không thể biện bạch một cách hình thức thế này là trọn vẹn thế kia là không.

Thế nào là cầm lòng cầm trí? Nhiều khi chúng con đọc kinh mà chẳng suy gẫm theo lời kinh, như vậy có phải là cầm trí không?

- Cầm lòng cầm trí theo nghĩa thông thường là, để hết tâm trí tập trung vào công việc mà ta đang quan tâm, hoặc việc ta đang làm… Ở đây chúng ta chia ra hai loại cầm trí: cầm trí quán tính và cầm trí có sự suy tưởng tập trung cao độ.

- Cầm trí quán tính là những lời kinh nguyện, lẽ đạo mà chúng ta đã học, đã thấu hiểu ý nghĩa và đã đọc đi đọc lại nhiều lần, mà không để tâm trí một cách tập trung, hoặc có thể vừa đọc vừa chia trí lơ là sang việc khác. Cầm trí quán tính này, cũng được xem là cầm trí. Ví như người lái xe ô tô, họ đã học hết luật lệ giao thông và kỹ năng lái xe, thì khi lái xe họ có thể: nghe điện thoại, hoặc để tâm vào những chuyện đời khác… Nhưng họ vẫn thường lái xe an toàn đấy thôi. Chỉ khi nào đánh sự mất tập trung đến độ mất cảnh giác để gây ra tai nạn, thì sự cầm trí đó, đã bị lơ là quá mức cho phép. Và người giáo dân cũng vậy, khi sự cầm trí quán tính vượt lên sự cho phép, như vừa đọc kinh vừa tơ tưởng đến chuyện dâm dục, chuyện thù ghét, chuyện bất chính… chính khi đó, sự cầm trí quán tính sẽ bị báo động là nguy cơ tổn hại đến việc đạo đức.

- Sự cầm trí tập trung cao độ là cùng suy gẫm với những lời kinh, tiếng hát… và hơn thế nữa là sự chia sẻ tâm tình chuyện trò với Chúa một cách thân mật và thành tâm.

Thưa cha, làm thể nào để tĩnh tâm tĩnh trí, khi vào nhà thờ mà tâm hồn chúng con bị xào xáo chuyện đời rối bời, khiến chúng con không thể cầm trí nổi?

- Nhắc đến điều nầy, tôi nhớ lại hồi ở ĐCV, trước giờ thánh lễ, tôi và anh bạn hiểu lầm nhau một chuyện nọ… và hai bên cãi vã nhau to tiếng một cách quyết liệt. Vừa lúc đó thì phải vào nhà thờ. Đúng như chị nói, tâm hồn tôi cứ bứt rứt, vướng vất chuyện cãi cọ hồi nãy, mà không sao có thể để tập trung cầm lòng cầm trí được. Tôi mới cầu xin Chúa: xin Chúa giúp con làm sao thoát khỏi sự rối ren, xào xáo tâm hồn lúc đó. Bỗng đâu tôi nghĩ ra một câu: Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa… Tôi cứ đọc liên hồi đến hết thánh lễ, và cảm thấy tâm hồn mình thực sự thanh thản, mà không vướng bận câu chuyện cãi vã nhau hồi nãy. Từ đó về sau, mỗi khi có chuyện rắc rối trong tâm hồn, tôi thường đọc câu thần chú trên. Các anh chị em cứ thử về làm như tôi xem, sẽ có tác dụng ngay.

Bất ngờ cha phát giấy cho mọi người với câu hỏi: Xin anh chị em hãy thực lòng cho biết, trong thánh lễ anh chị em đã cầm trí tập trung cao độ được bao nhiêu phút?

Kết quả thật bất ngờ: người đạo đức nhất cũng chỉ tập trung được không quá 7 phút, còn bình thường chỉ được vài ba phút, thậm chí một số người chẳng có được một phút nào cầm trí.

Bỗng có người to gan hỏi cha: Thế, thưa cha khi dâng thánh lễ, cha cầm lòng được bao nhiêu phút? Bị hỏi một câu hơi bất ngờ, nhưng sau đó cha đã cười xuề xoà:

- Nói nhiều phút thì bảo là cha không trung thực, mà nói ít phút thì bảo cha không đạo đức. Thú thật với bà con, khi mới làm cha, hãy còn trẻ nên còn nhiều chuyện lo ra… Không kể các bài đọc và bài giảng từ 7 đến 10 phút, tôi thường tập trung cả thánh lễ được khoảng vài ba chục phút cầm lòng thật sự. Và càng ngày tôi càng cố gắng tập trung để cầm lòng thì, bây giờ cũng đã gần như cả thánh lễ.

Thế theo cha, yêu cầu của một thánh lễ, thì việc cầm lòng ít nhất là bao nhiêu phút?

- Yêu cầu thì không ai dám yêu cầu bao nhiêu phút cho một giáo dân khi tham dự thánh lễ cả. Cầm lòng được nhiều từng nào tốt từng đó. Tuy nhiên theo cha thì, nếu ai cầm lòng được khoảng 15 phút là tốt lắm rồi. 7 phút cho lời Chúa, 8 phút cho hiệp lễ và cầu nguyện sau khi rước mình thánh Chúa.

Bất ngờ cha hỏi: Khi rước lễ xong, anh chị em cầu nguyện ra sao?

Người thì cầu cho được bình yên trong gia đình. Kẻ thì cảm tạ Chúa đã cho được gia đình êm ấm hạnh phúc. Người khác cầu cho chồng bỏ rượu chè bê tha, cờ bạc, trai gái, hút sách… Người chồng thì cầu cho vợ bớt càm ràm, bớt keo kiệt bủn xỉn tiền nong với chồng…

Có người hỏi cha: Cha có thể đưa ra một bản mẫu cầu nguyện cho giáo dân chúng con được không?

- Cầu nguyện là tâm tình của từng người đối với Chúa, nên mỗi người mỗi hoàn cảnh mà cầu nguyện theo cách riêng. Ngay cả các thánh khi ở trần gian, mỗi người cũng cầu nguyện theo mỗi cách riêng, không ai giống ai. Thời còn nhỏ, tôi cũng không biết cách cầu nguyện. Sau vào dòng tu, nhờ có người cha linh hướng đã dạy cho tôi cách cầu nguyện như sau:

- Trước hết phải học theo cách cầu nguyện của Chúa theo kinh lạy Cha: Chúng ta phải hết sức vui mừng để ca ngợi và cảm tạ Chúa; vì đã được Chúa ngự đến trong tâm hồn, mặc dầu thân phận chúng ta mọn hèn chẳng đáng. Sau đó là xin lương thực hàng ngày dùng đủ: cơm áo gạo tiền… Và sau nữa là xin cho khỏi chước ma quỷ cám dỗ…

- Cầu Đức Mẹ: Xin Mẹ cầu bầu cho con trước mặt Thiên Chúa. Xin cho con học gương nhân đức khiêm tốn và biết xin vâng như Mẹ trong cuộc sống.

- Cầu Thánh cả Giuse: xin Ngài cầu bầu cho con trước mặt Thiên Chúa. Xin cho con biết học nơi ngài đức tính nhẫn nhịn, và âm thầm hy sinh phục vụ tha nhân vô vị lời, như xưa ngài đã từng làm.

- Cầu Thánh quan thầy của riêng mỗi người: Phaolô, Gioan, Antôn… Xin ngài cầu bầu cho con trước mặt Thiên Chúa. Và xin cho con được noi theo những gương nhân đức của ngài…

- Xin các thánh Thiên thần bản mệnh, phù hộ cho con biết làm điều lành, lánh điều dữ.

- Xin Chúa Thánh Thần cho con sức mạnh để xa lánh chước ma quỷ cám dỗ. Xin Ngài soi tâm trí để con hiểu biết lẽ đạo hơn, mà sống xứng đáng làm con Chúa.

- Xin Chúa cho những người còn đau khổ vì: gia cảnh, bệnh tật, chiến tranh, ngoại đạo và những kẻ tội li được hiệp nhất trong an bình của Chúa.

- Xin cho các linh hồn thân nhân và các linh hồn sớm về hưởng dung nhan Chúa.

Nghe cha lược kê bản cầu nguyện, ai cũng cảm thấy xưa nay mình cầu nguyện một cách quá sơ sài và hời hợt. Và ai cũng cảm thấy lời cầu nguyện của cha là một bản mẫu cầu nguyện rất đầy đủ.

Cuối cùng cha kết luận: Mỗi lần đi tham dự thánh lễ, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người đi dự tiệc thánh: để có được tinh thần phấn khởi và vui sướng của một người được vinh dự ngồi chung bàn tiệc thánh với Chúa, và để cùng hàn huyên tâm sự, chia sẻ những nỗi niềm vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống với Chúa.

Có được một tâm thế như vậy, lo chi mà tham dự thánh lễ không nên trọn.

Người ghi nhận: Nguyễn Vĩnh Căn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây