TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa Ba Ngôi (Mt 28, 16-20)

Thứ năm - 23/05/2024 19:41 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   303
Thánh Phaolô gửi lời chào các tín hữu trong Chúa Ba Ngôi: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2Cr 13,13).

THIÊN CHÚA BA NGÔI
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm B: Mt 28, 16-20

LmTN 240524a


Suy niệm

Từ ngữ “Chúa Ba Ngôi” (Trinitas) không có trong Kinh Thánh, nhưng là chân lý mà Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, có Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu và tiếng phán từ trời, là ba hình ảnh tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi (Mt 3,16-17).

Thánh Phaolô gửi lời chào các tín hữu trong Chúa Ba Ngôi: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2Cr 13,13). Còn thánh Luca trong sách Công vụ và trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích Chúa Ba Ngôi: Cựu Ước là thời của Chúa Cha, Tân Ước là thời của Chúa Con, và hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Tín Kính, chúng ta cũng tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá. Nhưng Chúa Cha ở đâu, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất vừa đa dạng.

Hằng ngày ta rất gần gũi với dấu thánh giá trên mình: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhưng xem ra lại xa lạ khi cảm nhận. Những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú, cũng như những từ ngữ "ngôi vị" và "bản tính" rất cần thiết để minh định tín điều, nhưng lại rất trừu tượng và khó khăn cho sự gặp gỡ với một Thiên Chúa sống động. Thiên Chúa đúng là Đấng siêu việt, Đấng “ở trên” nhưng đồng thời cũng là Đấng “ở với” và “ở trong” con người cũng như lịch sử.

Thiên Chúa là Đấng “ở trên”, vì là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6,16). Thiên Chúa “ở trên” vũ trụ và nhân loại vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa. Những khám phá khoa học ngày nay càng làm cho ta thấy tính bất khả đáo đạt về Thiên Chúa. Trái đất của chúng ta đây mới chỉ là một thành phần của dải ngân hà, đã là điều quá vĩ đại, thế mà nó còn nằm trong hằng tỷ dải ngân hà. Quả thật, vũ trụ như vô cùng vô tận. Nếu thế, Thiên Chúa còn vô biên vô ngần đến mức nào, vì Ngài là nền tảng cho mọi hiện hữu.   

Thiên Chúa còn là Đấng “ở với” con người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Ngay từ Cựu ước, khi sai ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là:“Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều như thế (Xh 3,12; Lc 1,28). Lời hứa “ở với” đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel: Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Mt 1,23). Ngài không chỉ hiện diện với con người, mà còn chia sẻ phận người trong mọi tình trạng, kể cả đau thương và chết trong khổ nhục. Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Ngoài ra, Thiên Chúa còn “ở trong” con người. Tin Mừng Gioan tràn ngập cụm từ “ở trong”:“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… ” (15,9-10); Chúa Giêsu đã xin Cha cho một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với các môn đệ. Đó là Thần Khí Sự Thật… “Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17). Ngoài ra, Giáo Hội còn cho chúng ta biết: lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ" (GS, số 16).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không gì khác hơn là mầu nhiệm tình yêu: là một trong nhau và trong đời sống mỗi người chúng ta. Khi sai chúng ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Ngài muốn ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những nơi tối tăm và ngục tù. Ngài muốn ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng lòng nhân từ và tha thứ. Ta hãy cảm nhận và sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong chính gia đình mình, trong cộng đoàn mình, trong Giáo xứ mình. Với niềm cảm mến thâm sâu, ta cũng hãy tuyên xưng và loan truyền tình Chúa Ba Ngôi cho hết mọi tâm hồn.

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con!
Nhìn vào vũ trụ muôn loài,
chúng con nhận biết chính Ngài làm nên,
nhưng Ngài là Đấng siêu nhiên,
vô tiền vô hậu vô biên vô cùng,
xem ra cũng rất mông lung,
chúng con cảm thấy mịt mùng xa xôi.


Cũng nhờ Con Chúa xuống đời,
cho con được biết Chúa Trời Ba Ngôi,
Chúa Cha sáng tạo đất trời,
Chúa Con xuống thế cứu đời lầm than,
Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần,
chính Ngài thánh hóa bản thân mỗi người.


Tuy là mầu nhiệm cao vời,
nhưng là Thiên Chúa sáng ngời tình yêu,
vì Ngài cư ngụ trong con,
để con biết sống vẹn tròn yêu thương.


Giêsu nhân ái khôn lường,
chính là hình ảnh tỏ tường của Cha,
để con không cảm thấy xa,
mà là gần gũi thiết tha trong lòng.


Cho con luôn sống cậy trông,
để lòng con mãi hiệp thông với Ngài,
cho con đừng sống bề ngoài,
nhưng là trong Chúa hôm mai từng ngày.


Xin cho con quyết từ nay,
lòng tin cậy mến hằng ngày bên Cha,
Dưới tác động của Ngôi Ba,
để con luôn dám đi ra khỏi mình,
một đời gieo rắc an bình,
sáng lên trần thế bóng hình Giêsu. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây