TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thờ Cha Kính Mẹ (Mt 15,1-6)

Chủ nhật - 11/02/2024 03:36 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   409
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12).

THỜ CHA KÍNH MẸ
Mồng Hai Tết: Mt 15,1-6

 

LmTN 110224a

 

Suy niệm

Hôm nay Mồng Hai Tết, Giáo Hội dành để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Có thể nói rằng, là người Việt Nam, dù thuộc bất kỳ một tôn giáo nào, không thể chối bỏ là mình đã được dìm sâu trong cái gọi là “Đạo Hiếu” của truyền thống Dân tộc, còn gọi là “Đạo ông bà”, “Đạo gia tiên”, vì luôn đặt nặng tình nghĩa và ơn nghĩa lên trên hết  Những câu ca dao tục ngữ đã ăn sâu vào tâm trí và đời sống mỗi gia đình như:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


Tuy nhiên, xưa nay vẫn có một sự hiểu lầm là người Công giáo coi thường việc thờ cúng ông bà tổ tiên. “Theo Đạo là bỏ Ông Bà”. Xem ra sự ngộ nhận này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của một số người. Cần xác định ngay rằng: Đạo Hiếu theo Kitô giáo không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội, hay truyền thống dân tộc, mà đó còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ đặt trên nền tảng là niềm tin vào thiên Chúa. Vì biết rằng đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, là điều Thiên Chúa muốn mọi người phải thi hành, chứ không phải chỉ là tập tục riêng của con người.

Ngay từ xa xưa, Kinh Thánh Cựu Ước đã nói rất nhiều về việc hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Qua sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Sách Đệ nhị luật đã xác định rõ ràng trong điều răn thứ tư của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi” (5,16). Tiếp theo, các sách khác như sách Lêvi, sách Châm ngôn, sách Huấn ca, cũng đã bàn đến rất nhiều về việc thờ cha kính mẹ, và đặc biệt là cầu nguyện cho người đã chết (Macb12,44).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc lại luật hiếu thảo từ sách Xh 20, 12 và Lv 20, 9: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”. Ngài phản đối một truyền thống bày đặt bởi người Pharisêu, đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa. Làm như thế là nhân danh một truyền thống của con người mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa” và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa”. Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ. Ngài không chấp nhận lối hành xử vô lý như vậy, và đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư là thảo kính cha mẹ trong việc săn sóc và phụng dưỡng các ngài.

Tiếp nối theo Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng đã dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, ngài còn nhắn nhủ thêm:Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ của người Công giáo có sự khác biệt với anh em lương dân. “Bàn thờ” tổ tiên bao giờ cũng đặt dưới bàn thờ Chúa, và có hai điều không được phép: đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng. Sự thật đời sau không như đời này, và đối với những người đã khuất, điều họ cần không phải là ăn uống mà được yêu mến, kính nhớ, cầu nguyện. Điều họ đói khát không phải là vật chất mà là sự sống tinh thần, là sự hiệp thông và viên mãn trong tình yêu. Vì thế, người Công giáo không chỉ kính nhớ đến người quá cố qua vài nghi lễ giỗ chạp hàng năm, mà còn qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.

Tóm lại, “Đạo Hiếu” trong Kitô giáo là để sống chứ không phải để giữ. Sống “Đạo Hiếu” để chúng ta biết thông truyền chính sự sống ấy cho những người khác từ thế hệ này đến thế hệ kia, dù người ấy là ai và thuộc tôn giáo nào. Đặc biệt đối với chúng ta là những Kitô hữu, nếu không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thì làm sao chúng ta có thể hiếu thảo với Thiên Chúa được? Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ dưới đất là sự phản ảnh và là thước đo lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Cha trên trời. Cũng vậy, khi càng yêu mến Chúa thì ta càng biết thể hiện tình yêu ấy qua việc sống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, cũng như sẵn sàng cống hiến cuộc sống mình cho anh chị em.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Khi mang thân phận làm người thế,
Chúa sống hiếu thảo thật sâu xa,
ba mươi năm dưới mái nhà,
kính yêu vâng phục mẹ cha trọn tình.


Lớn lên trong tình nghĩa gia đình,
Chúa đã thành hình con yêu dấu,
học nơi Thánh Cả cao sâu,
và nơi Mẹ Thánh nhiệm mầu khiêm nhu.


Học biết yêu thương và cầu nguyện,
mỗi ngày càng nên giống mẹ cha,
trái tim rộng mở bao la,
để rồi cất bước mở ra Tin Mừng.


Sẵn sàng sứ mạng Cha giao phó,
với một tình yêu rất dạt dào,
một đời hết mực dâng trao,
hy sinh nghèo khó với bao cơ cầu.


Nhìn Chúa Giêsu sống đẹp mầu,
tình cha nghĩa mẹ thật gương mẫu,
nên con tôn kính cúi đầu,
một đời cảm mến ân sâu đáp đền.


Dù nay cha mẹ không còn nữa,
thì lòng kính nhớ vẫn đầy dư,
cầu xin Chúa cả nhân từ,
cho cha mẹ sớm an cư thiên đàng.


Bằng hy sinh việc lành bác ái,
của đoàn con cái kính Chúa đây,
nhất là thánh lễ hằng ngày,
nguồn ơn cứu độ tràn đầy phúc vinh.


Cúi xin Chúa Cả Thiên Đình,
ban cho cha mẹ an bình thiên thu. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây